Sốt ruột chờ sách giáo khoa mới công khai giá bán
Được giao trách nhiệm lựa chọn SGK lớp 1 mới, các trường học đang sốt ruột chờ được cung cấp 5 bộ SGK cũng như giá bìa các cuốn sách này.
Theo đề xuất từ nhiều hiệu trưởng, giáo viên các trường tiểu học, để phục vụ việc lựa chọn SGK lớp 1 mới cho năm học 2020-2021, các NXB được phê duyệt SGK mới cần cung cấp sớm 32 đầu sách đến các trường để giáo viên, phụ huynh tiếp cận, nghiên cứu.
Trước yêu cầu này, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi NXB Giáo dục Việt Nam; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh về việc cung cấp thông tin phục vụ việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Các trường học sẽ phải lựa chọn SGK mới trong tháng 3/2020
Theo đó, để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đề nghị các NXB có sách giáo khoa lớp 1 đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt phải có hình thức phù hợp để cung cấp sách giáo khoa đến các địa phương kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh tiếp cận thông tin về sách giáo khoa nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả, đầy đủ cho từng môn học.
Phương án triển khai cung cấp sách giáo khoa lớp 1 đến các địa phương của các nhà xuất bản cần được thực hiện khẩn trương, báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 15/1/2020. Đồng thời, các nhà xuất bản cần khẩn trương thực hiện các thủ tục để kịp thời công bố giá của mỗi cuốn sách giáo khoa lớp 1 đã được Bộ phê duyệt để các cơ sở giáo dục phổ thông, các địa phương có thông tin đầy đủ khi tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Việc công bố giá sách giáo khoa lớp 1 phải hoàn thành trước ngày 15/2/2020.
Theo anninhthudo
Sách giáo khoa mới và sự cạnh tranh của những người... trong nhà với nhau
Chúng tôi cho rằng "cuộc chiến" sách giáo khoa tới đây là sự cạnh tranh của chính những "người trong nhà" với nhau.
Những năm tới đây, thầy và trò ở các trường phổ thông sẽ được học 1 trong 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt để sử dụng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhưng, trong 5 bộ sách này thì 4 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 1 bộ còn lại của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) phối hợp thực hiện.
Video đang HOT
Sản phẩm nào sẽ được các địa phương, nhà trường lựa chọn đây? Rất khó để trả lời vào thời điểm hiện tại bởi những gì mà chúng ta đang thấy là một cuộc chiến âm thầm đang diễn ra có phần quyết liệt.
Các trường sẽ lựa chọn bộ sách nào trong 5 bộ sách đã được phê duyệt? - (Ảnh minh họa: baotintuc.vn)
Ngay sau khi lộ thông tin Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi tiền cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thì chúng ta thấy rất rõ là những lãnh đạo Nhà xuất bản, tác giả sách giáo khoa Cánh Diều đang có những phát biểu cho rằng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không cạnh tranh sòng phẳng.
Khi chia sẻ với Tạp chí điện tử VietTimes, ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VEPIC đã lên tiếng:
" Theo tôi, việc này khiến ai cũng cho rằng quá trình chọn lựa sách giáo khoa là không thể công bằng. Bởi lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thù lao liên tục trong 4 năm với tổng số tiền lên tới gần 3 tỷ để tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam". [1]
Còn giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới - Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt của sách giáo khoa Cánh Diều thì băn khoăn:
" Việc Nhà xuất bản chi tiền thù lao như thế thì làm sao Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có thể chọn sách giáo khoa một cách khách quan được?
Như vậy thì chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa của Đảng và Nhà nước không thực hiện được.
Chưa kể, không biết ngoài việc chi thù lao cho Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn chi thù lao hay chi phí cho các chuyến tham quan, du lịch "miễn phí" cho quan chức, công chức của những đơn vị nào nữa?
Có đơn vị nào cũng chi thù lao tương tự như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không?". [2]
Những băn khoăn của Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VEPIC và Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt của sách giáo khoa Cánh Diều là đúng bởi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi tiền thù lao cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, điều mà chúng ta cũng dễ dàng nhận ra là phía sau những chia sẻ này có phải là các vị này lo lắng cho sự khách quan, minh bạch trong việc lựa chọn sách giáo khoa hay là lo cho tương lai của sách Cánh Diều khó chiếm lĩnh được thị trường trong những năm tới?
