Sở KH-CN Lào Cai nói gì về việc Phó giám đốc 49 tuổi xin nghỉ việc, xin ra khỏi Đảng?
Đảng ủy Sở KH-CN Lào Cai vẫn đang xem xét nguyện vọng trong đơn xin ra khỏi Đảng của đảng viên Hà Minh Tân, nguyên Phó giám đốc Sở KH-CN Lào Cai, đã nghỉ việc theo quyết định của UBND tỉnh Lào Cai.
Liên quan đến vụ việc ông Hà Minh Tân (49 tuổi), Phó giám đốc Sở KH-CN Lào Cai, xin nghỉ việc và xin ra khỏi Đảng, trao đổi với Thanh Niên chiều 6.10, ông Bùi Khắc Hiền, Giám đốc Sở KH-CN Lào Cai, cho biết Chi bộ Đảng tại Sở KH-CN tỉnh Lào Cai nơi đảng viên Hà Minh Tân tham gia sinh hoạt đã nhận được đơn xin ra khỏi Đảng và Đảng ủy Sở đang xem xét về nguyện vọng này.
“Nhưng Chi bộ và cấp ủy sẽ động viên anh Tân xem xét lại, vì Đảng ta khuyến khích người vào Đảng chứ không khuyến khích xin ra khỏi Đảng, trừ những trường hợp đặc biệt. Chúng tôi đã mời anh ấy đến trao đổi về nguyện vọng này nhưng có lẽ bận nên anh ấy chưa đến được, việc này vẫn đang tiếp tục”, ông Hiền nói.
Kết luận đánh giá cán bộ của Tỉnh ủy Lào Cai về ông Hà Minh Tân khiến người này bức xúc, xin nghỉ việc và xin ra khỏi Đảng. Ảnh CTV
Về lý do khiến ông Hà Minh Tân có đơn xin nghỉ việc và xin ra khỏi Đảng, ông Bùi Khắc Hiền cho biết: “Tôi cũng không nắm được hết, chỉ biết anh Tân xin nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân, đã gửi lên cấp cao hơn. Khi tôi về đây công tác thì đã thấy có đơn xin thôi việc và thông báo của Tỉnh ủy Lào Cai”.
Trước đó, ngày 4.8, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức trao quyết định bổ nhiệm ông Bùi Khắc Hiền, Chánh văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân tỉnh Lào Cai, giữ chức vụ Giám đốc Sở KH-CN Lào Cai từ ngày 1.8.2021 với thời hạn 5 năm.
Đáng lưu ý, lãnh đạo tiền nhiệm của ông Hiền là ông Vũ Văn Tuấn (57 tuổi), Giám đốc Sở KH-CN Lào Cai, cũng đã nghỉ chế độ từ đầu tháng 8.2021 khi chưa hết nhiệm kỳ bổ nhiệm theo quyết định của UBND tỉnh Lào Cai, cụ thể là đến năm 2024.
Trước đó, ngày 11.11.2019, UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định bổ nhiệm ông Vũ Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng, giữ chức vụ Giám đốc Sở KH-CN Lào Cai. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15.11.2019 và có thời hạn là 5 năm.
Trao đổi với Thanh Niên , ông Hà Minh Tân chia sẻ lý do viết đơn xin nghỉ việc, ra khỏi Đảng là do bức xúc về nội dung nhận xét trong thông báo kết luận nhận xét, đánh giá về cán bộ lãnh đạo trong năm 2020.
Theo đó, ông Tân bị nhận xét: “Còn một số hạn chế, khuyết điểm: Chỉ đạo lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn chậm tiến độ; tham mưu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo có mặt còn chưa tích cực, nhất là việc xử lý đơn thư, đoàn kết của nội bộ”. Thông báo kết luận này do Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong ký ban hành ngày 18.6.2021.
Tuy nhiên, ông Hà Minh Tân cho rằng nhận xét trong kết luận được Tỉnh ủy Lào Cai thông báo là không có cơ sở, chứng cứ rõ ràng khi các cuộc họp góp ý từ Sở KH-CN Lào Cai gửi lên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai đều không có nội dung này. Sau khi nhận được thông báo từ Tỉnh ủy Lào Cai, ông Tân đã nhiều lần trao đổi với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai yêu cầu làm rõ nội dung chưa chính xác nhưng không được giải thích rõ ràng, nên đã quyết định viết đơn xin nghỉ việc và xin ra khỏi Đảng.
Trao đổi với Thanh Niên , ông Hà Minh Tân nói: “Theo quyết định của UBND tỉnh Lào Cai, tôi đã nghỉ việc từ ngày 27.9 nhưng còn nguyện vọng xin ra khỏi Đảng thì đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết”, ông Tân nói.
Những giấc ngủ trên đường hồi hương
Nhiều người gần như kiệt sức, nằm ngủ bên quốc lộ sau nhiều ngày chạy xe máy liên tục từ Bình Dương về các tỉnh miền núi phía bắc.
