Sử dụng sách tham khảo hiệu quả
Sách tham khảo cho học sinh bày bán tràn ngập trong các nhà sách. Vì thế, chọn sách gì giữa hàng ngàn đầu sách, hàng trăm tác giả là việc khó khăn đối với nhiều phụ huynh.
Phụ huynh cần lưu ý đến học lực của con để lựa chọn và sử dụng sách tham khảo hiệu quả – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bà Phạm Thị Hóa, Trưởng phòng Kinh doanh của hệ thống nhà sách Fahasa, cho biết: “Trong khoảng 1, 2 năm trở lại đây, do sự cạnh tranh rất lớn nên các nhà xuất bản đầu tư nhiều vào nội dung và hình thức của sách tham khảo, do đó phụ huynh không cần lo nhiều về chất lượng sách. Quan trọng nhất là phải chọn những cuốn phù hợp với lực học của con mình, hướng dẫn con cách sử dụng sao cho phát huy được cái hay của từng cuốn sách, tránh việc để trẻ phụ thuộc vào sách dẫn đến thiếu tự giác, lười tư duy”.
Bà Trần Tiễn Hạnh Dung, phụ trách bộ phận sách của nhà sách Nguyễn Văn Cừ, thông tin: “Hiện nay hệ thống nhà sách chúng tôi bán cả ngàn đầu sách tham khảo. Trong đó có tác giả viết nhiều tựa sách, cũng có nhiều tựa sách giống nhau nhưng của nhiều tác giả khác nhau”. Hệ thống nhà sách Fahasa hiện cũng nhập khoảng 7.000 đầu sách, trong đó các môn toán, văn và tiếng Anh chiếm phần lớn. Bà Phạm Thị Hóa công nhận do lượng sách quá nhiều nên việc trùng lặp về đề, bài giải là không tránh khỏi. “Do đó, phụ huynh không nên mua nhiều dễ bị trùng. Chỉ nên chọn một số cuốn quan trọng và nên mua theo bộ của cùng một tác giả thì sẽ dễ dàng tiếp thu hơn”, bà Hóa khuyên.
Cô Võ Thị Thùy Linh, giáo viên Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: “Điều quan trọng nhất là phụ huynh phải dành thời gian hướng dẫn con cách tham khảo sách như thế nào chứ không phải mua sách về và để con tự đọc”. Theo bà Hạnh Dung, trong trường hợp phụ huynh không biết phải lựa chọn sách nào thì nên nhờ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tư vấn.
Cần định hướng cho học sinh
Video đang HOT
Theo bà Hóa, sách tham khảo rất đa dạng, có loại chỉ gợi ý, có loại giải chi tiết, có sách kết hợp cả hai. “Dù là sách gợi ý hay sách giải thì mỗi loại đều có giá trị riêng. Phụ huynh có vai trò giám sát định hướng cho con trong trường hợp nào thì dùng bài gợi ý, trường hợp nào thì đọc bài giải”. Bà Hóa lấy ví dụ: “Trước khi cho con đọc bài văn mẫu thì nên để con đọc bài gợi ý, tự làm bài; sau đó đọc văn mẫu để bổ sung thêm những ý thiếu hụt và học cách diễn đạt, cách sử dụng câu, từ”.
Phó giáo sư – tiến sĩ Trần Hữu Tá cũng nhận định: “Sách tham khảo rất có ích nếu biết cách sử dụng. Tuy nhiên, trong môn văn nếu quá phụ thuộc vào các cuốn giải văn mẫu, đọc để thuộc lòng và vận dụng máy móc vào các bài tập làm văn thì rất nguy hiểm”. Ông Tá khuyên phụ huynh chỉ nên mua những cuốn sách gợi ý cách làm bài chứ không nên mua sách văn mẫu, vì nó dễ khiến học sinh bắt chước, làm triệt tiêu đi tư duy sáng tạo và mất dần cảm xúc. Chỉ nên cho học sinh đọc các bài văn mẫu để học hỏi chứ tuyệt đối không khuyến khích con sử dụng cho bài văn của mình.
Ở môn toán, Giáo sư Đặng Đức Trọng, Trưởng khoa Toán – Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, gợi ý: “Nếu con có lực học khá, giỏi thì nên mua sách giải sẵn các bài toán từ sách giáo khoa hoặc toán nâng cao để con tự đọc, tìm hiểu. Sau đó nói con trình bày lại”. Giáo sư Trọng nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là phải hiểu chứ không phải thuộc. Nếu học sinh trung bình, yếu thì phải có người giảng giải, kèm cặp thêm. Những sách trình bày nhiều cách giải cho một bài toán thì chỉ phù hợp với học sinh khá giỏi”.
