Sri Lanka sẵn sàng điều tàu tới Biển Đỏ để bảo vệ tàu hàng
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á ngày 8/1, Hải quân Sri Lanka cho biết lực lượng này sẵn sàng triển khai tàu chiến tới Biển Đỏ để bảo vệ tuyến đường biển dành cho tàu chở hàng khỏi mối đe dọa từ lực lượng Houthi ở Yemen.
Các thành viên Lực lượng bảo vệ bờ biển Yemen tuần tra trên Biển Đỏ, ngoài khơi thị trấn Mokha thuộc tỉnh Taiz, ngày 12/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, Sri Lanka sẽ cùng các nước như Ấn Độ bảo vệ tuyến đường biển quan trọng đối với thương mại toàn cầu này.
Thông báo trên được đưa ra theo lệnh hồi tuần trước của Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, người đã tuyên bố chi 250 triệu Rs (775.000 USD) trong 2 tuần để triển khai nỗ lực này.
Theo cổng thông tin Newswire Lanka, người phát ngôn Hải quân Sri Lanka, Đại úy Gayan Wickramasuriya, đã công bố thông tin trên, song không xác nhận thời gian chính thức thực hiện kế hoạch này.
Theo ông Wickramasuriya, ban đầu, một con tàu sẽ được triển khai như một phần của Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng do Mỹ đứng đầu đang diễn ra tại Biển Đỏ và các tuyến đường thương mại liền kề. Các cuộc thảo luận sẽ được tổ chức và tàu chiến này sẽ được triển khai tới bất kỳ tuyến đường biển nào cần được bảo vệ khỏi lực lượng Houthi dựa trên khả năng của chính chiến hạm này. Ông cũng tuyên bố rằng việc triển khai thêm tàu hoặc hoán đổi tàu sẽ diễn ra dựa trên yêu cầu thực tại và tình hình kinh tế của Sri Lanka cũng như kết quả thảo luận về vấn đề này.
Tổng thống kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Wickremesinghe đã bị chỉ trích vì quyết định này vào thời điểm quốc đảo này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, các nguồn tin trong chính quyền cho rằng chi phí triển khai tàu sẽ thấp hơn nhiều so với tổn thất mà cảng Colombo phải gánh chịu nếu giao thông đường biển bị cản trở do các cuộc tấn công của Houthi.
Các cuộc tấn công của Houthi tập trung vào nút thắt phía Nam Bab al-Mandeb trên Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển trên tuyến đường biển chiếm khoảng 12% tổng khối lượng hàng hóa thương mại của toàn cầu.
Houthi đã tiến hành hơn 20 vụ tấn công vào các tàu chở hàng trong những tuần gần đây. Những vụ tấn công này đã làm tăng mạnh chi phí vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu.
Houthi yêu cầu các tàu đi qua Biển Đỏ thông báo điểm đến để tránh bị tấn công
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 7/1, lực lượng Houthi tại Yemen kêu gọi tất cả các tàu có kế hoạch di chuyển qua Biển Đỏ phải thông báo trước cho lực lượng này về điểm đến, cũng như phải khẳng định tàu "không liên quan đến Israel" để tránh bị tấn công.
Tàu chở dầu FSO Safer ở ngoài khơi cảng Ras Issa thuộc tỉnh Hodeidah, Yemen. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), thủ lĩnh của Houthi Mohammed Ali Al-Houthi nêu rõ: "Mọi tàu thuyền đi qua Biển Đỏ cũng như eo biển Bab El-Mandeb nối Biển Đỏ với Vịnh Aden hoặc Biển Arab cần phát đi dòng chữ 'chúng tôi không liên quan đến Israel'. Theo thủ lĩnh Houthi, biện pháp này đơn giản, ít tốn kém, không làm phát sinh chi phí tài chính cho bất kỳ doanh nghiệp nào.
Bên cạnh đó, biện pháp này cũng giúp ngăn chặn nguy cơ "quân sự hóa" Biển Đỏ và không gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải quốc tế.
Kể từ ngày 19/11/2023, lực lượng Houthi đã bắt giữ tàu thương mại Galaxy Leader và tiến hành hơn 20 cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các tàu thương mại và tàu hải quân ở Biển Đỏ như một phần trong lệnh cấm tất cả các tàu đi đến Israel qua tuyến đường biển quan trọng này. Houthi tuyên bố hành động của họ nhằm buộc Israel ngừng không kích Dải Gaza, trong bối cảnh bùng phát xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.
Goldman Sachs: Khủng hoảng Biển Đỏ có thể đẩy giá dầu tăng gấp đôi Tình trạng gián đoạn kéo dài ở Biển Đỏ có thể có tác động lớn đến thị trường năng lượng. Tàu chở hàng Galaxy Leader (phải) về tới cảng tỉnh Hodeida sau khi bị lực lượng Houthi bắt giữ ngoài khơi Biển Đỏ. Ảnh: AFP/TTXVN Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC ngày 6/1, Daan Struyven, người đứng đầu bộ phận nghiên...