‘Số phận’ của tích hợp: Làm dần dần để giáo viên ‘gánh’ được!
TS Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đưa ra một số hình dung về việc dạy tích hợp mà VN sẽ thực hiện khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Tích hợp theo cách hiểu thông thường là phải lồng ghép rất nhuần nhuyễn nội dung, kiến thức các môn học với nhau để đạt mục tiêu, hiệu quả của môn học.
Nhưng chúng ta sẽ không làm được ngay như vậy vì đây là cách làm mới mẻ với cả người biên soạn chương trình, sách giáo khoa (SGK) lẫn người dạy.
Chúng tôi xác định sẽ làm dần, không cầu toàn nhưng phải tạo động lực để thay đổi nên mục tiêu những năm đầu tích hợp ở mức độ vừa phải để giáo viên có thể “gánh” được; người viết chương trình – SGK có thể “gánh” được.
Nhưng có thể khẳng định, tích hợp mà chúng ta sẽ làm không phải chỉ xếp các môn đứng cạnh nhau mà còn nhìn nhận, đối chiếu nhau khi dạy học để tránh kiến thức trùng lặp, quá tải đồng thời soi chiếu cho nhau để học sinh hiểu rõ bản chất của vấn đề hơn, có cái nhìn đa chiều hơn…
Video đang HOT
Điều mà chương trình mới sẽ đi một bước xa hơn trước nay chưa có, đó là các chủ đề tích hợp. Các chủ đề này dùng kiến thức liên phân môn”.
Mỗi môn có những phân môn khác nhau
* Các môn học theo hướng tích hợp sẽ thể hiện trong SGK ra sao, thưa ông?
- Dự kiến, mỗi môn học tích hợp sẽ có những phân môn khác nhau nằm trong cùng một cuốn SGK chứ không phải tích hợp toàn bộ kiến thức. Ngoài các phân môn còn có các chủ đề tích hợp nằm trong cuốn SGK đó. Sách tích hợp này dùng cho cả giáo viên và học sinh, thậm chí 3 giáo viên của 3 môn cũng chỉ cần một cuốn SGK.
* Khi dạy học tích hợp thì thời lượng dạy học từng môn sẽ thế nào?
- Cũng chưa thể đưa ra một con số cụ thể nhưng có thể hình dung: môn khoa học tự nhiên thì chủ đề tích hợp bằng tiết của 3 môn cộng lại, môn lịch sử – địa lý thì bằng tiết của 2 môn cộng lại. Sau này chương trình bộ môn sẽ quy định rõ chuyện đó.
* Hiện nay nhiều giáo viên vẫn cho biết chưa hình dung tích hợp sẽ như thế nào. Không ít ý kiến cho rằng, tích hợp sẽ dư thừa ra một lượng giáo viên không thể dạy cùng một lúc nhiều môn?
- Giáo viên môn nào vẫn sẽ dạy phân môn đó, giáo viên sử vẫn dạy phân môn lịch sử, sinh vẫn dạy phân môn sinh học… nên sẽ không có chuyện thừa ra một số lượng giáo viên vì dạy tích hợp. Còn các chủ đề tích hợp thì quản lý của các trường sẽ quyết định, chủ đề thiên về phân môn nào thì giáo viên của phân môn đó sẽ dạy.
Trước đó, giáo viên của từng phân môn có thể ngồi với nhau để bàn bạc cách dạy sao cho hiệu quả nhất. Trong quá trình dạy học, nếu tất cả giáo viên cùng tham gia để giải quyết các tình huống sư phạm mà học sinh đặt ra thì sẽ càng hiệu quả hơn.
Đợt vừa rồi Bộ có tổ chức cuộc thi về dạy học theo chủ đề tích hợp, thử nghiệm cho giáo viên thực hiện ở một số địa phương thì thấy không những họ biết làm theo hướng dẫn mà không ít giáo viên trước đó còn chủ động xây dựng chủ đề tích hợp để dạy học sinh.
Viết sẵn chủ đề cho giáo viên dạy
* Vậy khi thực hiện đại trà với đội ngũ giáo viên còn chưa đồng đều, liệu Bộ có yêu cầu như đang thử nghiệm hiện nay – để cho giáo viên tự biên soạn các chủ đề tích hợp?
- Sắp tới, khi thực hiện chương trình mới thì chúng tôi sẽ viết sẵn các chủ đề để giáo viên dạy. Còn hiện nay thì giáo viên phải tự viết các chủ đề theo họ thấy cần thiết.
Còn về mặt phương pháp, những mô hình dạy học như “Bàn tay nặn bột”, dạy học theo mô hình trường học mới ở THCS… chính là những phương pháp dạy học tích hợp rất nhuần nhuyễn, đòi hỏi cả người dạy và người học phải vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề.
* Các trường sư phạm hiện nay thay đổi ra sao để đáp ứng việc dạy học tích hợp. Nhiều ý kiến lo ngại rằng hiện các trường này vẫn đang đào tạo riêng biệt từng bộ môn và dường như chưa chuyển biến để dạy học tích hợp?
- Trường sư phạm chắc chắn phải thay đổi, giờ họ đang xây dựng chương trình đào tạo mới rồi. Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng khi họ tuyển giáo viên ngành hóa, lý, sinh… riêng biệt mà họ không đào tạo giáo viên dạy tích hợp.
Có thể vẫn tuyển hóa riêng, lý riêng nhưng có liên kết giữa các môn trong quá trình đào tạo. Các trường sư phạm đã căn cứ vào yêu cầu giáo viên của chương trình mới để xây dựng chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm.
Tất cả các trường sư phạm phải vào cuộc nhưng những trường được chọn là trường trọng điểm để đi trước một bước. Bộ không có chương trình khung mà các trường ngồi với nhau để xây dựng chương trình đào tạo sư phạm, trong đó có ít nhất 70% kiến thức là yêu cầu chung, 30% là đặc thù đào tạo của từng trường.
Các trường sư phạm cũng chính là đội ngũ tham gia viết chương trình phổ thông tổng thể và sẽ là người tham gia viết chương trình giáo dục phổ thông của từng môn học nên sẽ không lo việc các trường không đáp ứng yêu cầu mới.
Theo GD&TĐ