Sợi dây gắn kết hai thế hệ từ di vật Triều Tiên trao trả cho Mỹ
Ở độ tuổi 70, hai anh em nhà McDaniel mới được cầm trên tay thẻ tên của cha mình – binh sĩ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên, song vẫn chưa rõ liệu bộ hài cốt được Bình Nhưỡng trao trả cho Mỹ gần đây có phải của ông hay không.
Thẻ tên và huân chương của binh sĩ Charles Hobert McDaniel (Ảnh: Washington Post)
Trước khi kể về câu chuyện liên quan tới chiếc thẻ tên không còn nguyên vẹn của người cha quá cố, Charles Hobert McDaniel Jr., một mục sư quân đội nghỉ hưu, đã hít một hơi thật sâu. Chiếc thẻ tên với hai lỗ thủng và một góc bị sứt mẻ, được tìm thấy tại chiến trường gần vùng Usan ở Triều Tiên – nơi cha ông, Thượng sĩ Lục quân Charles Hobert McDaniel Sr., thiệt mạng vào năm 1950.
McDaniel Jr., 71 tuổi, và em trai Larry, 70 tuổi, có rất ít ký ức về cha của họ. Do vậy chiếc thẻ tên, mẩu kim loại nhỏ bé khắc dòng chữ “McDANIEL, CHARLES H.”, là sợi dây kết nối quý báu giữa cha con họ.
Gần 68 năm sau khi Thượng sĩ McDaniel, một cựu binh Thế chiến II và là bác sĩ quân y của Mỹ, mất tích trong trận chiến khốc liệt với lực lượng quân đội Trung Quốc ở vùng Unsan, quân đội Mỹ ngày 8/8 đã trả lại thẻ tên của ông cho các con trai.
Thẻ tên của Thượng sĩ McDaniel là một trong những di vật đi kèm với 55 bộ hài cốt được Triều Tiên trao trả cho Mỹ hồi tháng trước và cũng là vật duy nhất được xác định có liên quan tới một người lính cụ thể của Mỹ. Đây cũng là vật kết nối đầu tiên giữa một binh sĩ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên với gia đình sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6.
Mặc dù Lầu Năm Góc đã trao thẻ tên của Thượng sĩ McDaniel cho gia đình, song giới chức Mỹ vẫn không biết liệu bộ hài cốt đi kèm với thẻ tên này có thực sự là của Thượng sĩ McDaniel hay không. Người thân của các binh sĩ sẽ phải chờ thêm một khoảng thời gian nữa trước khi việc xác định ADN hoàn tất và danh tính của các bộ hài cốt được công bố.
“Đó là cha tôi. Tôi là con cả của ông ấy. Đây là em trai tôi, Larry. Đó là khoảnh khắc với cảm xúc lẫn lộn. Chúng tôi không nghĩ là có ngày này… Quân đội đã liên lạc với chúng tôi. Họ nói tìm thấy một thẻ tên và đó là của cha tôi”, Charles McDaniel nói.
“Chúng tôi không biết liệu hài cốt của cha tôi có được đưa về nhà hay không. Nhưng ít nhất chúng tôi cũng có cái này”, Charles nói thêm.
Xác minh hài cốt
Thượng sĩ Lục quân Charles Hobert McDaniel Sr. (Ảnh: Washington Post)
Video đang HOT
Thượng sĩ McDaniel là con trai của một nông dân ở Indiana, Mỹ. Ông nhập ngũ trước Thế chiến II và từng tham gia chiến đấu ở châu Âu. Sau Thế chiến II, ông là một thành viên trong đội quân chiếm đóng Nhật Bản. Gia đình McDaniel vẫn ở lại Nhật Bản khi ông được đưa tới bán đảo Triều Tiên sau khi chiến tranh nổ ra tại khu vực này.
Theo Cơ quan Phụ trách chương trình Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) của Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA), Thượng sĩ McDaniel là binh sĩ của đại đội quân y thuộc Tiểu đoàn số 3, Trung đoàn số 8 của quân đội Mỹ khi đơn vị này bị lực lượng Trung Quốc tấn công vào đầu tháng 11/1950.
Trung đoàn của Thượng sĩ McDaniel đã bị bao vây. Sau nhiều giờ giao chiến, hơn 600 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng tại Unsan, trong đó phần lớn là binh sĩ thuộc Tiểu đoàn số 3. Lầu Năm Góc cho biết nhân chứng và các đồng đội tin rằng Thượng sĩ McDaniel đã thiệt mạng.
