Số phận bầy chuột nổi tiếng của New York hậu siêu bão
Khi siêu bão Sandy ập vào New York kéo theo những cơn mưa như trút, và rất nhiều người dân thành phố này tự hỏi không biết số phận bầy chuột nổi tiếng đông đúc ở thành phố này sẽ ra sao, nổi hay chìm giữa dòng nước lụt.
Lượng chuột tại New York có thể giảm mạnh sau bão
Với không ít người dân New York, trận lụt lịch sử mà Sandy gây ra khiến nỗi lo về một cuộc xâm lăng của loài chuột cũng tăng lên khi những cư dân kém sạch sẽ nhất thành phố bò ra khỏi tổ thành từng đàn và lao lên phố để tháo chạy. Những người khác thì liên tưởng đến một nồi “lẩu chuột” khổng lồ khi hàng trăm con bị chết chìm và chìm nổi theo nước thủy triều.
Không ai biết rõ có bao nhiêu chuột trong thành phố này, và ngay cả các chuyên gia cũng tranh cãi nhiều lần về con số ước tính được nhiều người nhắc đến nhất rằng ít nhất có đến 8 triệu con chuột, bằng với dân số New York.
Rick Ostfeld, một nhà nghiên cứu bệnh dịch sinh thái tại Viện nghiên cứu hệ sinh thái Cary cho rằng việc dự báo điều gì đã xảy ra với loài chuột trong cơn bão vừa qua cũng khó không kém việc tính toán số lượng chuột. “Chuột thường sống ở những khu vực rất thấp và phải hứng chịu nước lụt nhiều nhất. Do đó chắc chắc nhiều con đã bị chết vì nước lụt”, ông Ostfeld phát biểu với AFP.
“Nhưng tôi cho rằng chỉ có một số lượng khá nhỏ đã bị chết trong đợt lụt vừa qua bởi nước lũ dâng nhanh chừng nào thì lũ chuột cũng lên cao chừng đó. Chúng đủ sức bơi và leo trèo để vượt qua nguy hiểm”.
Video đang HOT
Dù rất coi trọng lũ chuột, ít nhất là dưới góc độ vật nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, ông Ostfeld e rằng loài gặm nhấm này có thể mang theo những thứ mùi không mấy dễ chịu và cả các mầm bệnh như khuẩn salmonela hay trùng móc câu. Những con chuột leo lên được hè phố “có thể là một mối đe dọa cho chúng ta ở khu vực trước đây chúng không sống”, Ostfeld nói tiếp.
Trong ngắn hạn Ostfeld dự báo những con chuột còn sống sót sẽ tìm kiếm tổ mới và thích nghi với môi trường mới. “Một khi một cấu trúc xã hội mới của chúng được thiết lập, tôi tin lũ chuột sẽ lại sinh sôi nảy nở. Và nếu cơn bão vừa qua đem đến cho chúng một lượng lớn thức ăn mới, đó có thể là nguồn nuôi sống mới cho chúng và lượng chuột sẽ tăng lên”.
Nhưng nhà nghiên cứu hành vi sinh vật học Bora Zivkovic, người đồng thời là biên tập viên tạp chí Khoa học Mỹ cho rằng cơn bão đã khiến một phần đàn chuột New York chết đuối. “Chuột nhất là những con nhỏ, ở những vùng bị ngập nặng nhất hoặc không có lối thoát dễ dàng, có thể đã chết đuối”, Zivkovic trả lời AFP.
Dù vậy những con đã lên được bề mặt sẽ có được vô số thức ăn. “Rất nhiều thức ăn sẽ bị vứt bỏ, cả ngày và đêm và tôi cho rằng các thùng rác sẽ chất đống và khắp các lối đi sẽ đầy các thức ăn trong các túi nilon”. Tuy vậy ông cho rằng việc có nhiều thức ăn cũng không khiến cuộc sống của bầy chuột dễ dàng hơn khi phải thay đổi địa bàn cứ ngụ.
