Sợ con tụt hậu, mẹ Việt chi tiền triệu cho con học ngoại ngữ với “thầy Tây” từ thuở lên ba (Phần 1)
Phụ huynh Việt đang tìm đủ mọi cách để con được học ngoại ngữ với “ thầy Tây”. Từ lập nhóm học tại nhà cho đến học tại trung tâm với cái giá không hề rẻ.
Tiếng Anh từ thuở lên ba
Mong muốn con trở thành “ công dân toàn cầu” trong tương lai, cộng với áp lực nhiều trường tiểu học chất lượng cao, song ngữ tổ chức kiểm tra khả năng đầu vào tiếng Anh của trẻ ngay trước thềm lớp 1 nên phụ huynh đã ra sức chịu chi cho con học tiếng Anh ngay từ thuở lên ba. Để con hòa nhập với ngoại ngữ nhanh nhất, yêu cầu lớp tiếng Anh có “thầy Tây” luôn đặt lên hàng đầu.
Nắm được nhu cầu đó, các lớp học ngoại ngữ với “thầy Tây” được mở ra với muôn kiểu học phí, hình thức khác nhau.
“Em đang lập một nhóm học tiếng Anh giao tiếp tại nhà, cô giáo là người Anh. Cô không biết tiếng Việt, học 2 buổi 1 tuần. Mỗi buổi giá tạm tính 200.000 đồng, học 4 người, nếu ai có nhu cầu thì liên hệ em nhé! Gấp gấp nha các mẹ ơi! Nếu đủ 4 người thì khoảng tuần sau mình bắt đầu!”.
Lời “kêu gọi” trên Facebook của chị Mỹ Duyên (Đội Cấn, Q. Ba Đình, Hà Nội) lập tức được nhiều mẹ hưởng ứng.
Cho con học ngoại ngữ với người bản xứ là nhu cầu “ nóng” của phụ huynh Việt. Ảnh minh họa.
Con chị Duyên sắp vào học lớp 1. Chị muốn tìm bạn để học tiếng Anh cùng con gái tại nhà vì ngại đưa đón con đến trung tâm. Hơn nữa, chị cho rằng học tại nhà sẽ giúp các con thoải mái, vừa học vừa chơi chứ không áp lực như đến trung tâm.
Dẫu biết học phí sẽ “chát” hơn rất nhiều so với việc đến trung tâm nhưng chị Duyên vẫn chấp nhận vì mong mỏi con trở thành “công dân toàn cầu”.
Video đang HOT
Chúng tôi tới thăm giờ học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ tại một trường mầm non tại Q. Cầu Giấy, Hà Nội, hiệu trưởng trường mầm non này khẳng định nhu cầu học ngoại ngữ với “thầy Tây” là yêu cầu của hầu hết phụ huynh khi đăng ký cho con học tiếng Anh.
Bởi xét cho cùng, giáo viên mầm non chỉ có chuyên môn về mầm non, rất hiếm giáo viên mầm non vững cả dạy ngoại ngữ cho trẻ. Để đảm bảo việc dạy và học cho trẻ, trường mầm non này đã phải thuê giáo viên bản ngữ full time, lo toàn bộ ăn ở cho họ trong suốt quá trình dạy.
Nếu không học ở trường mầm non, phụ huynh còn có một cách khác, đó là cho trẻ học ngoài giờ. Sau khi kết thúc giờ học ở trường mầm non, trẻ sẽ khoác ba lô vào trung tâm học.
Chị Triệu Thị Thanh (Q. Hà Đông, Hà Nội) đã cho con đi học tiếng Anh với người bản ngữ từ khi con lên 4 tuổi. “Mình nghĩ nếu như cho con học với người bản xứ từ nhỏ cũng tốt, như vậy con sẽ phát âm được tốt hơn. Vì lúc này đang là giai đoạn phát triển ngôn ngữ của con. Thầy khen con nghe, phản xạ tiếng Anh khá tốt nhưng còn nhút nhát, chữa nhận được mặt chữ. Có lẽ phải mất một thời gian dài nữa bé mới thích nghi hoàn toàn“, chị Thanh sốt sắng nói.
Chi tiều triệu vẫn bối rối, thấp thỏm
Mỗi tháng chị Nguyễn Thị Hạnh (Q.Đống Đa, Hà Nội) đóng 360.000 đồng tiền học tiếng Anh tăng cường theo chương trình Dyned cho hai đứa con. Tuy vậy, chị cảm thấy phiền lòng về việc học của con bởi “ Đứa nhỏ học lớp 1 đã đóng tiền nhưng học cả tháng chẳng thấy giáo trình đâu. Còn đứa lớn đang học lớp 3, năm ngoái đi học mất sách cả năm mà chẳng thấy cô giáo nhắc nhở”.
Mặc dù con đã học hai loại tiếng Anh trong trường nhưng chị Hạnh vẫn đầu tư thêm 2,5 triệu đồng cho hai đứa con học ngoại ngữ với người nước ngoài sau giờ học. Cùng một lúc, con chị “cõng” ba loại giáo trình khác nhau.
“ Hai chương trình học trên lớp đã ổn thì không đời nào phụ huynh phải cho con đi học thêm ở ngoài nữa mới tạm yên tâm. Để con lớn mới học sẽ muộn mất“, chị Hạnh lý giải.
Trẻ học tiếng Anh từ thuở lên ba với giáo viên người nước ngoài tại một trường mầm non tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hà
Cũng học lớp 2 trường công lập nhưng bé Thùy Dương (ngụ tại phố Khương Trung, Q. Thanh Xuân, Hà Nội) lại học theo giáo trình UK English Programme và học thêm lớp tiếng Anh tăng cường ở trường vào lúc 4h30 – 6 giờ chiều.
