Sự giàu có và tự tin của Jack Ma đã đẩy cả đế chế Alibaba rơi vào khủng hoảng như thế nào?
Đế chế của Jack Ma, cùng Tencent và các “ông trùm” công nghệ khác đang bị giới chức Trung Quốc giám sát chặt chẽ hơn.
Nguyên nhân là bởi, họ đã có được hàng trăm triệu người dùng sau nhiều năm hoạt động và ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày tại Trung Quốc.
Khi Jack Ma tham dự một hội nghị tại Thượng Hải vào tháng 10, vị doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện thương vụ IPO chưa từng có trị giá 35 tỷ USD cho công ty mà ông sáng lập vào 2 thập kỷ trước. Đợt niêm yết của Ant sẽ đưa định giá của công ty này lên mức hơn 300 tỷ USD và nâng giá trị tài sản của Ma lên hơn 61 tỷ USD, giúp ông củng cố vị trị người giàu nhất đại lục.
Phát biểu tại hội nghị “Bund Summit” vào ngày hôm đó, ông cho biết đây là thời điểm quan trọng nhất đối với sự phát triển của lĩnh vực tài chính. Sau đó, ông dành 20 phút để nhắc đến một quy định của chính phủ tồn tại đã lâu và gây khó khăn cho quá trình đổi mới tại Trung Quốc. Đó là bài phát biểu của một vị tỷ phú thẳng thắn, tự tin. Nhưng lần này, khi đã đi quá xa, Jack Ma nhanh chóng “rơi xuống mặt đất”.
Kể từ tháng 9, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một đợt thắt chặt quy định – dẫn đến việc IPO của Ant bị trì hoãn và đưa ra những quy tắc chống độc quyền cứng rắn. Theo đó, vốn hóa của Alibaba cũng bị ảnh hưởng, giảm khoảng 140 tỷ USD, tương đương 17%. Trong khi đó, Jack Ma cũng trở nên lặng lẽ hơn trước công chúng. Những động thái cứng rắn của Bắc Kinh là lời cảnh báo rằng giới chức đã mất kiên nhẫn trước sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của các “ông trùm” ngành công nghệ, thậm chí coi đó là mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị và tài chính của Trung Quốc.
Từng được ca ngợi là động lực thúc đẩy sự phát triển cho nền kinh tế và biểu tượng cho sức mạnh công nghệ của quốc gia, đế chế của Jack Ma, cùng Tencent và các “ông trùm” công nghệ khác đang bị giới chức giám sát chặt chẽ hơn. Nguyên nhân là bởi họ đã có được hàng trăm triệu người dùng sau nhiều năm hoạt động và ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày tại Trung Quốc.
Chỉ sau 1 thông báo được đưa ra vào ngày 3/11, đợt IPO của Ant bị đình chỉ, khiến các chuyên gia tài chính từ New York cho đến Thượng Hải choáng váng. 1 tuần sau, cơ quan chống độc quyền Trung Quốc ban hành 22 trang quy tắc được đề xuất. Nhiều người cho rằng đây là một lời cảnh báo tế nhị cho Jack Ma và các ông lớn cùng ngành để giảm bớt sự ngạo mạn. Ngoài ra, các nhà quản lý cũng đưa ra quy định mới đối với 1 số tập đoàn tài chính lớn như Ant, và các công ty bảo hiểm, cho vay trực tuyến.
Video đang HOT
Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị Trung Quốc mới đây cũng nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động chống độc quyền và ngăn chặn “sự bành trướng vốn diễn ra không có trật tự”. Đây là 1 dấu hiệu cho thấy những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp tư nhân có thể sắp được đưa ra.
Đế chế của Jack Ma đang trong tình trạng khủng hoảng. Các giám đốc điều hành của Alibaba hàng ngày vẫn phải thảo luận với các cơ quan giám sát. Trong khi đó, các cơ quan quản lý – bao gồm Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm (CBIRC), đang cân nhắc về việc Ant nên loại bỏ mảng kinh doanh nào để ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế. Hiện tại, họ vẫn chưa đưa ra quyết định về việc đưa ra những mảng cụ thể, chia tách các dịch vụ online vào offline hay có một hướng đi khác.
Tại Alibaba, các giám đốc điều hành đang đối mặt với những quy định chống độc quyền. Các nhà phân tích cho rằng quy định này nhắm đến những hành động cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong khi đó, tập đoàn này cũng không thể tránh khỏi những rắc rối mà Ant đang đối mặt: nền tảng thanh toán của Ant được sử dụng hầu hết cho các giao dịch trực tuyến của Alibaba cùng các dịch vụ của họ.
