Số lượng người dùng gọi bằng Viber tăng gấp 4 lần
Viber cho biết lượt người dùng nền tảng giao tiếp này tăng đột biến do các nhu cầu liên lạc, làm việc, hội họp và học tập từ xa đang tăng cao trên toàn cầu.
Số lượng người dùng gọi bằng Viber tăng gấp 4 lần. Ảnh: Rakuten Viber
Để đáp ứng nhu cầu liên lạc, giao tiếp của mọi người trong công việc, hội họp, học tập… từ xa đang ngày càng tăng lên, nền tảng giao tiếp Rakuten Viber đã tăng công suất cho các tính năng cốt lõi của mình khi tạo ra nhiều sáng kiến mới trong việc kết nối người dùng với nhau và cải thiện tối đa các tiện ích trên ứng dụng. Kết quả là có sự gia tăng rõ rệt về số lượng người sử dụng trên toàn thế giới.
Vài tuần qua, lượt tương tác trên toàn hệ thống Viber tăng mạnh, nhất là trong thời gian nhiều quốc gia đang thực hiện giãn cách xã hội. Điển hình như chức năng giao tiếp, đặc biệt là tin nhắn và cuộc gọi theo nhóm, trở nên phổ biến nhất trong thời điểm hiện tại.
Tin nhắn nhóm tăng 134%, số lượng thực hiện các cuộc gọi nhóm bình quân trên mỗi người dùng Viber tăng lên 370% trong vòng 2 tuần qua. Số lượng tương tác trong cộng đồng trên ứng dụng tăng trung bình 78%.
Thống kê mới nhất của Viber cho thấy, trong tháng 3 số lượng người dùng Viber hàng ngày đã tăng thêm 18% và số người dùng mới đăng ký hàng ngày tăng 25%.
Đáng chú ý là mọi người đã thực hiện các cuộc gọi dài hơn, thời lượng cuộc gọi tăng lên 35% và người dùng gửi video tăng tới 75%.
Ông Djamel Agaoua, CEO Rakuten Viber, chia sẻ: “Trong khoảng thời gian đầy thử thách này, chúng tôi luôn cố gắng thích nghi và phản ứng nhanh chóng để giúp các học sinh và giáo viên, đồng nghiệp và đối tác, bạn bè và gia đình luôn giữ liên lạc với nhau. Người dùng tin tưởng và chúng tôi sẽ không ngừng nâng cao trải nghiệm của họ trong khi vẫn giữ cho mọi người được kết nối tự do thoải mái và an toàn”.
Do nhu cầu sử dụng tăng cao, Viber đã mang đến một số thay đổi lớn như cho phép tăng số lượng người tham gia các cuộc gọi nhóm cùng một lúc từ 5 lên đến 20 người hay truyền tải các thông điệp về dịch bệnh của WHO hay các tổ chức y tế tại nhiều quốc gia…
Ứng dụng đã ra mắt chiến dịch mới thông qua bộ sticker “Stay At Home” (Tôi ở nhà) dành cho người dùng trực tuyến tại nhà có thể giải trí trong lúc vượt qua thời gian thử thách này.
Video đang HOT
D.V
VFOSSA họp trực tuyến cùng VAIP và FISU bàn kế hoạch hỗ trợ ngành giáo dục ứng phó COVID-19
VFOSSA đề xuất Bộ TT&TT có thể thử nghiệm và đánh giá các giải pháp tạo môi trường làm việc, hội họp và học tập từ xa trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn kéo dài.
Nhiều giải pháp về hội họp và học tập từ xa trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Ngày 27/3 vừa qua, CLB phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) đã có buổi họp trực tuyến cùng Hội tin học Việt Nam (VAIP) và Câu lạc bộ các khoa, trường, viện CNTT-TT Việt Nam (FISU) bàn về kế hoạch phối hợp cùng ngành công nghệ thông tin & truyền thông hỗ trợ ngành giáo dục ứng phó COVID-19 bằng phần mềm nguồn mở.
