Sợ mất nhân tài, Micron ngừng hoạt động thiết kế DRAM ở Trung Quốc
Hãng chip nhớ khổng lồ của Mỹ Micron Technology xác nhận sẽ dừng hoạt động thiết kế DRAM tại Thượng Hải vào cuối năm nay, chuyển các kỹ sư chủ chốt sang Mỹ hoặc Ấn Độ.
Theo South China Morning Post, trong tuyên bố hôm 26.1, Micron cho biết nhóm kỹ sư DRAM của công ty “sẽ rời khỏi trung tâm kỹ thuật Thượng Hải”, quá trình dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 12.2022. Tuy nhiên, phần còn lại trong hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất chip Mỹ ở Thượng Hải sẽ không bị ảnh hưởng. Micron không đưa ra lý do cụ thể cho quyết định này. DRAM, là từ viết tắt của các bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động, một loại chất bán dẫn phổ biến được sử dụng trong máy tính.
Sự cạnh tranh ngày càng tăng về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đóng vai trò nhất định trong cách làm của Micron
Theo nhân viên và nhà phân tích trong ngành, động thái trên là biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn tình trạng mất nhân tài và rò rỉ công nghệ cho các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc. Một nhân viên hiện tại của Micron, người yêu cầu giấu tên, cho biết kế hoạch đã được công bố nội bộ vào tháng trước, và quyết định được đưa ra vì “sự mất mát đáng kể về bí quyết kỹ thuật do một số nhân viên và ban quản lý cũ bị các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc săn trộm”. Sự cạnh tranh ngày càng tăng về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đóng vai trò nhất định trong cách làm của Micron, nhân viên này nói thêm.
Một số trong số 150 thành viên của nhóm DRAM Thượng Hải có thể đăng ký để được chuyển địa điểm. Những người nộp đơn thành công sẽ được chuyển đến Mỹ hoặc Ấn Độ. Ông Zheng Hua, cựu giám đốc cấp cao trung tâm kỹ thuật Thượng Hải, tuần trước thông báo trên LinkedIn rằng ông sẽ chuyển đến làm việc tại cơ sở của Micron ở Atlanta (Mỹ), với tư cách là lãnh đạo. Micron có trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Ý, Trung Quốc, Ấn Độ và Đức. Hãng này có khoảng khoảng 43.000 nhân viên trên toàn cầu.
Video đang HOT
Theo ông Wang Lifu, nhà phân tích của công ty tư vấn bán dẫn ICWise, việc đóng cửa trung tâm thiết kế ở Thượng Hải “có thể là biện pháp phòng ngừa” chống lại sự cố rò rỉ công nghệ. “Nhiều công ty thiết kế chip nhớ của Mỹ đã chọn đặt các đội thiết kế của họ bên ngoài Trung Quốc ngay từ đầu và Micron đang đi theo hướng đó”.
Chen Rang, nhà đầu tư và doanh nhân lâu năm trong ngành bán dẫn của Trung Quốc, cho biết nhóm Micron Thượng Hải đã mất hơn một phần ba trong số 300 thành viên. Trước việc các công ty thiết kế chip khác ở Trung Quốc săn lùng nhân viên với mức lương cao và cung cấp quyền chọn mua cổ phiếu, thì động thái chuyển địa điểm của Micron là “không có gì đáng ngạc nhiên”.
Micron trước đây nêu mối quan ngại về tình trạng cạnh tranh do chính phủ hậu thuẫn ở Trung Quốc. Trong báo cáo tài chính hằng năm năm 2021, hãng chip Mỹ cảnh báo giới đầu tư rằng sự hỗ trợ của Bắc Kinh dành cho các nhà sản xuất DRAM trong nước có thể hạn chế sự tăng trưởng của Micron trên thị trường.
“Chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh ngày càng gia tăng do chính phủ Trung Quốc đầu tư đáng kể vào ngành công nghiệp bán dẫn và các đơn vị trực thuộc, hoặc thuộc sở hữu nhà nước nhằm thúc đẩy mục tiêu chính sách quốc gia. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc có thể hạn chế chúng tôi tham gia vào thị trường, hoặc có thể ngăn cản chúng tôi cạnh tranh hiệu quả với các công ty Trung Quốc”, Micron nói trong báo cáo công bố vào tháng 9.2021.
