Startup Mỹ cáo buộc Huawei lấy công nghệ, bí mật thương mại
Hãng khởi nghiệp Mỹ CNEX vừa cáo buộc Huawei rằng nhà cung ứng thiết bị viễn thông Trung Quốc đã dùng một giáo sư đại học làm việc trong dự án nghiên cứu để truy cập trái phép vào công nghệ của mình.
Ảnh: AFP
CNEX là startup có trụ sở ở California (Mỹ), đang phát triển công nghệ để tăng cường hiệu suất của ổ đĩa trạng thái rắn trong trung tâm dữ liệu. CNEX có tranh chấp với Huawei từ năm 2017. Reuters dẫn tài liệu nộp lên tòa án vào tuần trước cho hay hãng Mỹ cáo buộc rằng ông Bo Mao, giáo sư tại Đại học Xiamen ở Trung Quốc, đã yêu cầu tiếp cận một trong các bảng mạch của công ty cho dự án nghiên cứu.
CNEX cho biết hãng không yêu cầu ông Mao ký vào bản đồng ý nghiêm ngặt về việc không tiết lộ bảng mạch nói trên. Song công ty cũng cho hay trường Xiamen có làm việc với Huawei và cáo buộc rằng sau khi giáo sư Mao nhận được bảng mạch, chi tiết kỹ thuật về nó nằm gọn trong tay Huawei.
“Huawei lấy thông tin độc quyền và bí mật thương mại của CNEX, chia sẻ nó với nhân viên đang phát triển bộ điều khiển ổ đĩa, vi phạm hạn chế đặt ra trong việc phân phối thông tin kỹ thuật của CNEX, CNEX viết trong hồ sơ nộp lên tòa án. Hiện cả Huawei lẫn ông Mao đều chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Thiết bị của Huawei phần lớn bị từ chối ở Mỹ từ năm 2012 vì nhiều lo ngại về bảo mật và việc công nghệ của hãng có thể được dùng cho hoạt động gián điệp. Công ty nhiều lần khẳng định đây là quan ngại không có cơ sở. Tháng 12.2018, giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, người cũng là con gái của tỉ phú sáng lập hãng Nhậm Chính Phi, bị bắt ở Vancouver (Canada) theo yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ. Mỹ cáo buộc bà Mạnh lừa đảo nhiều ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Cáo buộc mà CNEX đưa ra hồi tuần trước là cáo buộc gần nhất trong vụ việc xuất phát từ năm 2017. Một trong những nhà đồng sáng lập CNEX là Ronnie Huang. Ông này từng làm việc cho công ty con của Huawei ở Texas (Mỹ) song rời đi vào năm 2013, trước thời điểm thành lập CNEX.
Video đang HOT
Năm 2017, Huawei kiện CNEX và ông Huang, cáo buộc rằng phát minh của startup này có liên quan đến công việc mà ông Huang làm tại Huawei và Huawei có quyền với các bằng sáng chế theo hợp đồng mà ông Huang đã ký. CNEX ngược lại, cáo buộc rằng Huawei tìm cách sử dụng chính vụ kiện để có quyền tiếp cận sâu hơn vào công nghệ của mình.
Tuần trước, tòa án bác bỏ yêu cầu về quyền sở hữu bằng sáng chế của CNEX từ Huawei. Theo luật bang California, nhân viên có nhiều đường để rời doanh nghiệp và lập hãng mới và điều này áp dụng cho một phần của hợp đồng giữa ông Huang và Huawei. Hiện CNEX còn đối mặt với một cáo buộc nữa từ Huawei, rằng ông Huang tuyển dụng không đúng đồng nghiệp cũ ở Huawei cho startup mình sáng lập.
Theo Thanh Niên
Sếp Huawei: Ông Trump cần Mỹ có mạng 6G, chúng tôi giúp được
Mặc dù đang có quãng thời gian rất khó khăn khi là đích nhắm chiến dịch chống lại công nghệ Trung Quốc của Mỹ, người sáng lập Huawei vẫn tỏ ra lạc quan.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei cho rằng chiến dịch "tấn công và dồn ép" của chính phủ Mỹ đã giúp cho công ty này và mọi nhân viên thức tỉnh.
