Sở GD&ĐT gây khó tuyển dụng giáo viên trường chuyên Lam Sơn
Dù có Công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Nội vụ chỉ đạo thực hiện việc tuyển dụng giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn trong đó Hiệu trưởng là Chủ tịch hội đồng xét tuyển, thế nhưng Sở GD&ĐT vẫn không chấp nhận ra quyết định phê duyệt. Lý do là Sở GD&ĐT đề nghị Chủ tịch hội đồng phải là người đứng đầu Sở.
Cho đến nay, việc tuyển dụng giáo viên của Trường THPT chuyên Lam Sơn vẫn “dậm chân tại chỗ” vì Giám đốc Sở GD&ĐT không phê duyệt.
Tranh cãi vị trí Chủ tịch hội đồng
Những năm gần đây, Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) luôn trong tình trạng thiếu giáo viên. Ngày 11/7/2017, trường có văn bản đề nghị lên UBND tỉnh trình duyệt phương án tuyển dụng viên chức do đơn vị này lập.
Ngày 14/8/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định số 2977/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền ký, phê duyệt phương án tuyển dụng giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn năm học 2017 – 2018.
Tại quyết định này nêu rõ, hội đồng xét tuyển do Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định thành lập, thành lập hội đồng gồm Chủ tịch hội đồng là Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn.
Năm học 2017-2018, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đồng ý phương án tuyển dụng của Trường THPT chuyên Lam Sơn theo Quyết định 2977 của UBND tỉnh thế nhưng năm học 2018-2019 thì lại không đồng ý.
Năm học 2018-2019, Trường THPT chuyên Lam Sơn tiếp tục xin phương án tuyển dụng 12 giáo viên. Mọi quy trình lần này làm giống như năm học 2017-2018. Thế nhưng, dù vẫn phương án cũ thì năm trước Giám đốc Sở GD&ĐT đã thống nhất quan điểm và ra quyết định phê duyệt thì năm học này, Sở GD&ĐT bất ngờ không chấp thuận. Lý do chính được đưa ra là Giám đốc Sở phải là Chủ tịch hội đồng xét tuyển chứ không phải là Hiệu trưởng nhà trường.
Video đang HOT
Đáng nói, dù việc xét tuyển giáo viên tại Trường THPT chuyên Lam Sơn năm học 2017-2018 được chính Giám đốc Sở GD&ĐT phê duyệt phương án, thành phần hội đồng trong đó Chủ tịch là Hiệu trưởng nhà trường đúng theo Quyết định 2977 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Thế nhưng, tại báo cáo gửi UBND tỉnh của Sở này ngày 5/7/2018 lại chỉ ra việc thành lập hội đồng xét tuyển giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn năm học 2017-2018 chưa đúng theo quy định tại Quyết định số 1942 ngày 7/6/2017 và đề xuất sửa đổi quy định Chủ tịch hội đồng xét tuyển phải là Giám đốc Sở GD&ĐT.
Được biết, tại Quyết định 1942 có nội dung: “Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc” và “Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện”.
Sở GD&ĐT gây khó?
Sau khi nhận được báo cáo và xem xét ý kiến của Sở GD&ĐT, ngày 8/8/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền ký công văn số 9497/UBND-VX tiếp tục chỉ đạo Sở GDĐT, Sở Nội vụ và Trường THPT chuyên Lam Sơn thực hiện như QĐ số 2977/QĐ-UBND ngày 14/8/2017.
Ngày 13/8/2018, Trường THPT chuyên Lam Sơn có văn bản về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng giáo viên căn cứ theo quyết định 2977 như chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng ngày, Sở GD&ĐT cũng gửi công văn đến Sở Nội vụ nêu quan điểm không đồng ý với Quyết định 2977 mà cho rằng thực hiện theo Quyết định 1942 mới là đúng đồng thời Sở này xin ý kiến chỉ đạo của Sở Nội vụ.