Cùng với các nhà cung cấp DRAM nước ngoài khác, Micron là mục tiêu trong cuộc điều tra năm 2018 của các cơ quan quản lý Trung Quốc về khả năng thông đồng và hành vi phản cạnh tranh khác. Công ty cũng bị kiện lên tòa án Trung Quốc với cáo buộc vi phạm bằng sáng chế.
Trong cùng năm đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đệ trình một cáo trạng chống lại công ty khởi nghiệp DRAM của Trung Quốc Jinhua Integrated Circuit, cáo buộc công ty này đã đánh cắp bí mật thương mại từ Micron. Fujian bị chính quyền Washington đưa vào danh sách đen, sau đó phá sản vì không thể mua lại công cụ sản xuất chip từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Micron hiện sản xuất DRAM tại Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Malaysia và Trung Quốc. Không rõ liệu việc đóng cửa hoạt động thiết kế ở Thượng Hải có ảnh hưởng đến cơ sở lắp ráp và thử nghiệm DRAM của công ty ở thành phố Tây An hay không. Sau khi tạm thời ngừng hoạt động vào tháng 12.2021 do đợt bùng phát dịch Covid-19, cơ sở này đã hoạt động trở lại vào hôm 21.1.
Thế giới lại đứng trước nguy cơ thiếu chip nhớ
Hai nhà máy sản xuất bộ nhớ flash NAND của Samsung tại Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ đình trệ sản xuất do những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Tình hình hoạt động tại khu phức hợp chip nhớ của Samsung Electronics ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc, đang được theo dõi sát sao.
Hôm 27/12, thành phố này đã quyết định thắt chặt các biện pháp phong tỏa sau khi xuất hiện 150 ca nhiễm Covid-19 trước đó một ngày.
Cơ sở sản xuất chip nhớ của Samsung tại Trung Quốc có nguy cơ bị đình trệ
Theo SCMP, chưa có thông báo nào về việc ngừng sản xuất tại khu phức hợp trị giá 26 tỷ USD do Samsung điều hành. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu thị trường TrendForce cảnh báo Samsung "có thể phải đối mặt với các vấn đề hậu cần liên quan đến vụ đóng cửa Tây An trong tương lai gần và dẫn đến chậm trễ giao hàng".
Hai nhà máy của Samsung tại Trung Quốc sử dụng hơn 3.300 công nhân, có khả năng cung ứng 42,5% bộ nhớ flash NAND cho Samsung, tương đương với 15,3% nhu cầu toàn thế giới. Do đó, nếu khâu sản xuất tại đây bị đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể chịu tác động tiêu cực.
Trước đó, hôm 24/12, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời một quan chức của Samsung cho biết các biện pháp khẩn cấp được thực hiện tại Tây An "không ảnh hưởng đến sản xuất vì doanh nghiệp đã sử dụng toàn bộ công nhân sống trong khu nhà ở tập thể của công ty".
Sau khi những biện pháp phong tỏa mới được áp dụng từ 27/12, cả phía đại diện Samsung và Cục Quản lý Thị trường Tây An - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của nhà máy - đều từ chối thông tin thêm về tình hình sản xuất.
Từ 26/12, chính quyền đã khử khuẩn các con đường, tòa nhà, thậm chí là các khu vực công cộng tại thành phố có 13 triệu dân này.
Theo thông tin từ chính quyền tỉnh Thiểm Tây, Samsung đã mở nhà máy đầu tiên vào năm 2014, trong khi cơ sở thứ 2 bắt đầu hoạt động vào tháng 3/2020. Tập đoàn Hàn Quốc có kế hoạch tăng quy mô hoạt động từ nữa cuối năm nay.
Chính quyền đã phong tỏa toàn thành phố Tây An vào ngày 23/12 để ngăn chặn một đợt bùng phát Covid-19 tại địa phương, khiến cho hơn 400 người bị lây nhiễm. Người dân không được rời khỏi khu vực nếu không có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ sau và có giấy thông hành do địa phương cấp.
Hôm 24/12, công ty con của BYD Auto Co, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, cho biết đã phải cắt giảm sản lượng tại nhà máy ở Tây An do các biện pháp phong tỏa.
Trung Quốc cho phép SK Hynix tiếp quản mảng chip nhớ NAND của Intel Quyết định này dọn đường cho nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ hai thế giới nhận được sự phê duyệt tiếp quản từ cả tám quốc gia liên quan. Theo Nikkei, SK Hynix của Hàn Quốc hôm 22.12 cho biết đã nhận được giấy phép hợp nhất từ Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường của Trung Quốc...