SK giáo dục: Công bố dởm về 6 môn thi tốt nghiệp
Thông tin về 6 môn thi tốt nghiệp THPT sai sự thật gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Thể dục, Giáo dục công dân và Công nghệ, quy định giáo viên đánh học sinh phạt 3-5 triệu…, là những điểm “ nóng” giáo dục tuần qua.
Công bố môn thi tốt nghiệp THPT sai sự thật
Ngày 23/3, một trang mạng giả giao diện một trang báo mạng, nhưng thực chất là một trang web chưa rõ nguồn gốc có địa chỉ http://ledaiphat.com/cong-bo-6-mon-thi-tot-nghiep-2013.html, đã đăng tải nội dung Bộ GD&ĐT đã quyết định chính thức 6 môn thi tốt nghiệp năm 2013 đã khiến dư luận hết sức chú ý.
Nội dung chi tiết của thông tin được đăng tải trên website này đó là:
“Sáng 23/03, Bộ GD&ĐT đã quyết định chính thức 6 môn thi tốt nghiệp năm 2013, công văn đã được gửi về các Sở GD&ĐT của 63 tỉnh thành trên cả nước vào trưa cùng ngày.
Ngoài 3 môn thi bắt buộc dành cho học sinh hệ THPT gồm: Toán, Văn và Ngoại ngữ; năm nay, Bộ GD&ĐT đã có chút thay đổi bất ngờ, mà đối với giới chuyên môn, đây là một quyết định tích cực về 3 môn còn lại.
Đối với hệ giáo dục thường xuyên, 6 môn thi tốt nghiệp vẫn giữ như cũ (như năm 2012), cụ thể là Toán, Văn, Vật lý, Hoá học, Lịch sử và Địa lý. Các môn Vật lý, Hóa học sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý sẽ thi theo hình thức tự luận.
Đối với hệ THPT, 6 môn thi tốt nghiệp năm nay bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Thể dục, Giáo dục công dân và Công nghệ.
Đây là nét mới, khá bất ngờ đối với tất cả các học sinh khi đưa vào 3 môn Thể dục, Giáo dục công dân và Công nghệ làm môn thi tốt nghiệp năm nay. Theo ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐTđã họp bàn kỹ trước khi đưa ra quyết định trên”.
Những thông tin này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nghiêm trọng hơn, thông tin này còn được rất nhiều các thầy cô giáo chia sẻ gây hoang mang cho học sinh.
Theo Giáo dục & Thời đại, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật, không phải là kênh phát ngôn chính thức từ Bộ GD&ĐT. Hiện Bộ GD – ĐT chưa công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013.
Vì vậy, các em học sinh, phụ huynh học sinh, nhà trường, giáo viên các trường THPT trên toàn quốc cần căn cứ theo kế hoạch chỉ đạo với hướng dẫn cụ thể từ Sở GD – ĐT các tỉnh, thành phố thực hiện triển khai hướng dẫn ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Video đang HOT
Đánh giáo viên phạt 5-20 triệu, ngược đãi học sinh phạt 3-5 triệu
Vừa qua Bộ GD – ĐT đã đưa ra Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong đó một điểm đáng chú ý đó là tại điều 20, mục 7 có ghi: “Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục”.
Như vậy, điều khoản này đã đề cập đến một vấn đề “nóng” trong học đường mà thời gian gần đây dư luận rất bức xúc. Đó là việc nhiều học sinh bị giáo viên xử phạt “quá tay” hay hiện tượng chính các thầy cô bị học trò của mình xúc phạm, thậm chí hành hung ngay trên lớp. Vì vậy, ngay lập tức quy định nhận được sự quan tâm của dư luận và nảy sinh nhiều luồng ý kiến.
Đến nay, quy định xử phạt này vẫn đang trong quá trình thảo luận và sẽ được đưa vào thực hiện trong thời gian tới.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bị &’xoay’
Chiều 22/3, chất vấn Bộ trưởng GD – ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Điểm đáng chú ý đó là vấn đề Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ra yêu cầu Bộ trưởng giải trình như: thực trạng nước ta đang hội nhập quốc tế, hiện khoảng 4 triệu đồng bào Việt ở nước ngoài nhưng đời con cháu ngày càng “mù chữ Việt” nghiêm trọng, mấy Bộ trưởng thì làm được?
Với phần chất vấn này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, nước ta đã có đề án dạy tiếng nước ngoài (khoảng 50 tỷ đồng, triển khai khoảng 5 năm nay và đã hết dự án), theo đó, Bộ trưởng Luận cũng đề nghị Quốc hội quan tâm cho tiếp tục đề án này.
Về chuyển biến chất lượng giáo dục đào tạo, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Luận cũng hứa với Chủ tịch Quốc hội và ĐBQH sẽ mang hết trí tuệ quyết tâm nghị lực của mình cùng tòan ngành, toàn dân triển khai hoạt động đổi mới GD&ĐT. “Hy vọng chất lượng sẽ từng bước thay đổi theo hướng tiến bộ”.
