Sơ tuyển ngành Y đa khoa bằng phỏng vấn hoặc trắc nghiệm
Năm nay, khoa Y Đại học Quốc gia TP HCM sẽ sơ tuyển ngành Y đa khoa bằng phỏng vấn hoặc thi trắc nghiệm. Đây là hình thức tuyển sinh mới đối với khối ngành Y – Dược.
Cụ thể, khoa Y Đại học Quốc gia TP HCM tuyển sinh 2 ngành mới là Dược học (75 chỉ tiêu) và Răng – Hàm – Mặt (50 chỉ tiêu).
Riêng ngành Y đa khoa áp dụng hình thức sơ tuyển bằng phỏng vấn hoặc trắc nghiệm, sau đó xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 với tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh không nhân hệ số. Năm 2015, 113 thí sinh trúng tuyển với điểm chuẩn 26.
Ngoài hình thức xét tuyển mới này, khối Y – Dược còn có nhiều ngành mới cho thí sinh lựa chọn trong năm 2016.
Nhiều ngành mới
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết trường mở nhiều chuyên ngành mới có nhu cầu sử dụng lao động cao như Cử nhân Dinh dưỡng, Cử nhân Khúc xạ Nhãn khoa, Cử nhân Điều dưỡng chương trình tiên tiến.
Năm 2015, khóa đầu tiên của Cử nhân Điều dưỡng chương trình tiên tiến đã tốt nghiệp. “57% sinh viên ngành Điều dưỡng của trường đang làm việc tại Bệnh viện Sana Klinikum Offenbach, Đức với mức lương trung bình 2.350 euro một tháng”, GS Tú cho hay.
Những sinh viên khác làm việc tại bệnh viện lớn trong nước như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, hoặc Khoa Điều dưỡng Đại học Y Hà Nội.
Ngành Bác sĩ Y học Dự phòng, trong những năm qua, cũng có nhu cầu về nhân lực lớn. Đây là ngành chủ yếu tập trung việc phòng bệnh và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Phó hiệu trưởng Đại học Y dược TP HCM cho rằng nhiều người sai lầm khi nghĩ trong y tế trị bệnh mới quan trọng. Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe cũng rất cần thiết.
Ngành Y học Dự phòng sẽ đào tạo sinh viên chẩn đoán, xử lý ban đầu các bệnh thông thường và trường hợp cấp cứu, hiểu biết về công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe trong cộng đồng.
Ngoài ra, sinh viên học ngành này có thể phát hiện những vấn đề sức khỏe, dự báo bệnh dịch nguy hiểm, khống chế bệnh lây nhiễm, truyền thông bảo vệ sức khỏe.
Đại học Y Hà Nội phân hiệu Thanh Hóa đang chờ quyết định của Bộ GD&ĐT.
Video đang HOT
“Dự kiến chỉ tiêu cho ngành Y đa khoa tại phân hiệu Thanh Hóa là 100. Để khuyến khích và tạo điều kiện cho thí sinh, nhà trường sẽ xét mức điểm dự kiến bằng hoặc thấp hơn so với Đại học Y Hà Nội”.
Sinh viên tốt nghiệp sẽ tham gia các chương trình y tế công cộng, chương trình y tế quốc gia, tổ chức phi chính phủ về y tế, tham gia quản lý y tế, chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, bệnh nghề nghiệp, xã hội và phục hồi chức năng.
Riêng với học sinh đam mê kỹ thuật nhưng lại muốn phục vụ trong ngành y tế có thể lựa chọn ngành Kỹ thuật Y sinh.
Hoàng Bình, cựu sinh viên khoa Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Quốc tế nhận định, ngành này còn mới ở Việt Nam nhưng bắt đầu phát triển mạnh những năm gần đây. Nhu cầu về kỹ sư được đào tạo chuyên nghiệp ngày càng lớn.
“Chương trình học hoàn toàn bằng ngoại ngữ nên khả năng tiếng Anh của mình rất tốt. Bạn không nên nghĩ học kỹ sư sẽ khó đối với nữ. Thực tế ở lớp mình, nữ thường có kết quả học tốt hơn nam”, Hoàng Bình cho biết.
Bình cũng cung cấp thêm thông tin, các bạn gái học ngành này có thể làm kỹ sư ứng dụng hướng dẫn sử dụng máy hay quản lý một dòng sản phẩm; chịu trách nhiệm liên lạc với hãng dược, mỹ phẩm nước ngoài…
Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật Y sinh, sinh viên có khả năng làm việc như kỹ sư lâm sàng, chuyên gia thiết bị y tế tại các bệnh viện và cơ sở y tế nhà nước, cũng như tư nhân, các công ty kinh doanh, sản xuất thiết bị y tế, thiết bị trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ môi trường.
