‘Sứ giả’ truyền cảm hứng văn học cho học trò Tây Nguyên
Người phụ nữ nhỏ nhắn tuổi ngoài 50 có thâm niên 30 năm đứng trên bục giảng, luôn “cháy” hết mình với sự nghiệp trồng người ở vùng sâu, là “Sứ giả” truyền cảm hứng văn học cho học trò Tây Nguyên.
Truyền cảm hứng cho học trò đam mê con chữ
Năm 1987, tốt nghiệp sư phạm Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, cô trở về quê lúa Thái Bình công tác. 5 năm sau, cô theo gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp rồi được phân công về dạy trường THPT Ngô Gia Tự huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Cô Nguyễn Thị Toán (Áo dài tím) cùng các học trò của mình
Công tác ở vùng đất mới muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, cô Toán vẫn vui vẻ, quyết dành trọn thanh xuân của mình với học trò vùng sâu, cô Toán nhớ lại: Thời ấy, đường sá đi lại ở Tây nguyên vô cùng khó khăn. Trừ trục đường quốc lộ ra thì hầu hết đều là những con đường đất đỏ, mùa khô bụi mù, mùa mưa bùn nhão nhoẹt, trơn trượt… Học sinh nhà xa phải dậy từ 4 giờ sáng đi bộ cả chục cây số đến trường, rồi lại thui thủi trở về trong đêm tối.
Có em vì hoàn cảnh, gia đình bắt phải nghỉ học nhưng vẫn tìm mọi cách để đến lớp. Chứng kiến những câu chuyện cảm động như vậy, cô Toán luôn trăn trở tìm mọi cách để níu chân học trò. Điều kiện vật chất không có nhưng tình yêu thương, sự sẻ chia thì cô Toán luôn sẵn có. Những giờ lên lớp không còn là tiết học đơn thuần mà còn là nơi cô trò sẻ chia, tâm tình vui buồn trong cuộc sống. Cô Toán biết cách biến những bài văn, trang thơ trong giấy thành một câu chuyện đầy sinh động hấp dẫn, thu hút học trò. Đặc biệt, cô luôn minh họa bài giảng bằng những câu chuyện thực tế, gần gũi nhằm khơi dậy khát khao thay đổi số phận, làm chủ cuộc sống trong mỗi học trò.
Say sưa trên mục giảng, cô Toán không hay biết mình đang mang bệnh nặng cho tới khi sức khỏe suy kiệt, trí nhớ giảm sút và dấu hiệu bệnh lộ rõ bằng khối u bên cổ. Nhận hung tin mắc bệnh ung thư tuyến giáp năm 2007, cô Toán sốc nhưng tuyệt nhiên không rơi giọt nước mắt, tự học cách chấp nhận sự thật. Sau khi mổ bóc tách khối u, cô Toán bắt đầu quá trình điều trị bằng hóa chất, đây mới là giai đoạn kinh sợ nhất của những người mắc bệnh ung thư.
Cứ 6 tháng một lần, cô Toán lại vào bệnh viện xạ trị, chịu cảnh cách ly, một mình trong căn phòng nặc mùi hóa chất chống chọi với những cơn đau nhức nhối. Sau mỗi đợt điều trị, cô Toán lại về với học trò Tây Nguyên, tiếp tục đứng trên bục giảng truyền cảm hứng học tập và tinh thần lạc quan. Ròng rã suốt 3 năm liền điều trị, căn bệnh ung thư đã được khống chế nhưng may mắn chưa mỉm cười thì lại bị tai nạn gãy xương đùi. Nằm nhà điều trị cả tháng trời, cô Toán nhớ lớp, nhớ học trò da diết nên quyết định chống nạng đến trường. Dẫu thân hình chỉ còn da bọc xương, nước da xanh xao nhưng trước học trò cô luôn nở nụ cười tươi tắn.
