Sông Tranh: 5.100 tỷ và 40.000 sinh mạng
Trước khi có thủy điện Sông Tranh 2, khu vực này chỉ xảy ra 8 trận động đất. Đến khi có thủy điện này, trong vòng 1 năm, từ ngày 3/11/2011 đến 15/11/2012, khu vực này xảy ra hơn 70 trận động đất.
Thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu được dư luận cả nước chú ý vào những ngày cuối tháng 3/2012, khi nơi đây xảy ra sự cố nước tràn qua thân đập, rò rỉ với lưu lượng lớn, sau đó là tình trạng động đất liên tiếp xảy ra ở huyện Bắc Trà My và dư chấn lan ra nhiều vùng lân cận.
Trong khi các chuyên gia bắt đầu lên tiếng về những lỗi thiết kế, thi công thì tại cuộc họp ở Quảng Nam, ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý dự án thủy điện 3, tuyên bố: “Hiện tượng rò rỉ nước của đập chính thủy điện Sông Tranh 2 là do có vấn đề về lỗi kỹ thuật “tắc đường ống thoát nước của các khe nhiệt” trong quá trình thi công”.
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – Quảng Nam: “Việc đập chính thủy điện Sông Tranh 2 an toàn hay không chỉ có Ban Quản lý dự án thủy điện 3 biết rõ nhất nên phải công khai rõ ràng chứ không được giấu giếm nữa”. Nhiều chuyên gia cho rằng sai lầm đáng tiếc nhất của dự án thủy điện Sông Tranh 2 là đã đặt đập vào vị trí rất nguy hiểm, nơi giao điểm của nhiều đứt gãy và các họng núi lửa đang tái hoạt động.
Người dân huyện Bắc Trà My – Quảng Nam chạy ra khỏi nhà để tránh động đất. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Ngày 27/3, kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, khẳng định Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông cáo báo chí cho rằng đập chính thủy điện Sông Tranh 2 không có vết nứt, vẫn an toàn là vội vàng, thiếu khách quan và không thuyết phục.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ – ngành có thẩm quyền sớm kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý triệt để việc thấm nước qua đập chính thủy điện này, đồng thời kiểm tra tổng thể để đánh giá độ an toàn vận hành đập lắp đặt hệ thống quan sát động đất và nghiên cứu chi tiết về các tai biến địa chất khác liên quan để đưa ra những kiến nghị thích hợp cho việc vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2.
Thần kinh thép cũng “chảy nước”
Trong khi việc khắc phục sự cố rò rỉ đang tiến hành thì tình trạng động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 lại gia tăng. Theo Viện Vật lý địa cầu, trước khi có thủy điện Sông Tranh 2, khu vực này chỉ xảy ra 8 trận động đất. Thế nhưng, sau khi có thủy điện, từ ngày 3/11/2011 đến 22/10/2012, khu vực này xảy ra 66 trận động đất (trong đó có 2 trận mạnh 4 độ Richter và 4,7 độ Richter riêng trận động đất ngày 22/10 có cường độ 4,6 độ Richter). Trong tuần đầu tiên của tháng 11/2012, có 10 trận động đất mức độ nhẹ đến ngày 15/11, xảy ra động đất 4,7 độ Richter, dư chấn lan ra đến Đà Nẵng và Quảng Ngãi.
Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỉ đồng, xây dựng từ tháng 3/2006, 2 tổ máy với tổng công suất 190 MW, dung tích hồ chứa nước khoảng 730 triệu m3, thiết kế cao hơn vùng hạ lưu 100 m.
Video đang HOT
Tròn 1 năm, hơn 70 trận động đất xảy ra, làm sao người dân có thể yên tâm? Sợ động đất dẫn đến thủy điện vỡ, nhiều hộ dân xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My nằm phía dưới đập thủy điện Sông Tranh 2 đã dời nhà cửa vào rừng để ở. Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam tại huyện Bắc Trà My vào ngày 30-9, vấn đề được bàn luận căng thẳng nhất chính là thảm họa ẩn chứa từ công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, đề nghị: “Không ai học được chữ “ngờ” do thiên tai hết. Không cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước và hủy bỏ thủy điện này”.