Chưa hài lòng với câu trả lời này, Chủ tịch Quốc hội tái chất vấn: “Bao giờ chấm dứt việc các thế hệ đồng bào nước ngòai không biết tiếng Việt? Bao giờ đồng bào ta yên tâm và chất lượng giáo dục của nước ta?”
Bộ trưởng Luận nhìn nhận: “Dạy và học tiếng Việt còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện, trước hết là môi trường sống của các cháu, Bộ GD – ĐT sẽ sử dụng mọi công cụ truyền thông để đưa tiếng Việt đến cho các cháu. Còn khẳng định tất cả các cháu Việt Nam ở nước ngoài nhất là thế hệ thứ 3-4 biết tiếng Việt hết thì không đủ điều kiện để trả năm nào giải quyết hết”.
“Tất cả chúng tôi quyết tâm triển khai, chúng tôi sẽ có phương án dựa vào thế hệ người Việt các thế hệ trước đây để triển khai mạnh mẽ quyết liệt” – Bộ trưởng Luận nói.
Cũng trong phiên chất vấn, các ĐBQH “xoay” Bộ trưởng Luận về rất nhiều các vấn đề khác như việc triển khai mở rộng mô hình trường thực nghiệm, bằng giả học thật…
Sách giáo khoa “quên” Trường Sa, Hoàng Sa
Vừa qua, cuốn Sách Tiếng Việt tập hai do bà Đặng Thị Lan Anh chủ biên, chịu trách nhiệm xuất bản là Tổng giám đốc NXB giáo dục Ngô Trần Ái, Tổng biên tập Nguyễn Quý Thao đã bị phát hiện có vấn đề. Cụ thể, tại trang 78 có bài tập 2: “Điền vần iêt hay uyêt?”. Dưới đề bài là bức ảnh minh họa bản đồ Việt Nam, trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được thể hiện rõ. Sau hàng loạt sách in cờ minh họa không phù hợp bị phát hiện, thì sự kiện này lại một lần nữa khiến dư luận “dậy sóng”.
Làm việc với lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Trần Ái khẳng định: “Người vẽ bản đồ đã có ý thức thể hiện quần đảo Hoàng Sa (cụm chấm đen bên phải tương ứng với TP Đà Nẵng đi ra) và quần đào Trường Sa (cụm chấm đen trên nền phớt vàng ở góc dưới)”.
Theo ông, do diện tích của bản đồ trong SGK quá nhỏ (3cmx5cm) nên không thể hiện, chú thích rõ ràng về việc thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Với nhiều lý lẽ được đưa ra, vị lãnh đạo này khẳng định NXB không có sai sót và chẳng lý gì lại phải thu hồi.
Tuy nhiên, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam đã có công văn yêu cầu NXB giáo dục tại 3 miền dừng in ngay cuốn sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2 để sửa chữa bản đồ Việt Nam (trang 78). Các đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức in cuốn sách này khi có chế bản mới.
Hiện nay, SGK dành cho năm học 2013-2014 vẫn chưa được in và phát hành chính vì thế việc chỉnh sửa sẽ không gặp khó khăn. Để tránh những lỗi tương tự, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành rà soát kỹ lưỡng đối với tất cả các đầu sách khác.
Thầy giáo đánh học sinh tím mông
Vụ việc xảy ra vào tiết học thứ tư môn Tin học, trưa 20/3, tại trường tiểu học số 1 Thuận An ở thị trấn Thuận An. Theo trình bày của gia đình anh Đông, trong lúc lên bảng làm bài tập môn Tin học, em Trương Viết Đăng Khoa (9 tuổi, học sinh lớp 3D) mắc lỗi viết sai dấu bị thầy giáo Trần Minh Sơn dùng thước gỗ loại lớn đánh gần chục lần vào mông.
Chiều cùng ngày, khi tắm cho Khoa, vợ anh Đông phát hiện mông con trai có nhiều vết bầm tím. “Gặng hỏi, cháu mới chịu nói là bị thầy Sơn đánh bằng thước gỗ. Một học sinh cùng lớp Khoa kể lại: “Cứ một lỗi, thầy Sơn đánh 3 roi. Bạn Khoa bị đánh tất cả 9 roi. Thấy bạn ấy mếu máo chực khóc vì đau đớn, thầy Sơn dọa: Im mồm, không được khóc, nếu không còn bị đánh cho thúi (thối) đít”.
Trao đổi với PV, ông Phạm Hữu Phước, Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận hành vi đánh đập học sinh của giáo viên Sơn và cho biết sẽ chịu trách nhiệm về sự việc đáng tiếc này. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ kỷ luật lý giáo viên này nghiêm khắc bởi những hành vi thô bạo, phản giáo dục đối với học sinh.
AN HOÀNG
Theo Infonet
Để giáo dục công dân thành môn chính
Theo dự kiến đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, cùng ngữ văn, toán, ngoại ngữ, giáo dục công dân sẽ là môn học bắt buộc từ tiểu học đến hết THPT.
