Sống nhân văn, sẽ triệt tiêu mầm ác
Bạo lực học đường liên tiếp diễn ra trong thời gian qua, vừa gây bất bình dư luận, vừa làm vấy bẩn môi trường học đường. Tại sao những đứa trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường lại có thể nhẫn tâm với bạn học của mình? Bạo lực học đường từ đâu ra, có ngăn chặn được không?…
Bà Trần Kim Lê – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) – đã có cuộc trao đổi với báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
Bà Trần Kim Lê.
PV: Thưa bà, nguyên nhân của bạo lực học đường đã được các chuyên gia chỉ ra rằng do thế gắn kết chân kiềng “Gia đình- nhà trường- xã hội lâu” nay quá lỏng lẻo. Theo bà, còn có nguyên nhân nào khác nữa?
Bà Trần Kim Lê: Theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân căn cốt dẫn đến tình trạng bạo lực học đường có phần không nhỏ bởi tính ích kỷ, thói vô cảm. Trẻ ích kỷ bởi ngày nay mỗi gia đình có ít con, trẻ được sự nuông chiều của cha mẹ, chỉ biết đến mình. Sự vô cảm từ bạn bè, từ người lớn ngang qua đường nhìn thấy cảnh con trẻ đánh lộn lẫn nhau mà không can ngăn; hoặc khi có học sinh thưa lại với thầy/cô có bạn A, bạn B đánh lộn, cãi cọ… không ít giáo viên cho đó là chuyện xích mích của trẻ con, phải chờ đến cuối tuần có buổi sinh hoạt lớp mới nhân tiện nhắc nhở học sinh.
Sự thờ ơ, vô cảm từ những người xung quanh – nhất là người lớn – vô tình đang tiếp tay cho những mầm ác. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ không còn là chuyện “trẻ con” nữa mà trở thành vấn đề xã hội như chúng ta đang thấy. Cùng với đó, hiện ở nhiều trường học chưa chú trọng tới tư vấn tâm lý học đường. Trẻ không được quan tâm đến vấn đề tâm lý, không có nơi để chia sẻ. Ấm ức vì những chuyện nhỏ không được phân xử kịp thời, lâu dần tích tụ lại sẽ dẫn đến bạo lực học đường.
Một nguyên nhân nữa là trẻ bây giờ thiếu quá nhiều kỹ năng sống. Kỹ năng sống không phải dạy trẻ trong ngày 1 ngày 2 mà trẻ phải được học hàng ngày tại gia đình, tại trường học. Cha mẹ phải dành thời gian giúp con bồi dưỡng kỹ năng. Thầy cô hướng dẫn học trò qua các giờ học trên lớp. Trẻ sử dụng bạo lực cũng là do thiếu kỹ năng tự bảo vệ, tự thương thuyết, hòa giải. Từ những vụ việc bạo lực học đường/bạo lực ở lứa tuổi học đường diễn ra gần đây, còn cho thấy khoảng trống về kiến thức pháp luật cho lứa tuổi học sinh. Trên thực tế, nhiều em không ý thức được mình sẽ bị trừng phạt thế nào khi có hành vi xâm hại bạn khác.
Thưa bà, có quan điểm cho rằng lối sống “lệch chuẩn” của không ít người trẻ hôm nay có nguyên nhân từ mạng xã hội, và đôi khi là sự thái quá của truyền thông?
- Việc sử dụng mạng xã hội trong thời đại công nghệ số là cần thiết, nhưng ở lứa tuổi học trò, không phải đứa trẻ nào cũng biết cách hoặc đủ khôn ngoan/thông minh để chọn lọc thông tin. Nhất là khi xu hướng của tuổi teen là hay “a dua”, hưởng ứng “trend” cho theo kịp xu thế… Thậm chí ngay cả người lớn cũng dễ mắc vào những cái bẫy hiệu ứng mạng xã hội, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng. Rõ ràng việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách đã dẫn tới nhiều hệ lụy.
