Sinh viên Y khoa viết đơn tham gia chống dịch
Khi dịch COVID-19 diễn tiến phức tạp, nhiều sinh viên ngành Y tự nguyện viết đơn xin tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch. Với họ, đây không chỉ là cơ hội học hỏi nghề, mà còn góp sức đẩy lùi dịch bệnh.
Sinh viên ngành Y chung tay hỗ trợ đẩy lùi dịch COVID-19Ảnh: Uyên Phương
Không để xảy ra sai sót
Hơn 10 ngày nay, khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) có thêm nhiều “cộng sự” mới. Đó là các bạn sinh viên trường Đại học Y dược TPHCM, đến hỗ trợ cập nhật sổ sách, thông tin ca liên quan đến COVID-19.
Tại khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm, Lê Thị Xuân Thanh (sinh viên năm thứ 6 khoa Y tế công cộng) chăm chú vào màn hình máy tính, đôi tay liên tục nhập dữ liệu của các trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài về hồi giữa tháng 3.
“Em làm việc này được hơn 1 tuần rồi, lúc đầu còn bỡ ngỡ vì nhiều danh mục, số liệu nhưng nay thạo lắm. Mỗi mục sau khi nhập, em đều kiểm tra cẩn thận, không để xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất” – Thanh chia sẻ.
Video đang HOT
Cô bác sĩ tương lai này quê tận Quảng Ngãi, nhưng không về quê mà tình nguyện làm đơn xin tham gia đội hỗ trợ phòng chống dịch khi nhà trường phát động.
“Ba mẹ biết em ở lại và tham gia hỗ trợ phòng dịch COVID-19 khá lo lắng, nhưng cũng rất ủng hộ quyết định của em. Trong lớp có nhiều bạn tình nguyện tham gia phòng chống dịch lắm. Với tụi em, đây là cơ hội học hỏi nghề, đồng thời mong muốn góp sức vào đẩy lùi dịch bệnh”, Thanh bộc bạch.
Vừa xong giờ học online, Hoàng Thị Ngọc Giàu (sinh viên năm thứ 5 khoa Y tế công cộng, quê Vũng Tàu) liền chạy xe thẳng đến HCDC. Dưới cái nắng hè gay gắt, khuôn mặt đỏ bừng, Giàu chỉ kịp cởi áo khoác là ngồi ngay vào máy tính. Công việc của cô là thu thập, xác nhận thông tin, hoàn thành các báo cáo cho kịp tiến độ về tình hình dịch COVID-19.
“Mới nhìn vào thì thấy công việc cũng đơn giản, nhưng khi đã bắt tay làm, em mới thấy nhiều áp lực. Nhất là hiện nay, số ca đang tăng từng ngày, một ca dương tính phải thu thập thêm thông tin của nhiều người khác, phải cập nhật từng ngày, từng giờ vì đó là nguồn để cung cấp thông tin chính xác cho người dân. Vừa làm vừa học, em cố gắng để cập nhật số liệu đầy đủ, chính xác, chung tay cùng toàn dân chống dịch”, Giàu nói.
12h trưa, không một ai nghỉ tay. Công việc của các bạn tình nguyện viên là trực đường dây nóng, hỗ trợ thống kê số liệu ở các khoa, phòng, cụ thể ở khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm; làm báo cáo định kỳ, báo cáo ngày, báo cáo tuần hay báo cáo đột xuất; xử lý các thông tin, theo dõi các đối tượng tiếp xúc gần với các ca nhiễm ở TPHCM; theo dõi các thông tin chuyến bay, cập nhật thông tin chuyến bay, hỗ trợ nhập liệu, cập nhật xét nghiệm tại tám khu cách ly trên địa bàn thành phố.
Tất cả sinh viên tình nguyện đều đã được tập huấn về dịch bệnh COVID-19 trước khi bắt tay vào việc. Sinh viên được chọn đều đang theo học năm thứ năm hoặc năm cuối của khoa Y tế công cộng. Các bạn được chia theo nhóm, làm việc tất cả các ngày trong tuần.
Hết dịch mới về
Đó là khẳng định của các bác sĩ tương lai mà tôi gặp tại HCDC. Bùi Lê Nhật Tiên (sinh viên năm thứ 5) chia sẻ: “Dù sinh viên ngành Y luôn “đầu tắt mặt tối” với lịch học, thi cử dày đặc, nhưng khi nghe trường phát động sinh viên tình nguyện hỗ trợ công tác phòng chống COVID-19, bạn nào cũng nhiệt tình xin theo. Kiến thức học trên giảng đường vẫn là lý thuyết, đây chính là lúc ứng dụng bài học vào thực tế. Tụi mình vừa học xong về các bệnh truyền nhiễm thì nay được áp dụng ngay”.