Theo nhận định của TS Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, năm 2016, ngành đáng chú ý của khối Y – Dược là Bác sĩ Thú ý và Bác sĩ Tâm lý”.
Buổi thực hành khám sàng lọc trước khi tiêm phòng mũi sởi-rubella của sinh viên Học viện Quân Y. Ảnh: Tuấn Phong
Dự kiến điểm chuẩn không nhiều thay đổi
GS Nguyễn Hữu Tú nhận định chỉ tiêu của Đại Học Y Hà Nội năm 2016 sẽ tăng nhẹ lên 1.100 (năm 2015 là 1.000). Điểm chuẩn có thể bằng hoặc tăng một chút so với năm ngoái”.
Cụ thể, năm 2015, điểm trúng tuyển ngành Y Đa khoa là 27,75. Y học Cổ truyển 25 điểm, Y học Dự phòng và Điều dưỡng 24 điểm.
Theo chỉ tiêu vừa công bố, Đại Học Y Dược TP HCM tuyển 1.600 chỉ tiêu. Khoa có điểm trúng tuyển cao nhất năm 2015 là 28 (Bác sĩ Đa khoa) và 27,25 (Bác sĩ Răng – Hàm – Mặt). Dự đoán năm nay, điểm chuẩn của trường không nhiều thay đổi.
Đối với Đại học Y dược Cần Thơ, chỉ tiêu năm nay là 1.300, nhưng có sự thay đổi. Ngành Y học Dự phòng và Y học Cổ truyền tăng 20 chỉ tiêu, Dược học giảm 40 chỉ tiêu.
Năm 2015, thí sinh phải đạt 25,75 (học sinh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long) và 26 (ngoài khu vực này).
Ngành Y đa khoa có thời gian học đại học 6 năm và 18 tháng học chuyên khoa để có thẻ hành nghề.
Thí sinh có thể đăng ký vào các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP HCM, Đại học Y tế Công Cộng, Đại học Y Thái Bình, Đại học Y Hải Phòng, Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Y Đại học Huế, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Cao đẳng Y tế Nam Định, Trung cấp Y tế Hà Nội, Trung cấp Y tế Bạch Mai, Trung cấp Y khoa Pasteur…
Theo Zing
Ngừng nhận người hệ trung cấp y: Chủ quan, thiếu thực tế
Đó là bức xúc của các trường về quy định của Bộ Y tế, từ năm 2021, ngành này sẽ không tuyển dụng người có bằng trung cấp.
Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng trường Trung cấp Bến Thành: Chúng tôi sẽ kiến nghị.
Tôi đồng ý với cách đặt vấn đề nâng chuẩn đội ngũ cán bộ của ngành y tế. Nhưng Bộ Y tế đã ban hành quy định sẽ không tuyển dụng người có trình độ trung cấp một cách chủ quan, thiếu thực tế.
Trước hết là về nhu cầu nhân lực của ngành, không biết khi xây dựng qui định này, Bộ Y tế đã tìm hiểu thực tế của vùng sâu, vùng xa - ngay cả vùng sâu, vùng xa của TP HCM - chưa? Bộ Y tế sẽ thấy nhu cầu nhân lực thực tế của những địa bàn này cần gì.
Thứ hai, về nội dung đào tạo trình độ trung cấp các ngành y dược, khi ban hành qui định, Bộ Y tế Bộ Nội vụ có biết trình độ đào tạo cao đẳng của các nước Đông Nam Á cụ thể như thế nào chưa? So sánh với chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với đầu vào tốt nghiệp THPT của ta hiện nay thì có gì thua kém, khác biệt?
Ảnh minh họa.
Thứ ba, trung cấp là bậc đào tạo phù hợp với nhiều đối tượng không có điều kiện học ngay lên cao đẳng, đại học. Sau khi học trung cấp, đi làm một thời gian, họ có thể học liên thông lên các trình độ cao hơn. Quy định trình độ tuyển dụng kiểu như Bộ Y tế sẽ chặn đứng cơ hội học tập và làm việc của nhiều bạn trẻ.
Tóm lại, tôi có thể khẳng định quy định chỉ tuyển dụng từ trình độ cao đẳng vào ngành y là chủ quan, chưa có sự nghiên cứu kỹ thực tế. Các trường trung cấp chuyên nghiệp chúng tôi khi nghe qui định này đều có phản ứng rất quyết liệt.
Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến để lên tiếng kiến nghị. Nội dung, chương trình đào tạo của chúng tôi hiện nay nếu so sánh với đào tạo trình độ cao đẳng cùng ngành nghề của các nước Đông Nam Á là không hề thua kém. Bằng chứng là học sinh chúng tôi đào tạo ra được tuyển dụng đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc...
Hiện nay, vướng mắc chỉ là vấn đề sắp xếp cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam, tên gọi trung cấp hay cao đẳng, chứ còn người học trung cấp ra hoàn toàn đủ năng lực, kiến thức, trình độ chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí làm việc trong ngành y.
Bộ Y Tế khi xây dựng quy định cần tính đến điều này: Đó là năng lực làm việc, khả năng chuyên môn thực sự của người được tuyển dụng chứ không chỉ đánh giá bằng bằng cấp.
Mặt khác, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu sắp xếp lại cơ cấu trình độ đào tạo để hội nhập với thế giới, tránh thiệt thòi cho người học và cơ sở đào tạo.
Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng trường trung cấp Ánh Sáng (TP HCM): Nước ngoài tuyển, sao trong nước lại chê?
Quy định của Bộ Y tế ban hành một cách vội vàng, chưa đánh giá được tác động của quy định. Bộ đã ban hành khi chưa có đánh giá phản biện của xã hội, ngay cả những người đang làm việc trong ngành y tế, của các cơ sở y tế tuyến dưới...
Khi đưa ra một qui định có sức ảnh hưởng rộng lớn như vậy, đáng lẽ Bộ Y tế phải có nghiên cứu, tìm hiểu để đánh giá được đào tạo trình độ trung cấp của ta đang đào tạo những gì, so sánh với trình độ cao đẳng của các nước thì tương đương đến đâu.
Nếu có sự tìm hiểu, so sánh thì Bộ Y tế sẽ thấy xét về thời gian đào tạo cao đẳng của nhiều nước đối với đầu vào tốt nghiệp THPT thì cũng chỉ là hai năm như đào tạo trung cấp của Việt Nam. Về khối lượng kiến thức, số lượng tín chỉ, thời gian thực tập ở bệnh viện... như chúng tôi đang đào tạo, tôi có thể khẳng định hoàn toàn tương đương cao đẳng của các nước.
Hiện chúng ta chỉ vướng vấn đề tên gọi do phân chia bậc đào tạo ở Việt Nam có sự khác biệt với các nước. Nhưng rõ ràng khái niệm, tên gọi không quyết định trình độ, năng lực của người học. Bộ Y tế cần đánh giá người được đào tạo trung cấp ra có làm việc được không, có đáp ứng được các yêu cầu của ngành đối với vị trí làm việc được tuyển dụng? Học sinh của chúng tôi tốt nghiệp được tuyển dụng đi làm việc tại Đức, tại Nhật...
Điều đó cho thấy hai vấn đề: Một là năng lực chuyên môn, kỹ năng của người học hoàn toàn đủ đáp ứng yêu cầu làm việc tại những vị trí phù hợp trong cơ sở y tế. Hai là các nước tiên tiến, phát triển cũng vẫn cần nhân lực trình độ này cho ngành y, vậy lý do gì tại sao hệ thống cơ sở y tế trong nước luôn ở tình trạng quá tải, thiếu hụt nhân lực lại từ chối? Ngành y tế khi đặt ra qui định này đã có tính toán và trao đổi với Bộ GD&ĐT về khả năng đào tạo đủ nhân lực trình độ cao đẳng để đáp ứng nhu cầu của ngành chưa?
Đối với vấn đề này, tôi nghĩ Bộ Y tế trước khi thực hiện cần có sự bàn bạc, thống nhất với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để các trường trung cấp có thời gian chuẩn bị.
Trước mắt, các trường có thể điều chỉnh những bất cập trong chương trình đào tạo (ví dụ như giảm thời lượng học các môn chung, tăng thời lượng học chuyên môn) để nâng chất lượng đào tạo. Về lâu dài, Bộ GD&ĐT cần xem xét đổi tên trung cấp chuyên nghiệp thành CĐ hai năm cho phù hợp với qui chuẩn chung của quốc tế.
Theo Thanh Hà/Tuổi Trẻ
Cần lộ trình thích hợp việc ngưng tuyển trung cấp y Theo quy định của Bộ Y tế, từ năm 2021, Bộ này sẽ không tuyển dụng người có bằng trung cấp. Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y tế để góp phần nân cao chất lượng khám chữa bệnh là một việc nên làm và được ủng hộ. Tuy nhiên, cần có lộ trình hợp lý, đảm bảo sự đồng bộ...