Những gì diễn ra trên mạng xã hội cũng chính là tấm kính phản chiếu đời sống. Do đó, ngoài sự quan tâm, theo dõi sâu sát của cơ quan quản lý nhà nước về nội dung trên internet, mỗi người dùng cần đọc kỹ điều khoản sử dụng trước khi lên mạng xã hội, cân nhắc có chọn lọc xem: nên xem gì, học tập gì từ những thần tượng ảo. Đặc biệt con trẻ sử dụng mạng xã hội cần có sự giám sát từ phụ huynh/giáo viên. Việc trẻ sử dụng Internet nếu có sự định hướng của cha mẹ thì rất hữu ích. Bởi đó là kho dữ liệu khổng lồ, song đó cũng là cạm bẫy nếu trẻ sa đà và bị lôi cuốn bởi những trang web độc hại. Nếu chúng ta không định hướng, uốn nắn, thiếu giám sát, sẽ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn và những hệ lụy không lường trước được.
Điều đáng lưu ý là sau mỗi vụ việc trẻ em (nói chung) bị bạo hành, Cục Trẻ em luôn lên tiếng đề nghị các cơ quan truyền thông không đưa tin và hình ảnh quá chi tiết gây tổn hại tinh thần nạn nhân.
Việc không đưa thông tin chi tiết các vụ việc cũng là một cách bảo vệ trẻ trước nguy cơ xâm hại?
- Vâng, Đây là điều mà Cục Trẻ em luôn quan tâm trong quá trình bảo vệ trẻ trước một vụ xâm hại, bạo lực, đặc biệt là xâm hại tình dục. Trẻ bị xâm hại luôn bị sang chấn tâm lý rất nặng nề. Khi cơ quan báo chí truyền thông đưa tin về vụ việc mà đưa quá nhiều chi tiết cụ thể thì các em lại bị xâm hại lần thứ hai. Đây sẽ là lỗi của chúng ta. Bởi nỗi đau của các em và gia đình các em luôn bị nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Không chỉ 1 báo đưa, nhiều báo đăng tin rồi trên mỗi bài báo sau khi đăng thêm tình tiết mới thì lại nhắc lại vụ việc diễn ra như thế nào. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới gia đình trẻ bị xâm hại. Có trường hợp gia đình trẻ bị xâm hại phải chuyển khỏi địa phương để trẻ có cơ hội đi học trở lại. Có em bị sang chấn tâm lý, việc trị liệu cho trẻ mất rất nhiều thời gian mà các em luôn phải đối diện với những thông tin về mình thì trị liệu sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần.
Tuy báo chí truyền thông đã có nhiều đóng góp trong việc đưa ra công luận và lên án các vụ xâm hại, bạo lực, song việc cẩn trọng khi đưa thông tin về các em rất cần thiết như tôi vừa nói là xâm hại trẻ lần thứ hai. Để giải quyết tình trạng này, tới đây Cục Trẻ em sẽ phối hợp với Cục Báo chí có văn bản pháp lý qui định cụ thể một vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục thì báo chí thông tin ở mức độ nào, không được nhắc tên, địa chỉ của trẻ… Trong tuần vừa qua, lãnh đạo Bộ LĐTBXH và Bộ GDĐT cũng đã có cuộc họp khẩn để đưa ra kế hoạch phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em trong trường học.
Thưa bà, theo báo cáo của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, từ 1/1/2019 đến 31/3/2019, Tổng đài tiếp nhận hơn 300.000 cuộc gọi đến. Tổng đài đã tư vấn 6.794 ca, can thiệp 207 ca. Trong đó số ca trẻ bị bạo lực 74 ca (chiếm 35,8% số ca hỗ trợ, can thiệp của Tổng đài); Trẻ em bị xâm hại tình dục là 63 ca (chiếm 30,4%). Điều này cho thấy tình trạng trẻ em bị xâm hại bạo lực không nhỏ, nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều em chưa được tiếp cận, hoặc chưa có điều kiện tiếp cận với Tổng đài?
Video đang HOT
- Hiện thách thức trong hoạt động của Tổng đài là nhiều trường hợp Tổng đài không kết nối được với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, không kết nối được với công an do không nghe máy, bận họp và từ chối hợp tác, không tiếp nhận thông tin từ phía Tổng đài; chưa thực sự tiếp cận hiệu quả nhóm trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt, trẻ em vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số. Điều đó hạn chế việc đáp ứng kịp thời nhu cầu được giúp đỡ của trẻ em. Nhiều vụ việc các gia đình cũng từ chối sự trợ giúp của Tổng đài do chưa có sự tin tưởng.
Dẫu thế cũng có những trường hợp người dân vẫn còn thiếu thông tin về Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, hoặc ít nhiều phụ huynh còn e dè khi liên lạc với tổng đài. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi sẽ tăng cường truyền thông, quảng bá rộng rãi về chức năng của Tổng đài 111 để can thiệp, trợ giúp được nhiều hơn trẻ bị xâm hại, bạo lực. Nhiều năm nay Tổng đài đã trực 24/24h và hoàn toàn miễn phí.