Nhìn lại diễn biến ở Sông Tranh 2, tại nghị trường QH, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: “Ở trong vùng luôn có động đất như vậy thì thần kinh thép cũng “chảy nước”, không tâm thần thì cũng điên loạn!”.
Sinh mạng con người là vô giá
Khi người dân đã giảm lòng tin, không thể không nói đến trách nhiệm vì sao có cớ sự này và cách giải quyết để an dân. Bởi sinh mạng con người là vô giá, những thiệt hại hao tâm tổn trí, sinh hoạt đảo lộn của người dân khó tính ra bằng tiền. 5.100 tỉ đồng không thể so được với 40.000 sinh mạng người dân hạ lưu và các xã xung quanh.
Dư luận cả nước hoan nghênh quan điểm của lãnh đạo chính quyền, ĐBQH tỉnh Quảng Nam cùng nhiều ĐBQH khác khi luôn đặt quyền lợi người dân lên trên hết. Ngay từ những ngày đầu xảy ra sự cố, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã khẳng định: “Chừng nào chưa có kết luận về sự an toàn của đập là còn nợ dân câu trả lời”.
ĐB Trần Xuân Vinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh: “Nhân dân tin tưởng Đảng, QH và Nhà nước sẽ không vì số vốn đã đầu tư cho thủy điện Sông Tranh 2 mà quên đi quyền được sống của con người”. ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đưa tình huống động đất kích thích không chấm dứt và phương án xử lý chỉ có thể là phá bỏ đập hoặc di dời toàn bộ người dân trong vùng chịu ảnh hưởng.
Tuy nhiên, việc di dời toàn bộ người dân là điều rất khó thực hiện vì cần diện tích tái định cư lớn, kinh phí khổng lồ… “Đã xác định an toàn là số 1 thì cũng cần đến phương án phá bỏ đập thủy điện Sông Tranh 2, mặc dù sẽ mất trắng 5.100 tỉ đồng” – ông Lĩnh nói.
Bộ trưởng cũng không yên tâm
Trả lời ĐB Ngô Văn Minh tại phiên chất vấn ngày 13/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết căn cứ trên các thông số kỹ thuật thì hoàn toàn yên tâm nhưng nếu có yếu tố đặc biệt, động đất cao hơn 5,5 độ Richter thì nghiên cứu tiếp. ĐB Ngô Văn Minh cho rằng câu trả lời của bộ trưởng là “không thấy yên tâm” Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận: “Những câu trả lời của bộ trưởng không làm ĐB Ngô Văn Minh yên tâm và tôi cũng chưa yên tâm”.
Ngay sau khi trả lời chất vấn trực tiếp trước QH, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận: “Nếu mình ngồi dưới đó thì mình cũng không yên tâm”.
(Còn nữa)
Theo 24h
Lại động đất: Dân hoảng loạn thế nào?
Trận động đất mạnh 4,7 độ richter xảy ra ở vùng Thủy điện Sông Tranh 2 làm rung chuyển Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng, gây hoang mang, hoảng loạn cho nhân dân. Nhiều người dân bỏ chạy khỏi nhà, đứng ngoài đường, sau đó vẫn không chịu vào nhà do lo sợ động đất nữa sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đến tối nay, dù cách Thủy điện Sông Tranh 2 hơn 80 km, nhưng người dân ở xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) vẫn hoảng loạn.
Chị Ngọc (35 tuổi ở tổ 1, thôn Tân Phú, xã Tam Phú) kể lại: "Vào khoảng 2 giờ 25 chiều nay, tôi đang nằm ngủ trên võng, bất ngờ khung gỗ treo chiếc võng rung lắc lư làm tôi hoảng sợ vụt chạy ra ngoài đường. Ngôi nhà vừa mới làm của tôi rung lắc mạnh. Mọi người kêu la í ới "động đất rồi, chạy nhanh bà con ơi". Vậy là mọi người bỏ chạy, chẳng nghĩ gì nữa".
