Số định danh: Khai nhân thân một lần duy nhất
Sáng 6/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Infonet.vn)
Gần 90 triệu dân là thách thức
Theo ông Ngô Hải Phan, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo, trong đề án thì việc triển khai cấp số định danh cho gần 90 triệu dân là thách thức. Điều này cần sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành. Trước mắt, các bộ nghiên cứu triển khai cơ sở dữ liệu dân cư, trong đó tận dụng dữ liệu hiện có.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, đây là một trong những đề án quan trọng trong lĩnh vực cải cách hành chính. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, hiện còn một số băn khoăn: Cấp số định danh sẽ giảm được bao nhiêu giấy tờ cho công dân. Nếu theo lộ trình thì năm 2016 bắt đầu cấp và đến năm 2020 mỗi người dân có số định danh cá nhân. Khi đó, còn bao nhiêu giấy tờ nữa, có thay thế chứng minh thư không?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, đề án thực hiện liên quan rất nhiều đến việc ứng dụng toán học. “Vừa qua tôi đã xin ý kiến và Phó Thủ tướng đồng ý mời Viện nghiên cứu cao cấp về toán tham gia. Chúng tôi đã liên hệ với Giáo sư Ngô Bảo Châu để có sự phối hợp. Ứng dụng được toán học cao cấp vào việc thực hiện đề án này thì rất tốt”- Ông Cường cho biết thêm.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam bày tỏ, nếu có số định danh công dân thì rất thuận lợi cho ngành Bảo hiểm.
Video đang HOT
Phải tích hợp dữ liệu
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, nói lấy số chứng minh thư 12 số làm số định danh cá nhân là chủ quan mà phải cân nhắc kỹ. Tuy nhiên, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, trước khi cấp chứng minh thư mẫu mới 12 số thì Bộ Công an đã tham khảo 19 nước. Số chứng minh thư này đảm bảo 500 năm không trùng nhau.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Đề án trong việc tạo điều kiện cho công dân về đơn giản hóa giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, đồng thời bảo đảm cho công dân chỉ phải khai về nhân thân một lần duy nhất.
Điều này thực sự là bước đổi mới cơ bản về quản lý Nhà nước đối với dân cư, phù hợp với thông lệ quốc tế và việc xây dựng Chính phủ điện tử. Việc thực hiện Đề án không phải là lập cơ sở dữ liệu quốc gia mới mà phải sử dụng cơ sở dữ liệu hiện có của các bộ, ngành.
Theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2016 sẽ cấp số định danh cho công dân và nhập thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi đó, công dân không phải khai các thông tin cơ bản đã có trong cơ sở dữ liệu mà chỉ cần khai số định danh cá nhân và cơ quan có thẩm quyền tra cứu thông tin này để giải quyết thủ tục hành chính. Công dân không cần mang theo các giấy tờ như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn…
Theo Hà Nhân (Tiền Phong)
Dân được gì khi có số định danh cá nhân?
Khi có số định danh cá nhân thì sau đó sẽ có thẻ công dân điện tử để thay thế tất cả các loại giấy tờ, kể cả CMND.
"Số định danh cá nhân (SĐDCN) sẽ gắn trên tất cả các loại giấy tờ của công dân. Khi đó, ở bất kỳ đâu anh chỉ cần đọc SĐDCN và yêu cầu trích lục hộ tịch là được trích lục. Sau này nếu có thẻ căn cước (thẻ công dân điện tử) thì CMND cũng có thể bỏ, người dân sẽ được rất nhiều ích lợi".
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh như trên về những lợi ích của dự án Luật Hộ tịch trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) ngày 13-8. Tuy nhiên, những phân tích mà ông Cường nêu ra chưa đủ để thuyết phục các thành viên trong TVQH chấp thuận đưa dự luật này vào chương trình kỳ họp QH tới. Thay vào đó, TVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh làm rõ hơn nữa các quy định và lùi thời gian trình ra QH vào kỳ họp giữa năm 2014.