Điểm thu hút của lớp học tăng cường này là có giáo viên nước ngoài dạy, mỗi tuần học 2 buổi và học phí 500.000 đồng/ tháng. Số tiền đó theo chị Ngọc Dung, phụ huynh của bé Thùy Dương là có thể “chịu đựng” được, trong điều kiện gia đình không thể đưa đón con đi học ở trung tâm như bao bạn bè khác.
“ Học hành trên lớp lớt phớt, muốn có kiến thức thì tôi buộc phải cho con đi học thêm lớp tiếng Anh với người bản ngữ. Nhưng lớp này vẫn bất ổn vì quá đông, xếp lẫn lộn cả lớp 1, lớp 2, lớp 3 học cùng nhau. Hơn nữa, thời gian học rơi vào cuối giờ chiều. Khi đó các con đã quá mệt và đói sau hai buổi học trên lớp. Không biết con có nạp được thêm chút kiến thức nào không?“, chị Dung lo lắng chia sẻ.
Theo chị Dung, với thời lượng học 45 phút, giáo viên sẽ phải truyền đạt cho ít nhất 50 cháu. Tính ra mỗi cháu không được 1 phút tương tác với giáo viên người nước ngoài.
Để con được bù lỗ hổng kiến thức và có kỹ năng nghe nói đọc viết tiếng Anh, phụ huynh rơi vào tình cảnh mạnh ai nấy lo trong “ma trận” các lớp học với người bản xứ.
Người không có điều kiện thì chỉ biết trông mong vào sự tự học của con và chương trình dạy tiếng Anh ở trường, liên kết với trung tâm tiếng Anh có người bản xứ. Người có điều kiện thì cho con đi học thêm ở trung tâm Anh ngữ, học với giáo viên nước ngoài sau giờ học mặc dù số tiền học có thể bằng 1/3 tháng lương của một dân công sở.
Thu Hà
Theo emdep.vn
Nói tiếng Anh có cần hay?
Tiếng Anh là công cụ truyền đạt ý tưởng, không nên đặt vấn đề hay dở, hãy xem có hiệu quả hay không.
Thầy giáo Quang Nguyễn chia sẻ suy nghĩ về mục đích học tiếng Anh.
Nói tiếng Anh không phải là môn nghệ thuật giống như hát, không nên có khái niệm "nói hay" hay "nói dở". Trong giao tiếp, tiếng Anh là công cụ truyền đạt ý tưởng nên tôi nghĩ từ "hiệu quả" sẽ phù hợp hơn.
Tại sao phải đặt ra vấn đề này? Vì tôi thấy nhiều người nói tiếng Anh như một thứ đồ trang sức, hơn là công cụ. Và điều đó hoàn toàn không tốt. Khi bạn chú ý vào hình thức của tiếng Anh, hơn là nội hàm và mục đích của nó, việc học sẽ "lệch dòng", bạn sẽ ngại khi giao tiếp tiếng Anh hơn và khó sử dụng hơn.
Ảnh: Shutterstock
Ví dụ, trong một video của TEDx, một khách hàng vào cửa hàng mua thuốc, thấy có hai loại nhãn DHA và EPA, liền hỏi cô quản lý. Cô này lo lắng, lắp bắp rồi tuôn một tràng các định nghĩa về DHA và EPA - một thứ tiếng Anh mọi người thường cho là "hay". Khách hàng người Mỹ mặt thộn ra, chả hiểu gì.
Rồi khách hàng cầm hai chai thuốc ra hỏi cô bán hàng ở ngoài. Cô nói: "EPA for heart, DHA for brain. Your heart OK or not?".
Trong một bài thi nói, cô quản lý chắc sẽ chiến thắng, vì cô nói "hay" hơn. Nhưng trong thực tế, cô bán hàng chiến thắng, vì cô biết mình cần nói những gì.
Học để làm gì mới là câu hỏi quan trọng nhất. Nói tiếng Anh để cho hay hoặc để khoe khoang sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Nói tiếng Anh là để giao tiếp, nên trước hết cần nói rõ ràng, có nghĩa bạn dùng tối đa những gì mình có để diễn đạt ý tưởng của mình. Bạn thấy đấy, cô bán hàng không có ngữ pháp chuẩn, tiếng Anh cũng rất đơn giản, nhưng lại hiệu quả tới từng chi tiết. Nói rõ ràng là nói chậm hơn một chút, phát âm cuối đầy đủ, đúng trọng âm của từ...
Ngoài ra, bạn có thể học cao hơn, nói có "rhythm" (nhịp điệu) để tăng tính hiệu quả. Ví dụ, trong câu "I go to school", bạn chỉ nhấn vào chữ "school" thôi. Việc xử lý âm cuối cũng giúp bạn tăng độ trôi chảy và tính hiệu quả.
Tuy nhiên, rốt cuộc thì nói tiếng Anh vẫn chỉ là để thể hiện ý tưởng của mình, làm được điều này là bạn đã thành công. Hãy hướng tới một thứ tiếng Anh "hiệu quả" thay vì tiếng Anh "hay".
Quang Nguyen
Theo Vnexpress
8 mẫu câu gây ấn tượng với đồng nghiệp bằng tiếng Anh Muốn đề nghị giúp đỡ đồng nghiệp, bạn có thể hỏi: "Would you like a hand with that?". Khi bắt đầu công việc mới, bạn thường muốn gây ấn tượng với đồng nghiệp, những người sẽ cùng bạn trải qua phần lớn thời gian trong ngày. Trang EF English Live đưa ra một số gợi ý để trò chuyện lịch sự và thân...