Chị Ngọc nói thêm: "Người dân ở đây, lâu nay chỉ theo dõi, biết động đất thường xuyên xảy ra ở Thủy điện Sông Tranh 2 qua ti vi, báo chí. Thấy cảnh người dân huyện Bắc Trà My hoảng loạn, bỏ chạy mỗi khi động đất xảy ra. Thấy thương, tội nghiệp họ thật. Không ngờ, nay lại chính mình cũng rơi vào hoàn cảnh đó. Hoảng sợ thật sự. Nơi đây cách Thủy điện Sông Tranh 2 hơn 80 km vậy mà còn bị động đất hù dọa...".
Vẫn chưa hết hoảng sợ, ông Hải có nhà ở sát sông Bàn Thạch của xã Tam Phú, nói: "Hơn 60 tuổi rồi, đây là lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến thấy động đất làm rung chuyển nhà cửa, làm cho con người chao đảo đó".
Động đất liên tiếp khiến người dân huyện Bắc Trà My luôn phải sống trong tâm trạng hoang mang
Người dân xã Tam Phú cho biết, trận động đất xảy ra tối 22/10 với cường độ 4,6 độ richter chỉ làm rung lắc ở trung tâm TP.Tam Kỳ, nhưng trận động đất mạnh chiều nay đã gây rung chấn đến xã vùng xa Tam Phú của TP.Tam Kỳ.
Khi được hỏi về độ rung chấn, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: Trận động đất xảy ra vào lúc 2 giờ 24 phút chiều nay làm rung lắc dữ dội lắm. Tôi cảm nhận trận động đất sẽ vượt con số 5 độ richter lận đó, nhưng không ngờ Viện Vật lý địa cầu đưa ra con số 4,7 độ richter. Rung chấn mạnh đến nỗi không những làm người dân huyện Bắc Trà My hoảng loạn, mà ngay cả lãnh đạo Quảng Nam đang dự họp ở Bắc Trà My cũng phải chạy đi lánh nạn".
Được biết, trong lúc lãnh đạo huyện Bắc Trà My đang họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về kiểm tra triển khai chương trình 135, bỗng xuất hiện một trận động đất mạnh kèm theo những tiếng nổ to trong lòng đất. Rung chấn kéo dài hơn 10 giây làm nhiều vật dụng rung lắc mạnh, nhiều cán bộ đang họp bỏ chạy tán loạn ra ngoài.
"Trận động đất này lớn nhất từ trước đến nay, lớn hơn cả trận 4,6 độ richter vào đêm ngày 22/10 vừa qua. Sau khi động đất xảy ra, huyện đã tạm dừng cuộc họp để tổ chức đoàn đi về các xã kiểm tra ngay tình hình và trấn an người dân vùng ảnh hưởng", ông Đặng Phong nói.
Anh Vương, cán bộ UBND huyện Bắc Trà My sợ hãi nói: "Động đất cứ mạnh dần thế này khiến tâm lý cán bộ, người dân không ổn định. Tôi thấy cứ ngồi làm việc trong phòng, động đất mạnh xảy ra làm sập nhà, không kịp chạy ra đường lánh nạn chỉ có nước chết. Ngồi làm việc mà lúc nào tâm trí cũng lo động đất miết làm ảnh hưởng trong xử lý công việc nhiều lắm".
Tại TP.Tam Kỳ, anh Sơn đang ở nhà trọ, cho biết đang nằm trên giường, bất ngờ chiếc giường run bần bật, tường nhà rung lắc. Mấy chiếc bình uống nước, ly tách rơi xuống đất khiến anh càng hoảng sợ hơn. "Tôi sợ quá bỏ chạy ra ngoài đường, đến 30 phút sau tôi mới dám bước vào phòng lại" - Anh Sơn nói.
Tại huyện Phú Ninh, Quảng Nam cách TP.Tam Kỳ khoảng 3km cũng bị rung lắc mạnh. Người dân hoảng sợ. Ông Phạm Hồng Đức, phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh, đang ngồi làm việc trong phòng thấy rung lắc mạnh, sau khi bình tĩnh lại, ông đã điện thông báo cho phóng viên nắm tình hình. Ông Đức nói: "Tôi đang ngồi làm việc thấy ly tách trên bàn làm việc rung lắc mạnh, trụ sở làm việc cũng rung lắc kéo dài hơn 10 giây và có nghe mấy tiếng nổ rất to. Cách Thủy điện Sông Tranh 2 khoảng gần 80km mà cũng thấy khiếp chứ nói gì sống ở vùng động đất. Đến bây giờ vẫn còn sợ".