Tiết thỉnh giảng môn GDCD của thầy Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, Q.3) tại Trường THPT tư thục Nhân Việt, Q.Tân Phú. Đây là một trong những giáo viên có sáng tạo trong giảng dạy môn học này - Ảnh: M.Luân
Trên thực tế, hiện nay việc dạy và học môn giáo dục công dân (GDCD) ở trường phổ thông hết sức buồn chán, nội dung nào cũng có thể lồng ghép vào môn học này còn học sinh (HS) học cốt đủ điểm để lên lớp.
Chán vì thiếu thực tiễn
Nói về những kiến thức GDCD đang học, N.H.T - HS lớp 7 Trường THCS Chu Văn An, Q.1, TP.HCM, nhận xét: "Có nhiều bài học khó hiểu, khi kiểm tra chúng em đều phải cố học thuộc lòng hết các khái niệm và nhiều lúc cảm thấy chưa cần thiết". Còn giáo viên Nguyễn Thành Long, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, cũng nhìn nhận: "Nhiều nội dung biên soạn chưa phù hợp với độ tuổi của HS. Chẳng hạn ở lớp 7 (12 tuổi) HS phải nắm hết kiến thức về quốc hội, HĐND các cấp ở các bài về bộ máy nhà nước sau đó làm bài tập với các câu hỏi muốn đăng ký tạm trú, kết hôn... phải đến những cơ quan nào? Hay như ở bài Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, các em phải nghe giảng về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước".
Ở lớp 10, hầu hết HS đều choáng với môn GDCD vì những nội dung thuộc phạm trù triết học như thế giới quan duy vật, phương pháp luật biện chứng, cách thức vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng... Trực tiếp giảng dạy, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2), cho rằng: "Vừa bước chân vào một bậc học, phải tiếp nhận những kiến thức như vậy khó cho các em vì nó khá trừu tượng". Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Đình Hoe, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), thẳng thắn: "Nội dung hết sức nặng nề. Những kiến thức trùng lắp sẽ được học ở bậc học cao hơn thì nên để lúc đó dạy chắc chắn phù hợp với nhận thức của HS hơn".
Một giáo viên ở Q.3 nhận định: Khi phải tiếp nhận những kiến thức vượt quá lứa tuổi, khó hiểu, mơ hồ, lâu dần các em sẽ cảm thấy chán ngán. Đó là chưa kể tâm lý môn phụ, không thi nên không tránh khỏi việc HS ngủ gật trong lớp.
Cái gì cũng đưa vào GDCD
Ông Nguyễn Phạm Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú), nói: "Môn này còn "gánh" thêm quá nhiều nội dung khác như: phòng chống tội phạm, giáo dục giới tính, bảo vệ môi trường, giáo dục pháp luật, giáo dục về an toàn giao thông, giáo dục chính sách quốc phòng... Thấy dư luận xã hội lên tiếng HS thời nay thiếu kỹ năng gì là lập tức môn GDCD có "hàng đính kèm". Đưa quá nhiều nội dung làm HS bội thực còn giáo viên nhiều khi không biết dạy gì. Vì thế, giáo viên cho biết việc giảng dạy nhiều lúc rất nặng tính hình thức".
Trên thực tế, việc lồng ghép hoạt động khác vào bộ môn này hoàn toàn không hiệu quả vì thời lượng quá ít. Với 1 tiết/tuần may ra chỉ đủ để giáo viên giới thiệu kiến thức trọng tâm chứ khó lòng dẫn chứng thực tế hay phối hợp hoạt động.
Nên gắn liền với cuộc sống
Trước thực tế này, ông Nguyễn Phạm Đại khẳng định: "Nếu không thay đổi ngay nội dung giảng dạy thì từ HS, giáo viên và ngay chính phụ huynh cũng bị sốc khi GDCD trở thành môn học bắt buộc sau một thời gian dài dạy và học theo kiểu đối phó, thờ ơ".
Cụ thể hơn, ông Trần Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường (Q.9), đề nghị: "Để trở thành một trong 4 môn học bắt buộc thì ngay từ bây giờ chương trình GDCD phải có sự thay đổi. Nội dung học phải thực tế, gắn với hơi thở của cuộc sống thì mới làm HS hứng thú. Bên cạnh đó, giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, đừng tự bằng lòng với sự yếu thế của môn học mà phải làm sao để mỗi khi chuông reo đến giờ dạy của mình HS lại náo nức". Trong khi đó, bà Lê Thị Hồng Anh, chuyên viên Phòng Công tác HS-SV Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: "Cần chắt lọc, cô đọng lại. Bên cạnh đó nên giảm bớt khái niệm, phạm trù mà tăng cường những bài học kinh nghiệm, những mẩu chuyện, bài báo, tin tức. Đã gọi là GDCD thì nên tập trung vào giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS. Sau khi đã chuẩn bị cho HS một nền tảng đạo đức vững chắc cùng với kỹ năng sống thì lúc đó chắc chắn các em dễ dàng tiếp nhận những kiến thức cơ bản như triết học, kinh tế chính trị...".
Bích Thanh
Theo thanh niên
Công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT 2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 23/3 đã chính thức công bố môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012. Cụ thể, với hệ trung học phổ thông, sáu môn thi Tốt nghiệp gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, hóa học, lịch sử và môn địa lý. Với thí sinh không học hết chương trình phổ thông trung học hiện...