Snapdragon 8cx nhanh thật đấy nhưng vẫn chưa đủ để ARM đe dọa Intel, vì sao thì hãy nhìn Windows XP
Cứ cho rằng 8cx có đủ sức mạnh để tạo ra bước ngoặt cho các mẫu laptop Windows 10 mỏng nhẹ, Microsoft và Qualcomm vẫn còn 1 vấn đề khác nan giải hơn nhiều.
Với thế hệ chip mới nhất, tham vọng của Qualcomm không chỉ là làm bá chủ lĩnh vực smartphone: quý 3/2019, gã khổng lồ di động sẽ vén màn dòng chip Snapdragon 8cx cho PC. Nói về dòng chip 128 bit này, ông Alex Katouzian, phó chủ tịch và cũng là quản lý mảng di động tuyên bố:
“ Với hiệu năng và thời lượng pin là 2 trọng tâm thiết kế, chúng tôi sẽ mang các đột phá 7nm đến lĩnh vực PC, cho phép các tính năng giống-smartphone có thể thay đổi trải nghiệm máy vi tính. Là nền tảng Snapdragon nhanh nhất từ trước tới nay, Snapdragon 8cx sẽ cho phép khách hàng của chúng tôi (các nhà sản xuất thiết bị) có thể tạo ra những trải nghiệm điện toán có thời lượng pin nhiều ngày và kết nối di động nhiều gigabit bên trong thân máy mỏng, nhẹ và không dùng quạt“.
Bài học của quá khứ
Những thay đổi lớn tới hệ thống có thể buộc nhà phát triển phải viết lại hoàn toàn ứng dụng của mình.
Cũng giống như bất kỳ một sản phẩm nào khác, Snapdragon 8cx hoàn toàn hoàn hảo trên giấy tờ. Nhưng điều mà nhiều người không nhận ra là, dùng chip di động cho máy tính cũng đã là một ý tưởng chỉ hoàn hảo trên giấy tờ từ rất lâu rồi. Ngay cả những sản phẩm đình đám như Galaxy Book 2 của Samsung hay HP Envy x2 đã cho thấy vì sao Snapdragon chưa sẵn sàng cho Windows: cứ cho rằng chu trình 7nm có thể giải quyết vấn đề về hiệu năng, Qualcomm và Microsoft vẫn còn rất nhiều điều phải làm về câu chuyện tương thích.
Chính Microsoft có thể kể cho Qualcomm rất nhiều bài học đau lòng. Năm 2001, khi ra mắt Windows XP, gã khổng lồ phần mềm đã chính thức hoàn thiện tham vọng khổng lồ được ấp ủ từ lâu: thống nhất 2 kiến trúc 9x (nền DOS, hướng người dùng) và NT (“cội nguồn” là OS/2 phát triển cùng IBM, hướng doanh nghiệp). Sau khi XP ra mắt, một loạt ứng dụng cũ bỗng dưng ngừng tương thích, bất chấp lời hứa của Microsoft rằng “ Giá trị lớn nhất của XP là, về bản chất đó vẫn là trải nghiệm cũ, với giao diện mới, thêm một vài kịch bản sử dụng cho ảnh và nhạc” (Chris Jones, phó chủ tịch Microsoft, mảng Windows Core).
Video đang HOT
Tương thích chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng.
Mọi thứ chưa dừng lại ở đây. Cuối vòng đời, Windows XP có thêm một phiên bản mới: Professional x64 Edition, mở màn cho cuộc chuyển đổi (đau thương) từ 32-bit sang 64-bit. Một loạt driver cũ của Windows XP 32-bit không hoạt động trên phiên bản 64-bit mới, và do nhiều nhà sản xuất phụ kiện không chịu cập nhật mã nguồn (nhằm đẩy khách hàng sang sản phẩm mới), một loạt thiết bị trở nên vô dụng chỉ vì XP. Khi đó, Microsoft còn khuyến khích người dùng đổi license XP 32-bit sang XP 64-bit hoàn toàn miễn phí, nhưng phép “đổi” này cũng có nghĩa rằng người dùng không thể quay trở lại với trải nghiệm cũ được nữa.
Vấn đề của hiện tại
Dĩ nhiên, vấn đề của Microsoft năm 2001 có rất nhiều khác biệt so với vấn đề của Microsoft (và Qualcomm) năm nay. Nhưng, đến cuối cùng, chuyển đổi một hệ điều hành vốn tối ưu cho chip x86/x64 sang ARM vẫn là một sự thay đổi quá lớn ở quy mô nền tảng. Trên Amazon, những lời phàn nàn dành cho laptop dùng Snapdragon 835 cho thấy, Microsoft sẽ một lần nữa phải đau đầu vì câu chuyện tương thích: máy ngừng hoạt động sau khi cập nhật Windows và ứng dụng ngoài Windows Store không thể hoạt động được (sau khi tắt S Mode) là những vấn đề nổi trội nhất.