Charles khi đó mới 3 tuổi và ký ức còn sót lại là khoảng thời gian cả gia đình lên tàu rời khỏi Nhật Bản.
“Vì có quá nhiều thương vong, họ đã đưa các góa phụ và gia đình của các binh sĩ lên tàu và đưa họ trở về Hawaii. Gia đình tôi trở về nhà ở Indiana. Đó là những gì tôi có thể nhớ được”, Charles McDaniel kể lại.
Khi được gọi điện đến nhận thẻ tên của cha, Charles McDaniel không thể giấu nổi những giọt nước mắt. “Tôi ngồi đó và khóc một lúc”, anh nói.
Khác với anh trai, Larry McDaniel không có ký ức về người cha đã mất của mình.
“Tôi không nhớ gì về cha mình cả… Tôi tự hào vì cha tôi là một người giàu lòng yêu nước, một tình yêu đủ để ông có thể dâng hiến cả cuộc đời cho đất nước mà không chút do dự”, Larry chia sẻ.
55 bộ hài cốt được Triều Tiên trao trả cho Mỹ hôm 27/7 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết giám định pháp y ban đầu cho thấy những bộ hài cốt được Triều Tiên trao trả cho Mỹ có thể là các binh sĩ Mỹ. Tuy vậy, các chuyên gia cho biết việc xác định danh tính chính xác của các bộ hài cốt này có thể mất nhiều năm.
Theo John Byrd, giám đốc phòng thí nghiệm DPAA, thẻ tên của Thượng sĩ McDaniel được đặt trong hộp nhựa bên cạnh một túi nhựa khác chứa các mảnh xương. Tất cả được đặt bên trong một hộp chứa hài cốt. Ông Byrd cho biết hầu hết các hài cốt đều là những mảnh xương và phía Triều Tiên đã trao đổi với phía Mỹ rằng các mảnh xương này được để lẫn lộn. Điều đó có nghĩa rằng có thể có hài cốt của nhiều hơn một người được đặt trong một hộp.
Cũng theo ông Byrd, các mẫu xương sẽ được đem đi phân tích và ADN thu được sẽ được so sánh với ADN của gia đình các binh sĩ xem có trùng khớp hay không. Các di vật khác như ủng, bi đông, mũ cũng được trao trả cùng hài cốt nhưng liệu chúng có liên quan tới các binh sĩ hay không lại phụ thuộc vào quá trình xác minh.
Hầu hết các binh sĩ Mỹ đều thiệt mạng trên chiến trường và được chôn cất bên dưới những ngôi mộ nông hoặc trong các nghĩa trang tạm bợ. Một số binh sĩ khác qua đời trong các trại tù nhân của Triều Tiên hoặc Trung Quốc. Lầu Năm Góc ước tính có gần 7.700 binh sĩ Mỹ bị mất tích trong chiến tranh Triều Tiên, trong đó 5.300 người được tin là thiệt mạng trên lãnh thổ Triều Tiên.
Thành Đạt
Theo Dantri/ Washington Post
Cuộc gặp thượng đỉnh đánh dấu những "lần đầu tiên" trong lịch sử Hàn - Triều
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày mai được xem là sự kiện lịch sử, đánh dấu những "lần đầu tiên" trong quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: AP)
Theo giới quan sát, cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thiết lập nhiều kỷ lục mới trong lịch sử quan hệ song phương. Hội nghị thượng đỉnh này sẽ được tổ chức vào ngày mai 27/4 tại Nhà Hòa Bình ở làng đình chiến Panmunjom, thuộc phía lãnh thổ Hàn Quốc. Như vậy, đây là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức trên đất Hàn Quốc. Hai hội nghị trước đây đều được tổ chức tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào các năm 2000 và 2007.
Cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim lần này cũng đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân tới lãnh thổ Hàn Quốc, ít nhất kể từ sau cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953). Em gái ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, từng tới Hàn Quốc hồi tháng 2 nhân dịp Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang. Trước bà Kim Yo-jong, chưa có thành viên nào trong gia đình lãnh đạo Kim từng đi tới quốc gia láng giềng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ duyệt đội danh dự của quân đội Hàn Quốc trước khi bắt đầu hội đàm song phương. Theo đó, ông Kim Jong-un sẽ là nhà lãnh đạo Triều Tiên thực hiện nghi thức này tại Hàn Quốc.
