Sử dụng ‘hóa học xanh’ để phát triển công nghiệp bền vững
Để tham gia vào thị trường thế giới cũng như trách nhiệm phải tuân thủ các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Sản xuất và tiêu dùng bền vững mà Chính phủ đã đề ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước đã chủ động chuyển đổi sang hóa học xanh trong sản xuất.
Hóa chất xanh sẽ giúp doanh nghiệp giảm phát thải, đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.
Chuyển đổi là xu hướng tất yếu
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP của ngành công nghiệp. Hóa chất có vai trò quan trọng và là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong mọi lĩnh vực sản xuất.
Tuy nhiên, việc sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất công nghiệp đã và đang gây ra những tác động rất lớn và nguy hiểm tới môi trường và sức khoẻ con người.
Liên minh Châu Âu vừa qua đã phê duyệt một khung chính sách rất mạnh mẽ về hoá chất và chất thải trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh Châu Âu. Từ khung chính sách này, EU sẽ thắt chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường vốn đã rất cao đối với hàng hoá được nhập vào khối, trong đó có các quy định về thành phần hoá chất sử dụng trong sản xuất.
Đây chính là thách thức với các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý khi EU là bạn hàng lớn của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2021.
Hiện Việt Nam có rất nhiều ngành chủ chốt cần thực hiện hóa học xanh để cải thiện một cách đáng kể quy trình sản xuất và giảm thiểu những tác động do hóa chất thải ra môi trường các ngành này mang lại như công nghiệp mạ điện; sản xuất nhựa; ngành dệt và thuộc da, ngành giấy…
Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc UNIDO, từ tài trợ của Liên minh Châu Âu, đang thực hiện dự án Bộ công cụ IOMC, để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong việc quản lý hoá chất an toàn.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện Quốc gia Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc UNIDO tại Việt Nam cho biết, hóa học xanh là việc thiết kế các sản phẩm và quy trình hóa học nhằm giảm hoặc loại bỏ việc sử dụng và phát sinh các chất độc hại. “Thông qua Hóa học xanh và một hệ thống thiết kế được tính toán chi tiết, chúng ta có thể đạt được hiệu quả hơn các mục tiêu của mình về một môi trường và sức khỏe cộng đồng tốt hơn, công nghiệp bền vững và các nền kinh tế đổi mới và linh hoạt hơn”, bà Lê Thị Thanh Thảo cho hay.
Video đang HOT
Bà Thảo đánh giá, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và áp dụng hóa học xanh là một sự phát triển đáng khích lệ. Quá trình chuyển đổi sang nền hóa học xanh đòi hỏi nhiều thời gian, tuy nhiên để đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững và các lợi ích trong dài hạn, các doanh nghiệp Việt Nam cần bắt đầu hành trình này.
“Không thể phủ nhận rằng việc chuyển đổi sang nền sản xuất công nghiệp xanh hơn, áp dụng hóa học xanh là thách thức đối với các bên liên quan, đồng thời đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc từ phía doanh nghiệp về mặt tài chính, nguồn lực và công nghệ. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, trong mọi lĩnh vực”, bà Thảo khẳng định.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi
Ông Mai Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Plato Việt Nam cho biết, là doanh nghiệp chuyên sản xuất chuyên mạ điện bề mặt các sản phẩm kim loại để xuất khẩu đi các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản. Do đặc thù sản xuất, trong quá khứ doanh nghiệp đã từng sử dụng các loại hóa chất không thân thiện môi trường. Năm 2020, sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và mạnh dạn thay đổi, doanh nghiệp đã sử dụng các hóa chất thân thiện với môi trường và nhận được sự đánh giá cao của phía bạn hàng.
Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thuận lợi trong việc sử dụng hóa học xanh trong sản xuất. Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Quang Sang, Phụ trách an toàn sức khỏe môi trường Công ty TNHH Việt Nam PaiHo cho biết, là doanh nghiệp chuyên gia công các sản phẩm liên quan đến may mặc tại TP Hồ Chí Minh. Với quy mô sản xuất lớn và chủ yếu phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phải sử dụng nhiều hóa chất trong quá trình dệt nhuộm. Hiện công ty đang áp dụng các quy chuẩn của nước ngoài về các loại hóa chất thân thiện môi trường, tuy nhiên, hiện quy định của Việt Nam về danh mục hóa chất xanh chưa được rõ ràng nên việc thực hiện còn khó khăn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp có thể tiếp cận các quy chuẩn hóa học xanh, bà Lê Thị Thanh Thảo cho biết, trong khuôn khổ dự án Bộ công cụ Quản lý Hóa chất gọi tắt là IOMC, trong năm 2021 và 2022, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương và UNIDO đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các đối tượng liên quan bao gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp của Việt Nam. Tại đây, các học viên được tiếp cận với các bộ công cụ do UNIDO phát triển cùng đại học Yale, Mỹ, về Hoá học xanh dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu.
Cũng theo bà Thảo, bên cạnh hoạt động nâng cao năng lực, UNIDO cũng đang nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của hóa chất không an toàn đối với sức khỏe con người, môi trường và thế hệ mai sau. Người tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách nâng cao tiêu chuẩn hoặc thúc đẩy các nhà sản xuất ngừng sử dụng các chất độc hại trong sản xuất.
“Hiện UNIDO đã và đang hỗ trợ các công ty tại một số khu công nghiệp từ Bắc vào Nam ở Việt Nam nhằm thúc đẩy các công nghệ xanh và sạch hơn”, bà Thảo chia sẻ.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết, phát triển hóa học xanh là một xu hướng tất yếu đối với công nghiệp hóa chất tại Việt Nam, vấn đề này sẽ được cụ thể hoá bởi các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hoá chất 2007 trong thời gian tới.
Phát triển hóa học xanh vừa bảo đảm phát triển bền vững, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Theo ông Thanh, bên cạnh các chính sách ưu đãi về thuế, phí của Chính phủ cần phát triển lực lượng lao động được đào tạo về hóa học xanh, bồi dưỡng quan hệ đối tác và tăng tính minh bạch về mối nguy hiểm về chuỗi hóa chất được sử dụng. Đồng thời, khuyến khích áp dụng các công trình nghiên cứu, quy mô phòng thí nghiệm áp dụng vào sản xuất của các doanh nghiệp với chương trình hành động chi tiết, nguồn tài chính từ doanh nghiệp, nhà nước và các tổ chức quốc tế theo nguyên tắc cùng có lợi.
Dư địa xuất khẩu sang EU còn nhiều nếu doanh nghiệp tận dụng tốt EVFTA
Sau 2 năm Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt những lợi thế đa dạng từ hiệp định này. Tuy nhiên, theo đánh giá, thị phần hàng Việt tại thị trường EU hiện vẫn còn thấp và còn có tiềm năng phát triển hơn nữa.
Thuỷ sản là một trong những ngành được hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh: TTXVN.
Tăng trưởng 15%
Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Sau 2 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả... đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao ở mức từ 20-30%/năm và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 2 năm vừa qua, tính từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.
"Trong 2 năm vừa qua, đa số các mặt hàng của chúng ta xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%. Còn với các nhóm hàng truyền thống, chúng ta đã xuất khẩu mạnh từ trước khi có hiệp định như dệt may, gia dày, đồ gỗ, cũng đạt mức tăng trưởng từ khoảng 10-15%. Duy nhất có một nhóm hàng do tác động của dịch Covid-19 có bị giảm sút đó là điện thoại và linh kiện. Tuy nhiên, về tổng thể chúng ta thấy rằng, tác động của Hiệp định là một xung lực rất tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam", ông Trần Thanh Hải cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông - Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, EU từng là thị trường số 1 của thuỷ sản Việt Nam nhưng sau đó bị rơi vào thứ 4, sau cả Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Bởi xuất khẩu cá tra liên tục bị sụt giảm, mặt hàng tôm, hải sản khác cũng liên tục bị sụt giảm.
Tuy nhiên, năm 2020 khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mang lại kỳ vọng lớn cho xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường này. Theo đó, nhóm thuỷ sản chủ lực như tôm chiếm 40-50% xuất khẩu sang EU, cá tra chiém 10-16%, các mặt hàng hải sản khác chiếm 35%... Có thể nói, các nhóm mặt hàng thuỷ sản chính đều được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực.
