Sống đẹp mỗi ngày
Những việc làm giản dị nhưng đầy ý nghĩa giúp mỗi CNVC-LĐ TP HCM đẹp hơn trong mắt mọi người
“Giáo viên không chỉ là người thầy mà còn là người cha, người mẹ, người bạn của các em học sinh. Chính những phút giây mang đến cho các em niềm hạnh phúc và trở thành chỗ dựa tinh thần cho học trò thân yêu là kỷ niệm khó quên trong suốt 16 năm tôi đứng trên bục giảng”. Tâm sự chân thành của cô giáo Trần Thị Thúy Nghiêm (Trường Tiểu học Bình Thuận; phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) tại lễ tuyên dương “Người tốt – Việc tốt” do Công đoàn (CĐ) ngành Giáo dục TP HCM tổ chức mới đây làm nhiều đại biểu xúc động.
Điểm tựa của học trò nghèo
Gắn bó với Trường Tiểu học Bình Thuận từ thời còn mái tôn, nền đất nên cô Thúy Nghiêm hiểu rõ hơn ai hết hoàn cảnh học sinh trường mình. Cha mẹ các em hầu hết là dân nhập cư, chật vật mưu sinh nên ít có thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Nhiều em còn gặp cú sốc về tinh thần khi cha mẹ ly hôn. Tất cả những điều ấy khiến cô day dứt, làm sao để giúp đỡ các em đến trường, được sống vui vẻ như bè bạn.
Gần gũi, hết mực yêu thương học trò là phong cách của cô Trần Thị Thúy Nghiêm
Với tấm lòng bao dung ấy, nhiều năm nay, dù đồng lương giáo viên khiêm tốn nhưng cô Nghiêm vẫn đều đặn trích ra để đóng học phí cho những học trò nghèo ở lớp. Thậm chí, ngay những học sinh cô không chủ nhiệm, nếu biết hoàn cảnh của các em, cô cũng gắng giúp. Điển hình như em Bảo (học sinh lớp 5/1), ba mẹ Bảo đã ly hôn, mẹ bán hàng thuê ở chợ để nuôi em ăn học và phụng dưỡng bà ngoại. Đến thăm, nhìn cả gia đình Bảo chen chúc trong căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn 6 m2, cô không khỏi xót xa. Hoàn cảnh gia đình là vậy nhưng Bảo rất hiếu học. Thương học trò hằng ngày phải lội bộ hàng cây số đến trường, năm học vừa qua, cô Nghiêm đã trích một phần lương để mua tặng em chiếc xe đạp mới. Cô tâm sự: “Nhìn em hạnh phúc với món quà của mình, tôi rất vui. Nhiều khi tôi cứ nghĩ giá như mình có thể giúp đỡ được nhiều hơn cho các em?”.
Trường học nơi cô giảng dạy có quá nhiều học sinh rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong khi khả năng hỗ trợ của ban giám hiệu và tập thể giáo viên có hạn. Với suy nghĩ không để các em dang dở việc học, cô Nghiêm không ngần ngại tìm nguồn tài trợ. Nhờ vậy mà năm học qua, 43 học sinh nghèo của trường được nhận học bổng (1,3 triệu đồng/suất). Đặc biệt, cô cũng chính là người chạy khắp nơi vận động giúp em Phan Văn Tùng, học sinh của trường, được mổ tim miễn phí (chi phí 120 triệu đồng). Tùng bị hở van tim 2 lá, phải mổ gấp nhưng gia đình không có khả năng, ba của em làm nghề đạp xích lô, mẹ bán vé số lại bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Sau khi mổ tim, cô tiếp tục vận độngmạnh thường quân hỗ trợ 30 triệu đồng để mẹ em được chữa trị và Tùng có tiền bồi bổ sau ca mổ nguy hiểm.
Sống hướng thiện
Không đợi giàu mới giúp đỡ người khác, suy nghĩ ấy đã giúp anh Lê Hà Triều, bảo vệ Trường THPT Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), thực hiện những công việc hết sức ý nghĩa.
Đồng lương ít ỏi nhưng anh Triều lại khiến đồng nghiệp quý mến và nể trọng bởi tinh thần tương thân tương ái. Biết nhiều học sinh nghèo phải nghỉ học do không có tiền đóng học phí, anh đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh, động viên và hỗ trợ học phí cho các em. Điển hình như trường hợp của em Bùi Minh Tùng (lớp 11A4), anh đã lo học phí cả năm học (2,3 triệu đồng) để Tùng được tiếp tục đến trường. Đặc biệt, có trường hợp đồng nghiệp gặp khó khăn đột xuất, anh sẵn lòng bỏ 3 triệu đồng tiền túi để hỗ trợ. Càng nể phục hơn khi anh còn thường xuyên chở các học sinh khiếm thị từ lớp hòa nhập cộng đồng về mái ấm sau giờ tan học; thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em và người già neo đơn tại chùa Bình An. Làm được rất nhiều việc có ý nghĩa song anh lại khiêm tốn: “Trong khả năng của mình, tôi chỉ cố gắng san sẻ khó khăn với mọi người”.
Hướng thiện cũng là suy nghĩ của anh Ông Thiện Ý, nhân viên an ninh siêu thị Big C (quận Gò Vấp). Năm 2014, anh phát hiện và trả lại 12 chiếc điện thoại di động, 2 đôi bông tai, lắc vàng, máy tính bảng, 120 USD tiền mặt và nhiều giấy tờ tùy thân cho khách. Anh kể nhiều khách hàng nữ khi mua đồ hay để quên tài sản trên kệ hàng. Phát hiện, anh chủ động thông báo để khổ chủ đến nhận lại. “Nhiều khách khi nhận lại tài sản thấy thiếu hoặc chỉ còn giấy tờ đã quay sang đổ lỗi cho tôi. Khi ấy, tôi kiên nhẫn giải thích để họ hiểu. Bản thân tôi tin rằng mình không làm điều gì sai” – anh tâm sự.
Theo nld.com.vn