Cô Toán được học trò cũ tặng hoa nhân ngày 20/11
Cuộc sống có nhiều biến cố thăng trầm nhưng cô luôn giữ cho riêng mình và suy nghĩ tích cực. Trước khi bước vào lớp, cô gạt bỏ mọi thứ không vui, tập trung giảng bài cho học sinh của mình. “Gần 30 năm đứng trên mục giảng, tôi nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ, của Sở Giáo dục và Đào tạo, song niềm vui, tự hào nhất là giúp các em khám phá được năng khiếu, sở trường của mình, khơi dậy trong các em những ước mơ đẹp đẽ, những đam mê cháy bỏng để vượt khó vươn lên”, lời tâm sự đầy tâm huyết của cô giáo Nguyễn Thị Toán.
Bây giờ tuổi ngoài 50, cô Toán chuyển sang đảm nhận vị trí hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông (Ea Kar). Tuy không trực tiếp giảng dạy, cô Toán vẫn luôn được học trò kính mến bởi sự gần gũi, thân thiện và hết lòng vì học trò thân yêu. Đặc biệt, dưới góc độ là người quản lý giáo dục, cô luôn đề cao việc dạy các kỹ năng mềm, ứng xử cho học sinh. Cô quan niệm chữ tài và đức phải luôn song hành với nhau.
Gieo nhân tốt tạo quả ngọt cho đời
Video đang HOT
Gần nửa cuộc đời đứng trên bục giảng với biết bao đổi thay trong cuộc sống, cô Toán luôn dõi theo hành trình trưởng thành của các thế hệ học trò như những đứa con bé bỏng. Ai hỏi về học trò, cô Toán đều đọc tên, kể rõ tính cách, hoàn cảnh của từng người một và luôn tự hào về học sinh của mình.
Một trong những học trò cô yêu quý nhất là cựu học sinh (niên khóa 1997-1998) Nguyễn Thị Tăng. Nhà Tăng ở tận nông trường Krông Năng cách trường 9 cây số, Tăng vẫn chăm chỉ đi bộ đến trường. Tăng rất ham học và say mê môn Văn, từng hai lần đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia (giải Ba năm lớp 11 và giải Nhì lớp 12). Đây là một trong những học sinh xuất sắc, mở đầu cho chuỗi thành tích 24 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia dưới mái trường THPT Ngô Gia Tự do chính cô giáo Nguyễn Thị Toán, dìu dắt, bồi dưỡng.
Cô Toán cùng các em học sinh
Anh Trịnh Đình Chung (cựu học sinh niên khóa 1995-1996) hiện là tổ trưởng môn Ngữ văn trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước), học trò trưởng thành dưới thời cô Toán cũng luôn trân quý khi nhắc nhớ về người “truyền lửa” kể: Tròn tuổi 20 rời xa mái trường THPT Ngô Gia Tự huyện Ea Kar, anh vẫn không quên hình ảnh cô giáo dạy văn dáng người nhỏ bé, có giọng nói ấm áp và nghị lực sống mãnh liệt.
Cô không dạy văn theo cách trả bài theo sách vở mà giảng bài bằng cách kể chuyện, gợi cho học sinh sự tò mò để tự tìm hiểu rồi say mê lúc nào không hay. Bản thân anh trước kia không mấy mặn mà với môn Ngữ văn, rồi cô đến gieo vào anh tình yêu văn chương đến lạ.
Mỗi lúc tan trường, anh Chung lại tìm đến nhà cô mượn sách, rồi những bữa cơm trưa do chính tay cô nấu càng thắt thêm tình cô trò . “Chính sự hồn nhiên trong trẻo và cả những khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống của các em khiến cho tôi thấy mình là người cần phải ở bên cạnh để gieo niềm đam mê, sự lạc quan vượt qua cuộc sống”, cô Toán tâm sự.
Anh Chung theo nghề sư phạm Ngữ văn tiếp bước cô giáo Toán. Đứng trên bục giảng, anh dùng tất cả những gì mình học được từ cô để truyền lại cho học sinh của mình. Một trong những thứ quý giá nhất anh học được từ cô Toán chính là sự lạc quan và tận tụy trong công việc. “Dù thời gian có trôi đi, cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên một tình cảm kính trọng, yêu quý cô Toán. Nếu không có những lời động viên, sâu sát của cô, thì một cậu bé mồ côi mẹ, bốn anh em tự nuôi nhau mà sống như tôi khó có được như ngày hôm nay”, anh Chung chia sẻ.