Cuộc chiến của những người..."trong nhà" với nhau
Chiều 19/1/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo thông tin về dự thảo chương trình 20 môn học, hoạt động giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sau gần 1 năm lấy ý kiến của xã hội thì đến ngày 27/12/2018, Chương trình môn học chính thức được thông qua.
Thế nhưng, từ những chia sẻ gần đây của các tác giả viết sách giáo khoa, và ngay cả sự thừa nhận của cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì các đơn vị biên soạn, xuất bản sách giáo khoa đã chuẩn bị biên soạn sách giáo khoa từ rất lâu rồi.
Ngay như đơn vị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi thù lao cho một số lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh từ 4 năm nay. Công ty VEPIC cũng đã tổ chức biên soạn bộ sách Cánh Diều từ đầu năm 2018.
Như vậy, chương trình môn học của Bộ công bố có phải là của Bộ hay là của các Nhà xuất bản? Bởi phần nhiều tác giả viết Chương trình tổng thể, Chương trình môn học bây giờ là Tổng chủ biên, Chủ biên sách giáo khoa cho các nhà xuất bản?
Điều mà dư luận đang thấy giữa 4 bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dụcViệt Nam với bộ sách Cánh Diều tuy riêng nhưng thực ra nó vẫn có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Chúng tôi cho rằng "cuộc chiến" sách giáo khoa tới đây là sự cạnh tranh của chính những "người trong nhà" với nhau. Bởi, theo chia sẻ của ông ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VEPIC thì chúng ta sẽ nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này.
Ông Ái nói: " Vốn đầu tư của Công ty VEPIC do các cổ đông đóng góp, hầu hết là của những cán bộ ở Nhà xuất bản đã về hưu, các thầy giáo, các tác giả. Những đơn vị của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm các công ty con, công ty thành viên có góp vốn vào Công ty VEPIC" . [1]
Trong khí đó, chúng ra đều đã biết, ông Ngô Trần Ái, nguyên là Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục chi nhánh tại Thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Còn giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới- Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt của sách giáo khoa Cánh Diều cho biết:
" Đây là lần đầu tiên xuất hiện những đơn vị làm sách giáo khoa bên cạnh đơn vị vốn độc quyền trong lĩnh vực này là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Công ty VEPIC đã chuẩn bị rất chu đáo, mời được 41/56 thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018". [3]
Như vậy, chúng ta thấy rằng dù chia làm "2 phe" nhưng mối quan hệ ríc rắc giữa các nhóm tác giả viết chương trình, biên soạn sách giáo khoa, các nhà xuất bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đều có mối quan hệ rất mật thiết với nhau.
Về cơ bản, chủ trương: "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" đã thực hiện được nhưng nhiều vấn đề còn lại có lẽ vẫn còn để ngỏ.
Vì thế, thị trường sách giáo khoa khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cứ tưởng là phức tạp nhưng suy đi, nghĩ lại thì chúng ta cũng thấy không có sự thay đổi nhiều so với cách xuất bản sách giáo khoa hiện hành.
Tài liệu tham khảo:
[1] //viettimes.vn/nhung-nguoi-chi-dao-nhan-thu-lao-thi-khong-the-dam-bao-su-minh-bach-khi-chon-sgk-376068.html
[2] //viettimes.vn/nong-nha-xuat-ban-chi-thu-lao-gan-3-ty-cho-lanh-dao-so-gddt-truong-pho-phong-chuyen-mon-viec-lua-chon-sach-giao-khoa-lieu-con-khach-quan-374707.html
[3]//viettimes.vn/co-gi-moi-trong-bo-sach-giao-khoa-xa-hoi-hoa-dau-tien-374214.html
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: "Các chuẩn mực của đạo đức công vụ không cho phép Sở GD&ĐT nhận tiền của NXBGDVN" Sự việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa (SGK) miền Nam, trong đó có lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh khiến dư luận dậy sóng. Vụ việc không chỉ đặt ra câu hỏi về tính công bằng, khách quan trong việc lựa chọn SGK cho khu vực,...