Đồ đạc sinh hoạt của người dân TP.Tam Kỳ cách Thủy điện Sông Tranh 2 hơn 80km bị trận động đất mạnh 4,7 độ richter hất văng hết
Người dân huyện Bắc Trà My bức xúc sau trận động đất mạnh 4,7 richter hôm nay: "Các nhà khoa học cứ mỗi lần đến Thủy điện Sông Tranh 2 khảo sát vài ngày rồi đưa ra kết luận là động đất kích thích không sao hết, cường độ động đất sẽ giảm dần, nhưng giảm dần đau chẳng thấy mà thấy mạnh lên làm cho người dân chẳng muốn sống ở đây nữa".
Từ ngày 2 - 5/11, các nhà khoa học đầu ngành về vật lý địa cầu, cơ học đất nền móng, địa chất thủy văn, địa bức xạ do TS Nguyễn Văn Túc, Viện trưởng Viện Công nghệ nước và môi trường dẫn đầu đã về vùng Thủy điện Sông Tranh 2 khảo sát, nghiên cứu. Sau đó, đến ngày 6/11, đưa ra kết luận ban đầu là "hoàn toàn không có đới đứt gãy địa chất kiến tạo chạy qua thân đập chính Thủy điện Sông Tranh 2.
Chưa hết, GS-TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, còn mạnh miệng tuyên bố "động đất kích thích tại Thủy điện Sông Tranh 2 giai đoạn tiền chấn đến nay đã kết thúc với trận động đất chính, mạnh nhất là 4,6 độ richter vào đêm 22/10. Thời điểm này bắt đầu chuyển sang giai đoạn dư chấn, động đất sẽ tiếp tục còn xảy ra nhưng cường độ sẽ nhỏ hơn trận động đất chính và không đáng lo ngại".
Tuy nhiên, các nhà khoa học này cũng cảnh báo là có một hệ thống đứt gãy đang hoạt động theo phương bắc nam nằm trong lòng hồ chứa phía trước đập chính. Đó là nguyên nhân chính gây nên động đất kích thích tại đây. Theo TS Vũ Văn Bằng, sự cố thấm nước qua thân đập, trượt đất ở bờ trái không đáng lo ngại mà đới đứt gãy ở sát bờ phải này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để sớm đưa ra giải pháp xử lý thỏa đáng. Đới đứt gãy này đã thấm nước và bên bờ phải đã xuất hiện dòng thấm khá lớn, dòng thấm này đang phát triển lớn dần và đã có dấu hiệu dịch chuyển bê tông. Nếu không sớm xử lý triệt để sẽ rất dễ gây biến dạng bẻ bờ đập theo kiểu vặn ngang rất nguy hiểm.
Bất ngờ, trong lúc các nhà khoa học đang làm việc với chính quyền huyện Bắc Trà My, để công bố kết luận, cũng xảy ra một trận động đất làm người dân hoảng loạn bỏ chạy.
Thông tin mới nhất, hiện nay một đoàn công tác của Bộ Xây dựng đang công tác ở huyện Bắc Trà My để chuyển giao kỹ thuật sửa chữa nhà dân, công trình công cộng bị hư hỏng do động đất gây ra tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2.
Liệu trận động đất mạnh 4,7 richter chiều nay có làm cho các đoàn công tác của Bộ Xây dựng đang công tác ở Thủy điện Sông Tranh 2 lo sợ, hoảng loạn như người dân nơi đây đã rất nhiều lần "sống chung" với động đất?
Theo 24h
"Động đất Sông Tranh không bình thường" Động đất liên tiếp diễn ra với tần suất và cường độ như ở khu vực thủy điện sông Tranh 2 là bất thường, chúng ta cần có thời gian để làm rõ những vấn đề trên. Đây là ý kiến của ông Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ. Ông Khải nói: Quan trọng nhất là vấn đề...