Trong bối cảnh cả thế giới dường như dõi theo từng diễn biến mới nhất trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, các phóng viên nước ngoài sẽ được mời tham gia đoàn báo chí để đưa tin về hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Khu Phi Quân sự liên Triều - một trong những khu vực được vũ trang dày đặc nhất thế giới.
"Lần đầu tiên trong lịch sử của các hội nghị thượng đỉnh liên Triều, các phóng viên nước ngoài sẽ được tham dự với tư cách cá nhân", thông cáo báo chí của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Tại hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đây, chỉ một số ít phóng viên địa phương được phép đưa tin và địa điểm tác nghiệp của họ chỉ giới hạn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tính đến nay đã có hơn 800 phóng viên nước ngoài đăng ký đưa tin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều vào ngày mai. Họ có thể chọn vị trí tác nghiệp tại nơi tổ chức hội nghị hoặc tại trung tâm báo chí ở Goyang, cách biên giới Hàn - Triều khoảng 30 km về phía nam.
Theo thống kê của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, tổng cộng có 2.850 phóng viên, bao gồm phóng viên của các cơ quan báo chí địa phương, đăng ký đưa tin về sự kiện ngày mai. Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên được báo chí quan tâm nhiều và có đông phóng viên tác nghiệp như vậy.
Phi hạt nhân hóa
Căn phòng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều vào ngày 27/4 (Ảnh: Yonhap)
Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do hai nước mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình sau chiến tranh liên Triều. Tổng thống Moon Jae-in cho biết cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử thế giới và "bước chuyển giao quan trọng" tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Khác với những lần trước đây, hội nghị thượng đỉnh lần này được cho là sẽ chỉ tập trung vào chủ đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Để cuộc gặp diễn ra hiệu quả và tập trung vào chủ đề chính, phía Hàn Quốc đã gạt vấn đề hợp tác kinh tế ra khỏi chương trình hội nghị.
"Hợp tác kinh tế chỉ có thể khả thi sau khi tiến trình phi hạt nhân hóa được thực hiện, cùng với đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế", một quan chức Hàn Quốc nói với Korea Times.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2000, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã thông qua Tuyên bố chung 15/6. Tuyên bố này chủ yếu đặt ra những nguyên tắc chung về việc thống nhất bán đảo Triều Tiên và vấn đề nhân quyền. Sau hội nghị này, Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu thúc đẩy hoạt động của Khu phức hợp Công nghiệp Gaeseong - khu công nghiệp chung của hai nước.
Tuyên bố chung 4/10 được hai nhà lãnh đạo Roh Moo-hyn và Kim Jong-il ký tại hội nghị thượng đỉnh năm 2007 cũng đi theo đường lối chung của tuyên bố ký năm 2000, trong đó hai bên nhất trí mở rộng trao đổi hợp tác về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân vẫn chưa được đưa ra thảo luận tại các cuộc đàm phán liên Triều. Trong khi đó, đây lại là vấn đề then chốt trong cuộc gặp giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un vào ngày mai.
Nếu hội nghị thượng đỉnh năm 2007 được tổ chức vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Roh Moo-hyun, hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra khi cả Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump đều đang ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ lãnh đạo. Do vậy, giới quan sát đặt nhiều kỳ vọng vào những bước đột phá có thể đạt được trong thỏa thuận song phương Hàn - Triều.
Để đảm bảo duy trì kết quả của thỏa thuận song phương sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Moon Jae-in cho biết ông sẽ đề nghị Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn văn kiện này. Ngoài ra, Hàn Quốc được cho là đang lên kế hoạch thiết lập văn phòng liên lạc lâu dài tại biên giới để giới chức hai nước có thể thường xuyên liên lạc với nhau. Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều cũng có thể trao đổi trực tiếp thông qua đường dây nóng được đặt tại văn phòng của họ từ ngày 20/4.
Thành Đạt
Theo Dantri
Cờ thống nhất tung bay trên bán đảo Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều Chính quyền địa phương và các tổ chức dân sự ở Hàn Quốc đã khởi động chiến dịch treo cờ thống nhất ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt là ở khu vực biên giới với Triều Tiên, để thể hiện mong ước hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày mai 27/4 sẽ thành công tốt đẹp. Lá cờ bán đảo...