“Sóng ngầm” nội bộ có thể khiến Taliban khó giữ lời hứa với Trung Quốc
Taliban mong muốn hợp tác với Bắc Kinh và cam kết đảm bảo an toàn cho công dân Trung Quốc nhưng các chuyên gia cho rằng, cam kết này có thể gặp thách thức vì những bất đồng sâu sắc trong nội bộ nhóm.
Một nhóm đặc nhiệm Afghanistan ở sân bay Kabul (Ảnh: AFP).
Theo SCMP , trong khi Taliban nhiều lần công khai việc muốn Trung Quốc hỗ trợ trong nỗ lực xây dựng lại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Trung Nam Á, các nhà phân tích cảnh báo rằng chưa có bất cứ đảm bảo nào về việc nhóm vũ trang này có thể giữ lời hứa trong hàng loạt vấn đề, bao gồm cả việc bảo vệ công dân nước ngoài.
Trong thời gian qua, Taliban gọi Trung Quốc là “người bạn được chào đón” và cam kết sẽ đảm bảo an toàn cho công dân Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Taliban đang phải đối mặt với làn sóng bất đồng trong nội bộ và có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát các thủ lĩnh quân sự ở cấp thấp hơn.
“Giờ đây, khi Taliban đã lên nắm quyền, thách thức liên quan tới việc điều hành nội bộ còn phức tạp hơn nhiều”, chuyên gia về Afghanistan Nishank Motwani nhận định.
“Sóng ngầm” trong nội bộ Taliban
Ông Motwani cho hay, Taliban là tập hợp của những phe phái khác nhau trong cùng một nhóm vũ trang và hiện chưa có bất cứ thỏa thuận nội bộ nào về việc “ai sẽ nắm quyền lực gì” hoặc “các phe phái sẽ thi hành quyền lực như thế nào”.
Ông Motwani cảnh báo, những chỉ huy quân sự của Taliban ở chiến trường có thể sẽ đòi hỏi quyền lợi lớn hơn như là phần thưởng cho chính họ và các tay súng dưới quyền khi họ đã giúp nhóm vũ trang giành được quyền kiểm soát Afghanistan.
“Vì vậy, Trung Quốc và các quốc gia bày tỏ sự quan tâm tới việc hợp tác với Taliban có thể sẽ không thể chắc chắn hoàn toàn về việc liệu Taliban có thể giữ lời hứa của họ hay không”, chuyên gia nói.
Trong khi Taliban đã tuyên bố sẽ bảo vệ các công dân nước ngoài tham gia các nỗ lực tái thiết và cam kết ngăn chặn đất nước một lần nữa trở thành nơi trú ẩn cho chủ nghĩa khủng bố, sự chia rẽ trong nhóm hiện tại dường như cho thấy sự “mong manh” của Afghanistan và cả những thách thức chờ đợi ở phía trước.
Video đang HOT
Faran Jeffery, Phó giám đốc tổ chức Thần học Hồi giáo chống khủng bố có trụ sở tại Anh, nghi ngờ liệu các nhà lãnh đạo chính trị của Taliban có thể kiểm soát giới lãnh đạo quân sự hay không.
“Các chỉ huy và tay súng Taliban nhận lệnh từ Ủy ban quân sự. Các nhà lãnh đạo quân sự của Taliban có thể sẽ muốn có những vai trò hàng đầu trong lực lượng an ninh mới của Afghanistan. Tuy nhiên, vấn đề hiện chưa thể chốt và công bố chính thức”, Jeffery nói.
Chuyên gia Jeffery nhận định, các chỉ huy quân sự của Taliban hầu hết là những người theo đường lối cứng rắn và có nhiều ảnh hưởng trong nhóm. “Họ chắc chắn có tư tưởng chống người nước ngoài… nhưng đồng thời họ cũng đồng ý rằng Afghanistan cần có sự tham gia của cộng đồng quốc tế,” ông nói.