Sức mạnh 7nm không phải là lời giải cho vấn đề nổi trội nhất của laptop Windows 10 chạy Snapdragon.
Trên giấy tờ, câu chuyện không-tương-thích không thể xảy ra: vì Windows là của Microsoft, và vì ứng dụng phải chạy trên Windows, Microsoft lẽ ra có thể giúp cho bất kỳ ứng dụng nào cũng có thể chạy trên thiết bị Windows, dù là chip x86 hay chip ARM. Ấy thế mà máy tính vẫn treo, ứng dụng vẫn crash.
Nếu muốn giải quyết, Microsoft cần thứ duy nhất đã giúp XP hoàn thiện: thời gian. Song, XP còn có lợi thế là được phần đông người dùng PC trên thế giới hưởng ứng, nhưng laptop chạy Snapdragon mới chỉ chiếm phần quá nhỏ so với laptop chạy chip Intel/AMD. Hành trình để hoàn thiện Windows trên Snapdragon bởi thế sẽ là một con đường ngập tràn khó khăn, và cả Microsoft lẫn Qualcomm đều sẽ phải dốc toàn bộ công sức nếu muốn thuyết phục người dùng rằng PC có thể sống tốt mà không cần đến Intel.
Theo GenK
Snapdragon 8cx liệu có đủ sức kích ngành PC lên trở lại?
Đây không phải lần đầu tiên Windows và ARM chơi chung với nhau. Năm 2012, Microsoft đã từng ra mắt máy tính Surface chạy ARM cùng nhiều đối tác khác nhưng tất cả đã bị thất bại nặng nề, tới mức Microsoft phải bỏ nó ra khỏi lộ trình phát triển của mình.
Năm 2017, một lần nữa Microsoft lại thử Windows on ARM, nhưng lần này họ hỗ trợ app đầy đủ. Vấn đề còn lại chỉ là chip chưa đủ mạnh, Snapdragon 835 hay 850 cũng chỉ là những con chip di động về bản chất nên đòi hỏi sức mạnh như một cái laptop bình thường là chuyện không thể, và điều này ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng. Cho tới năm 2018, mọi thứ sẽ khác...
Qualcomm và Microsoft đã làm với nhau từ năm 2013
Snapdragon 8cx ra đời như một cú đánh của Qualcomm vào thị trường máy tính nói chung và giáng một đòn khá mạnh vào Intel. Nó là một con chip được làm cho PC ngay từ đầu, không phải được điều chỉnh từ một SoC di động sẵn có. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Qualcomm thiết kế nhân CPU riêng, nhân GPU riêng cho Snapdragon 8cx. Thậm chí CPU và GPU của Snapdragon 8cx còn mạnh hơn so với Snapdragon 855 mới được giới thiệu cách đây ít hôm.
Miguel Nunes, giám đốc cấp cao quản lý sản phẩm, chia sẻ: "Họ (Microsoft) ra mắt sản phẩm đầu tiên với Tegra, nhưng Microsoft cũng có dự án riêng với Qualcomm suýt chút nữa đã được giới thiệu nhưng rồi Microsoft đã quyết định dừng dự án Windows RT. Họ có kế hoạch chuyển sang Qualcomm, nhưng điều đó không thành hiện thực".
Năm 2016-2017 là thời điểm Windows on ARM bắt đầu rục rịch ra mắt, nhưng từ năm 2013 Microsoft và Qualcomm đã bắt đầu làm việc với nhau. Đến tháng 12/2016, những nguyên mẫu đầu tiên được chuyển giao cho đối tác để nghiên cứu, phát triển. Sanjay Mehta, phó chủ tịch Qualcomm chuyên mảng điện toán, nói rằng cuộc "hôn nhân" của hai bên kéo dài và hai bên đã hiểu nhau nên họ biết được tất cả những "nỗi đau" của thị trường PC: thời gian khởi động máy lâu, thiếu kết nối, máy quá dày, nặng và thời lượng pin kém.
Qualcomm nghĩ rằng họ có thể đầu tư dần dần vào Windows on ARM để giảm rủi ro, và kế hoạch này trở nên rõ ràng khi năm ngoái Qualcomm đã giới thiệu Snapdragon 850, một chipset chia sẻ chung kiến trúc với Snapdragon 845 cho điện thoại".
