Sóc Trăng: Tổ chức khai giảng chu đáo, tiết kiệm, không kéo dài
Sở GD&ĐT Sóc Trăng vừa có văn bản về việc thống nhất ngày khai giảng, chuẩn bị năm học mới và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học 2018-2019.
Ảnh minh họa/internet
Theo đó, thống nhất chung cả tỉnh, đồng loạt tổ chức khai giảng ngày 05/9/2018 – Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Sở GD&ĐT yêu cầu xây dựng chương trình buổi lễ Khai giảng thật chu đáo, tiết kiệm, chặt chẽ không kéo dài, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh và không bị ảnh hưởng mưa, nắng; thực sự là ngày hội của giáo viên, học sinh và nhân dân. Mời cấp ủy, chính quyền địa phương tham dự lễ khai giảng để động viên, khuyến khích giáo viên, học sinh.
Lễ khai giảng gồm hai phần: Phần “lễ” ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm; Phần “hội”, tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, nhằm tạo tâm lý thoải mái, phấn khởi, thân thiện giữa thầy và trò, đặc biệt đối với học sinh các lớp đầu cấp.
Một số yêu cầu trong tổ chức Lễ khai giảng: Thời gian tổ chức phần lễ bắt đầu từ 7 giờ, không kéo dài quá 60 phút; chuẩn bị phương án để đối phó với thời tiết xấu, mưa kéo dài; tổng vệ sinh, trang trí khuôn viên nhà trường “xanh -sạch-đẹp-an toàn”.
Theo giaoducthoidai.vn
Cha mẹ có biết không, con em mình đã vào mùa đội nắng tập khai giảng đấy!
Sự rập khuôn, hình thức của nhiều trường học đã và đang giết chết những buổi lễ khai giảng thật sự mang đầy ý nghĩa.
LTS: Đi học trước khai giảng sau đã khiến buổi lễ khai giảng không phải là hoạt động được các em học sinh quá mong chờ.
Nhà giáo Đăng Bình chia sẻ những vấn đề bất cập của những lễ khai giảng hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Video đang HOT
Vào đầu tháng 8, nhiều trường học trong cả nước đã tổ chức tựu trường.
Những cô cậu bé sau hai tháng hè nghỉ ngơi đã trở lại mái trường trong tâm trạng ngập tràn niềm vui sướng hân hoan vì được gặp thầy gặp bạn.
Sau tuần đầu làm quen trường lớp và ổn định mọi nề nếp, các em đã chính thức vào chương trình năm học mới.
Dù thế nhưng mãi đến ngày 5 tháng 9 học sinh cả nước mới được dự lễ khai giảng năm học mới.
Tham dự lễ khai giảng, học sinh phải tập dượt nhiều lần để buổi lễ diễn ra suôn sẻ. Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn
Khác với lời giới thiệu trong bài diễn văn khai mạc của nhiều hiệu trưởng "trong cái hân hoan, náo nức của buổi lễ khai giảng...", học sinh cũng bình thường, dửng dưng đến lạ.
Bởi, các em không chỉ đi học được vài tuần mà hằng ngày còn dành cả tiếng đồng hồ để tập dượt các nghi lễ cho buổi lễ khai giảng đầu năm.
Thầy thì tập cách điều khiển chương trình, cách kính thưa để giới thiệu đại biểu, cô thì học cách ra cổng dẫn dắt học sinh lớp 1 vào sân lễ (buồn cười là những học sinh này đã vào trường học từ khá lâu).
Trò thì học từ cách vỗ tay sao cho đúng nhịp, cách đánh trống lúc nào thì hành tiến? Khi nào là chào mừng?
Tập cách đi đứng, cách ngồi đến cách lên tặng hoa đón học sinh đầu cấp, tập cả lời phát biểu, lời cảm ơn...
Ngày nào cũng tập, cũng dượt đến thuộc lòng kịch bản.
Bởi thế, lễ khai giảng năm học mới chỉ còn giống như một buổi lễ chào cờ bình thường đầu tuần hay một buổi trình diễn lại những gì đã tập dượt trước.
Hỏi thế là nhàm chán nhiều hơn hay là hứng thú, háo hức?
Chưa nói đến việc hầu như nhiều trường học không có bóng mát của cây xanh, học sinh phải ngồi dưới cái nắng chói chang nóng bức.