Nhiều thách thức phía trước
Taliban đã tham gia vào các cuộc đàm phán với các nhân vật có tầm ảnh hưởng ở Afghanistan khác hướng tới mục tiêu thành lập chính phủ mới ở Afghanistan. Taliban tuyên bố, chính phủ mới được lập ra sẽ có sự tham gia của phụ nữ, đồng thời nhóm sẽ ân xá cho những người thuộc phe đối lập và cam kết chống tham nhũng.
Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra hoài nghi với viễn cảnh này khi Taliban còn đối mặt với rất nhiều thách thức từ kinh tế tới việc liệu chính phủ mới có được cộng đồng quốc tế thừa nhận hay không. Hồi đầu tuần, một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cho biết, việc Washington thừa nhận chính phủ Afghanistan mới có thể sẽ khó xảy ra trong tương lai gần.
Nước lớn đầu tiên có dấu hiệu “chìa tay” ra với Afghanistan là Trung Quốc dù Bắc Kinh chưa chính thức công nhận Taliban.
Ngoài 2 vấn đề trên, thách thức từ chủ nghĩa khủng bố cũng gây ra đe dọa tới Taliban, với các vụ tấn công gần đây nhất của ISIS-K – “chân rết” của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS – nhằm vào sân bay Kabul. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ nhóm khủng bố như Al-Qaeda có thể trỗi dậy.
Ngoài ra, chuyên gia Jeffery cảnh báo rằng, một số phần tử có tư tưởng cực đoan của Taliban có thể không hài lòng với cách tiếp cận mang hơi hướng thực dụng của giới lãnh đạo hiện tại. Những phần tử này có khả năng đào tẩu sang tham gia nhóm khủng bố ISIS-K.
Kịch bản chỉ huy cấp tỉnh và các tay súng Taliban đào tẩu lực lượng và gia nhập ISIS-K đã xảy ra trong quá khứ và ông Jeffery cho rằng nó có thể tái diễn lại trong những ngày tới.
Hiện không có quá nhiều người Trung Quốc ở Afghanistan, nhưng trong tương lai, nếu Trung Quốc mở rộng đầu tư vào quốc gia Trung Nam Á xảy ra, con số này có thể sẽ gia tăng.
Ông Motwani cảnh báo rằng, Trung Quốc có thể sẽ vướng phải “tính toán sai lầm” nếu tin tưởng vào lời hứa của Taliban rằng công dân của Bắc Kinh có thể được bảo vệ, xét theo tình hình nội bộ phức tạp của nhóm hiện tại.
Chuyên gia Jeffery cảnh báo kịch bản rằng, công dân Trung Quốc ở Afghanistan có thể trở thành mục tiêu của các nhóm khủng bố, bao gồm ETIM. Trung Quốc cáo buộc ETIM là nhóm gây ra mối đe dọa khủng bố ở Tân Cương và ETIM được cho có quan hệ với Taliban. Trước đó, Bắc Kinh đã yêu cầu Taliban phải cắt đứt hoàn toàn với ETIM và Taliban cũng cam kết sẽ không để bên nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để chống lại một quốc gia khác.
Thách thức bủa vây, Afghanistan đứng trên bờ vực thảm họa
Người dân Afghnistan đối mặt với hàng loạt khó khăn trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi nước này và Taliban lên nắm quyền.
Các tay súng Taliban ở sân bay Kabul ngày 31/8 (Ảnh: NYTimes).
Khi chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ rời khỏi thủ đô Kabul trong đêm 30/8, các chiến binh Taliban ăn mừng bằng những phát súng và tuyên bố Afghanistan "độc lập".
Việc Mỹ rút quân đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến kéo dài 20 năm, tiêu tốn hơn 2.000 tỷ USD, cướp đi sinh mạng của hơn 170.000 người và đỉnh điểm là sự tiếp quản của chính lực lượng nổi dậy mà Mỹ tìm mọi cách để loại bỏ.
Saad Mohseni, ông chủ của Tolo - kênh truyền hình lớn nhất Afghanistan, nhấn mạnh những rào cản lớn mà Taliban phải đối mặt sau khi lên nắm quyền, bao gồm việc giành được sự ủng hộ từ người dân Afghanistan.
