Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh quyết định lùi giờ học của tất cả cấp học
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh quyết định lùi giờ bắt đầu học của tất cả các cấp học trên địa bàn.
Chiều tối ngày 27/10, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã cho biết thông tin nói trên.
Theo đó, giờ bắt đầu học vào buổi sáng của học sinh cấp mầm non và tiểu học sẽ không sớm hơn 7h30, học sinh bậc trung học cơ sở không sớm hơn 7h15 và trung học phổ thông sẽ không bắt đầu sớm hơn 7h sáng hàng ngày.
Song song đó, các trường học từ mầm non đến trung học phổ thông cần phải xây dựng kế hoạch mở cửa trường, đón học sinh từ 6h30 sáng hàng ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh cần đưa con đến trường sớm để đi làm.
Ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Video đang HOT
Tùy vào tình hình, điều kiện cụ thể của từng trường, giao thông cụ thể của từng địa phương, mà các trường sẽ xây dựng giờ vào học, giờ ra về theo hướng lệch ca, lệch giờ đối với tất cả các khối lớp, nhằm đảm bảo đúng các quy định về chương trình giảng dạy, đảm bảo tốt sức khỏe cho học sinh, nhưng vẫn phải đảm bảo tránh ùn tắc giao thông.
Những trường học nằm trên cùng một cung đường, cần có sự bàn bạc, thống nhất với nhau để ấn định giờ bắt đầu vào học, giờ ra về lệch nhau, để tránh kẹt xe trước cổng trường và ùn tắc giao thông trên cung đường đó.
Cũng theo ông Hồ Tấn Minh, trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh từng có một dự thảo về đề án lệch ca, lệch giờ và ngành giáo dục của thành phố cũng thực hiện điều này.
Trước đây, học sinh tiểu học chỉ học có một buổi nên thời gian bắt đầu vào học buổi sáng là 7h, trung học phổ thông là 7h và trung học cơ sở là 7h30.
Thế nhưng, trong quá trình thực hiện thì một số đơn vị trường học gặp áp lực về cơ sở vật chất, sĩ số học sinh trên mỗi lớp nên có thể đã thực hiện chưa đúng yêu cầu, cho học sinh đi học quá sớm.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chấn chỉnh việc này với các nhà trường.
Hiện nay, các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã và đang thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường thực hiện việc giảng dạy 2 buổi/ngày, chưa kể là khung chương trình mới cũng khác với chương trình cũ, nên Ban Giám đốc Sở đã ấn định khung giờ bắt đầu vào học như trên.
Dự kiến vào đầu tuần sau, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với vấn đề này.
Quận 12 (TPHCM) thí điểm lùi giờ học buổi sáng
Từ hôm nay, 24-10, nhiều trường học ở quận 12, TPHCM thực hiện lùi giờ vào học từ 15-30 phút để học sinh có thêm thời gian cá nhân vào buổi sáng.
Tuy nhiên, tranh luận về giờ học quá sớm vẫn chưa đồng nhất.
Ảnh minh họa: TTXVN
Thời gian gần đây, báo chí cũng như các diễn đàn trên mạng xã hội đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc học sinh tiểu học và THCS có khối lượng bài tập về nhà nhiều, các em thường phải thức khuya để hoàn thành, nên việc dậy sớm để đến trường vào khung giờ 6h30-6h45 thường không đủ thời gian; các em không kịp ăn sáng, mệt mỏi, buồn ngủ, không đảm bảo sức khỏe... Qua vấn đề này, rất nhiều phụ huynh mong muốn lùi thời gian vào học để các em không quá cập rập, vội vàng và bị áp lực mỗi sáng.
Ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8, trong cuộc họp lãnh đạo các phòng với Sở Giáo dục và Đào tạo tuần trước, cho biết hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn quận đã cho học sinh vào học lúc 7h30 và thời gian này khá phù hợp.
Với những học sinh học 2 buổi/ngày, khi bắt đầu ngày học vào lúc 7h30, nếu học 4 tiết (tính cả giờ ra chơi) thì phải sau 10h30 các em mới kết thúc buổi học để chuẩn bị cho việc ăn trưa, nghỉ trưa và có các hoạt động khác trước khi vào học buổi chiều lúc 14h. Với những học sinh học 1 buổi/ngày thì sẽ học 5 tiết buổi sáng, nên cũng sau 11h mới kết thúc buổi học. Lúc đó các em mới được đưa đón về nhà để ăn trưa, nghỉ ngơi.
Ông Dân nhấn mạnh, giờ vào học trễ hay sớm so với thói quen đi học của học sinh cũng còn lệ thuộc vào phụ huynh, bởi có nhiều người đi làm xa thường đưa con đến trường sớm. Với những trường hợp học sinh đến sớm, nhà trường sẽ bố trí giáo viên kỹ năng, hoặc giáo viên thể dục... để quản lý khi các em đến trường nhằm tránh thời gian "chết", học sinh phải chờ đợi mệt mỏi.
Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân - thông tin, học sinh trên địa bàn quận vào học các khung giờ từ 7h đến 7h15 và muộn nhất là 7h30 (tùy trường và tùy bậc học), thậm chí 2 trường đối diện nhau cũng phải tính toán lệch giờ vào học, giờ ra về để hạn chế việc ùn tắc ở cổng trường, nên để thống nhất chuyện chung giờ học cho các trường là khó thực hiện...
Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12, việc quy định giờ học của học sinh hiện nay nên căn cứ vào các yếu tố xã hội, dân cư, đặc trưng, đặc thù của từng địa phương. Thêm vào đó là yếu tố lệch giờ, lệch ca để hạn chế ùn tắc, kẹt xe, trật tự an toàn giao thông vào giờ cao điểm. Các trường tập trung ở khu công nghiệp, khu chế xuất có giờ vào học sớm để phụ huynh kịp đi làm; các khu vực văn phòng, công sở có thể sắp xếp giờ vào học trễ hơn. Một số trường có giờ vào học sớm còn do vướng chương trình học.
Vì thế, sau khi xin ý kiến của sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 sẽ thí điểm lùi giờ học; thời gian vào học của một số trường được điều chỉnh sang 7h15 hoặc 7h30 thay cho 7h vào học như trước. Đây được cho là khởi đầu về cách làm để các trường trên toàn thành phố trao đổi, học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao công tác quản lý giáo dục, chất lượng học tập, chứ không đơn thuần là việc lùi thời gian học buổi sáng cho học sinh.
Theo Cổng thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM
Giờ vào lớp của một số quốc gia trên thế giới Giờ vào học của học sinh trên thế giới có sự khác biệt giữa các quốc gia, thậm chí các địa phương hay các cấp học khác nhau trong cùng một nước có thể áp dụng thời gian biểu khác nhau. Một số yếu tố thường được xem xét để quyết định giờ vào học là số giờ học tại trường, phản hồi...