Sống nhờ từ thiện vì mắc kẹt giữa Covid-19
Mắc kẹt vì Covid-19 nhưng không được chính phủ hỗ trợ, du học sinh sống dựa vào nguồn thực phẩm từ thiện.
Hình ảnh hàng dài người xếp hàng tại các điểm cứu trợ khẩn cấp xuất hiện khắp các trung tâm sinh viên quốc tế ở Sydney và Melbourne, cũng như những thành phố nhỏ hơn như Darwin.
Du học sinh ở Darwin xếp hàng chờ suất cơm miễn phí. Ảnh: Kindness Shake.
Australia có hơn 560.000 du học sinh, nhiều người vừa học vừa tự trang trải sinh hoạt phí nhờ công việc bán thời gian. Nhưng khi nền kinh tế ngừng hoạt động, chính phủ liên bang từ chối hỗ trợ tài chính cho những người có visa tạm thời, số lượng người xếp hàng ngoài các ngân hàng cung cấp thực phẩm miễn phí mỗi ngày cho thấy con số đáng ngạc nhiên về những người đang chật vật để nuôi sống bản thân.
Các tổ chức cứu trợ thực phẩm từ thiện quốc gia cho biết nhu cầu rất lớn và ngày một tăng. Brianna Casey, giám đốc điều hành của FoodBank, cho biết tổ chức của cô thường cung cấp 815.000 suất ăn mỗi tháng trên toàn quốc thông qua các tổ chức từ thiện đối tác. Trong thời kỳ Covid-19, nhu cầu này tăng lên 50%.
“Chúng tôi từng tiếp một nhóm sinh viên đến xin cơm vào cuối tuần, họ đã nhịn đói suốt một tuần”, Casey nói. “Chúng tôi nhận thấy tình hình hiện nay đang tác động rất lớn với sinh viên trên toàn quốc. Chúng tôi rất quan ngại về phúc lợi của họ tại thời điểm này”.
Pardeep, một sinh viên ngành điều dưỡng đến từ Ấn Độ đang học tập ở Đại học Wollongong, cho biết cô chưa từng nghĩ mình sẽ phải phụ thuộc vào thức ăn và đồ dùng từ thiện.
“Bản thân tôi cũng rất bất ngờ”, cô nói. Nhưng sau khi phải nghỉ việc và mất thu nhập, Pardeep nhận suất ăn và nhu yếu phẩm từ Turbans 4 Australia, một nhóm cộng đồng người Sikh phân phát 600 suất ăn mỗi ngày từ trụ sở ở phía tây Sydney.
“Nếu họ không chu cấp suất ăn, chúng tôi sẽ vô cùng khó khăn”, Pardeep nói.
Video đang HOT
Tình nguyện viên trong một đền thờ của người Sikh ở Melbourne chuẩn phị phân phát thực phẩm. Ảnh: AFP.
Amar Singh, chủ tịch Turbans 4 Australia, cho biết 700 sinh viên quốc tế đã liên hệ với nhóm qua mạng, nhờ hỗ trợ vật dụng thiết yếu và những chi phí khác.
“Nhiều sinh viên quốc tế là người lần đầu đặt chân tới Australia”, Singh nói. “Họ ở một quốc gia xa lạ, không bạn bè, không gia đình. Họ tưởng ‘mình sẽ hòa nhập được với xã hội này’ vậy mà bây giờ lại bị chôn chân trong phòng”.
OzHarvest, một tổ chức từ thiện cùng hội đồng thành phố Sydney, đã trao hơn 450 suất ăn ở Redfern, vùng ngoại ô Sydney, hôm 14/5. Richard Watson, giám đốc chi nhánh OzHarvest ở bang New South Wales, cho biết người đến xin hỗ trợ đa phần là sinh viên quốc tế.
Tại Darwin, thành phố nhỏ nhất và xa nhất về phía bắc của Australia, một nhóm sinh viên quốc tế đã thành lập Kindness Shake, nấu hơn 200 suất ăn mỗi lần và cung cấp một tuần hai lần cho sinh viên quốc tế.
“Họ không chỉ được ăn, mà còn nhận được lòng tốt và nụ cười chân thành từ những sinh viên quốc tế khác”, Ben Poveda-Alfonso, du học sinh người Colombia, sáng lập viên của nhóm, nói.
Cộng đồng dân cư các nước cũng lập thành nhóm giúp đỡ đồng hương là sinh viên. Thứ 6 nào Weeraphan Vibulphan cũng đến quán cà phê Boon ở trung tâm Sydney giúp phân phát thực phẩm cho sinh viên Thái Lan.