Theo TNO
Sách quên Hoàng Sa, Trường Sa: Bộ trưởng Luận trần tình
Trong buổi chất vấn chiều 22/3 của đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phải trả lời về các cuốn sách tham khảo in cờ Trung Quốc hay quên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong buổi chất vấn chiều 22/3, đại biểu Lê Minh Thông - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi để sách giáo khoa có bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa, sách mầm non lại vẽ cờ Trung Quốc...
Quan điểm trên cũng được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) hết sức tán thành khi nhớ lại thời ông còn cắp sách đến trường cũng chưa bao giờ có hiện tượng sách tập đánh vần cho trẻ lại in cờ Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời đại biểu và cử tri về những cuốn sách tham khảo in cờ Trung Quốc và sách giáo khoa "quên" Hoàng Sa, Trường Sa.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trong số các sách in cờ Trung Quốc chỉ có một cuốn do nhà xuất bản thuộc hệ thống của Bộ Giáo dục ấn hành. Ngoài ra, một số cuốn dạy trẻ đánh vần hay kể chuyện cho trẻ có vẽ cờ Trung Quốc... không thuộc hoàn toàn trách nhiệm của Bộ GD-ĐT vì những sách này do các nhà xuất bản bên ngoài sản xuất.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng chia sẻ thêm: "Sách lưu hành trong nhà trường, bộ có danh mục rất đầy đủ. Nhưng đây là sách của các NXB nằm ngoài quyền quản lý của Bộ GD-ĐT, không còn thuộc trách nhiệm quản lý của bộ. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ cùng nghiên cứu để ra văn bản quy định quản lý các dạng sách này một cách cụ thể".
Đối với cuốn sách Tiếng Việt 1 tập Hai do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành được dư luận cho rằng hình ảnh bản đồ không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bộ trưởng Luận lý giải trên cuốn này có in đảo, nhưng chú thích nhỏ. Lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam đã báo cáo với Bộ GD-ĐT sẽ sửa chữa lỗi này. Được biết, sau khi báo chí phản ánh ngay trong ngày 22/3, NXB Giáo dục Việt Nam cũng đã hoàn thành việc in lại cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập Hai có hình ảnh rõ nét kèm theo chú thích rõ ràng về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hình ảnh bản đồ đã thể hiện và chú thích rõ tên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2 bản vừa hoàn tất in sáng 22/3.
Xung quanh câu chuyện về sách giáo khoa, sách tham khảo xuất hiện nhiều lỗi như thời gian vừa qua đại biểu Huỳnh Nghĩa đặt câu về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi chậm trễ trong việc đưa kiến thức lịch sử xác lập chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào dạy học trong nhà trường.
Ông Nghĩa không quên nhấn mạnh: "Trong khi đó ngày càng xuất hiện nhiều sai sót khó có thể chấp nhận trong việc giáo dục ý thức chủ quyền đất nước trong một số sách do ngành Giáo dục biên soạn và xuất bản như vừa qua?".
Tuy nhiên, câu trả lời của người lãnh đạo Bộ GD-ĐT không khiến đại biểu quốc hội thỏa mãn khi những thắc mắc vẫn chưa được giải đáp thấu đáo. Cũng liên quan đến những vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn đặt câu hỏi về trình độ của những người viết sách cho trẻ tại Việt Nam.
Ông Nghĩa đặt câu hỏi tại sao những cuốn sách như sách đánh vần tại sao Việt Nam không viết được mà phải nhập từ Trung Quốc. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Luận khẳng định những người viết sách ở Việt Nam hoàn toàn đủ trình độ viết sách cho trẻ. Trên thị trường hiện nay cũng có rất nhiều đầu sách chất lượng cho trẻ do tác giả Việt Nam viết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận cũng cho rằng những sách tốt vẫn được khuyến khích dịch. Việc để xảy ra những lỗi trong thời gian vừa qua là do các nhà xuất bản đã dịch một cách tràn lan, thiếu sự kiểm định chặt chẽ. Người đứng đầu Bộ GD-ĐT cho rằng việc quản lý các nhà xuất bản không thuộc thẩm quyền của Bộ.
Ông Luận cũng hứa trong thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông để quản lý tốt hơn việc xuất bản sách tham khảo của những nhà xuất bản này.
Theo VTCNews
Mũ bảo hiểm và sách tham khảo Hai chuyện tưởng chừng không liên quan này có điểm chung là người dân đang bó tay trước sản phẩm kém chuẩn, trong khi các nhà quản lý "gác cổng" chặn hàng rởm chưa hết loay hoay. Khi chế tài xử phạt yếu, nguồn hàng kém chất lượng không bị chặn từ gốc, nếu các bộ, ngành chỉ kêu gọi - người tiêu...