Một người có quá nhiều giấy
Đề cập đến những bất cập trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, ông Cường cho rằng do các quy định của pháp luật chưa đồng bộ nên mỗi người dân hiện đang phải tự lưu giữ, bảo quản nhiều loại giấy tờ hộ tịch, gây khó khăn khi sử dụng. Bên cạnh đó, phương thức đăng ký hộ tịch còn thủ công nên mỗi khi cần phải chứng minh nhân thân, nơi cư trú người dân gặp rất nhiều phiền hà. Do đó, việc xây dựng dự án Luật Hộ tịch là hết sức cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Cũng theo ông Cường, hiện nay mỗi công dân có thể sở hữu đến khoảng 20 loại giấy tờ (giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, CMND, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ khác...), mỗi loại giấy tờ đều có số khác nhau. Các số/mã số trên mỗi loại giấy tờ cũng có tính độc lập và không thể chia sẻ, kết nối được với nhau dẫn đến không phát huy được tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước. Thậm chí, trên một số loại giấy tờ của cùng một người thông tin của cá nhân cũng không trùng nhau, gây khó khăn trong việc sử dụng.
Bước đột phá lớn
Do đó, theo ông Cường, dự thảo Luật Hộ tịch đề xuất quy định cấp SĐDCN cho mọi người dân và con số đó sẽ theo họ từ lúc khai sinh cho đến hết cuộc đời. Việc cấp SĐDCN sẽ được thực hiện từ tháng 1/2016 và đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành. "Đây là chìa khóa để tra cứu thông tin cá nhân, phân biệt người này với người khác. Đồng thời, sẽ tạo ra sự đột phá quan trọng trong quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phục vụ tích cực cho việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân cũng như trong lĩnh vực hộ tịch" - ông Cường nhấn mạnh.
Đồng tình với nhận định trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH cũng cho rằng đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề để đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội. Đồng thời, khi quy định này được áp dụng ở nước ta sẽ dần lược bỏ nhiều loại giấy tờ trùng lắp. Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể để sớm hoàn thành việc cấp SĐDCN mà không kéo quá dài như dự kiến.
Giảm giấy tờ hay thêm phiền phức?
Thảo luận về dự luật này, các thành viên trong Ủy ban TVQH cho rằng dự án luật vẫn chưa trả lời rõ được câu hỏi: Khi có SĐDCN thì sẽ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ cho người dân? "SĐDCN có thay được chứng minh thư nhân dân, hộ tịch, hộ khẩu không? Vì đọc cái này thì không thấy có giảm mà chỉ thấy tăng giấy tờ, tăng biên chế..." - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng đọc xong dự thảo thì rõ ràng chưa thấy giảm mà chỉ thấy tăng thêm giấy tờ, tăng phiền phức cho dân. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì nói thẳng: "Có luật này rồi mà vẫn còn CMND, vẫn còn hộ khẩu và các loại giấy tờ khác, vậy mà bảo làm lợi cho dân. Sao trình các luật này ra đây dễ thế?".
Khẳng định dự án luật này đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường lý giải nếu được thực hiện thì từ năm 2016 đến 2020, Bộ Công an sẽ cấp cho tất cả người dân SĐDCN. Con số đó sẽ được gắn trên tất cả giấy tờ của người dân. Bất kỳ ở đâu, người dân yêu cầu cần trích lục là trích lục mà không cần phải về nơi khai sinh, thường trú... Ngoài ra, mục tiêu lớn nhất của luật này là khi có SĐDCN, sau đó sẽ có thẻ công dân điện tử. "Khi có những cái đó sẽ thay thế tất cả các loại giấy tờ, kể cả CMND cũng bỏ. Chỉ cần thẻ công dân điện tử thì cơ quan quản lý có thể soi vào đó là có tất cả thông tin của cá nhân, từ việc anh có giấy phép lái xe hay không..." - ông Cường nói.
Tuy nhiên, những giải thích đó chưa đủ thuyết phục nên chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị nghiên cứu soạn thảo lại, đồng thời lùi thời hạn trình dự luật ra QH vào năm 2014 chứ không phải cuối năm 2013 như kế hoạch.
Theo Thành Văn (Pháp Luật TPHCM)
Lãng phí vì mã số công dân Trước đây, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã được hỗ trợ xây dựng một đề án về lý lịch công dân trị giá 10 triệu USD nhưng sau đó không được Bộ Công an và Bộ Tư pháp tiếp nhận. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu Dân số, Tổng cục...