Khoảng 20 nhà hàng Thái Lan đang thay phiên cung cấp suất ăn miễn phí cho sinh viên, Vibulphan cho hay.
“Chúng tôi tặng họ thực phẩm khô, gạo, đôi lúc chúng tôi tặng đồ ăn nóng sốt”, cậu nói. “Chúng tôi đều biết nhau, đây là một cộng đồng nhỏ”.
Vibulphan cho biết sinh viên được thông báo qua trang Facebook và các nhà hàng thường tặng 100 suất ăn mỗi ngày. “Chỉ 10 phút là có người đăng ký hết”, cậu nói.
Chính phủ những nước khác như Anh, New Zealand và Canada, đều hỗ trợ sinh viên quốc tế. Còn ở Australia, dù không thể đi làm nhưng họ vẫn có quyền tiếp cận quỹ hưu trí và một số bang đã đưa ra gói cứu trợ sinh viên.
Singh cho hay Turbans 4 Australia nhận thấy nhu cầu hỗ trợ của sinh viên quốc tế tăng lên sau khi Thủ tướng Scott Morrison tháng trước cảnh báo những người không có khả năng ở lại Australia nên về nước.
Pardeep cho biết cô hiểu rằng “rất khó để chính phủ xử lý” mọi việc. “Nhưng nhìn từ quan điểm sinh viên, họ phải trả tiền cho chúng tôi”, cô nói.
Covid-19 xuất hiện ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 4,4 triệu người nhiễm và hơn 302.000 người tử vong. Australia ghi nhận 7.000 ca nhiễm và 98 ca tử vong do nCoV. Các nhà hàng, quán bar ở đa số các bang trên Australia đã mở lại hôm nay, sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế sau hai tháng phong tỏa.
Nhặt được hơn 600 triệu đồng trong két sắt bỏ hoang, quyết định mang tất cả đi làm từ thiện
Những nhân viên của một cửa hàng Scrapyard ở Anh đã tìm thấy 20.000 bảng Anh (hơn 600 triệu đồng) trong một chiếc két sắt cũ và quyết định quyên góp tất cả số tiền này cho tổ chức từ thiện sau khi không tìm được chủ nhân thực sự của số tiền.
Bốn chiếc két sắt bỏ hoang được những nhân viên của một cửa hàng Scrapyard tái chế.
Những người nhân viên tốt bụng tại cửa hàng Scrapyard ở Great Blakenham, Suffolk, Anh đã tìm thấy số tiền trong các phong bì cũ khi họ mở một trong bốn két sắt bỏ hoang để tái chế.
Số tiền sau đó đã được bàn giao cho cảnh sát, và được giữ trong sáu tháng để tìm chủ sở hữu thực sự của chúng.
Nhưng không ai đến nhận và những nhân viên này quyết định đến để đòi lại số tiền với tư cách là người tìm ra chúng hợp pháp.
Sau đó, số tiền đã được chính những nhân viên này quyên góp từ thiện.
Hơn 20000 bảng Anh được tìm thấy trong một két sắt bỏ hoang.
Giám đốc tiếp thị tại cửa hàng, Helen Crapnell, nói: "Chúng tôi đã thông báo rằng chúng tôi đã tìm thấy số tiền này vào tháng 6 và trao cho cảnh sát".
"Đã có một vài người nhận số tiền này là của họ và yêu cầu chúng tôi trả lại, và cảnh sát cũng nhận được những lời khẳng định mình là chủ nhân, nhưng qua xác minh, thực sự họ đều không phải", bà nói
"Cảnh sát không thể chứng minh đó là tiền phạm tội, vì vậy chúng tôi đã đòi lại được số tiền và quyết định quyên góp từ thiện chúng", bà cho biết thêm.
Cảnh sát nói rằng, những chiếc két sắt này có thể là của một văn phòng trong một nhà máy cũ đã bị phá hủy.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Vatican dùng tiền quyên góp cho người nghèo để bù thâm hụt ngân sách Theo các nhân vật ở Vatican, khoản quyên góp hàng chục triệu USD cho quỹ Peter's Pence được chi phần lớn cho hoạt động của Tòa thánh thay vì giúp đỡ người nghèo như quảng bá. Hàng năm, người Công giáo trên khắp thế giới quyên góp hàng chục triệu USD cho giáo hoàng. Các giám mục khuyến khích tín hữu ủng hộ...