LÊ NHUẬN
Theo baodansinh
Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Hải Phòng: Tiên phong mô hình dạy và học đa ngôn ngữ
Hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường sư phạm tân tiến, thân thiện với chất lượng giáo dục cao, đào tạo thế hệ tương lai của đất nước tiệm cận nhu cầu của cuộc sống hiện đại, hội nhập và phát triển, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã mạnh dạn chọn hướng đi mới, đặt những viên gạch đầu tiên, từng bước góp phần tạo chuyển biến tích cực trong sự nghiệp trồng người.
Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng chào năm học mới
Xây dựng môi trường giáo dục hoàn thiện, đặc trưng với hướng đa ngôn ngữ
Với mục tiêu đào tạo thế hệ tương lai của đất nước trở thành những công dân ưu tú, năng động, khỏe về thể chất, mạnh về trí lực, có tinh thần trách nhiệm, giàu lòng nhân ái và có đủ bản lĩnh, tự tin vươn cao, hội nhập với thế giới..., Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đang triển khai cho 100% học sinh nhà trường theo học chương trình ngoại ngữ Tiếng Anh và Tiếng Pháp, trong đó 20% số học sinh tham gia chương trình song ngữ Tiếng Pháp.
Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, xem đây là một nhu cầu và cũng là yêu cầu tất yếu, hết sức cần thiết. Điều này giúp các em học sinh có thể hòa nhập được và giúp khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Do vậy, nhiều năm nay, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã rất chú trọng trong việc dạy ngoại ngữ trong trường học, tổ chức những "Ngày hội ngoại ngữ" ngay tại trường. Hoạt động này được duy trì thường xuyên, trở thành sân chơi ngoại khóa, giúp các em thể hiện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật; hiểu biết thêm về văn hóa và con người các quốc gia trên thế giới.
Lễ khai giảng năm học mới
Với phương châm "Thực tài - Thực học - Thành nhân", giá trị thực học luôn được nhà trường tôn vinh và duy trì một cách bền vững. Việc học phải gắn liền với thực tiễn, học để hiểu, để ứng dụng cho cuộc sống, để phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Tài năng phải song hành cùng những giá trị nhân cách, đạo đức mới làm nên những con người thực sự ưu tú.
Phát huy giá trị cốt lõi, hướng đến một thế hệ trẻ em tài năng, ưu tú, chân - thiện - mỹ, nhà trường luôn cố gắng đề cao giá trị lòng tự trọng, tính trung thực và ý thức cộng đồng của mỗi em học sinh, cùng nền tảng phẩm chất, tư cách, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên. Tôn trọng sự khác biệt của từng cá nhân, khả năng tư duy độc lập, cởi mở, sáng tạo trong giảng dạy và học tập cũng chính là cách để nhà trường gìn giữ, kiên định với tư duy giáo dục mới. Từ đó, học sinh sẽ biết yêu thương, sẻ chia, nuôi dưỡng những tâm hồn biết quan tâm đến bạn bè, gia đình, cộng đồng, luôn giàu lòng nhân ái.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy, cấp dưỡng và toàn thể người lao động trong nhà trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, dạy và chăm sóc trẻ. Nhà trường cũng chú trọng công tác hợp tác, xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất, có khả năng tương tác, hỗ trợ cùng hướng đến mục tiêu chung, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường và phụ huynh trong công tác giáo dục học sinh, đề cao tinh thần hợp tác với các trường bạn trong cộng đồng giáo dục thành phố, trong nước và quốc tế.