Di động, ngay cả máy tính cũng cần di động
Ngày nay khi nói về di động chúng ta thường nghĩ về điện thoại hay tablet, nhưng với Qualcomm thì di động cũng có thể áp dụng cho laptop. Ví dụ, bạn muốn làm một thứ gì đó thật nhanh trong thời gian chờ Grab đến đón mình, thay vì bạn làm trên điện thoại thì giờ bạn lôi laptop của mình ra để làm cho nhanh và màn hình lớn, dễ đọc, dễ viết hơn. Hay bạn đang ở hội nghị, bạn cần nhanh chóng mở máy cho khách hàng tiềm năng xem những cái hay ho của bạn. Những tình huống này đều cần laptop phải nhanh, nhạy và luôn sẵn sàng phục vụ.
Đó cũng là triết lý Always On, Always Connected mà Qualcomm nhắm tới cho các dòng máy Windows on ARM, và chỉ với một con chip được làm mới từ đầu như Snapdragon 8cx mới có thể đáp ứng. Nó có thể thay thế cho cả chip Intel dòng Y và một số chip dòng U vốn đang được sử dụng cực kì phổ biến trong thế giới máy tính mỏng nhẹ.
Nhưng các "nỗi đau" về sức mạnh, thời gian chạy... Intel đều có thể giải quyết được hết, tuy nhiên họ sẽ phải hi sinh về thời lượng pin. Đó cũng là vấn đề của nhiều chip Intel lâu nay: thời gian dùng pin không bằng ARM. Và Snapdragon 8cx được Qualcomm thiết kế để giải quyết đúng nỗi đau đó nhờ việc chia cụm CPU và một GPU mới hoàn toàn với mức độ tiêu thụ năng lượng thấp. Qualcomm cho biết chip Snapdragon 8cx chỉ tiêu thụ điện bằng 1/2 so với CPU Intel ở cùng sức mạnh.
Rải rác trong bài này bạn sẽ thấy chỗ này chỗ kia cải thiện trải nghiệm sử dụng laptop của bạn một chút. Khi tổng hợp lại với nhau, nó mang lại cho bạn một chiếc máy tính vừa mạnh vừa mỏng, nhẹ và vừa tiết kiệm pin. Đây chính là cái mà rất nhiều người dùng cần, chứ không phải là các laptop cấu hình khủng long tốn hàng nghìn đô. Họ cần một cái máy tính có khả năng di động cao nhưng không được yếu, và Snapdragon 8cx là câu trả lời của Qualcomm cho việc này.
Đưa ngành PC lên trở lại
Với Snapdragon 8cx làm động lực chính, ngành PC có thể sẽ phục hồi trong thời gian tới vì nhà sản xuất có thể cho ra mắt nhiều máy tính với thiết kế mới lạ hơn, mỏng nhẹ hơn, thời gian dùng pin lâu hơn và đặc biệt là giá rẻ hơn so với máy dùng chip Intel.
Ngoài ra, Snapdragon 8cx cũng thổi một làn gió mới cho những người dùng đang cân nhắc đổi máy. Thay vì chọn các dòng laptop hoặc 2 trong 1 dùng CPU Intel, người dùng (nếu được thuyết phục một cách đúng đắn) có thể nghiên nhiều về phía máy tính dùng Snapdragon. Tình trạng này cũng giống như việc khi bạn đi mua điện thoại thì bạn thích lựa máy Snapdragon hơn là máy dùng CPU MediaTek, và cũng giống với việc Intel quảng bá bản thân tốt đến mức người dùng bình thường chỉ biết Intel, không hề biết AMD là ai.
Để sẵn sàng cho điều này, Qualcomm và Microsoft cũng đã cho thấy khả năng tương thích phần mềm của Windows on ARM, và họ cũng đưa các giải pháp doanh nghiệp của Microsoft, vmWare và giải pháp bảo mật từ Symantec lên dòng chip của mình. Điều đó khiến các công ty có cái nhìn tốt hơn về ARM và biết đâu trong đợt nâng cấp máy sắp tới họ sẽ cân nhắc xài máy Snapdragon thay vì Intel.
Theo Tinh Te
Qualcomm ra mắt chipset 7nm đầu tiên trên thế giới cho PC: hỗ trợ Windows 10 Enterprise, kết nối 2 màn 4K, tối đa 16GB RAM, thêm sạc nhanh Với hàng loạt tính năng và khả năng mới, Snapdragon 8cx hứa hẹn mở đường cho người dùng chuyển sang thế hệ điện toán cá nhân tiếp theo với các PC mỏng nhẹ, nhưng đầy sức mạnh với thời lượng pin dài nhiều ngày và luôn kết nối. Ngày thứ ba của hội nghị Snapdragon Tech Summit, Qualcomm đã tạo ra một ấn...