Cuộc họp trực tuyến do VFOSSA đề xuất và được thực hiện trên phần mềm nguồn mở Jitsi triển khai trên máy chủ SecureMail của Công ty iWay.
Tham gia cuộc họp ngoài Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch VFOSSA còn có TTK VAIP Nguyễn Long và một số Trưởng khoa CNTT thành viên của FISU. Nội dung cuộc họp thảo luận xoay quanh đề xuất của VFOSSA lên Bộ Thông tin và Truyền thông và cần sự phối hợp 3 bên.
Đề xuất gồm các giải pháp phần mềm nguồn mở mà các doanh nghiệp VFOSSA có thể cung cấp cho các cơ quan Nhà nước nói chung và ngành GD&ĐT nói riêng để vượt qua dịch COVID-19. Quan trọng hơn đề xuất kế hoạch phối hợp dài hạn với sự chủ trì của Bộ TT&TT sử dụng phần mềm nguồn mở để xây dựng hệ sinh thái CNTT hội nhập song vẫn đảm bảo độc lập và tự chủ công nghệ, trong đó ngành GDĐT giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Tại buổi thảo luận, phía VFOSSA chia sẻ tinh thần chung của các hội viên. Theo đó, các doanh nghiệp hội viên của VFOSSA luôn quan tâm và sẵn sàng, bằng hiểu biết và kinh nghiệm ứng dụng & phát triển phần mềm nguồn mở cùng nguồn lực của mình, hưởng ứng các sáng kiến của Bộ TT&TT với tinh thần hợp tác và chia sẻ cởi mở.
VFOSSA cũng tán thành nhận định của Bộ trưởng Bộ TT&TT rằng Việt Nam không chỉ cần vượt qua khủng hoảng COVID-19 mà còn cần coi đây là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số; đánh giá đây là dịp để phần mềm nguồn mở chứng minh được thế mạnh thực sự của mình tại VN, VFOSSA đã kêu gọi các doanh nghiệp hội viên đề xuất sáng kiến ứng dụng và triển khai dịch vụ bằng phần mềm nguồn mở góp phần thích nghi cuộc sống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch gây ra, hỗ trợ các nỗ lực chống dịch của CP và Bộ TT&TT.
VFOSSA đã kêu gọi các doanh nghiệp hãy liên kết với nhau, cùng đóng góp nguồn lực để nhanh chóng thực hiện các sáng kiến. Các nhóm liên kết sẽ đưa ra mục tiêu và qui chế hợp tác riêng của mình. VFOSSA với sự hậu thuẫn của VAIP, sẽ đại diện cho các nhóm liên kết đề xuất giải pháp lên Bộ TT&TT và sẽ đóng vai trò bảo trợ cho các sáng kiến này.
Trước đó, VFOSSA cũng đã tập hợp một vài giải pháp phần mềm nguồn mở đáp ứng nhu cầu cấp bách về hội họp và học tập từ xa trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tính đến thời điểm hiên tại, một số hội viên của VFOSSA đã thử nghiệm triển khai & vận hành bước đầu các giải pháp phần mềm nguồn mở tiêu biểu.
Cụ thể, VFOSSA đã chủ trì thành lập một liên minh có tên gọi là CoMeet (gồm iWay, FDS, NetNam, CMC TS và VidaGIS) nhằm xây dựng một giải pháp làm việc và họp từ xa dựa trên phần mềm nguồn mở Jitsi.
Jitsi trước đó đã được công ty iWay cài đặt, thử nghiệm nội bộ VFOSSA và làm demo với Cục THH, Bộ TT&TT. Cty NetNam cũng đã triển khai nội bộ Jitsi.
Công ty Nhân Hòa đã công bố giải pháp "Bộ công cụ làm việc tại nhà WFH (Work From Home)" được triển khai trên hạ tầng Cloud 365. WFH gồm 5 công cụ (trao đổi nhóm, họp trực tuyến, quản lý công việc từ xa, lưu trữ trực tuyến và đào tạo nội bộ trực tuyến) được xây dựng hoàn toàn bằng các công cụ phần mềm nguồn mở.