Trong một thời gian dài, tập đoàn của Jack Ma đã “đụng độ” với một loạt những thực thể hùng mạnh – từ những gã khổng lồ được nhà nước hậu thuẫn cho đến cơ quan quản lý. Vị tỷ phú này ban đầu được mệnh danh là “thiên tài” đứng sau Alibaba và đưa công ty này trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc. Nhưng sự trỗi dậy lần 2 đã khiến ông “lọt” vào tầm ngắm của giới chức.
Ant ra đời cách đây 17 năm trong 1 bối cảnh đầy rủi ro, khi Trung Quốc vẫn chưa cấp phép cho công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Với mô hình tương tự như PayPal, Jack Ma đã tạo ra dịch vụ Alipay hiện đang được sử dụng khắp mọi ngóc ngách ở Trung Quốc. Trong những ngày đầu, ông còn khuyến khích nhân viên với câu nói: “Nếu ai đó phải ngồi tù, thì người đó là tôi.”
Alipay sau đó phát triển mạnh mẽ, dịch vụ của họ đã trở thành nền tảng thanh toán kết nối 200 ngân hàng của Trung Quốc một cách hiệu quả, giúp đơn giản hóa thủ tục thanh toán trực tuyến và tăng tỷ lệ mua hàng trực tuyến thành công. Cùng với đó là củng cố sự thống trị của Ant trong mảng thanh toán số.
Chưa dừng ở đó, Jack Ma tiếp tục triển khai thêm một lĩnh vực sẽ “khuấy động mọi thứ” trong ngành ngân hàng vốn được quản lý chặt chẽ. Ant cho ra mắt quỹ MMF có tên Yu’ebao và chỉ yêu cầu số dư 1 tệ, cho phép người dùng rút tiền bất kỳ lúc nào. Đây cũng là một canh bạc với Jack Ma trong việc nhắm đến tạo ra hệ thống tài chính minh bạch hơn.
Những bước đi của Jack Ma nhanh chóng hứng chịu sự chỉ trích của các ngân hàng, khi họ tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về việc kiềm chế sự bánh trướng của Ant. Ngay sau đó, các nhà quản lý cũng vội vào cuộc để hạn chế dòng tiền vào, do lo ngại dòng tiền gửi ra ngoài và lượng tiền mặt khổng lồ sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của NHTW. Ant đã phải nhanh chóng tuân thủ yêu cầu từ phía giới chức và chuyển trọng tâm sang việc làm “mai mối” giữa các tổ chức tài chính và khách hàng thanh toán.
Tháng 1/2015, mối quan hệ giữa Jack Ma và giới chức lại thêm phần căng thẳng. Cục quản lý hành chính Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại (SAIC) đã công bố bản báo cáo cáo buộc Alibaba có những nhà bán mờ ám, trong đó buôn bán hàng giả và thậm chí quảng cáo sai sự thật. Để hạn chế cuộc khủng hoảng, Jack Ma đã phải gặp các cơ quan quản lý ít nhất 3 lần, trong đó ông thừa nhận việc giám sát chặt chẽ là điều cần thiết.
Hiện tại, một lực lượng đặc nhiệm đã được thành lập để giám sát Ant, được dẫn đầu bởi Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính, cùng các bộ phận của NHTW và cơ quan quản lý khác. Nhóm này thường xuyên liên hệ với Ant để thu thập dữ liệu và các tài liệu khác, cùng với đó là soạn thảo thêm các quy tắc cho ngành này.
Tại Trung Quốc, không có “ông trùm” công nghệ nào có thể sống sót mà không tuân thủ những quy tắc của cơ quan quản lý. Fanfou – liên doanh trước đây của Meituan đã phải đóng cửa vào năm 2010 sau khi bị cho là có liên quan đến bất ổn tại Tân Cương. Trong khi đó, Tencent cũng phải loại bỏ những tựa game bom tấn như Honour of Kings vì gây nghiện cho giới trẻ.
Đế chế trăm tỷ USD của Jack Ma rung lắc mạnh: Alibaba chính thức bị Trung Quốc điều tra cáo buộc độc quyền
Thông tin khiến không chỉ Alibaba mà cả Softbank, cổ đông lớn nhất của họ lo sợ.