Sau khi xem xét các đề nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn yêu cầu thực hiện theo Quyết định 2977.
Đáng nói, khi ra Quyết định 2977/QĐ-UBND ngày 14/8/2017, UBND tỉnh đã căn cứ vào Quyết định 1942/2017/QĐ-UBND ngày 7/6/2017 và xét đề nghị của Sở GD&ĐT tại Công văn số 1787 ngày 8/8/2017…
Ngày 21/8/2018, phúc đáp lại công văn này của Sở GD&ĐT, Giám đốc Sở Nội vụ Đầu Thanh Tùng cũng đề nghị Sở GD&ĐT thực hiện việc tuyển dụng giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn theo đúng quy định tại Quyết định số 2977/QĐ-UBND.
Tuy nhiên, đến nay, mọi quy trình tuyển dụng giáo viên tại Trường THPT chuyên Lam Sơn vẫn “dậm chân tại chỗ” do chưa có quyết định phê duyệt phương án của Giám đốc Sở GD&ĐT.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn cho biết: “Do Trường THPT chuyên Lam Sơn là đơn vị đặc thù, khác với các trường THPT trên địa bàn, việc bổ nhiệm hiệu trưởng hay hiệu phó cũng phải do UBND tỉnh bổ nhiệm. Vì thế, có những vấn đề trường THPT chuyên Lam Sơn được phép báo cáo tỉnh và chịu sự chỉ đạo của tỉnh.
“Tuy nhiên, tất cả mọi quy trình về tuyển dụng, nhà trường đều báo cáo Sở GD&ĐT. Từ quy trình thành lập hội đồng cho đến việc thu hồ sơ phải được Sở GD&ĐT thẩm định sau đó nhà trường đề nghị Giám đốc sở ra quyết định cho phép thi thì mới thi”.
Cũng theo thầy Tuấn thì Giám đốc Sở GD&ĐT làm Chủ tịch hội đồng cũng đúng mà giao cho Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn thì cũng không sai.
“Hiện tại nhà trường đang phải gồng mình khắc phục việc thiếu giáo viên như hợp đồng giáo viên bên ngoài, dạy tăng ca, tăng giờ. Đặc biệt, dù đang trong tình trạng thiếu nhưng có một số giáo viên ốm đau, học thạc sỹ, tiến sỹ hay theo học sinh đi thi đội tuyển càng làm cho tình trạng thiếu giáo viên trở nên nghiêm trọng hơn nên việc tuyển dụng giáo viên trong thời gian tới là vô cùng cấp bách” – thầy Tuấn cho biết thêm.
Liên quan đến việc trên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Phòng tổ chức cán bộ – Sở GD&ĐT cho biết: “Trường THPT chuyên Lam Sơn vẫn trực thuộc Sở chứ không thuộc UBND tỉnh được. Cũng cùng công văn, cùng gửi cho tỉnh cùng gửi cho Sở như thế là không được.
Cũng theo ông Thành, nếu đối tượng đã là viên chức rồi thì không nói làm gì, nếu là đối tượng là giáo sinh mới hoàn toàn thì không thể ông Chủ tịch hội đồng là ông Hiệu trưởng ngồi tuyển dụng được.
“Sở chịu chỉ đạo của UBND tỉnh, nên cấp trên quyết như thế thì cũng phải chấp hành, vẫn biết rằng về cơ sở pháp lý là không chặt chẽ” – ông Thành nói.
“Xét cho cùng là dù Giám đốc Sở GD&ĐT hay Hiệu trưởng Trường chuyên Lam Sơn thì cứ miễn vô tư, khách quan trung thực làm thì đáp án cũng như nhau mà thôi. Tuy nhiên, nếu cấp Sở thì sẽ tốt hơn, đúng quy định, khách quan hơn. Hiện Sở đang yêu cầu xây dựng phương án cụ thể, Giám đốc thấy khách quan thì sẽ phê duyệt” – ông Thành cho biết thêm.
