Sợ nhất, hôm nay giao ai xác định người tài, hôm sau con, cháu họ thành nhân tài
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn chia sẻ lo ngại trên khi nó về việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công.
Bộ Nội vụ đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” và Hội thảo khoa học “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công”.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, có nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước, họ đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp tốt cho cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách này trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Thực tế này đã được nhiều chuyên gia nêu ra từ lâu.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn. Ảnh: Hữu Chí
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, chủ trương thu hút người tài cho đất nước có mấy trăm năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới có.
Nói vậy để thấy ngày xưa các cụ đã chú ý đến điều đó. Ngay Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra và vận dụng rất tốt, rất hay chủ trương này từ khi thành lập Nhà nước mới.
“Hiện nay, nói thu hút nhân tài thì ai cũng ủng hộ cả nhưng đi sâu vào thực hiện thì lại rất lúng túng, có khi lại bị lợi dụng, bẻ cong, xuyên tạc.
Có mấy vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách này. Đầu tiên phải xác định rõ thế nào là nhân tài? Ai là người xác định nhân tài? Cơ chế, chính sách để thu hút, mời gọi người ta vào đóng góp, cống hiến như thế nào? Và môi trường, vị trí làm việc ra sao?
Nếu đã là nhân tài thì cần xác định rõ là thu hút người đó vào chỗ nào, vị trí nào? Cái này liên quan đến xác định vị trí việc làm trong bộ máy chứ không thể chung chung được. Nôm na là đúng người, đúng chỗ”, Tiến sĩ Sơn nói.
Theo Tiến sĩ Sơn, vấn đề nữa là cách thức, cơ chế sử dụng. Nhân tài là người giỏi. Nhưng nhân tài nhiều khi cũng khá vụng về, ngây ngô trong ứng xử đời thường.
Thậm chí, có khi họ thường có những biểu hiện khác thường (theo chuẩn đánh giá chung của một tập thể hay nhóm người nào đó) “ Khác người”,” Chí khí” hay” Ngạo khí” cũng là ở đây dù không phải tất cả đều như vậy.
Nhưng Nhân tài rất cần có không gian, môi trường thuận lợi cho họ tồn tại và cống hiến. Cần cho người ta cơ chế làm việc phát huy tối đa tư chất, trình độ cá nhân chứ đừng khống chế bằng các cơ chế hành chính thông thường.
Mặt khác, phải có cơ chế chính sách để người được thu hút yên tâm phục vụ. Họ phải được đánh giá, đãi ngộ xứng đáng như được trả lương đúng với năng lực cống hiến, đúng cho người có đóng góp xuất sắc,”nhả những sợi tơ vàng”.
Vậy họ mới yên tâm, có điều kiện để phục vụ, cống hiến tốt cho xã hội, cho Nhà nước. Cần nói thêm cho rõ là điều quan trọng không chỉ nhăm nhăm vào lương cao.
Video đang HOT
“Lương lậu chỉ là một trong nhiều yếu tố để thu hút và giữ được nhân tài.
Có khi là sự tôn trọng, thái độ thực sự cầu thị của tập thể, của người trực tiếp sử dụng lại là quyết định”. Tiến sĩ Sơn nói.
Theo ông, chủ trương này tốt, điều đó không cần phải bàn. Cái khó nhất bây giờ là thực thi nó.
“Vậy bây giờ ai xác định nhân tài? Sợ nhất giao cho ai xác định nhân tài hôm trước, hôm sau họ đưa con cháu ông vào bảo đấy là nhân tài.
Cái quan trọng nhất, khó nhất là đặt đúng, nêu trúng các tiêu chí thế nào là ” Nhân tài”. Có tiêu chí chung, nhưng cũng có tiêu chí rất cụ thể, đặc định, riêng biệt ở từng công việc, từng vị trí.
Có những trường hợp không phải nhân tài, đồng nghiệp đều biết cả, nhưng “đấu tranh”,” kỳ đà cản mũi” có khi lại thành không biết “tránh đâu”, vì đụng chạm đến lợi ích riêng chi phối.
Ta đã có nhiều ví dụ về thực trạng này rồi”, Tiến sĩ Sơn chia sẻ.
