‘Sọ dừa’ đi học
9 năm sống trên đời là quãng thời gian cậu bé Nguyễn Văn Minh Chí vật lộn với cảnh tứ chi tật nguyền. Nhưng cậu đã sống, học tập để gieo niềm tin rằng kỳ tích sẽ đến như chú bé ‘Sọ dừa’ trong truyện cổ tích.
Chí cùng ba say sưa học tập, vui đùa – THANH LỘC
Từ khi sinh ra (năm 2011), Chí đã “nổi tiếng” bất đắc dĩ ở khắp xã Gio Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị). Tứ chi tật nguyền nhưng ngược lại đôi mắt em sáng trong, ánh lên cả những “nụ cười”.
Ghé vào ngôi nhà nhỏ của Chí, từ đằng xa đã nghe em nói cười lảnh lót. Và chúng tôi quá ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy chú bé tổn thương cả tứ chi vẫn… đá bóng. Chí đã khéo léo sử dụng 2 chiếc ghế nhựa để di chuyển và chơi “môn thể thao vua” với em gái của mình. “Nếu cháu không bị tật, không khéo có thể là một cầu thủ. Chẳng có gì làm cháu nó mê hơn quả bóng tròn”, anh Nguyễn Thanh Thủy, cha của Chí, thổ lộ.
Chí là con đầu lòng của anh Thủy và chị Nguyễn Thị Lan Hương. Những tháng ngày chờ đợi đầy hạnh phúc bỗng chốc biến thành một “cú sốc” khi Chí bị liệt tứ chi ngay từ những phút giây nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Không chấp nhận sự thật, 3 ngày sau sinh, vợ chồng anh Thủy muốn con được can thiệp chỉnh hình, nhưng rồi tia hy vọng sớm vụt tắt với cái lắc đầu bất lực của bác sĩ…
Với một niềm tin mơ hồ, từ dạo đó đến nay, vợ chồng anh Thủy vẫn cùng Chí trải qua thêm gần 30 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, dù kết quả chẳng mấy khả quan. “Đến bây giờ thì vợ chồng tôi chính thức chấp nhận thực tế và sống chung với nó. Điều an ủi chúng tôi nhất là những lúc đau buồn, Chí trở thành người… động viên ngược lại, bằng những hành động của mình. Tôi nhận ra trong thân thể tật nguyền của cháu là một khối óc hoàn toàn bình thường. Vậy tại sao lại không cho cháu lớn lên một cách bình thường?”, anh Thủy nói.
Suy nghĩ ấy giúp cả hai vững vàng đối diện với mọi chông gai. Họ làm đủ việc để có thu nhập lo cho Chí cái ăn cái mặc. Lên 3 tuổi, Chí tập tành cầm bút viết nhưng đôi tay cháu không cách nào đưa được nét chữ. Chính chị Hương là người giúp con thử viết bằng chân. Gần 4 tuổi thì Chí viết được những chữ cái đầu tiên…
Video đang HOT
Tình yêu con chữ của Chí lớn dần theo ngày tháng. Dưới đôi bàn chân èo uột, nhỏ bé, những con chữ ngày càng tròn trịa, rõ nét hơn. Lớn lên đôi chút, thấy các bạn tung tăng cắp sách đến trường, Chí đòi ba mẹ đi học. Cánh cửa mới đã mở ra cho Chí và gia đình khi Ban giám hiệu Trường tiểu học – THCS Gio Việt đồng ý đón nhận cậu học trò đặc biệt.
Cậu bé “Sọ dừa” ở xã Gio Việt này “thèm” đến trường đến nỗi cậu cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” như câu khẩu hiệu ở các trường tiểu học.
Nhiều thầy cô, bạn bè bất ngờ với sự xuất hiện của Chí. Họ càng bất ngờ hơn khi thấy cậu luôn chủ động hòa vào đám đông để vui chơi, học tập, xóa khoảng cách với mọi người bằng “vũ khí” là nụ cười tươi.
“Sọ dừa” vẫn nhớ cảm xúc ngày đầu tiên đến lớp. Đêm trước đó, hầu như em không ngủ và bật dậy khi sắp đến giờ đi học. “Ngày đầu đến lớp giống như trong giấc mơ của cháu. Trước đó, ba đã cẩn thận đóng bộ bàn ghế riêng để cháu ngồi học. Cô giáo thu xếp cho cháu ngồi phía trước dãy bàn của các bạn, phía trong góc. Các bạn trong lớp đều thấy lạ nhưng ai cũng vui vẻ, nói cười với cháu”, Chí nhớ lại.
Niềm yêu đời và tự tin vươn lên của Chí tạo cảm tình với nhiều người. Họ hy vọng cậu bé sớm viết được ước mơ trên đôi chân co quắp.