Công ty VINADES, trên nền tảng phần mềm nguồn mở NukeViet đã phát triển phần mềm quản lý kho học liệu, kho bài giảng điện tử. Phần mềm này hiện đang quản lý kho học liệu mở cho Bộ GDĐT và giải pháp thi trắc nghiệm trực tuyến.
Công ty ePacific cung cấp dịch vụ thực hiện cuộc gọi điện thoại trên máy tính để tránh tiếp xúc trong giao dịch thương mại thời Covid-19 dựa trên phần mềm nguồn mở JsSIP.
Ngoài những ứng dụng đã được dựng thành giải pháp kể trên, VFOSSA còn tìm được trong kho tàng phần mềm nguồn mở thế giới nhiều ứng dụng khác cho phép làm việc cộng tác trực tuyến như: bảng trắng Drawpile để vẽ, cộng tác thời gian thực; quản lý, tổ chức và lập kế hoạch dự án trực tuyến theo phương pháp Kanban; sổ tay ghi chú cá nhân số Jopline; trình xử lý văn bản chia sẻ thời gian thực Etherpad; bảng tính chia sẻ thời gian thực EtherCalc; chat nhóm đầy đủ chức năng, khả năng tương thích rộng rãi và đảm bảo quyền riêng tư Riot Matrix...
VFOSSA đang tiếp tục tìm hiểu và lên danh sách hội viên có thể cung cấp các sản phẩm và giải pháp phần mềm nguồn mở phục vụ hội họp và học tập trực tuyến và rộng hơn cho số hóa và chuyển đổi số.
Đề xuất Bộ TT&TT thử nghiệm và đánh giá các sản phẩm "make in Việt Nam"
Đánh giá về các gói giải pháp ở trên, VFOSSA nhấn mạnh, các công cụ phần mềm nguồn mở được sử dụng trong các giải pháp đã nêu trên đều đã được phát triển và ứng dụng rộng rãi từ nhiều năm trên thế giới và đã đạt độ chín đủ để đưa vào ứng dụng thực tế tại Việt Nam. Riêng NukeViet là phần mềm nguồn mở "make in Vietnam" và đã nằm trong danh sách phần mềm nguồn mở Bộ TT&TT khuyến cáo sử dụng rộng rãi từ năm 2012.
Khác biệt với các giải pháp làm việc/hội họp trực tuyến do các hãng phần mềm độc quyền lớn cung cấp, các giải pháp sử dụng phần mềm nguồn mở của các hội viên VFOSSA có thể được triển khai trên máy chủ và hạ tầng riêng của đơn vị sử dụng, hoàn toàn miễn phí giấy phép, tuân thủ Luật An ninh mạng và Luật sở hữu trí tuệ. Ngoài ra vì sử dụng phần mềm nguồn mở nên giải pháp cho phép dễ dàng tùy biến đáp ứng nhu cầu riêng của đơn vị, đặc biệt khả năng tích hợp với các hệ thống đơn vị đang vận hành (ví dụ hệ thống định danh, email, điều hành tác nghiệp). Đây là điểm khác biệt rất quan trọng mà các hệ thống đóng thường được triển khai trên cloud khó lòng hoặc không thể đáp ứng được.
VFOSSA cũng khẳng định, các doanh nghiệp hội viên có đủ năng lực để đánh giá hạ tầng, làm chủ, tùy biến và bảo hành theo cam kết (SLA) ký kết với khách hàng. Chi phí dịch vụ bảo trì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn mua giải pháp độc quyền về lâu dài. Các gói giải pháp được nhiều công ty cung cấp và được sự hỗ trợ của cộng đồng phần mềm nguồn mở sẽ đảm bảo chống độc quyền, tránh sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất.
Trước mắt để đáp ứng nhu cầu cấp bách tạo môi trường làm việc, hội họp và học tập từ xa trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, VFOSSA đề xuất Bộ TT&TT (có thể thông qua đầu mối VFOSSA) liên hệ với các công ty (hoặc liên minh) để thử nghiệm và đánh giá các gói sản phẩm dịch vụ.