Ông nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt nhất vẫn là ở yếu tố con người. Ở những người cầm chịch trong thực hiện chủ trương này.
Nó bị lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, quan hệ thân hữu chi phối, quyết định hành vi của người thực hiện”, Tiến sĩ Sơn đánh giá.”Hiện nay, theo tôi, không chỉ riêng trong vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài mà ở đa số các chính sách khác thì dở nhất là việc thực thi.
Ông chia sẻ thêm: “Nhiều người cho rằng với cơ chế, điều kiện hiện nay bị ràng buộc bởi quá nhiều thứ, thì ” Siêu nhân tài” có vào trong các cơ quan Nhà nước cũng khó sống, khó tồn tại, sớm muộn rồi cũng bị bật ra thôi bởi nếu không bị vướng cái này, cũng bị vướng cái khác.
Thậm chí bị phe nhóm cô lập, vô hiệu hóa, bị cài bẫy, bị “khoanh”, không thể làm được gì.
Trái lại, những thứ kiểu như “Hòa đại nhân”, uốn éo, xoay xở, nịnh bợ lại có cơ phát triển, leo cao, luồn sâu. Thực tế vừa qua có nhiều vụ việc xảy ra đã chứng minh rằng nhận định này, lo lắng này không phải không có căn cứ.
Vấn đề mấu chốt vẫn là ở “Yếu tố con người thực thi”".
Theo giaoduc.net
Trọng dụng nhân tài nhưng các cháu phải đợi các chú về mới đến lượt
Nhân tài vào làm việc để cống hiến, không phải để bị sai vặt, pha trà rót nước nhưng thực tế ít được giao việc vì các 'bề trên' ngồi đó cả rồi, các cháu còn phải đợi các chú về mới đến lượt.
Bộ Nội vụ hôm nay tổ chức hội thảo khoa học Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua nhiều nơi có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng có nơi khá thành công, có nơi không. Việc sử dụng, giữ được người tài và tạo điều kiện cho người tài có môi trường phát huy tốt hơn còn nhiều khó khăn và bất cập.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng từng có đề án Mê Kông 1000 đào tạo các nhà khoa học, thạc sĩ, đại học ở các quốc gia trên thế giới nhưng khi về bố trí sử dụng không phù hợp.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Đừng vẽ nhân tài là người có đầy đủ áo, mũ, ô
PGS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch QH đặt vấn đề vì sao không hút được nhân tài, quan trọng là làm họ xuất hiện và sử dụng được họ mới là điều khó.
"Một khi nhân tài quay lưng lại với quốc gia, với sự nghiệp thì nguy cơ sụp đổ là chuyện có thật. Nếu chúng ta không trọng được nhân tài, không giữ được nhân tài và không tạo môi trường cho nhân tài tồn tại, phát triển thì thất bại. Phải học lại bài học 'nhân tài là nguyên khí quốc gia'", ông Thông nhấn mạnh.
Ông cũng khuyên, đừng trừu tượng hóa nhân tài lên, vẽ nhân tài là người có đầy đủ áo, mũ, ô và mọi thứ thì rất khó. Hãy quan niệm nhân tài ở từng cấp độ khác để trân trọng và bồi dưỡng từng người.
PGS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch QH
Theo ông, nhân tài tùy thời điểm, có thể rơi rụng, có những người hôm nay là nhân tài, ngày mai không còn là nhân tài nữa thì cũng đừng có hoảng hốt.
"Muốn có 1 cầu thủ tài năng là phải tốn kém, phải nâng niu, bồi dưỡng từ bé. Nhân tài là tốn kém nhưng mang lại hiệu quả. Đừng có bảo bỏ bao nhiêu tiền mãi chả được gì. Đầu tư nhân tài là đầu tư rủi ro", trợ lý Chủ tịch QH nói.
Ông nêu cảm giác giới trẻ, những người có tài không thích vào khu vực công và cho rằng trong khu vực công đang có nhiều bất ổn về chế độ đãi ngộ và uy tín thấp. Điển hình như hàng loạt vụ bê bối diễn ra, từ cấp phường trở lên, rồi tiêu cực, tham nhũng; nhiều công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, hoạt động không hiệu quả...