Cô Choi 9 năm nói chuyện với trẻ câm điếc
Từ bỏ sự nghiệp hanh thông ở quê nhà, vợ chồng nữ tiến sĩ Hàn Quốc Choi Yong Sook đã chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai, nguyện gắn bó trọn đời với trẻ em nghèo, khuyết tật nơi đây.
Cô Choi Yong Sook dạy nhạc cho trẻ khuyết tật ở Đà Lạt
Nhác thấy bóng cô Choi Yong Sook (gần 60 tuổi) cùng chồng là ông Kwon Jang Soo ở cổng trường Khiếm thính Lâm Đồng, nhiều học sinh ùa ra chào đón. Hầu hết học sinh bị câm điếc bẩm sinh, không nói được câu "Chào thầy, chào cô", nhưng gương mặt em nào cũng rạng rỡ, mắt sáng long lanh. Cô Choi liền quẳng túi xách để vui đùa cùng lũ trẻ.
"Mỗi khi gặp các em học sinh, cô Choi thường múa hát, đùa giỡn... với chúng rất tự nhiên, như bạn bè. Tuy không nói được thành lời nhưng bằng biểu cảm trên gương mặt có thể thấy các em rất quý cô. Người câm điếc thường quan sát rất tốt, cảm nhận được ai yêu thương mình thật lòng", cô Nguyễn Thị Ngọc Minh, hiệu trưởng trường Khiếm thính Lâm Đồng, nói.
Cô Choi kể năm 2009, Hàn Quốc kỷ niệm 100 năm ngành giáo dục đặc biệt. Người ta nhắc nhiều đến nữ bác sĩ người Mỹ hơn 100 năm trước tình nguyện đến Hàn Quốc mở trường khiếm thính, sống ở xứ người suốt 29 năm để làm thay đổi căn bản phương pháp giáo dục trẻ khuyết tật. Điều này khiến cô chợt nhớ đến trường Khiếm thính Lâm Đồng, nơi cô đã đến thăm 4 năm trước.
"Nhớ lại cảnh học sinh học tập trong điều kiện quá khó khăn, thiếu thốn; giáo viên không được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt nên chưa có phương pháp can thiệp, tôi trăn trở mãi. Tôi bàn với chồng để cuộc sống có ý nghĩa hơn thì nên xin nghỉ hưu sớm, dùng toàn bộ thời gian còn lại giúp trẻ em khuyết tật Việt Nam", cô Choi thổ lộ.
Cô mời giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng và hiệu trưởng các trường Khiếm thính và Thiểu năng Hoa Phong Lan sang Hàn Quốc làm việc với lãnh đạo ngành giáo dục của thành phố Busan và Đại học Daegu, nơi nổi tiếng về giáo dục đặc biệt. Sau đó, phía Lâm Đồng đồng ý để nữ tiến sĩ Choi Yong Sook đưa giáo dục đặc biệt về trường Khiếm thính Lâm Đồng. Cô Choi xin nghỉ hưu sớm và dùng toàn bộ số tiền được hưởng khi nghỉ hưu để mua máy móc, thiết bị phục vụ việc nuôi dạy trẻ khuyết tật, chất đầy 2 container rồi đưa sang Việt Nam vào năm 2011.
Cô Choi Yong Sook tặng xe lăn cho người khuyết tật
Đã 9 năm trôi qua nhưng giáo viên trong trường vẫn nhớ như in cái ngày vợ chồng cô Choi thuê 2 xe tải chở mấy tấn máy móc, thiết bị phục vụ việc nuôi dạy trẻ khuyết tật đến trường. Sau giây phút choáng ngợp, nhà trường lúng túng vì không đủ chỗ chứa số thiết bị này. Các giáo viên tìm cách giúp vợ chồng cô Choi thuê căn nhà gần đó để bảo quản máy móc, giáo cụ.
Giáo dục hạnh phúc
Việc đầu tiên, cô Choi đề xuất giảm bớt tần suất "múa tay" trong giao tiếp mà cho học sinh đeo máy trợ thính nhiều hơn; đồng thời chú trọng các phương pháp kích thích trẻ phản ứng với ngôn ngữ, âm nhạc... "Theo quy định, học sinh chỉ được đeo máy trợ thính một số giờ trong ngày, sau đó phải tháo ra cất đi. Nếu cho trẻ đeo nhiều thì máy chóng hỏng trong khi máy đắt tiền lắm!", có người buột miệng nói. Cô Choi đáp trả: "Cái máy mắc đến chừng nào, có bằng cái tai của học sinh bị hư đi không?".