Thư viện đọc sách khang trang, hiện đại
Một ngôi trường giàu truyền thống
Có một điều ít ai biết, trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường rất giàu truyền thống. Được thành lập vào tháng 9/1970 tại trường Dân chính, nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố Hải Phòng, người Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường là cô giáo Vũ Thị Kim Trâm. Một năm sau, trường được chuyển về địa chỉ 38A Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng. Lúc ấy, trường có 24 lớp, với khuôn viên trường bao gồm toàn bộ khu nhà A và dãy nhà kho phía bên ngoài cổng trường.
Đến tháng 9/1976, thành phố Hải Phòng quyết định sáp nhập trường cấp II Đinh Tiên Hoàng và cấp II Nguyễn Trãi thành trường cấp II Đinh Tiên Hoàng. Chỉ 2 năm sau, trường được lấy tên là Trường Phổ thông cơ sở cấp 1,2 Đinh Tiên Hoàng. Rồi đến năm 1991, thực hiện quyết định của UBND quận Hồng Bàng về việc sắp xếp lại các trường trực thuộc quận, trường mang tên trường phổ thông cấp I Đinh Tiên Hoàng. Đến năm 2015 trường sáp nhập thêm trường Tiểu học Nguyễn Du, và được chính thức mang tên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, giữ nguyên cho đến ngày nay.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, quy mô nhà trường đã không ngừng phát triển lớn mạnh, cơ sở vật chất liên tục được đầu tư xây dựng và cải tạo khang trang hiện đại. Ngoài 4 khu nhà A, B, C, D, trường còn được xây mới khối nhà đa năng 3 tầng gồm nhà bếp, các phòng học và Trung tâm TDTT.
Dù ở thời kỳ nào, dù có những lúc phải trải qua nhiều gian nan, nhà trường vẫn luôn kiên định với mục tiêu hướng đến xây dựng một không gian sư phạm tiên tiến, hiện đại, thân thiện với chất lượng giáo dục và chăm sóc là ưu tiên hàng đầu, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong sự nghiệp trồng người của thành phố Hải Phòng.
Phòng tin học được trang bị dàn máy tính mới, hiện đại
Với sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành địa phương, cùng những nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động, nhà trường đã từng bước khắc phục mọi khó khăn, vươn lên trở thành mô hình điểm thành công trong dạy và học, đạt được nhiều thành tích nổi bật rất đáng ghi nhận, được Đảng, Nhà nước và thành phố trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:
- Năm 1973, trường đạt danh hiệu trường PTCS tiên tiến cấp thành phố, có tổ Tự nhiên đạt tổ lao động XHCN; chi đoàn nhận cờ xung kích của Thành đoàn;
- Năm 1984, trường cấp 1,2 Đinh Tiên Hoàng và đồng chí Hiệu trưởng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba;
- Năm 1996, trường được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ hai;
- Năm 2000, trường được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì;
- Năm 2005, trường được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất;
- Năm 2008, trường vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng lao động;
- Năm 2010, trường được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba;
- Từ năm 2010 đến nay, trường liên tục là tập thể lao động xuất sắc, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm học 2012-2013); Bằng khen của UBND thành phố (năm học 2011-2012; 2013-2014); Cờ dẫn đầu khối tiểu học thành phố, Cờ thi đua của Chính phủ (năm học 2014-2015).
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định được vị trí trong xã hội, là điểm sáng trong ngành giáo dục Hải Phòng, được các bậc cha mẹ học sinh tin yêu, được các ban, ngành, đoàn thể ghi nhận. Tiếp nối truyền thống vẻ vang, các thế hệ thầy cô giáo và học sinh nhà trường luôn tự hào và quyết tâm vun đắp, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của ngôi trường thân yêu - trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng.
Theo ĐSPL
Cô giáo mầm non xã miền núi Vũ Quang yêu nghề, mến trẻ Gần 20 năm gắn bó với nghề, cô Trần Thị Nguyệt Nga - giáo viên Trường Mầm non xã Đức Liên, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã đưa hết khả năng, tâm huyết của mình để chăm sóc, dạy dỗ con trẻ, được cấp trên và phụ huynh tin tưởng, đồng nghiệp mến phục. 10 năm liền, cô Nga là giáo viên giỏi...