"Bị Mỹ cấm cửa, tấn công là điều tốt với Huawei"
Không chỉ cấm cửa các thiết bị viễn thông của Huawei tại các đơn vị quốc phòng, chính phủ Mỹ còn khuyến khích đồng minh quay lưng với Huawei trong quá trình xây dựng mạng 5G. Theo Mỹ, Huawei là công cụ theo dõi của Trung Quốc. Huawei đã liên tục phủ nhận cáo buộc này.
Công ty Trung Quốc là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển công nghệ 5G. Huawei cũng đang đứng thứ 2 trong danh sách những hãng smartphone lớn nhất thế giới.
Bà Mạnh Vãn Châu đang được tại ngoại ở Vancouver, Canada. Ảnh: AP.
Tuy nhiên sau nhiều năm thành công, ông Nhậm cho rằng Huawei đã trở nên "lười biếng, quan liêu và yếu đuối".
"Từ khi Mỹ tấn công và dồn ép chúng tôi, mọi người đoàn kết hơn và quyết tâm làm sản phẩm tốt hơn", ông Nhậm nói trong bài phỏng vấn.
Thời gian khó khăn nhất của Huawei bắt đầu từ tháng 12/2018, khi con gái ông Nhậm là bà Mạnh Vãn Châu, người giữ chức Giám đốc tài chính của Huawei bị bắt tại Canada. Tòa án Canada mới đây đã chấp nhận đề nghị dẫn độ bà Mạnh về Mỹ để xét xử về các tội danh như lừa đảo và vi phạm lệnh cấm vận Iran.
"Anh hùng lúc nào cũng gặp nhiều thử thách. Nếu không chiến đấu, bị thương thì làm sao có được lớp da dày, cứng", ông Nhậm bày tỏ quan điểm về thời gian khó khăn này.
"Chịu đựng gian khó có khi lại giúp rèn luyện ý chí cho con gái tôi. Mọi chuyện không hẳn là tệ", ông chia sẻ.
Hâm mộ Mỹ, nhưng chẳng có lý do gì đến Mỹ
Mặc dù là đích nhắm cho chiến dịch của Mỹ, ông Nhậm vẫn thừa nhận nước Mỹ là nước tiên phong trong các lĩnh vực như kinh doanh, công nghệ. Ông cho biết sẽ không khuyến khích nhân viên của mình có tinh thần quốc gia cực đoan.
Theo tài liệu của tòa án, chính ông Nhậm cũng nằm trong tầm ngắm của Mỹ. Khi được hỏi liệu có lo sợ khi tới Mỹ, ông cho rằng mình chẳng có lý do gì tới nước này bởi Mỹ là thị trường nhỏ với Huawei. Dù vậy, nếu có bị bắt vào tù, ông sẽ viết sách lịch sử về cách nước Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới.
Ông Nhậm Chính Phi cho rằng bị Mỹ dồn ép lại là một điều tốt với Huawei. Ảnh: CNN.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Nhậm còn chỉ trích chính sách kiểm soát của Trung Quốc đối với các công ty của Mỹ.
"Lúc nào tôi cũng ủng hộ việc Google, Amazon và các công ty khác gia nhập thị trường Trung Quốc. Tôi nghĩ điều đó sẽ tốt cho Trung Quốc", ông cho biết.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói trên Twitter rằng ông muốn công nghệ "5G, và thậm chí cả 6G" được triển khai ở Mỹ càng sớm càng tốt, và các công ty Mỹ cần nỗ lực hơn để không bị bỏ lại. Khi được nhắc lại, người sáng lập Huawei cho rằng công ty của ông sẵn sàng giúp Mỹ đạt được điều này.
"Chúng tôi đủ khả năng, và chúng tôi sẽ hợp tác để phát triển mạng 6G tốt hơn. Tôi chẳng thù hằn gì đâu", ông Nhậm chia sẻ.
Theo zing
Chủ tịch Huawei hâm mộ Steve Jobs, mắc nợ con cái và muốn... 'bất tử' Cuộc phỏng vấn với báo chí nước ngoài của Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi hé lộ những thông tin ít biết về con người nổi tiếng kín đáo này. Ông Nhậm Chính Phi, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Huawei, vẫn giữ im lặng trước công chúng dù công ty trải qua một năm 2018 sóng gió, bao gồm các lệnh cấm...