Vậy là cách giáo dục của trường thay đổi dần. Học sinh được đeo máy trợ thính nhiều hơn, làm quen việc nghe, phản ứng với ngôn ngữ, âm nhạc... để có thể giao tiếp nhiều hơn. Thấy chương trình học trước đó quá nghiêm, cô Choi cho trẻ vừa học vừa chơi. Những buổi học nhàm chán dần được thay bằng những tiết học sinh động với âm nhạc, trò chơi để kích thích trí não hoạt động, giúp các em hứng thú hơn trong học tập. "Đừng nghĩ những đứa trẻ khiếm thính không thể nghe được ta nói gì, mà hãy nói chuyện, giao tiếp với chúng thật nhiều. Nói một lần không nghe được thì 10 lần, 20 lần, 100 lần, 1.000 lần", cô Choi bảo.
Ngoài giờ học, cô còn đề xuất chuyện dạy nghề cho học sinh, hướng dẫn các em trồng hoa, cây cảnh, vẽ tranh làm bánh, làm xà phòng...; đồng thời dạy cho trẻ quay phim, chụp hình chính những hoạt động của mình rồi chiếu lại cho các em xem để kích thích nói. Cô cho học sinh đi dã ngoại và quay phim, chụp ảnh lại. Khi trở về nhà, bọn trẻ ồ lên khi xem lại hình ảnh của mình trong chuyến đi rồi bật lên tiếng nói. Những sản phẩm do học sinh làm ra, cô Choi chào bán cho bạn bè, doanh nghiệp Hàn Quốc, dẫu không thu được nhiều tiền nhưng điều quan trọng là bọn trẻ thấy mình có ích, tự tin hẳn lên.
Cô Choi đã vận động phía Hàn Quốc hỗ trợ hình thành một trung tâm giáo dục đặc biệt trị giá nhiều tỷ đồng tại Lâm Đồng để học sinh khuyết tật có điều kiện học tập, vui chơi, học nghề... Cô Võ Thị Tuyết, Hiệu phó trường Thiểu năng Hoa Phong Lan, người từng được đi tập huấn tại Hàn Quốc, cho biết trung tâm này được trang bị những thiết bị hiện đại nhất hệt như trung tâm dành cho trẻ khuyết tật ở Hàn Quốc.
Hãy tin trẻ khiếm thính có thể phục hồi
Nữ tiến sĩ kể rằng, năm 1988, khi cô nói có thể can thiệp để những đứa trẻ dưới 3 tuổi bị khiếm thính bẩm sinh có thể nghe nói được, nhiều người không tin, ngay cả các giáo sư chuyên ngành giáo dục đặc biệt cũng vậy. "Khi thấy tôi cho trẻ khiếm thính tiếp cận với âm nhạc, có người cho rằng tôi không bình thường, nhưng cuối cùng tôi đã làm được. Nhờ vậy giờ đây ở Hàn Quốc, việc can thiệp để trẻ khiếm thính dưới 3 tuổi có thể nghe nói được đã trở thành bình thường", cô Choi nói. Có thể khẳng định một đứa trẻ dưới 3 tuổi được can thiệp đúng cách có thể nghe nói được, tỉ lệ thành công là 80%, cô quả quyết.
Trả lời câu hỏi về khả năng hồi phục của trẻ khiếm thị từ 0 đến 5 tuổi ở Lâm Đồng, cô Choi trầm ngâm nói: "Điều kiện ở đây không được như Hàn Quốc, nhưng tôi nghĩ sẽ làm được. Khó khăn lớn nhất là người lớn, đặc biệt là phụ huynh không tin trẻ khiếm thính có thể phục hồi. Do đó, phải chú trọng thuyết phục và hướng dẫn kỹ năng cho phụ huynh. Người có thể làm tốt nhất việc này không phải giáo viên đâu, mà là những người mẹ. Chỉ có mẹ mới ở bên trẻ nhiều nhất và đủ kiên nhẫn để huấn luyện cho con mình".
Thời gian qua, cô Choi cùng chồng còn vận động xây 14 căn nhà tình thương cho người nghèo ở Lâm Đồng (từ 100-200 triệu đồng/nhà), tặng 383 xe lăn cho người tàn tật và 679 xe đạp (1,5 triệu đồng/chiếc), trao 53 học bổng cho học sinh nghèo (mỗi tháng 500 ngàn đồng/học sinh) cho đến khi các em ra trường...
Niềm vui giản dị của các em nhỏ khuyết tật Với các em nhỏ ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An được đến trường, được cô giáo chỉ bảo, được học thêm những điều mới mẻ, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Giờ học của lớp khiếm thính ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An cũng thật sôi nổi...