Đến năm 2022, hết quý II, EU là thị trường nằm trong ba nhóm xuất khẩu thuỷ sản cao nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, nhưng với các thuế quan ưu đãi của EVFTA đã bộc lộ rõ nét, xuất khẩu thuỷ sản tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thuỷ sản chính kể cả cá tra đã tăng 30-39%, trong đó cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Còn nhiều rào cản cần vượt qua
Đánh giá về việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA trong 2 năm vừa qua, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhìn nhận, EU là thị trường khó tính với hàng rào kỹ thuật nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đáp ứng yêu cầu cao để vào thị trường. Điều này cho thấy tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi, doanh nghiệp Việt Nam đã định hướng thị trường và mặt hàng tốt hơn. Tuy nhiên, nhìn vào thị phần hiện nay vẫn còn thấp, rau quả chưa đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp...
"Chúng ta vẫn đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi đó thị trường EU rất lớn, rất hiệu quả thì chúng ta chưa tập trung, như vậy dư địa tăng trưởng còn rất lớn, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa", ông Ngô Chung Khanh khẳng định.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, ở góc độ doanh nghiệp, Trung An đã thâm nhập được thị trường EU với các lô hàng gạo thơm với giá xuất khẩu trên 1.000 USD/tấn, nhưng ở quy mô ngành, xuất khẩu sang EU vẫn rất khiêm tốn bởi Việt Nam xuất khẩu trên 6,4 triệu tấn gạo/năm.
"Trong khi EU mới ký FTA với 2 quốc gia ở Đông Nam Á là Việt Nam và Singapore, do vậy, ngành gạo cần đầu tư bài bản, có trọng điểm để khai thác EVFTA thực chất hơn", ông Bình chia sẻ.
Tương tự như mặt hàng gạo, bà Lê Hằng cũng cho rằng, doanh nghiệp vẫn đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi đó thị trường EU rất lớn, rất hiệu quả nhưng chưa tập trung.
Theo bà Lê Hằng, khi xuất khẩu sang EU, thách thức lớn đối với thủy sản là bảo đảm quy tắc xuất xứ. Mặc dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình phối hợp đào tạo cho doanh nghiệp bảo đảm về chứng nhận xuất xứ nhưng cũng không tránh khỏi việc không tìm hiểu kỹ. Do từng thị trường có những kiểm soát riêng, dẫn tới những hiểu lầm về cấp C/O, quy tắc xuất xứ. Cùng với đó, thẻ vàng IUU là yếu tố làm hạn chế rất nhiều khi xuất khẩu thủy sản sang EU.
Ngoài ra, còn có các thách thức khác về dài hạn như yêu cầu chứng nhận ngày càng cao hơn của thị trường, môi trường hay lao động cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với thủy sản Việt.
Do vậy, để tận dụng thị trường EU, theo bà Lê Hằng, doanh nghiệp phải tháo gỡ được khó khăn về thẻ vàng IUU, lấy lại được thẻ xanh để tăng cơ hội cho thủy sản. Bởi nếu chuyển sang thẻ đỏ sẽ có nguy cơ mất thị trường EU và như vậy, mỗi năm sẽ mất 500 triệu USD riêng cho ngành thủy sản sang EU. Hơn nữa, đây còn là thị trường định hướng chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ.
Về Hiệp định EVFTA, bà Lê Hằng mong có thêm sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan cũng như áp dụng tốt quy tắc xuất xứ nhằm giảm bớt vướng mắc khi xuất khẩu thủy sản.
Còn Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Việt NAM thời gian qua rất tích cực, nhưng so với đối thủ cạnh tranh, so về thị phần thì chưa phải là tỷ lệ tốt. Do đó, bên cạnh các yếu tố đã có từ chính EVFTA, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nắm bắt để tận dụng tốt ưu đãi của hiệp định này.
Sửa toàn diện Luật Dầu khí để phát triển công nghiệp dầu khí trong bối cảnh mới Sau gần 30 năm ra đời nhằm tạo điều kiện cho ngành dầu khí phát triển, Luật Dầu khí hiện hành đang tạo ra những bất cập trong hoạt động dầu khí. Vì vậy, việc sớm sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí phù hợp với thông lệ quốc tế và chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam trong tình hình...