Trên cơ sở đánh giá, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo xem xét lựa chọn giải pháp đưa vào ứng dụng tại các cơ sở giáo dục và tiến hành thỏa thuận trực tiếp với đơn vị liên quan.
VAIP cùng với hai CLB thành viên (VFOSSA và FISU - CLB các Khoa-Viện-Trường CNTT) tham mưu cho các Bộ lựa chọn đơn vị phù hợp phối hợp với các Doanh nghiệp của VFOSSA để thực hiện giải pháp đã chọn.
Dịch bệnh rồi sẽ phải qua đi trong ngắn hạn. Về lâu dài, để tận dụng được các đặc tính ưu việt của và để phần mềm nguồn mở có thể đóng góp và có chỗ đứng xứng đáng trong hệ sinh thái CNTT "make in Vietnam" mà BT đã nhiều lần đề cập, VFOSSA đề xuất, Bộ TT&TT chủ trì đề án/sáng kiến xây dựng mạng lưới doanh nghiệp giải pháp/dịch vụ ứng dụng phần mềm nguồn mở phục vụ số hóa và chuyển đổi số quốc gia gồm các doanh nghiệp lớn (Viettel, VNPT) và các doanh nghiệp nhỏ (hội viên VFOSSA) trong đó các Doanh nghiệp lớn giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt thị trường và triển khai diện rộng, các Doanh nghiệp nhỏ cung cấp dịch vụ cho các Doanh nghiệp lớn, qua đó hình thành hệ sinh thái phần mềm nguồn mở tự chủ và phát triển bền vững.
VFOSSA cũng đề xuất Bộ TT&TT chủ trì xây dựng và đề xuất với CP chính sách nhấn mạnh ưu tiên sử dụng phần mềm nguồn mở như một giải pháp hữu hiệu để tôn trọng bản quyền, ưu tiên hoặc bắt buộc mua hàng/dịch vụ "make in Việt Nam" trong mua sắm công, hỗ trợ phát triển qua các quỹ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phát triển giải pháp phần mềm nguồn mở "make in Vietnam" hữu ích cho các cơ quan Nhà nước và các đơn vị trong khu vực công, đề nghị Bộ 4T có chính sách tạo cơ chế tài trợ hoặc cho vay vốn lãi suất thấp cho doanh nghiệp từ quỹ viễn thông công ích quốc gia.
VFOSSA cho biết, với sự tham gia của VAIP/FISU, sẵn sàng đối thoại với Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT với ngành Giáo dục, đặc biệt trong các vấn đề: thúc đẩy học và sử dụng, ứng dụng phần mềm nguồn mở là môi trường bắt buộc trong dạy và học nhất là bậc Đại học; biện pháp thúc đẩy chuyển đổi và học tập trên nền tảng phần mềm nguồn mở; biện pháp thúc đẩy tận dụng, phổ biến và phát triển tài nguyên giáo dục mở (OER); Khuyến khích sinh viên ngành IT sáng tạo và làm việc trên nền tảng phần mềm nguồn mở; Security và an toàn thông tin với phần mềm nguồn mở.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Thư ký VAIP Nguyễn Long nhận trách nhiệm sẽ chuyển đề xuất của VFOSSA lên Bộ TT&TT cùng với các đề xuất của FISU. VAIP sẽ phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức một cuộc họp sớm nhất có thể để bàn về các đề xuất của VFOSSA.
PV
Shark Linh, Thanh Hằng và giới công nghệ VN chụp ảnh làm việc tại nhà Nhiều công ty ở Việt Nam cho nhân viên làm việc tại nhà để tránh sự lây lan của virus corona. Nguyễn Hoàng Chương, nhân viên truyền thông của công ty Asus cho biết đã làm việc tại nhà khoảng một tuần nay. Hàng ngày, 8h nhân viên sẽ video call check in để nhân sự chấm công. Đến 18h thì check out...