Tờ Nikkei vừa đưa tin, Cơ quan Giám sát Thị trường Trung Quốc hôm nay vừa thông báo chính thức mở cuộc điều tra về cáo buộc "nghi ngờ độc quyền" đối với gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba.
Động thái kể trên cho thấy, giới chức Trung Quốc đang ngày càng siết chặt kiểm soát với các đại gia Internet từng được coi là biểu tượng sức mạnh công nghệ nước này.
Hiện tại phía Cơ quan Giám sát Thị trường Trung Quốc chưa cho biết thêm chi tiết.
Giới chức tài chính Trung Quốc cũng cho biết sẽ triệu tập Ant Group - công ty thanh toán của Alibaba đến các cuộc nói chuyện mang tính chất "hướng dẫn và giám sát", vài tuần sau khi IPO khổng lồ của Ant bị chính Bắc Kinh chặn lại vào phút chót.
Cổ phiếu SoftBank - cổ đông lớn nhất của Alibaba đã cắm đầu lao dốc sau khi thông tin kể trên được công bố. Hiện giá cổ phiếu này giảm 2,3% trên sàn Tokyo.
Từng được coi là lực đẩy cho sự thịnh vượng kinh tế và là biểu tượng sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, Alibaba và đối thủ Tencent Holdings đang ngày càng chịu nhiều sức ép từ giới chức. Trung Quốc lo ngại khi các hãng này thu hút được hàng trăm triệu người dùng và có ảnh hưởng đến gần như mọi phương diện trong cuộc sống của người dân.
Trước đó, Jack Ma đã khiến chính quyền Bắc Kinh nổi giận sau một bài phát biểu vào tháng 10 khi lên tiếng chê các nhà băng Trung Quốc và các quy định của chính quyền mà ông cho là không hiểu gì về internet.
Kết quả là, chi nhánh tài chính Ant Group của Alibaba đã bị đình chỉ IPO khiến giới đầu tư hoang mang tột độ.
Tờ WSJ tiết lộ rằng trong cuộc họp với nhà chức trách trước đó, Jack Ma thậm chí đã bày tỏ ý định muốn hiến 1 phần Ant cho chính quyền nhưng vẫn không ngăn được quyết định đình chỉ IPO của Ant. Cụ thể, Jack Ma đã nói rằng: "Các vị có thể lấy đi bất kỳ nền tảng nào mà Ant có, miễn là đất nước cần".
Gần đây chính quyền Trung Quốc đã ra tay quyết liệt với một vài tập đoàn tư nhân trong đó có cả Ant. Cho tới gần đây, Jack Ma nổi tiếng có mối quan hệ tốt với chính quyền. Trước bài phát biểu công khai vào ngày 24/10, ông chưa từng có bất kỳ lời nói công khai nào liên quan tới các vấn đề chính sách của nhà nước.
Trong nhiều năm, nhiều công ty bao gồm cả Ant và các gã khổng lồ như Alibaba, Tencent đều được hưởng 1 giai đoạn chịu rất ít sự soi xét của chính quyền, nhờ vậy họ mở rộng được sang nhiều lĩnh vực từ thanh toán, cho vay...
Với WeChat của Tencent và một số ứng dụng khác được phát triển bởi những công ty này, người tiêu dùng Trung Quốc và những chủ doanh nghiệp nhỏ có thể mua sắm, gọi taxi, thực hiện đầu tư hay vay tiền chỉ bằng một cú vuốt điện thoại. Những công ty như Alibaba và Tencent đã trở nên quá quyền lực đến nỗi chính quyền phải lo ngại.
Tháng 11, Trung Quốc đã công bố một vài dự thảo luật nhắm tới việc ngăn những công ty như vậy thu thập dữ liệu nhạy cảm người dùng, chống độc quyền.
WSJ: Jack Ma từng đưa ra lời đề nghị 'hiến' 1 phần Ant cho chính phủ Trung Quốc nhưng vẫn không ngăn được thương vụ IPO 35 tỷ USD sụp đổ "Các vị có thể lấy đi bất kỳ nền tảng nào mà Ant có, miễn là đất nước cần", Jack Ma nói một vài ngày trước khi Ant bị đình chỉ IPO. Khi Jack Ma đang nỗ lực cải thiện mối quan hệ với chính quyền Bắc Kinh vốn trở nên xấu đi kể từ tháng 11, tờ WSJ vừa đưa tin rằng...