Lê Thanh Truyền (sinh viên năm thứ 5) nhận nhiệm vụ điều phối viên các bạn trong trường hỗ trợ HCDC. “Chúng mình được giao nhiệm vụ nào đều cố gắng hoàn thành thật tốt. Như có bạn nhận trực đường dây nóng, người dân thường gọi đến hỏi về các khu cách ly, những triệu chứng của bệnh COVID-19, nhờ tư vấn… Tụi mình đều nhiệt tình giải thích. Đôi khi các bạn còn trở thành người xoa dịu nỗi lo, tâm lý bất an để người dân có thể an tâm hơn. Mỗi khâu, mỗi việc đều là những kỷ niệm khó quên, là bài học thực tế quý giá cho con đường sau này mà sinh viên ngành y tế công cộng chúng mình đang theo”, Truyền chia sẻ.
“Chúng tôi trân quý tinh thần tự nguyện và làm việc chăm chỉ, cẩn thận của các bạn trẻ. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 này, dù là hậu phương hay tiền tuyến, dù là điều trị hay dự phòng, chúng tôi luôn cố gắng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh, ước mong đem lại sức khỏe và cuộc sống bình yên cho người dân”.
Chị Văn Thị Ngọc Thịnh (khoa Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm thuộc HCDC)
UYÊN PHƯƠNG
Hơn 6.000 sinh viên Trường đại học Y Hà Nội học trực tuyến
31 Bộ môn/Khoa của Trường đại học Y Hà Nội đã thực hiện giảng dạy trực tuyến đối với toàn bộ hơn 6.000 sinh viên y khoa chính quy và tại chức liên thông từ cao đẳng của nhà trường.
Giảng viên Bộ môn Sinh lý học quay video giảng dạy trực tuyến (Ảnh: HMU)
Từ những ngày sau Tết Nguyên đán, trong khi nhiều trường đại học cho sinh viên nghỉ học vì tình hình dịch bệnh Covid-19 thì các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường đại học Y Hà Nội vẫn học tập, nghiên cứu và phục vụ bệnh nhân, đồng thời còn tham gia nhiều nhiệm vụ hỗ trợ ngành y tế phòng chống dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đến ngày 25-3, Trường đại học Y Hà Nội đã ban hành thông báo về việc giảng dạy trực tuyến, hướng dẫn dạy và học trực tuyến và Nhà trường tiến hành triển khai thực hiện.
Theo Phòng Quản lý đào tạo đại học, tính đến ngày 7-4, toàn bộ hơn 6.000 sinh viên y khoa chính quy và tại chức liên thông từ cao đẳng tham gia học trực tuyến. Đã có 31 Bộ môn/Khoa với số lượng 424 bài học đăng ký trực tuyến, trong đó, tỷ lệ bài giảng lý thuyết chiếm 44,8% (190 bài); bài giảng lâm sàng chiếm 41,0% (174 bài); bài giảng thực hành chiếm 14,2% (60 bài).
Phòng Phòng Quản lý đào tạo đại học cho biết, từ năm 2019 trở về trước, việc giảng dạy trực tuyến đã được áp dụng đối với chương trình đào tạo lý thuyết về Thần kinh (CK cấp II, CK cấp I, Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú) và Tim mạch (CK cấp II, Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú). Từ thời điểm chống dịch Ccovid-19, Bộ môn Tim mạch đã triển khai giảng dạy trực tuyến đối với các ca Lâm sàng không người bệnh. Từ tháng 3, ứng phó trước diễn biến bệnh dịch, công tác giảng dạy trực tuyến đã được mở rộng đến đào tạo sau đại học.
Theo Nhà trường, hoạt động giảng dạy trực tuyến tại Trường đại học Y Hà Nội hiện nay đang diễn ra sôi nổi, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu, tiến độ giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên, sinh viên trong bối cảnh thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các đơn vị trong Nhà trường đã có sự phối hợp linh hoạt và hoạt động động giảng dạy trực tuyến nhận được phản hồi tích cực từ phía học viên, sinh viên.
THANH XUÂN
Vì sao khoa học sức khỏe là nghề nghiệp quan trọng cho tương lai? Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu không phân biệt quy mô và lãnh thổ; các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư... cũng ngày một gia tăng. Vai trò của việc đào tạo nhân lực ngành khoa học sức khỏe ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết. Khoa học...