Theo www.tienphong.vn
Đà Nẵng: Kiến nghị hạ tiêu chí tuyển dụng vì thiếu nguồn tuyển giáo viên
Một số quận, huyện của TP Đà Nẵng đề nghị hạ tiêu chí trình độ đào tạo của người dự tuyển trong tuyển dụng, từ bậc ĐH theo như yêu cầu của Sở Nội vụ xuống các bậc thấp hơn, vì không đủ nguồn tuyển.
Ảnh minh họa (Dantri)
Năm học 2018 - 2019, Đà Nẵng có 4 trường mẫu giáo, 205 trường mầm non (tăng 10 trường), 102 trường tiểu học (tăng 2 trường), 59 trường THCS, 32 trường THPT (tăng 3 trường) và 3 trung tâm GDTX.
Theo phê duyệt kế hoạch tuyển dụng của Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện đã tổ chức thực hiện tuyển dụng giáo viên (GV) các cấp học gồm 313 GV tiểu học, 233 GV THCS và 84 GV THPT. Tuy nhiên, nhiều địa phương sẽ không tuyển đủ GV, buộc phải hợp đồng vì số lượng hồ sơ dự tuyển hợp lệ thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển dụng.
Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang - Trưởng phòng GD&ĐT Hòa Vang cho biết: "Huyện Hòa Vang thiếu hơn 100 GV, do số ứng viên dự tuyển giáo viên mầm non và tiểu học có trình độ ĐH không đủ số lượng theo chỉ tiêu cần tuyển. Sau khi tổ chức tuyển dụng vẫn thiếu giáo viên ở cấp học này". Chính vì vậy, Phòng GD&ĐT Hòa Vang đã kiến nghị, tùy theo tình hình thực tế từng quận, huyện để yêu cầu trình độ chuyên môn của người dự tuyển. "Riêng đối với huyện Hòa Vang, để đảm bảo số lượng cần tuyển ở cấp mầm non và tiểu học thì trình độ chuyên môn chỉ cần đáp ứng theo quy định của Luật Giáo dục là đủ" - bà Trang kiến nghị.
Tương tự, quận Liên Chiểu hiện cũng cần bổ sung khoảng 79 giáo viên tiểu học, thế nhưng trong kỳ thi tuyển dụng viên chức vừa qua, chỉ có 52 hồ sơ hợp lệ theo quy định. Chính vì vậy, để đủ tỉ lệ GV/HS theo quy định, ngoài giải pháp bố trí GV dạy tăng tiết, Phòng GD&ĐT Liên Chiểu đã phải "hạ chuẩn" để ký hợp đồng với số GV ngoại tỉnh.
Ông Nguyễn Lâm - Trưởng phòng Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn cho biết, yêu cầu của Sở Nội vụ là người dự tuyển ở bậc mầm non, tiểu học phải có trình độ đào tạo bậc ĐH, nhưng trên thực tế thì nguồn đào tạo ở Đà Nẵng là không đủ, buộc địa phương phải lấy từ nguồn đào tạo của Quảng Nam, nhưng ở trường ĐH Quảng Nam thì chủ yếu là đào tạo bậc CĐ.
Theo ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thì riêng với huyện Hòa Vang, Sở Nội vụ có thể hạ chuẩn tuyển GV mầm non từ trình độ ĐH xuống cao đẳng để tuyển được đủ GV đáp ứng nhu cầu thực tế.
Theo giaoducthoidai.vn
Nhiều vi phạm trong tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện: Các quận, huyện, thị xã, TP ở một số địa phương nhiều năm không tổ chức tuyển dụng giáo viên (GV) mà ký hợp đồng lao động, đặc biệt có đơn vị ký hợp đồng GV, nhân viên thừa so với nhu cầu, có huyện thừa nhưng vẫn ký hợp đồng với số lượng lớn. Nhiều...