Sóc Trăng: Nông dân trồng cây đặc sản, nuôi con đặc sản mà thu tiền tỷ
Nhiều nông dân ở Sóc Trăng đã mạnh dạn trồng cây đặc sản, nuôi con đặc sản để tạo ra thu nhập tiền tỷ.
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở Sóc Trăng luôn được các cấp hội quan tâm.
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đề ra chỉ tiêu phát động đăng ký danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, chỉ đạo cho Hội nông dân cơ sở phối hợp tổ chức xây dựng mô hình, thường xuyên kiểm tra các hoạt động của phong trào để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo một cách sát thực, hiệu quả.
Nông dân Sóc Trăng hưởng ứng nhiệt tình phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Ảnh: CTV.
Theo đó, đã khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua SXKD, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn, từng bước cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch,…
Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. Nhất là sản xuất lúa với tổng sản lượng lúa từ 2,1 triệu tấn (2015) lên 2,25 triệu tấn (2020), trong đó, sản lượng lúa đặc sản chiếm trên 40%, nâng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt từ 121 triệu đồng (2015) lên 185 triệu đồng (2020).
Nuôi vịt xiêm-một trong những con đặc sản mang lại thu nhập cao cho nông dân tỉnh Sóc Trăng.
Khắc phục khó khăn, nhiều nông dân có thu nhập khá từ những mô hình nuôi con đặc sản mới lạ, ví dụ như nuôi ba ba, nuôi cua đinh-con đặc sản. Ảnh: Trường Thạnh.
Qua phong trào đã làm xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân SXKD giỏi, những điển hình tiên tiến, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Video đang HOT
Cụ thể, năm 2019-2020 đã có gần 133.700 hộ nông dân đăng ký SXKD giỏi các cấp chiếm hơn 63% so với hộ nông dân, công nhận đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp hơn 79.400 hộ, chiếm 60% so với hộ đăng ký (tăng gần 3.300 hộ so với năm 2015). Trong đó giỏi cấp Trung ương 298 hộ, cấp tỉnh 2.067 hộ, cấp huyện, thị, thành phố 20.485 hộ, cấp cơ sở 56.579 hộ.
Những hộ nông dân SXKD giỏi có thu nhập thấp nhất (trừ chi phí) trên 37 triệu đồng/năm/hộ, hộ có thu nhập cao nhất trên 2 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Văn Vui (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) với mô hình trồng mãng cầu gai thích ứng hạn mặn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Mãng cầu gai được xem là 1 trong những cây đặc sản ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Chúc Ly.
Bên cạnh đó, những hộ nông dân SXKD giỏi còn giúp đỡ cho hơn 47.200 hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, ước trị giá hơn 70,1 tỷ đồng, với hơn 11.300 ngày công lao động, giúp cho hơn 40.000 lao động nông thôn có việc làm tại chỗ.
Đặc biệt, từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, chinh phục vùng đất khó bằng cách tự nghiên cứu tìm tòi các loại cây, con mới thay thế các giống cây con truyền thống có năng suất và chất lượng thấp. Nổi bật như mô hình đa canh tổng hợp lúa – cá – màu ở vùng ngọt Kế Sách, Mỹ Tú; mô hình lúa – tôm trong vùng nhiễm mặn Mỹ Xuyên, Long Phú; mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.
Điển hình như hộ ông Đặng Văn Nám (xã Kế thành, huyện Kế Sách) trồng bưởi da xanh cho thu nhập trên 2,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động; ông Đặng Văn Khởi (xã Trung Bình, huyện Trần Đề) với mô hình nuôi tôm công nghiệp cho thu nhập trên hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 26 lao động.
Tỷ phú bưởi da xanh Đặng Văn Nám (xã Kế thành, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) thành công với hướng đi của mình trên vùng đất khó. Ảnh: Chúc Ly.
Bên cạnh đó, các ngành nghề truyền thống như: Đan đát, dệt chiếu, trầm nón, làm bánh…đang được khôi phục và phát triển trở thành các tổ hợp tác, Hợp tác xã thu hút đông đảo lao động nông nhàn.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng tạo điều kiện cho những hộ nông dân SXKD giỏi tham gia các chương trình, hội thảo do Trung ương Hội, Hiệp Hội và các Bộ, ngành tổ chức.
