Sự cố tại kì thi viên chức giáo dục Hà Nội: Thí sinh tưởng hoãn thi vì lại có công văn hỏa tốc
Kì thi tuyển viên chức giáo dục 2019 của Hà Nội lại tiếp tục gặp sự cố khiến các thí sinh phải mất đến 3 tiếng chờ đợi đề thi. Nhiều người mệt mỏi, đói lả và thắc mắc về sự công bằng của kì thi.
Kì thi tuyển viên chức giáo dục 2019 của Hà Nội đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận
Tại hội đồng thi viên chức giáo dục 2019 huyện Hoài Đức, các giáo viên cho biết họ nhận được thông báo kỳ thi vòng 2 diễn ra bắt đầu từ 8h ngày 17/11. Chính vì vậy, nhiều người đã đến hội đồng thi từ 7h hoặc sớm hơn. Tuy nhiên, mãi đến 9h45 họ mới chính thức thi. Lý do được hội đồng thi đưa ra là do đề thi đến muộn.
Tại hội đồng thi Sóc Sơn, 9h15 giáo viên cũng mới nhận được đề thi. Tại quận Bắc Từ Liêm, phải đến 10 giờ, các thí sinh mới bắt đầu được phát đề. Tương tự, tại hội đồng thi Đan Phượng, 10h20 giáo viên mới làm bài thi. Ngay tại hội đồng thi Ba Đình, quận trung tâm của Thủ đô, giáo viên cũng phải ngồi đợi 3 giờ đồng hồ mới có đề thi.
Một số thí sinh cho biết, theo lý giải của cán bộ coi thi, việc chậm trễ phát đề là do phải chờ đợi đề của Sở GD&ĐT Hà Nội mang đến, do… tắc đường.
Thí sinh Lê Ánh Nguyệt tại Hội đồng thi Ba Đình cho biết: Thời gian ngồi chờ rất lâu đã làm thí sinh căng thẳng hơn, hồi hộp lo âu hơn. Nhiều bạn còn nghĩ rằng không biết kì thi này có diễn ra không hay lại có một công văn hỏa tốc thông báo sẽ hoãn thi, dừng thi.
Theo lịch của UBND quận Ba Đình, buổi thi sáng ngày 17/11 ở trường THCS Phan Chu Trinh bắt đầu từ 8h và kết thúc lúc 11h. Tuy nhiên, các thí sinh đã phải đợi trong phòng thi tới hơn 3 giờ đồng hồ mới bắt đầu làm bài. 13h các thí sinh mới ra khỏi phòng thi.
Video đang HOT
Nhiều người rất đói vì buổi sáng vào phòng thi sớm đã không kịp ăn sáng. Thậm chí, sau giờ thi, có những giáo viên đang mang bầu phải xuống phòng y tế nằm. Hội đồng thi tuyển có hỗ trợ ăn nhẹ nhưng vì thời gian làm bài dài và gấp rút nên hầu như không có thí sinh nào ra ngoài ăn.
Còn thí sinh Nguyễn Ngọc Linh tại Hội đồng thi Bắc Từ Liêm chia sẻ: Thí sinh đợi từ 7h25 đến 10h mới được thi, mà trong quá trình đợi không được ra ngoài, đi vệ sinh cũng giám thị đưa đi. Vì không biết là thi muộn thế nên xin phép giám thị ra ngoài lấy điện thoại gọi về báo cho gia đình thì không được ra.
Thêm nữa là cấm toàn bộ thí sinh không được mang đồng hồ, mà đồng hồ treo tường cũng không có nên không thể căn được giờ làm bài. Thí sinh làm bài từ 10h đến 13h trong trạng thái đói meo, uể oải, tinh thần chán nản. Hội đồng có mua bánh và sữa nhưng để ngoài hành lang, ai muốn ăn phải ra ngoài.
Nhiều người có giải thích sự chẫm trễ đề thi do… tắc đường. Đây là cách giải thích khó được chấp nhận, không thể tắc đường đến tận 2 tiếng rưỡi. Rất nhiều thí sinh đã tưởng rằng sẽ lại có một công văn hỏa tốc để thông báo sẽ hoãn thi. Nhiều ý kiến phản ánh với PV Báo GD&TĐ: “Thật sự thất vọng với kỳ thi này, từ lúc nộp hồ sơ đến khi thi đều bộc lộ rõ sự thiếu chuyên nghiệp”.