Vậy trong trường hợp trẻ bạo hành “cầu cứu”, Tổng đài 111 đã giúp đỡ các em ra sao?
- Nhiều vụ việc trẻ bị bạo hành, Tổng đài đã kết nối với công an xã, Trung tâm Công tác xã hội địa phương để can thiệp. Trong tình huống khẩn cấp ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ, chúng tôi phải kết nối khẩn trương với Cục Cảnh sát hình sự C02, cảnh sát 113 để cùng can thiệp kịp thời. Tổng đài 111 được ví như cầu nối, là “trung tâm thông tin” giữa các ngành, các đơn vị chức năng để trợ giúp cho một em bé trong tình huống khẩn cấp. Sau khi trẻ được giải cứu, chúng tôi lại tiếp tục trị liệu tâm lý và hỗ trợ pháp lý nếu trẻ có nhu cầu. Năm 2018, chúng tôi đã thành lập thêm 2 Tổng đài vùng đặt tại Đà Nẵng và An Giang để can thiệp, trợ giúp trẻ tại các khu vực này. Bên cạnh đó Tổng đài 111 có chức năng can thiệp, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán qua biên giới.
Câu hỏi cuối cùng: Trong vai trò phụ huynh bà thấy cần phải trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho con trẻ ra sao?
- Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng sau mỗi sự việc xảy ra, những giải pháp đưa ra rất giống nhau và có phần chung chung. Đơn cử như: Gia đình, nhà trường và xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh, sinh viên và con em mình về những hành động bạo lực và hậu quả của những hành động bạo lực này…
Thực chất mọi giá trị sống đang thay đổi, âu cũng chính là hệ quả của lối sống (gấp) mà ra. Vì thế, dù ở môi trường nào đi chăng nữa (gia đình, nhà trường hay ngoài xã hội), chỉ cần mỗi người lớn hãy sống thực nhân văn. Khi người lớn thực sự là tấm gương – thì chúng ta cũng không phải bàn quá nhiều về việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Hương Lê
Theo Đại đoàn kết
Ngăn bạo lực học đường: Việc của nhà quản lý, sao lại dồn giáo viên?
Để ngăn ngừa bạo lực học đường, thầy giáo 40 năm tuổi nghề đã đề xuất 4 kiến nghị.
Lời toà soạn: Một tuần sau sự kiện nữ sinh ở Trường THCS Phù Ủng bị đánh hội đồng gây xôn xao dư luận, ngày 6/4, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 16.000 giáo viên để tìm giải pháp ngăn ngừa hiện tượng này. Theo dõi xuyên suốt sự kiện, nhà giáo Lê Minh Hoàng ở An Giang đã có bài viết gửi tới VietNamNet "thảo luận cùng 16.000 nhà giáo ở Hưng Yên và Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hưng Yên". Dưới đây là nội dung bài viết.
"Xử lý nghiêm" là cần thiết
Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chỉ đạo "phải xử lý nghiêm", Bộ trưởng GD-ĐT và Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp giải quyết "luôn và ngay" cho thấy đây là một vụ đặc biệt nghiêm trọng, hết sức đau lòng không chỉ đối với ngành giáo dục.
Việc Chủ tịch UBND Tỉnh Hưng Yên chỉ đạo thực hiện quy trình và xử lý cách chức hiệu trưởng, toàn bộ ban giám hiệu, chi ủy, hội đồng kỷ luật nhà trường, cán bộ Đoàn-Đội, buộc khỏi ngành giáo viên chủ nhiệm; đồng thời xem xét xử lý các em học sinh đánh bạn; những học sinh không đánh nhưng có biết hay chứng kiến sự việc mà không can ngăn hay bảo vệ bạn cũng như không báo cáo cho nhà trường và xem xét xử lý là rất kịp thời, nghiêm minh và cần thiết.
Có thể từ nay, trở đi trường nào ở Hưng Yên nói riêng và cả nước nói chung để xảy ra trường hợp tương tự cũng sẽ bị xử lý như vậy.
Ngày 6/4, Sở GD-ĐT Hưng Yên tổ chức hội nghị trực tuyến về phòng chống bạo lực học đường với sự tham gia của hơn 16.000 giáo viên ở gần 600 điểm cầu trên toàn tỉnh. Ảnh: Quang Vinh
Tuy nhiên, là một cựu giáo viên có gần 40 năm trực tiếp giảng dạy, công tác ở trường phổ thông, tôi nghĩ như vậy là mới xử lý phần "ngọn".
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là do cơ cấu tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động lâu nay của trường phổ thông nhìn bề ngoài và nghe báo cáo thì rất khoa học, trách nhiệm, kỷ cương, nề nếp, hiệu quả, thân thiện...và hàng loạt mỹ từ khác; nhưng thực tế thì không phải vậy.
Xin được nêu ra đây một vài ý kiến, hy vọng lãnh đạo Bộ GD-ĐT và cơ quan quản lý giáo dục các cấp quan tâm.
Tất cả chưa "vì học sinh thân yêu"
Bộ máy quản lý nhà trường phổ thông của ta lâu nay quá cồng kềnh, nhiều ban thường trực, ban chỉ đạo, hội đồng chính thức và không chính thức - xin tạm gọi là "hệ thống chính trị"nhưng trách nhiệm thì không rõ ràng, hoạt động thì rời rạc, không hiệu quả chỉ nhằm mục đích duy nhất là đáp ứng những yêu cầu của các phong trào, chỉ tiêu thi đua; của sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên và sự "điều động" của địa phương nơi trường đóng chứ không phải lúc nào cũng "tất cả vì học sinh thân yêu".
Trong quản lý của hiệu trưởng (HT) và ban giám hiệu (BGH) thì tập trung chủ yếu cho công tác tổ chức nhân sự và tổ chức dạy - học, cả chính khóa và dạy thêm - học thêm. Có nhiều trường dạy thêm - học thêm trở thành mũi nhọn, thành việc chính.
Rồi, mất nhiều thời gian cho những việc thuộc về hậu cần như chạy ngân sách Nhà nước, vận động xã hội hóa, họp hành, hiếu hỷ, quan hệ...
Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh thường thì khoán trắng cho tổ chức Đoàn - Đội và giáo viên chủ nhiệm (GVCN) mà công tác Đoàn, Đội những năm gần đây cũng có biểu hiện "mất lửa", hành chính hóa, nặng về hình thức, chủ yếu là theo phong trào kiểu "đến hẹn lại lên", đối phó, chiếu lệ.
Còn GVCN thì cả tuần chỉ được làm việc với lớp mỗi tiết sinh hoạt vì thời gian còn lại cả thầy và trò đều tập trung cao độ cho dạy và học; đã vậy còn bị trừ đi 1 tiết tiêu chuẩn để nuôi giám thị thì làm sao có hiệu quả.
Tiết sinh hoạt đầu tuần hầu hết các trường dành cho sự vụ, phong trào, hiếm khi HT lên bục làm công tác tuyên giáo cho HS. Thậm chí, có HT suốt 20 năm tại vị không làm công tác tuyên giáo với tập thể HS lần nào.
Kỷ luật học đường bị coi nhẹ
Kỷ luật học đường lâu nay bị coi nhẹ. Sự coi nhẹ thể hiện trước hết ở chỗ cho tới thời điểm này (4/2019) mà vẫn còn áp dụng Thông tư 08/TT được ban hành cách nay 31 năm (ngày ký 21/3/1988) để xử lý kỷ luật học sinh trong khi chờ đợi Bộ nghiên cứu sửa chữa, bổ sung (!).
Đã vậy, nhiều trường lại không xử lý khi có HS vi phạm hoặc có xử lý nhưng không nghiêm minh làm cho HS lờn. Liệu chúng ta hiểu nhầm nội hàm của quan điểm kỷ luật tích cực không?
Đặc biệt là sức ép của xã hội, của công luận, của chính bản thân cán bộ giáo viên sau những vụ bạo hành học đường trong thời gian qua (thầy bạo hành trò, trò và gia đình bạo hành thầy) làm cho phần lớn CBGV có tâm lý "sợ" HS và gia đình HS, nhắm mắt trước những lỗi lầm, khuyết điểm của HS theo kiểu "mắc-kê-nô" (mặc kệ nó) với cái quy trình hoạt động được mặc định là: Tới giờ lên lớp - hết giờ rời bục, có thông báo thì họp - BGH bảo sao thì làm vậy - về nhà.