Riêng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). qua quá trình triển khai thực hiện đã có 99 sản phẩm tại các địa phương trên toàn tỉnh đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao OCOP cấp tỉnh; trong đó có 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao của 52 chủ thể.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia. Thông qua phong trào SXKD giỏi, Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Bên cạnh đó, các ngành nghề truyền thống như: Đan đát, dệt chiếu, trầm nón, làm bánh…đang được khôi phục và phát triển kèm theo với đó là nghề vớt lục bình, nuôi lục bình ven sông…Ảnh: Chúc Ly.
Nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã hiến đất và tích cực góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, trạm điện, cầu cống, đường giao thông nông thôn,…
Để hỗ trợ cho phong trào phát triển, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, liên doanh, liên kết sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm cho nông. Nguồn Quỹ của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh trên 16,7 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho hơn 1.000 hộ hội viên, nông dân phát triển sản xuất.
Có thể khẳng định rằng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi không những mang lại đời sống vật chất ngày càng cao, mà còn giúp nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, sẵn sàng chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ khó khăn vươn lên.
Ninh Bình: Biểu dương 141 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều nông dân là tỷ phú nuôi con đặc sản
Ngày 14-7, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị biểu dương 141 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2020).
Báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, trong 3 năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", đã được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh duy trì, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ.
Các hộ gia đình nông dân tiêu biểu đón nhận danh hiệu "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi" cấp tỉnh và nhận Bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình.
Phong trào đã khích lệ, động viên hàng chục nghìn hộ nông dân phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng. Thông qua phong trào thi đua, nhiều nông dân sản xuất giỏi đã có sự thay đổi tư duy trong đầu tư sản xuất phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Toàn tỉnh, hiện có 27.238 hộ nông dân đạt danh hiệu" Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp.
Đáng chú ý, đã có nhiều hộ nông dân trở thành tấm gương điển hình ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất cho thu nhập cao. Ngày càng nhiều số hộ có thu nhập đạt trên 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Bằng các mô hình sản xuất kinh doanh mới; mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ mới; áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; phát triển, mở rộng các mô hình trồng cây đặc sản, nuôi con đặc sản, trên địa bàn tỉnh Ninh Binh ngày càng xuất hiện nhiều nông dân tỷ phú, triệu phú nông dân...
Nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp đỡ các hộ hội viên nghèo về vốn, hỗ trợ con giống, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để các hộ nghèo phát triển sản xuất vươn lên.
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã tổ chức dạy nghề cho trên 28.000 lượt hội viên, tạo điều kiện cho trên 80% lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Trong sản xuất kinh doanh, nhiều địa phương đã thành lập được các mô hình với đa dạng các ngành nghề như: Hợp xã trồng đào xã Xuân Thiện (huyện Kim Sơn); tổ liên gia chăn nuôi dê xã Ninh Hòa (huyện Hoa Lư)...
Bên cạnh đó, các hộ nông dân tham gia tích cực đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn, giai đoạn 2016-2020", các cấp Hội đã xây dựng được 473 mô hình sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; toàn tỉnh phát triển được 22 "Cửa hàng nông sản an toàn", gắn biển 7 "Điểm bán hàng hạn chế túi nilon và đồ thải nhựa".
Ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).
Tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020) , Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của giai cấp nông dân và hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh những năm qua góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Hồng Quảng cũng chúc mừng 141 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu được biểu dương tại Lễ kỷ niệm.
Đánh giá cao những kết quả của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của Hội Nông dân, ông Trần Hồng Quảng cũng lưu ý các cấp Hội phải thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến; phổ biến những mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả và phát triển bền vững, những kinh nghiệm hay, cách làm mới, sáng tạo, truyền cảm hứng, giúp đỡ bà con nông dân trong cộng đồng phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.
Các cấp Hội, hội viên nông dân trong tỉnh cần phát huy hơn nữa tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc và thực hiện lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, dân giàu nước mạnh...
Các hội viên, nông dân đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình.
Đồng thời, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình cũng tin tưởng rằng, trong thời gian tới công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh sẽ có bước phát triển mới, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kì 2020 -2025 và góp phần cùng toàn đảng, toàn dân trong tỉnh xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu đẹp.
Nhân dịp này, 5 hộ nông dân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3.724 hộ nông dân đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" cấp tỉnh...
Tam Nông tổ chức đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo Ngày 23/9, Tổ đối thoại chính sách giảm nghèo - lao động - việc làm huyện Tam Nông phối hợp với UBND xã An Long tổ chức buổi đối thoại chính sách giảm nghèo năm 2020 với hơn 50 hộ nghèo, cận nghèo (HN,CN) trong xã. Ông Phạm Việt Công - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội...