Sớm có dữ liệu về thị trường lao động để điều tiết tốt nhất
Tình trạng người lao động rời khu vực sản xuất, di cư về quê đang đặt ra bài toán đối với công tác quản lý nhân lực, trong đó có việc chuẩn bị đội ngũ lao động cho phục hồi phát triển kinh tế.
Rất đông người dân từ các vùng dịch trở về các tỉnh miền Tây, trong đó có Đồng Tháp, bằng phương tiện xe máy. Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tính tới tháng 8/2021, báo cáo nhanh của các tỉnh phía Nam cho thấy, đã có khoảng 2,5 triệu lao động phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc trong cả nước. Do không có việc làm, nhiều lao động đã quyết định về quê và để lại khoảng trống lớn về nhân lực khi bước vào giai đoạn phục hồi.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, việc để hàng trăm ngàn lao động phải “vượt rào” về quê trong mùa dịch bệnh như những ngày gần đây là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch và quản lý lao động tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Đây là những khu vực trọng điểm kinh tế, thu hút lượng lớn lao động ngoại tỉnh đến làm việc. Tại Bình Dương, ước tính lao động trong các khu công nghiệp có đến 60-70% là người ngoại tỉnh. Về quy định, người lao động ở đâu thì chính quyền địa phương nơi đó phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho họ. Nhưng đến nay, tại các khu công nghiệp lớn ở khu vực phía Nam, vấn đề an sinh xã hội cho người lao động ngoại tỉnh vẫn chưa được thực hiện tốt. Do vậy, nhiều lao động sống ở đây cả chục năm nhưng vẫn là dân ngụ cư, không xác định sẽ gắn bó lâu dài, khi dịch bệnh xảy ra, đồng lương ít ỏi, không thể cầm cự, người lao động phải tìm mọi cách để về quê.
Video đang HOT
Ông Phạm Minh Huân nhận định: Việc lao động về quê đặt ra câu hỏi các tỉnh có nắm được số liệu về lao động hay không, và dữ liệu về lao động giữa các địa phương có sự liên thông, thống nhất không, để từ dữ liệu này có phương án hỗ trợ người dân về quê và ở lại thành phố? Việc xây dựng được nguồn dữ liệu thị trường lao động và liên thông giữa các tỉnh có vai trò quan trọng nhưng từ lâu nguồn dữ liệu này vẫn chưa thực hiện được và dựa trến số liệu của Tổng cục thống kê. Bên cạnh đó, việc kết nối lao động hiện nay vẫn chủ yếu do người lao động và doanh nghiệp tự tìm đến nhau, mang tính tự phát. Tại các nước trên thế giới, khi xây dựng được cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, không chỉ giúp các cơ quan hoạch định chính sách nắm được chính xác hơn vấn đề về cung cầu lao động tại từng địa phương mà còn giúp giải quyết rất nhiều bài toán về lao động. Việc xây dựng được dữ liệu sẽ có biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn.
Còn theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), lâu nay, các trung tâm kinh tế vẫn thu hút một lượng rất lớn lao động nhập cư đến làm việc, điều này giúp giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận người lao động. Tuy nhiên, xét ở góc độ về chính sách an sinh xã hội thì vẫn còn nhiều bất cập.
Tại một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh là chủ yếu, song các công trình phúc lợi như nhà ở xã hội, nhà trẻ trong các khu công nghiệp vẫn còn rất nghèo nàn so với nhu cầu của người lao động. “Đây là sự mất cân đối giữa đóng góp của người lao động và mức độ đầu tư ngược trở lại cho nhóm đối tượng này. Cũng bởi thế, nhiều lao động coi công việc tại đây chỉ mang tính tạm thời”, ông Lê Đình Quảng cho biết.
“Do đó, khi thu hút lao động vào các khu công nghiệp, cũng cần nhìn nhận lại tác động về mặt xã hội, tránh việc thu hút quá nhiều lao động vào một vài khu công nghiệp. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng được một cơ sở dữ liệu về lao động thống nhất, trong đó các địa phương có lao động đi làm ở những địa phương khác, cũng như địa phương tiếp nhận lao động cần nắm rõ số liệu để có những hoạch định chính sách, không chỉ phục vụ vấn đề quản lý thị trường lao động mà còn đáp ứng cho công cuộc phòng chống dịch. Có thể thấy dữ liệu về thị trường lao động “cát cứ” tại từng địa phương và không có số liệu chính xác”, ông Lê Đình Quảng cho hay.