"Nhân tài vào làm việc để cống hiến, không phải để bị sai vặt, pha trà rót nước nhưng thực tế ít được giao việc vì các 'bề trên' ngồi đó cả rồi, các cháu phải đợi các chú về mới đến lượt", ông Thông phân tích.
PGS.TS Lê Minh Thông so sánh với các nước xem công chức nhà nước là tinh hoa, vào công chức là vinh dự lắm. Trong khi đó, một số đội ngũ của chúng ta học hành thì chuyên tu, tại chức.
Theo ông, để thu hút nhân tài phải làm sạch bộ máy của mình để người ta thấy vào khu vực công có thể nỗ lực, cống hiến; còn vào rồi thấy 30% cắp ô thì "nhìn đã chán".
Thêm vào đó là không ít người sử dụng nhân tài không ổn. "Vấn đề chạy chức, chạy quyền, 5C (con cháu các cụ cả), các vấn đề vần "ệ" (tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ rồi mới đến trí tuệ) rất nhiều.
"Do quan hệ mà ông nọ, ông kia lên vị trí giám đốc, vụ phó vụ trưởng... khiến mọi người nhìn vào không phục. Người sử dụng nhân tài như thế nhân tài vào làm gì. Người sử dụng phải biết đứng trên vai người tài năng. Nhân tài phải tâm phục khẩu phục thì họ mới cống hiến, còn không thì họ chỉ làm qua loa", Trợ lý Chủ tịch QH lưu ý.
PGS.TS Lê Minh Thông đề nghị phải cải cách mạnh mẽ hệ thống công để tinh gọn lại và làm sao cơ bản công chức phải là tinh hoa.
"Nếu như bây giờ, người giỏi họ không muốn vào, nếu để lại ấn tượng "cái ông đấy tuy là cán bộ nhà nước nhưng mà tốt thì gay", ông Thông chia sẻ.
Đừng để nhân tài bị rủi ro
GS.TS Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, ĐHQG Hà Nội nêu quan điểm hơi khác với ông Thông: "Tôi thấy, càng ngày công chức mình càng có trí thức".
Theo ông, thực tiễn có chuyện năng lực công chức chưa cao như mong muốn. Còn chuyện mấy chục phần trăm công chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" chưa ai thống kê việc này.
GS.TS Phạm Hồng Thái
TS Dương Quang Tung, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước cho rằng, nhân tài không phụ thuộc vào bằng cấp, nhiều người học giỏi chưa chắc đã là nhân tài.
Theo ông Tung, để thu hút, trọng dụng nhân tài phải tập hợp nhiều giải pháp chứ không chỉ mỗi chuyện đãi ngộ. Muốn trọng dụng thì người đứng đầu phải là minh chủ, biết sử dụng người.
"Còn người đứng đầu không khách quan, đưa những người kém cỏi lên quản lý nhân tài thì không phát huy sự tự do sáng tạo của nhân tài, rồi kèn cựa, nịnh nọt... làm thui chột nhân tài", ông Tung nói.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhìn nhận thực tế rất nhiều người đi học nước ngoài về làm việc không được vì môi trường làm việc khác.
Ông cũng lưu ý tình trạng "chảy máu chất xám" từ khu vực công sang khu vực tư cần nghiên cứu và nhìn nhận đầu tư nhân tài 100 người được 3 là tốt rồi.
"Đầu tư nhân tài là đầu tư rủi ro nhưng đừng để nhân tài bị rủi ro. Thu hút vào rồi mà áp thế này thế kia là vi phạm làm sao họ hoạt động tự do, phát huy sáng tạo, tư tưởng mới được", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Theo vietnamnet
Phụ huynh đừng thốt lên 'con tôi xuất chúng' Nhiều phụ huynh hào hứng đưa con đến các lớp học kỹ năng hoặc chính mình đi học các lớp huấn luyện con trở thành nhân tài, nhà lãnh đạo trong tương lai. Chuyên gia tâm lý Lê Khanh chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM câu chuyện về một học sinh giỏi trường chuyên nổi tiếng đã bị rối loạn tâm lý...