"Kỳ vọng của người dân đã tăng lên đáng kể sau 20 năm tự do và giải phóng. Nỗi đau bây giờ vẫn chưa ập đến. Liệu Taliban có lôi kéo thế giới bằng một cách tiếp cận toàn diện hơn không? Hay họ sẽ quay trở lại như trước đây?", ông Mohseni nói.
Taliban đang phải đối mặt với nhu cầu thành lập một chính phủ mà nhiều người Afghanistan và chính phủ nước ngoài có thể không công nhận.
Các dịch vụ cơ bản như điện đang bị đe dọa do nhiều nhân viên nhà nước không đi làm. Trong khi đó, Mỹ đã đóng băng tài khoản dự trữ của chính phủ Afghanistan và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã ngăn Afghanistan tiếp cận nguồn dự trữ khẩn cấp.
"Hiện tại, gần một nửa dân số Afghanistan, tương đương 18 triệu người, cần hỗ trợ nhân đạo để tồn tại", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết trong một tuyên bố hôm 31/8.
"Cứ 3 người Afghanistan thì có một người không biết tìm bữa ăn tiếp theo ở đâu. Hơn một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi có thể bị suy dinh dưỡng nặng trong năm tới. Người dân đang mất dần khả năng tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ cơ bản mỗi ngày", ông Guterres nói.
Ramiz Alakbarov, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc về Afghanistan, cho biết tình hình có thể sẽ sớm trở nên tồi tệ hơn nhiều, khi nguồn dự trữ lương thực có thể cạn kiệt vào cuối tháng 9.
"Tại thủ đô Kabul, nhiều người có thể đang đứng trên bờ vực của thảm họa nhân đạo. Giá cả tăng. Không có lương. Đến một lúc nào đó, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh khốn cùng", ông Alakbarov cho biết.
Một quan chức quân đội Mỹ nói rằng tất cả những người Mỹ muốn rời Afghanistan và có thể đến sân bay đều đã được sơ tán. Tuy nhiên vẫn còn một số người Mỹ, được cho là dưới 300 người, đang ở lại, do lựa chọn không rời đi hoặc do họ không thể đến sân bay để kịp sơ tán.
Một số người đã lên mạng xã hội để kêu gọi giúp đỡ đưa người thân rời khỏi Afghanistan.
"Gia đình tôi đã ở cổng sân bay Kabul trong 4 ngày, sau đó bị bỏ lại. Xin hãy giúp họ", một người đàn ông tự xưng là cựu thông dịch viên quân đội Anh viết trên Twitter.
Kể từ khi chiếm được Kabul, Taliban đã tìm cách xây dựng hình ảnh ôn hòa hơn. Nhưng nhiều người ở Afghanistan vẫn không thể quên những quy định cứng rắn của nhóm này vào những năm 1990, trong đó tước đi các quyền cơ bản của phụ nữ như giáo dục và khuyến khích các hình phạt hà khắc.
Những hành động của Taliban trong những tuần qua cho thấy một viễn cảnh không mấy khả quan. Kể từ khi chiếm được Kabul vào ngày 15/8, các chiến binh Taliban đã trấn áp các cuộc biểu tình, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông và vây bắt những người chống đối.
Mặc dù cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ, nhưng Taliban vẫn cảnh báo phụ nữ Afghanistan rằng để đảm bảo an toàn, tốt nhất họ nên ở trong nhà.
Thỏa thuận bí mật của Mỹ với Taliban những ngày cuối cùng ở Afghanistan Quân đội Mỹ đã đàm phán một thỏa thuận rút quân bí mật với Taliban trước khi hoàn tất chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan hôm 30/8. Lính thủy đánh bộ của Mỹ hỗ trợ đảm bảo an ninh ở sân bay Kabul trong quá trình sơ tán (Ảnh: Reuters). Hai quan chức giấu tên của Mỹ đầu tuần này tiết lộ, quân...