Sinh viên với nỗi lo ngày tết
Nỗi lo về Tết đâu chỉ có dành riêng cho những người đi làm, có gia đình. Những bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cũng ăm ắp những tâm tư trăn trở khi năm hết tết đến.
Gập ghềnh đường về
Để có chuyến về tết an tâm, thoải mái đối với nhiều sinh viên chẳng nhẹ nhàng chút nào. Từ chuyện phòng ở, đồ đoàn cho đến chuyện xe cộ về nhà. Đối với những sinh viên ở tỉnh xa điều này càng “căng thẳng’ hơn bao giờ.
Trên nhiều diễn đàn của các trường đại học, cao đẳng đã xuất hiện nhiều những topic chia sẻ ngày về Tết. Như trên diễn đàn trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh xuất hiện topic: “Xe về tết dành cho sinh viên đà nẵng và huế”; Diễn đàn sinh viên ĐH Luật Hà Nội “Xe về Tết phục vụ sinh viên Nghệ An – Hà Tĩnh 2012″; hay topic “Xe Về Tết Cho Sinh Viên – Thanh Niên Thanh Hóa”;…
Nhưng những chia sẻ ấy chẳng thể dành hết cho mọi người, vẫn phải có những người vì hoàn cảnh này khác mà đi xe khách mệt phờ nơi bến xe. Nguyễn Cường (sinh viên năm 3, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) không khỏi ngao ngán khi nhắc lại cảnh về tết năm trước. “Do phải ở lạị hoàn thành đăng kí môn học nên về muộn. Dậy sớm ra bến xe cho ít người, ai dè, hàng dài người ngồi đợi. Xe về huyện gần nhà em thì chạy sớm hơn cả tiếng đồng hồ. Đành bắt xe khách về thành phố rồi nhảy xe huyện, tối nhẹm mới tới nhà”.
Video đang HOT
Hay Thanh Hải (quê Nam Đinh, sinh viên năm hai ĐH Sư Phạm Hà Nội) éo le không kém khi gặp phải xe bán khách. Hiệp kể “Nghĩ ngày tết xe nào cũng đông, nhảy lên xe. Hỏi phụ xe thì có nói xe về huyện Giao Thủy, nhưng đến bến xe Thành phố thì dừng lại. Vừa về muộn vừa bực mình”.
Có phần chắc chắn hơn, Nguyễn Thảo (Học viện Báo chí tuyên truyền, quê Nam Định) trước ngày về ra bến xe xem thăm tình hình giá vé và lượng xe thế nào. Nhưng “Hôm nay về, em chờ hai tiếng xe mới ra khỏi bến và mất hơn 4 tiếng mới về đến nhà. Vé giờ mới tăng từ 60 nghìn lên 100 nghìn” – Thảo chia sẻ.
Để mua được một vé tàu, vé xe về quê không hề đơn giản. Nhất là với những bạn không có điều kiện tốt và những bạn mới vào học năm nhất, năm hai… Tiến (ĐH Văn Hóa) để có vé tàu về quê ở Yên Bái hết tra tra cứu cứu trên mạng rôi lại hai ba lần lên Ga mới có được tấm vé. “Lúc mua được vé em mới thở phào được” – Tiến nói.
Làm thêm
Tết đến là dịp xuất hiện nhiều công việc, thường là giao quà, bán hàng, trực điện thoại,phát tờ rơi… Tuy thu nhập không phải lớn nhưng với nhiều bạn sinh viên có thể giải quyết được những chi tiêu ngày về Tết; tiền học phí kỳ tới hay lấy kinh nghiệm… Ngay từ trước tết cả tháng, nhiều bạn đã lên mạng, đến các cửa hàng, quán tìm kiếm việc.
Như Hoan (Cao đẳng Du lịch Hà Nội) có hơn kinh nghiệm một năm bán hàng nên năm nay tiếp tục ghi danh tuyển dụng cho đợt phát quà khuyến mãi Tết cho một công ty. Thu nhập cũng khá, cả đợt làm mấy ngày giáp tết cũng ngót nghét 2,5 triệu. Hay như Huyền (ĐH Văn hóa) tìm được cho mình công việc có mức lương khá hơn, tầm hơn 3 triệu, nhưng cũng không kém phần vất vả, lại dễ bị hiểu nhầm.
Nhưng để tìm được một công việc và tìm được công việc phù hợp ít ảnh hưởng tới việc học, thời gian và có thu nhập tạm ổn không dễ. Không phải ai cũng tìm được. Thậm chí là bị lừa khi xuất hiện không ít những “cò”, trung tâm lừa sinh viên.
Những bạn tìm được việc thì cũng có nỗi lo bị quỵt tiền hay không nhận được lương. Tuyết vẫn còn nhớ năm trước tranh thủ thời gian tham gia bán hàng cho hội chợ Tết. 50.000 đồng/buổi, nhưng phải làm đầy đủ và sau 20 ngày mới thanh toán tiền. “Vừa làm vừa lo bị xù tiền vì có nhiều trường hợp sinh viên dính rồi”.
Tìm được công việc ưng ý trong đợt Tết không phải dễ (Ảnh minh họa).
Sau tết là… thực tập
Khác với tâm trạng của sinh viên năm nhất, năm hai Tết là dịp về chơi sau nửa năm xa nhà, tạm quên sách vở. Những sinh viên sắp ra trường, Tết là cánh cửa của một phân khúc: hết Tết là đi thực tập. Vì vậy, nhiều công việc chuẩn bị cho thực tập đều phải lo ổn thỏa trước tết.
Có những trường sinh viên phải tự liên hệ nơi thực tập. Như trên diễn đàn Vietship, một topic được lập “Sinhviên CĐ Kinh Tế Đối Ngoại cần tìm nơi thực tập sau tết…” và có những dòng giới thiệu sau: “Sau khi đã học qua về các nghiệp vụ về XNK tại trường ,nay em mong muốn tìm nơi thực tập tại TPHCM để có thể tích lũy kinh nghiệm và tìm cơ hội để có thể trở thành nhân viên của cty sẽ nhận mình vào thực tập” – Đoàn Văn Thắng (sinh viên năm 2, lớp TCXNK 34B,trường CĐ Kinh Tế Đối Ngoại). Thắng còn cấp thêm số điện thoại liên lạc và địa chỉ mail.
Không ít bạn có cùng nỗi lo này. Như bạn có nickname bigsky com – men lại: “chán mình cũng đang lo đến khoản thực tập đây” .
Hay trên diễn đàn danketoan cũng một topic cũng dễ thấy “Thực tập sau tết ai giúp mình với”. “Mình đang trong thời gian năm cuối chuẩn bị ra trường, mình mới đựoc biết ra tết mình đi thực tập rồi nên mình bắt đầu tìm địa chỉ thực tập kế toán các bạn biết địa chỉ nào chỉ giúp mình nhé” – một bạn commen.
Theo TPO