Được biết, đề thi vòng 2 kì thi tuyển viên chức giáo dục Hà Nội bao gồm câu hỏi về soạn giáo án 1 bài học cụ thể có trong sách giáo khoa. Ngoài ra, còn đưa ra các tình huống sư phạm xảy ra trong lớp học để giáo viên phải xử lý tình huống đó theo cách của mình. Tất cả đều tiến hành làm bài thi trong 3 tiếng đồng hồ. Riêng khối THCS, giáo viên dạy môn học nào sẽ làm bài thi chuyên môn môn đó như Toán, Lý, Hóa, Văn, Ngoại ngữ…
Kỳ thi tuyển viên chức năm nay của Hà Nội có 22 quận huyện tổ chức thi tuyển và 8 quận huyện tổ chức xét tuyển. Toàn thành phố cũng có gần 3000 giáo viên hợp đồng nằm trong diện được tuyển dụng đặc cách theo văn bản chỉ đạo mới nhất của Bộ Nội vụ.
Tuy nhiên, chỉ trước ngày diễn ra vòng 2 một ngày, UBND TP Hà Nội có 2 văn bản trái ngược nhau: Sáng yêu cầu dừng thi rồi chiều lại yêu cầu vẫn tổ chức thi, khiến các giáo viên hoang mang, lo lắng. Không những thế, công tác tổ chức kì thi không chuyên nghiệp, nhiều cụm thi giáo viên phải chờ đợi quá lâu, cụm thi trước, cụm thi sau, đề thi có cụm giống nhau khiến dư luận băn khoăn, thắc mắc.
Vân Anh
Theo GDTĐ
Hoài Đức thiếu giáo viên tại các khu đô thị mới
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của một số trường còn thiếu là khó khăn rất lớn với ngành GD&ĐT huyện Hoài Đức trong thực hiện nhiệm vụ.
Học sinh trường tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội)
Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội có buổi làm việc tại huyện Hoài Đức về thực hiện Đề án Sữa học đường và triển khai công tác năm học 2019-2020 tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Đoàn khảo sát do ông Nguyễn Thanh Bình- Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP làm trưởng đoàn cùng Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến đã đến kiểm tra trực tiếp các trường THCS Tiền Yên, Trường tiểu học Vân Canh, Trường mầm non Kim Chung.
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức, năm học này, toàn huyện có 93 trường mầm non, tiểu học, THCS với 62.189 học sinh, trong đó không trường nào có từ 50 học sinh/lớp trở lên. Cơ sở vật chất các trường công lập được huyện đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế trường học và trường chuẩn quốc gia.
Số phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị, đồng dùng dạy học của 100% trường cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh. Đến tháng 8/2019, huyện có 49 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 63,6%.
Song, khó khăn là ngành GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ theo năm học nhưng được giao chỉ tiêu biên chế, ngân sách chi thường xuyên theo năm hành chính, dẫn đến khó bố trí giáo viên trong nửa đầu năm học mới nhất là ở những trường có biến động tăng lớp.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của một số trường còn thiếu cũng là khó khăn rất lớn với ngành GD&ĐT huyện trong thực hiện nhiệm vụ.
Về thực hiện Đề án chương trình sữa học đường, toàn huyện có 126/139 trường Mầm non, tiểu học, nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tham gia, với 37.794/40.493 học sinh được uống sữa học đường, đạt tỉ lệ 93,3%.
Cả 100% trường đã xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường; thành lập tổ giúp việc tự giám sát bếp ăn và kiểm soát sữa học đường; đầy đủ hồ sơ theo dõi giám sát nguồn gốc sữa, vận chuyển, giao nhận, lưu kho, bảo quản các sản phẩm sữa theo chương trình; quản lý chặt việc tổ chức cho học sinh uống sữa.
Tuy vậy khi triển khai đề án, huyện cũng gặp một số khó khăn như một số phụ huynh nêu lý do con em mắc bệnh hoặc dị ứng với sữa; phụ huynh có con học các trường MN tư thục chưa tin tưởng chất lượng sữa, lấy lý do cho con uống sữa ngoại. Ngoài ra, một số trường chưa có kho riêng bảo quản sữa, nên khó khăn trong quản lý.
Qua khảo sát thực tế, đoàn khảo sát ghi nhận những nỗ lực của huyện Hoài Đức trong việc thực hiện Đề án Sữa học đường và triển khai công tác năm học 2019-2020. Đoàn sẽ tổng hợp cùng với kiến nghị của các quận, huyện khác, để có kiến nghị chung với Sở GD&ĐT, UBND TP, các cơ quan liên quan.
Vân Anh
Theo GDTĐ
Học sinh chương trình Song bằng rất năng động và sáng tạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, Chương trình đào tạo song bằng đã đem lại không khí học tập trong các nhà trường, tạo ra môi trường, phương pháp dạy học mới cho giáo viên, sự năng động cho học sinh. Hà Nội triển khai thành công Chương trình đào tạo song bằng. Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức lễ sơ kết...