“Những con chuột phải di tản sẽ tiếp xúc với những lũ chuột ở nơi nó mới đến, có lẽ sẽ có một cuộc gặp gỡ khá dữ dội. Những cuộc gặp gỡ đó sẽ quyết định ai là kẻ mạnh, ai được ở và ai phải ra đi. Hầu hết lũ chuột sẽ tìm cách trở lại địa bàn cũ khi nước rút đi. Chúng rất trung thành với nơi ở cũ và có thể tìm được về đó dù cách khá xa”, ông Zivkovic nhận định và nói thêm rằng lũ chuột sẽ nhanh chóng sinh sôi nảy nở đông đúc như trước bão.
Trong khi đó trợ lý ủy viên các vấn đề công cộng Sam Miller của Sở Y tế và sức khỏe tâm thần cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa ghi nhận sự gia tăng số lượng chuột trên mặt đất sau bão Sandy. Chúng tôi tin rằng trận lụt có thể khiến số lượng chuột giảm xuống”.
Theo Dantri
Hệ thống hầm chống ngập khổng lồ của Tokyo
Khi cả thế giới dõi theo siêu bão Sandy làm mưa làm gió tại Mỹ và gây ngập lụt nghiêm trọng cho New York, một kỳ quan kỹ thuật tuyệt vời, giúp bảo vệ thủ đô Nhật trở thành ví dụ điển hình cho cách thức con người đối phó với thảm họa tự nhiên.
Một sảnh khổng lồ bên trong hệ thống đường hầm.
Được gọi là "Đường hầm thoát nước" (Water Discharge Tunnel), cấu trúc ngầm khổng lồ này cao hơn tòa nhà 5 tầng và bảo vệ 13 triệu dân Tokyo, nơi còn thường xuyên bị động đất đe dọa, khỏi những trận mưa lớn và những trận bão nhiệt đới có thể gây ngập lụt.
Nằm ở ngoại ô Tokyo, phía sau một tòa nhà chính phủ nhỏ, lối vào cấu trúc được ghi danh trong sách Kỷ lục Guinnes này luôn luôn khóa chặt, vì vậy mà không ai có thể vào hoặc thậm chí là nhận ra sự tồn tại của nó. Với mức đầu tư xây dựng lên tới gần 3 tỷ USD, hệ thống hầm ngầm chống lụt này được xây trong 13 năm từ năm 1993-2006.
Một trong những chiếc giềng khổng lồ sâu tới 70m để chứa nước ngập.
Hệ thống ngầm phức tạp này có 5 bồn chứa khổng lồ, mỗi bồn sâu hơn 70m, để chuyển nước dọc theo một đường hầm dài 6,3km. Sau khi bước xuống những bậc thang dài dằng dặc của một trong những đường hầm, có là một sảnh khổng lồ, được miêu tả như đền Parthenon ngầm.
Những trận mưa lớn ở khu vực tỉnh Saitama đã từng gây ngập lục ở lưu vực sông Naka, vùng đất canh tác quan trọng của Nhật. Nhưng giờ đây vùng được hệ thống thoát nước khổng lồ này bảo vệ.
Đường hầm hay còn được mệnh danh là "dòng sông ngầm" dài 6,3km.
Trong trường hợp đường hầm và bể chứa đã đầy, một tổ hợp 4 tua bin giống như động cơ máy bay Boeing 737 sẽ chuyển lượng nước ngập vào sông Edo gần đó. Các kỹ sư phụ trách đường hầm cho biết hệ thống được phát triển nhằm đối phó với mưa lớn và có thể sẽ không hiệu quả để chống chọi với tình trạng ngập lụt do bão như bão Sandy gây ra. Tuy nhiên, đây là ví dụ điển hình để bảo vệ các thành phố lớn khỏi một số thảm họa do mẹ thiên nhiên gây ra.
Trung tâm điều khiển công trình được cho là kỳ quan kỹ thuật của Nhật.
Theo Dantri
Mỹ: Cảnh hoang tàn sau siêu bão Sandy Siêu bão Sandy vừa quét qua nước Mỹ và gây ra hậu quả vô cùng lớn. Hàng chục người chết, hàng trăm nghìn người đang hoang mang rơi vào cảnh vô gia cư sau khi nhà cửa, đồ đạc, xe hơi của họ giờ chỉ còn lại đống đổ nát và rác thải. Dưới đây là một số hình ảnh về nước Mỹ...