Smartphone Nhật đắt khách ở Việt Nam
Người dùng điện thoại Nhật đã chuyển sang chuộng loại smartphone chạy hệ điều hành Android với kiểu dáng khác lạ, hầm hố truyền thống.
So với các trào lưu sử dụng điện thoại khác, người dùng di động Nhật tại Việt Nam ít hơn nhưng khá “chung thủy”. Anh Bùi Cương (Hai Bà Trưng, Hà Nội), bắt đầu dành tình yêu cho những mẫu điện thoại đến từ Nhật Bản từ năm 2005, đến nay, dù nhiều lần có ý định đổi sang iPhone hay HTC, nhưng cuối cùng vẫn phải quay lại.
Theo anh Cương, công nghệ và các tính năng của di động Nhật dù ít được mọi người biết, nhưng không hề thua kém, thậm chí vượt trội với các sản phẩm được cho là “bom tấm” trên thị trường.
Vài năm trước, di động Nhật chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ mạnh mẽ cho các nội dung giải trí đa phương tiện như nghe nhạc, chụp ảnh, xem phim, vì thế, điện thoại Nhật phần lớn được gọi là Multimedia Phone. Những thiết bị như Sharp 920SH, 922SH, Panasonic P905i… đã một thời “làm mưa, làm gió” trong cộng động chơi di động Nhật tại Việt Nam.
Video đang HOT
Điện thoại Nhật đang Android hóa. Ảnh: Quốc Huy.
Tuy nhiên, sự phổ biến của di động Android và các nền tảng smartphone khác đã ảnh hưởng mạnh đến các mẫu điện thoại Nhật mới xuất hiện. Dạo qua các cửa hàng chuyên bán di động Nhật tại TP HCM hay Hà Nội, có thể thấy phần lớn các mẫu di động mới đều sử dụng hệ điều hành của Google.
Những model mới có mặt trên thị trường và bán tốt như Sharp SH-12C, Sony Ericsson SO-01C… ngoài màn hình cảm ứng rộng, còn cho phép người dùng truy cập gian ứng dụng Android Market, tải phần mềm, cũng như các ứng dụng phổ biến hơn, khác với sự lạ lẫm về sử dụng và ngôn ngữ trên các phiên bản trước đây.
“Việc điện thoại Nhật sử dụng Android hay các nền tảng khác giúp nhiều người Việt dễ tiếp cận và sử dụng hơn”, anh Toàn, một chủ bán di động xách tay tại Tân Phú, TP HCM nhận xét. “Người dùng trước đây chỉ gọi điện, chụp ảnh, copy phim nhạc để xem và khai thác tính năng trên các thiết bị này khá hạn chế, thì hiện họ có thể chơi game, cài các ứng dụng bản địa, hay soạn thảo tiếng Việt không khó khăn”.
Android là nền tảng được chọn lựa gần như duy nhất, cá biệt có một số thiết bị chạy Symbian, Windows Phone 7, nhưng không đáng kể. Sắp tới, thị trường sẽ đón nhận các model chạy Windows Phone 7. Tuy nhiên, theo nhiều người dùng di động Nhật, hệ điều hành của Google sẽ vẫn còn thống trị trên điện thoại Nhật khá lâu bởi sự tiện dụng.
Sharp SH-06C, mẫu di động tích hợp máy chiếu. Ảnh: Quốc Huy.
Smartphone của Nhật vẫn mang những công nghệ mới và độc đáo như Multimedia Phone trước đây.
Ví dụ, các thiết bị như Fujitsu F-09C, Sharp SH-12C hay Casio CA-01C đặc biệt được yêu thích bởi công nghệ 3D không cần kính. Việc kết hợp giữa một thiết bị xem phim 3D, cho phép phát hình full HD hay trang bị máy chiếu biến các thiết bị này trở thành một cỗ máy giải trí trong lòng bàn tay, anh Bùi Cương cho biết khi nói về chiếc Sharp SH-06C mà anh vừa mua được hai tháng.
Bên cạnh 3D, các mẫu di động Nhật vẫn tiếp tục thừa hưởng các tính năng giải trí đa phương tiện tốt, đầu tiên là màn hình với độ phân giải cao WSVGA, cho phép xem phim tốt hơn. Ngoài ra, các thiết bị này cũng được dân chơi đánh giá cao về chất lượng âm thanh, vượt trội so với các mẫu smartphone đang có trên thị trường như iPhone, HTC, Nokia.
Công nghệ chụp ảnh trên “dế” Nhật hiện phát triển mạnh, những thiết bị có máy ảnh 12 Megapixel trở lên không còn hiếm. Dạo qua các diễn đàn, các box chia sẻ ảnh chụp từ điện thoại Nhật thu hút hàng nghìn lượt comment với. Việc sử dụng cảm biến CCD, công nghệ chụp ảnh cho phép tùy chỉnh khẩu độ, trợ sáng tốt làm cho các bức hình trên di động Nhật sáng và nghệ thuật hơn.
Các mẫu di động gần đây đã có các thiết kế mỏng, bắt kịp với xu thế gọn nhẹ của làng smartphone thế giới. Tuy nhiên, máy bán chạy và được dân chơi Việt ưa chuộng lại phần lớn có kiểu dáng lạ, hầm hộ như lật xoay, trượt ngang hoặc kiểu dáng to, dày.
Theo Số Hóa