Cực nhất là việc mọi thứ đã sẵn sàng nhưng không thể bắt đầu vì phải chờ đại biểu. Giấy mời ghi 6 giờ 45 phút nhưng đôi khi hơn 7 giờ họ mới đủng đỉnh tới dự.
Khách mời gồm đủ các thành phần như đại diện phòng giáo dục, chính quyền địa phương, hội phụ huynh, hội khuyến học, chữ thập đỏ, nhà tài trợ...
Càng nhiều thành phần dự, càng khổ cho người giới thiệu. Bởi phải kính thưa từng vị, bỏ người này giới thiệu người kia lại sợ làm các vị đại biểu phật lòng.
Ngay cả Ban giám hiệu nhà trường, hằng ngày gặp, hằng ngày thấy nhưng vẫn phải kính thưa từng người. Mỗi lần ai được nhắc tên đều đứng lên gập đầu chào và nhận lại tràng pháo tay giòn giã.
Nghi thức rườm rà cũng mất khá nhiều thời gian. Rồi những diễn văn khai mạc, những lời phát biểu, chỉ thị dài lê thê.
Những cô cậu học trò bé tí ngồi hàng giờ dưới nắng nên cứ loi nhoi, những tiếng trò chuyện khi thì râm ran rì rầm, lúc lại ồn ã náo động.
Để giữ trật tự, giáo viên phải cầm thước đi lòng vòng, hết dịu dàng dỗ ngọt, lại trừng mắt hăm dọa, nạt nộ từng nhóm.
Nhưng chỉ im lặng ít phút thì đâu lại vào đấy.
Nắng lên, những khuôn mặt nóng bừng, những giọt mồ hôi lăn dài trên má, những ánh mắt xao xác, ngác ngơ dưới kia chắc cũng chẳng thể hiểu gì với nhiệm vụ thi đua trong năm học, chẳng hiểu gì với những thành tích nhà trường đã thống kê, chẳng hiểu gì với những lời gửi gắm, dặn dò, những lời chỉ đạo của các đại biểu cứ đang thao thao bất tuyệt...
Có lẽ vui nhất với các em trong buổi lễ khai giảng chỉ là màn thả bong bóng.
Sau hiệu lệnh, hàng trăm cái bóng bay được thả lên trời, nói là bong bóng chở ước mơ.
Chẳng biết những đứa học trò bé tí kia đã ước mơ những gì nhưng nhìn hàng trăm trái bóng được thả mà thấy thật lãng phí vô cùng.
Mỗi trái bóng bơm khí giá hàng chục ngàn đồng, mỗi trường hàng mấy trăm trái bóng và một địa phương hàng ngàn trái bóng bị bỏ đi, một lượng tiền không nhỏ đã đổ sông đổ biển.
Trong khi không ít học sinh còn thiếu tiền mua đồng phục, giày dép, cặp sách tới trường...
Sau phần lễ đến phần hội, có lẽ do đã quá mệt mỏi với việc bị "tra tấn" hàng giờ nên chẳng em nào còn hào hứng muốn tham gia các trò chơi.
Sự uể oải, mệt mỏi thể hiện rõ trên từng khuôn mặt. Khi tiếng trống bãi trường vang lên, và chỉ chờ có thế, hàng trăm em học sinh đều nhảy lên reo vang một tiếng "de" biểu thị của sự vui mừng tột độ.
Sự rập khuôn, hình thức của nhiều trường học đã và đang giết chết những buổi lễ khai giảng thật sự mang đầy ý nghĩa.
Nếu ta vì học sinh hãy làm những điều các em thích, các em muốn và các em cần.
Lễ khai giảng mà cũng phải theo sự chỉ đạo từ cấp trên cho đúng quy trình để biến những đứa trẻ ngây thơ trong sáng kia phải thành nạn nhân ngồi chịu trận.
Theo giaoduc.net.vn
Nâng cao chất lượng bữa trưa bán trú tại Sóc Trăng Chất lượng bữa ăn đóng vai trò quan trọng trong phát triển tầm vóc và trí lực của trẻ. Đặc biệt ở trẻ ở độ tuổi 6 - 11 tuổi, thời điểm cơ thể tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì, nhu cầu dinh dưỡng cần được quan tâm đúng mực cho sự phát triển...