Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị kéo dài thời gian thí điểm trường chất lượng cao
QĐND Online - Ngày 24-6, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Xây dựng phát triển trường chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô – Từ nhận thức đến thực tiễn. Hội thảo nhằm tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, cơ chế để phát triển hệ thống trường chất lượng cao (CLC); đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, tuyên truyền rộng rãi để tăng cường sự đồng thuận trong ngành giáo dục và xã hội về mô hình trường CLC.
Ông Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo.
Theo báo cáo, đến tháng 6-2015, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quyết định công nhận trường CLC cho 7 trường: Mầm non Đô thị Sài Đồng (Long Biên); Mẫu giáo 20-10 (Hoàn Kiếm); Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm); Tiểu học Nguyễn Siêu (Cầu Giấy); Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên); THCS – THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy); THPT Phan Huy Chú (Đống Đa). Ngoài ra, phê duyệt thí điểm 11 trường CLC trong năm học 2014 – 2015.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhận xét: Trường CLC có thuận lợi về cơ sở vật chất tốt; sĩ số học sinh trong lớp theo quy định nên giáo viên có điều kiện để quan tâm theo dõi học sinh đầy đủ. Do được tự chủ nên nhà trường đáp ứng được những yêu cầu, dịch vụ và nguyện vọng của cha mẹ học sinh… Tuy nhiên, việc xây dựng trường CLC gặp không ít khó khăn, do đây là mô hình mới và là những trường đầu tiên được công nhận trường CLC nên các trường vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn mới chỉ đáp ứng đủ theo quy định, chưa dồi dào nên hoạt động chưa có tính đặc thù riêng cho mỗi nhà trường, địa phương. Ngoài ra, sĩ số học sinh tại các trường công lập CLC thấp hơn so với đề án, do đây là mô hình mới chưa được nhân rộng, chưa có thời gian để khẳng định nên chưa tạo sức hút đối với người học, đặc biệt với những gia đình có nguyện vọng đầu tư học trường quốc tế.
Khó khăn được nhiều trường đề cập tới tại hội thảo là việc xây dựng đội ngũ có năng lực và phát triển chương trình ngày càng đáp ứng nhu cầu người học, tiếp cận chương trình giáo dục trong khu vực. Bên cạnh đó, vấn đề không kém phần quan trọng đó là nguồn tài chính. Mức học phí cao hơn nhiều so với trường công lập nên chưa thu hút được nhiều học sinh theo dự kiến. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tự thu chi của các trường công lập, các hoạt động của nhà trường để đáp ứng hiệu quả các hoạt động của trường công lập chất lượng cao…
Sau khi lắng nghe các ý kiến từ đại diện các trường, các chuyên gia giáo dục, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhận định: Chương trình giáo dục CLC chuyển từ truyền thụ kiến thức sang chú trọng phẩm chất và năng lực người học đã đáp ứng nhu cầu người học, khuyến khích giáo viên tự đổi mới phương pháp dạy học, các hoạt động của trường có nhiều đổi mới và sáng tạo hơn. Hà Nội với 1,6 triệu học sinh, nhu cầu rất đa dạng nên chúng ta phải đa dạng các loại hình đào tạo, đáp ứng nhu cầu người học. Trong đó Hà Nội đưa ra 5 loại hình trường: Trường thường, trường CLC, trường có yếu tố nước ngoài, trường chuyên và trường trọng điểm.
Để phát triển vững chắc hệ thống trường chất lượng cao trong thời gian tiếp theo, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị đối với những trường được công nhận CLC, thành phố nên có ngân sách hỗ trợ kinh phí năm đầu bằng năm trước liền kề, từ năm thứ 2 trở đi ngân sách nhà nước hỗ trợ lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo quy định của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong biên chế được phê duyệt, các hoạt động khác trường sẽ tự đảm bảo từ nguồn thu học phí với mức thu theo mức trần đã quy định. Đối với các trường thực hiện thí điểm CLC nên kéo dài thời gian thí điểm từ 1-2 năm để các trường hoàn thiện cơ sở vật chất.
Theo QĐND