Ngủ gục bên đường sau hành trình từ TP.HCM, Bình Dương đến Hà Nội
Rạng sáng 6/10, nhiều đoàn người đi xe máy từ Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM tiếp tục đổ về chốt kiểm soát số 1 - Km 213 400 Cầu Giẽ (Phú Xuyên, Hà Nội) để chờ được dẫn đường qua nội đô, tiếp tục hành trình về quê.
Đại úy Huỳnh Tấn Quảng (cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 8, Phòng CSGT, Công an Hà Nội) xác minh thông tin, hướng dẫn một gia đình từ Bình Dương ra Hà Nội đêm 6/10 làm thủ tục với chính quyền địa phương để đi cách ly theo quy định.
Người dân sau khi đến chốt kiểm soát Cầu Giẽ được lực lượng y tế hướng dẫn điền tờ khai y tế, kiểm tra thân nhiệt. Nếu đủ điều kiện, họ được lực lượng CSGT dẫn đường đi tiếp.
Anh Vừ Văn Dùng cùng em trai rời Bình Dương sau 3 tháng thất nghiệp. Đôi mắt đỏ au vì nhiều ngày mất ngủ, người đàn ông quê Hà Giang chia sẻ: "Ba ngày ba đêm chạy xe theo đoàn chẳng kịp ngủ. Trên đường đi hai anh em bị ngã xe một lần, giờ đau chân lắm nhưng để kịp bám theo đoàn tôi cũng cố gắng nén đau mà phóng".
Anh Giáng A Lòng hồi hộp cả đêm không ngủ được vì vợ và con nhỏ vẫn kẹt lại ở tỉnh Hà Nam chưa biết khi nào sẽ đến chốt Cầu Giẽ. Đem theo cả gia đình vào Bình Dương làm việc, Lòng không nghĩ dịch bệnh khiến cả gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện tại. Khi được hỏi về dự định tương lai, người đàn ông quê Sơn La cho biết: "Trước mắt, gia đình mình cứ về quê trồng ngô, trồng sắn, làm nông chứ cũng chưa biết bao giờ có thể trở lại Bình Dương để làm việc".
Chị Đàm Thị Nở (quê Hà Giang) cùng chồng và con gái vào miền Nam làm công nhân được hơn nửa năm thì 3 tháng phải chịu cảnh thất nghiệp. Khi Bình Dương nới lỏng giãn cách, ngày 2/10, gia đình chị lại ròng rã trên xe máy để về quê. "Cũng may vì còn chút tiền tiết kiệm, vợ chồng tôi vẫn đủ ăn trong lúc giãn cách, nhưng lâu ngày cũng hết, đành phải về quê. Hôm qua, Nghệ An mưa to lắm, tôi rất lo con nhỏ dễ bị cảm, ốm. Giờ cả nhà chỉ mong sớm được trở về quê với gia đình thôi", chị Nở nói.
Đoàn người từ Bình Dương hồi hương về các tỉnh miền núi phía bắc phải trải qua hành trình hơn 1.500 km trong nhiều ngày liên tục. Khi đêm xuống, họ tìm một chỗ đất bằng phẳng rồi đặt lưng ngủ, đến sáng hôm sau lại tiếp tục lên đường.
Thậm chí, nhiều người còn ngủ trên yên xe máy do không còn chỗ để nằm.
Nhiều người gục đầu trên gối, cố chợp mắt để lấy sức cho hành trình hàng trăm km tiếp theo, một số thanh niên còn mặc nguyên áo mưa để tránh sương đêm, gió lạnh.
Một số khác trải bạt, áo mưa để nằm nghỉ bên quốc lộ, chờ được qua chốt kiểm soát.
Đêm 5/10, có khoảng 500 người dân chạy xe máy từ các tỉnh miền Nam về quê. Họ được chia thành nhiều nhóm nhỏ để di chuyển qua Hà Nội, tránh gây ùn tắc giao thông cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Căn lều thường dùng làm nơi khai báo y tế được người dân trưng dụng làm chỗ ngả lưng tránh sương đêm. 5h30 ngày 6/10, nhiều người đã tỉnh giấc, họ tranh thủ ăn tạm vài miếng bánh được lực lượng chức năng hỗ trợ, trong khi đó một số khác cố gắng ngủ thêm vài phút trước khi tiếp tục quãng đường về quê.
7h, đoàn người có nguyện vọng về quê ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... được lực lượng CSGT dẫn đường đi theo hướng quốc lộ 1, qua vành đai 3, đường 32, sau đó qua cầu Trung Hà về Phú Thọ và bàn giao tại chốt này để lực lượng địa phương tiếp tục dẫn đường.
Đối với người có nguyện vọng muốn về các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, lực lượng CSGT hướng dẫn đi theo cung đường khác.
Đoàn người chạy xe máy gần 2.000 km về các tỉnh phía Bắc Dòng người từ các tỉnh, thành phía Nam chạy xe máy về Sơn La, Lào Cai..., khi đến địa phận Hà Nội được cảnh sát giao thông dẫn đường đi tiếp. Đêm 5/10, hơn 300 người dân các tỉnh Sơn La, Lào Cai dừng chân trên đầu cầu Trung Hà thuộc địa phận huyện Tam Nông (Phú Thọ), chờ cảnh sát giao thông...