Sở GD-ĐT Đồng Nai làm khó người điều chỉnh bằng cấp
Sau khi Thanh Niên đăng bài Khổ vì có hai giấy khai sinh viết về trường hợp thí sinh Nguyễn Thị Ánh Nguyệt 3 lần thi đậu đại học nhưng không được đi học vì có hai giấy khai sinh, cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM, Văn phòng 2 Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã có nhiều động thái tạm thời giúp đỡ để em này được đến trường.
Theo cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM, Ánh Nguyệt chỉ cần đến Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai xin chỉnh sửa lại bằng tốt nghiệp là xong. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 3 tháng Ánh Nguyệt vẫn chưa làm xong giấy tờ.
Nguyễn Thị Ánh Nguyệt trình bày hoàn cảnh của mình tại Báo Thanh Niên – Ảnh: Hà Thanh
Video đang HOT
Nhiều lần đến Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, Ánh Nguyệt cho biết Phòng Khảo thí yêu cầu về địa phương giải quyết. “Em đã đi tới đi lui nhiều lần nhưng vẫn không được các thầy trả lời một cách rõ ràng, khi thiếu giấy này lúc thiếu giấy kia. Em có đề nghị xin một văn bản hướng dẫn thì các thầy nói em cứ về làm đúng những gì đã hướng dẫn rồi lên đây”.
Rõ ràng Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đã gây khó cho người điều chỉnh bằng cấp. Ở góc độ pháp lý, theo Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT, trong thời hạn 5 ngày, cơ quan thẩm quyền chỉnh sửa nội dung văn bản xem xét quyết định chỉnh sửa; nếu không chỉnh sửa thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Ông Đỗ Quốc Anh – Vụ trưởng, Giám đốc Văn phòng 2 Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đã có Công văn số 151 gửi Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đề nghị chỉnh sửa hồ sơ gốc văn bằng chứng chỉ theo quy định để Ánh Nguyệt được đi học. Dù vậy, ông Trần Tấn Tài – Phó phòng phòng Khảo thí vẫn nhất quyết yêu cầu Ánh Nguyệt trở về địa phương làm thêm quyết định cải chính hộ tịch hoặc trở ra Hải Dương làm giấy hủy bỏ giấy khai sinh khống thì mới giải quyết. Ánh Nguyệt cho biết: “Trong bộ hồ sơ của em cũng đã có xác nhận của UBND phường Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương thu hồi giấy khai sinh nhưng em không hiểu vì sao thầy Tài không chịu?”.
Ánh Nguyệt buồn bã: “Em về địa phương thì các chú lại bảo hồ sơ cháu đâu có sai gì mà sửa, chỉ cần lên Sở GD-ĐT chỉnh sửa là xong. Em chỉ mong các cơ quan chức năng hướng dẫn em để em làm hồ sơ chứ cứ đi mà chẳng biết đường nào ra”.
Ông Hoàng Kim Chiến, Phó vụ trưởng, Phó trưởng Cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại TP.HCM, bức xúc nói: “Chúng ta cần có cái nhìn nhân văn về trường hợp này, em này rất ham học, thể hiện qua 3 lần thi đậu ĐH, CĐ. Trong văn bản của Bộ Tư pháp đã nói rất rõ, giấy khai sinh của Ánh Nguyệt ở tỉnh Hải Dương là không có giá trị pháp lý, cộng với Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT và công văn của Vụ trưởng Văn phòng 2 Bộ GD-ĐT thì Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai hoàn toàn có cơ sở để chỉnh sửa giấy tờ cho em Ánh Nguyệt chứ không nên làm khó em ấy nữa”.
Thiên Long
Theo thanh niên
Thái Lan sẽ công nhận bằng cấp của AIT
Những lo lắng lâu nay của học viên đã được trút bỏ khi Bộ Ngoại giao Thái Lan công bố sẽ công nhận bằng cấp của Học viện Công nghệ châu Á như trước đây.
Đó là kết quả của cuộc họp giữa Bộ Ngoại giao Thái Lan cùng ban lãnh đạo cũ và mới của Học viện Công nghệ châu Á (AIT) chiều ngày 12.12. Cuộc họp được triệu tập khẩn cấp trước những bức xúc và lo lắng của học viện và giảng viên. Tuy nhiên để có được quyết định này, học viện này phải khôi phục lại ban lãnh đạo cũ (Board of Trustees) và người đứng đầu ban lãnh đạo này là đại diện của Bộ Ngoại giao Thái Lan. Hội đồng lãnh đạo mới (Council) vẫn chưa được công nhận sẽ tiếp tục chờ đợi chính phủ đệ trình quốc hội Thái Lan thông qua trong những cuộc họp sắp tới.
Học viên và giảng viên AIT - Ảnh: Hội sinh viên AIT
Trao đổi với Thanh Niên ngày 13.12, ông Said Irandoust, Hiệu trưởng học viện này, cho biết với quyết định trên không chỉ bằng tốt nghiệp của học viên sắp ra trường mà cả người đã tốt nghiệp cũng được chính phủ Thái Lan công nhận trở lại. Theo đó, bằng tốt nghiệp mới sẽ được hiệu trưởng AIT và cả chủ tịch của Board of Trustees vừa được khôi phục cùng ký chứng nhận. Bằng cấp của học viên 2 khóa tốt nghiệp hồi tháng 6 và 8 năm 2012 sẽ được thu hồi để được cấp bằng mới với chữ ký của lãnh đạo AIT đã được chính phủ Thái Lan công nhận trước đây.
Nguyễn Duy Hùng, nghiên cứu sinh năm 3 ngành viễn thám thuộc Trường Công nghệ của AIT, chia sẻ sự vui mừng của mình trước quyết định của Thái Lan. Bởi, theo Hùng, ngoài quyết định công nhận bằng cấp, chính phủ Thái Lan sẽ quyết định giải ngân tiền trợ cấp cho AIT và học bổng cho học viên. Thái Lan dự kiến giải ngân khoảng 10 triệu USD cho AIT.
Quyết định của Bộ Ngoại giao Thái Lan đã giải quyết cơ bản tình trạng khủng hoảng của học viện. Sau cuộc biểu tình hồi ngày 10.12, các học viên dọa sẽ đồng loạt bãi khóa nếu lãnh đạo học viện không tìm ra giải pháp cho vấn đề bằng cấp. Tuy nhiên khi nào Thái Lan sẽ phê chuẩn hiến chương và công nhận hội đồng quản trị mới của AIT là vấn đề không đơn giản. Khôi phục lại hồi đồng quản trị cũ chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết khủng hoảng ở học viện này trong khi mâu thuẫn giữa những nhóm lợi ích liên quan vẫn còn tồn tại. Trong khi hội đồng quản trị và hiến chương mới của AIT đã được 9 nước phê chuẩn như hiến chương liên chính phủ vì vậy không thể bị chối bỏ.
Theo thanh niên
Xu hướng mới: Học không cần đến trường Bùi Huy Khang, sinh năm 2002, là một trong số ít cậu bé không đến trường tiểu học như các bạn khác. Lựa chọn cách học không vì bằng cấp Mặc dù đã lên 10 tuổi nhưng Khang mới đang học chương trình tương đương lớp 2 của chương trình tiểu học này. Anh Bùi Huy Kiên, bố của Khang cho biết: "Cháu...