Có một lực lượng trong các trường phổ thông phụ trách chính cho công tác duy trì kỷ luật học đường, nhất là việc tuần tra, giám sát học sinh trong khuôn viên nhà trường kịp thời ngăn chặn, xử lý việc vi phạm trật tự, kỷ luật nhất là tụ tập đánh nhau từng tồn tại trong nhà trường một thời gian dài và rất có hiệu quả là đội ngũ giám thị.
Lúc đầu, đội ngũ này hoạt động rất có hiệu lực, hiệu quả nhưng hiện nay thì không thể phát huy được vai trò vì nó không có vị trí việc làm trong biên chế nhân sự nhà trường mà phải " ký sinh" bằng chế độ của GVCN, và do đó không có tư cách pháp nhân... Họ là những GV thiếu tiết tiêu chuẩn "bị" phân công làm giám thị nên làm cũng lấy có, có mặt cho hết giờ rồi về.
Công việc chủ yếu của giám thị bây giờ là đánh trống báo tiết, điểm danh đầu buổi, ghi nhận có giáo viên vắng, viết giấy cho HS vào lớp. Giám thị có thiếu sót trong công việc (giám thị) , hiệu trưởng cũng không quy được trách nhiệm mà xử lý.
Còn một hiện trạng khác mà theo tôi đây là một trong những nguyên nhân nội tại dẫn đấn sự việc đau lòng như ở Trường THCS Phù Ủng là HS bị cả gia đình và nhà trường ép học thái quá, vi phạm nghiêm trong quy luật tâm - sinh lý học lứa tuổi, làm các em phát cuồng trong nhận thức và hành vi. Ngẫm lại câu nói dân gian: "Học không chơi giết mòn tuổi trẻ/Chơi không học phá vỡ tương lai" lại rất đúng, rất trúng.
4 đề nghị của thầy giáo 40 năm tuổi nghề
Để không còn một vụ tập thể bạo hành bạn trong trường phổ thông nào nữa như ở Trường THCS Phù Ủng, tôi nghĩ cần phải làm nhiều việc.
Nhưng trước mắt xin đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh thành có trách nhiệm:
Làm học sinh hạnh phúc: Điều thiếu vắng ở các trường công lập?
- Nên khẩn trương ban hành ngay một thông tư mới quy định về xử lý kỷ luật HS thay cho Thông tư 08/TT.
- Xem xét tinh giản bộ máy quản lý trường phổ thông, giao quyền và trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, trước hết là hiệu trưởng.
- Cân đối, bố trí biên chế ( trong giới hạn cho phép) và xây dựng đội ngũ giám thị chuyên nghiệp với tư cách là nhân viên được tuyển dụng, tập huấn từ sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp (như nhân viên thiết bị). Chấm dứt tình trạng "ký sinh", "chui" như lâu nay.
- Cần chấn chỉnh một cách dứt khoát, kiểm soát gắt gao, xử lý triệt để những vi phạm về hoạt động dạy thêm-học thêm nói chung, đặc biệt là dạy thêm và học thêm trong nhà trường. Chấm dứt tình trạng ban giám hiệu và nhân viên nhà trường lấy giờ hành chính công, hưởng lương Nhà nước để tổ chức, quản lý dạy thêm-học thêm, hưởng thêm thu nhập trùng lắp. Đặc biệt là cải cách mạnh mẽ nội dung và phương thức thi cử nhằm giảm áp lực cho HS.
Đề nghị các Bộ, lãnh đạo địa phương chỉ đạo cho các ngành, các đoàn thể ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở tạo mọi điều kiện cho hiệu trưởng, ban giám hiệu các trường học tập trung hết thời gian, sức lực cho công việc quản lý đơn vị mình cũng bớt "nhờ" GV, HS các trường đi dự các phong trào với tư cách đại diện cho địa phương để các thầy - cô và các em tập trung vào học tập, vui chơi, rèn luyện.
Nhà giáo Lê Minh Hoàng
Theo vietnamnet
Cô giáo Mỹ bị đuổi việc vì lộ ảnh ngực trần hai năm trước Miranda kiện đòi bồi thường 3 triệu USD vì cho rằng nhà trường đưa ra quyết định không đúng đắn và phân biệt giới tính. Thứ tư tuần trước, Lauren Miranda (25 tuổi), giáo viên môn Toán tại trường trung học Bellport, bị sa thải sau khi bức ảnh ngực trần của cô lọt vào tay một học sinh. Miranda đã nộp đơn...