Việc đảm bảo cuộc sống cho người lao động ổn định không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà cần có trách nhiệm của doanh nghiệp để có mức độ đầu tư tương xứng về an sinh xã hội.
TP Hồ Chí Minh trao tặng túi quà an sinh cho người lao động trở lại làm việc
Ngày 11/10, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cùng các Công đoàn cấp trên cơ sở và 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức cho biết đã trao tặng 200.000 túi quà an sinh cho người lao động trong Chương trình "1 triệu túi an sinh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến đoàn viên, người lao động ảnh hưởng bởi dịch COVID-19" ở 25 tỉnh, thành phố và công đoàn ngành trong cả nước.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố và Quận 5 trao túi an sinh cho đoàn viên Công đoàn, người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố đây là những phần quà bước đầu hỗ trợ cho công nhân, người lao động quay trở lại làm việc sau khi thành phố nới lỏng giãn cách để góp phần động viên, thi đua lao động, sản xuất trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sớm phục hồi kinh tế thành phố. Qua đó thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp; thực hiện nhiệm vụ chăm lo tốt nhất cho người lao động trước, trong và sau đại dịch COVID-19.
Ghi nhận tại điểm trao tặng ở Quận 5, Liên đoàn Lao động thành phố và lãnh đạo Quận 5 đã trao 5.000 túi an sinh cho đoàn viên Công đoàn, người lao động cho công nhân, người lao động của Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhựa Tân Lập Thành, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, Trung tâm Y tế Quận 5 Công ty cổ phần Kỹ nghệ Đô Thành, Công ty cổ phần DKRA Việt Nam...
Các công nhân, người lao động đại diện các đơn vị doanh nghiệp cảm ơn sự quan tâm kịp thời của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố đã góp phần động viên, tiếp sức cùng người lao động vượt qua khó khăn, chia sẻ cùng chủ doanh nghiệp, cơ quan đơn vị sớm trở lại hoạt động, lao động, sản xuất, kinh doanh.
Anh Nguyễn Huy Cường và gần 100 công nhân Công ty cổ phần DKRA Việt Nam bày tỏ vui mừng khi trở lại công việc hàng ngày để cải thiện thu nhập, chăm lo cuộc sống gia đình. Túi quà của tổ chức Công đoàn góp phần động viên người lao động trong những ngày đầu tiên quay trở lại làm việc.
Theo bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 5, trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát, ngoài các gói hỗ trợ của Trung ương, thành phố, Trung tâm an sinh, Liên đoàn Lao động Quận 5 cũng đã vận động trao tặng 2.000 túi thuốc điều trị dịch COVID-19, 4.000 túi an sinh, 5.000 phần quà gồm các nhu yếu phầm cho công nhân, người lao động. Công đoàn cũng đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà, hỗ trợ kinh phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp nhận và vận chuyển hơn 70 tấn rau củ quả do các đơn vị trong và ngoài thành phố hỗ trợ; chăm lo 1.300 đoàn viên công đoàn, người lao động bị mắc COVID-19 ở trong khu cách ly, khu phong tỏa...
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố và Quận 5 trao 5.000 túi an sinh cho đoàn viên Công đoàn, người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cũng trong Chương trình "1 triệu túi an sinh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam", từ ngày 1/10 đến nay, Liên đoàn Lao động thành phố cùng huyện Hóc Môn, Công đoàn Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn và Công đoàn Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn trao hơn 10.600 túi an sinh và 2 tấn gạo cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Quận Bình Tân trao tặng gần 8.000 túi an sinh cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lạc Tỷ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Proking Tex, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dinsen 2, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kayuen Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Chang Yang. Quận Tân Phú trao 8.000 túi an sinh; Quận 10 tặng 3.000 túi an sinh và trao kinh phí hỗ trợ người lao động thực hiện "3 tại chỗ" có bữa ăn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tính từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tới nay, các cấp Công đoàn trong cả nước đã chi trên 5.000 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao động, lực lượng tuyến đầu và ủng hộ các quỹ phòng, chống dịch. Có trên 3,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động thụ hưởng hỗ trợ tiền mặt hoặc chương trình dinh dưỡng cho công nhân làm việc "3 tại chỗ", dinh dưỡng cho y bác sỹ tăng cường tại các vùng dịch...
Bộ LĐTBXH đề xuất điều chỉnh một số thủ tục hưởng gói 26.000 tỷ đồng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng dịch để sản xuất. Ảnh: TTXVN. Dự thảo có 8 nội dung...