Sinh viên Việt Nam đăng quang cuộc thi Khám phá Khoa học Số ASEAN 2019
Đội AWM đến từ Việt Nam với 2 thành viên là Vũ Hoàng Trung và Vũ Mạnh Hà (Đại học RMIT Việt Nam) đã giành giải Nhất với dự án nâng cao năng lực cho những nhóm dân tộc thiểu số và coi đó như một động lực phát triển kinh tế tiềm năng tại các quốc gia ASEAN.
Sinh viên Việt Nam đăng quang cuộc thi Khám phá Khoa học số ASEAN 2019.
Ngày 11/10/2019, Quỹ ASEAN, Tập đoàn SAP và Cơ quan Xúc tiến Kinh tế số Thái Lan vừa công bố việc tổ chức thành công vòng chung kết khu vực cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN 2019 (ASEAN Data Science Explorers – ASEAN DSE). Kết thúc cuộc thi, 3 giải cao nhất đã thuộc về 3 đội sinh viên đến từ Việt Nam, Singapore và Thái Lan dựa trên khả năng phân tích và các ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề xã hội trong khu vực ASEAN. Đích thân bà Kasama Kongsmak, Phó Chủ tịch cao cấp Cơ quan Xúc tiến Kinh tế số Thái Lan đã chủ trì lễ trao giải cho những đội thắng cuộc, bao gồm: Đội AWM đến từ Việt Nam với 2 thành viên là Vũ Hoàng Trung và Vũ Mạnh Hà của Đại học RMIT Việt Nam đã giành giải Nhất với dự án nâng cao năng lực cho những nhóm dân tộc thiểu số, và coi đó như một động lực phát triển kinh tế tiềm năng tại các quốc gia ASEAN. Bài trình bày đã chỉ ra rằng giáo dục và đẩy mạnh giáo dục bằng công nghệ sẽ là phương thức hỗ trợ hợp lý để cải thiện kinh tế cho các nhóm thiểu số.
“Với hy vọng hỗ trợ các nhóm thiểu số phát huy hết tiềm năng của mình, chúng tôi đưa ra phân tích theo góc nhìn hoàn toàn mới nhằm kêu gọi các quốc gia hãy hỗ trợ những nhóm này phát triển”, bạn Vũ Hoàng Trung cho biết.
Giải Nhì thuộc về đội Re:volution đến từ Singapore với hai thành viên là Shi Xuan Teng và Egwin Fan thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU). Dự án của đội đại diện Singapore tập trung giải quyết vấn đề quản lý chất thải ở ASEAN.
Trong khi đó, đại diện Thái Lan – đội NT đến từ Đại học Thammasat với 2 thành viên là Noppawan Rakthinkumnerd và Ngô Lê Bảo Trân – một du học sinh người Việt – đã giành giải Ba cho dự án về bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động ASEAN.
Vòng chung kết khu vực ASEANDSE 2019 đánh dấu hành trình kéo dài 1 năm bao gồm một chuỗi hoạt động bổ trợ, theo đó gần 500 nhà giáo dục và 3.000 sinh viên đã được đào tạo về nền tảng SAP Analytics Cloud. Cuộc thi ASEANDSE 2019 đã thu hút 1.341 thí sinh tham gia các vòng chung kết quốc gia được tổ chức tại 10 quốc gia thành viên ASEAN, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà vô địch quốc gia đã giành quyền tham dự vòng thi chung kết khu vực được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Ba đội chiến thắng đã được Ban giám khảo lựa chọn dựa trên khả năng phát triển, phân tích dữ liệu và trình bày các giải pháp thuộc sáu mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, bao gồm (1) chăm sóc y tế và phúc lợi tốt, (2) giáo dục chất lượng, (3) bình đẳng giới, (4) đảm bảo việc làm và tăng trưởng kinh tế, (5) công nghiệp, sáng tạo và cơ sở hạ tầng và (6) các cộng đồng và đô thị phát triển bền vững.
Phát biểu ngay sau khi đăng quang, bạn Vũ Hoàng Trung, thành viên Đội AWM chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi các ý tưởng và giải pháp của đội được ghi nhận bởi ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ quan Chính phủ khác, giúp cho tầm nhìn của chúng tôi thành hiện thực. Thông qua cuộc thi, chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc với những nền văn hóa đa dạng và kết bạn với các sinh viên từ những quốc gia khác trong ASEAN. Chúng tôi có thể học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kiến thức cũng như những quan điểm khác nhau. Tôi tin rằng sự đa dạng là rất quan trọng đối với những người muốn trở thành công dân toàn cầu như tôi cũng như rất nhiều sinh viên khác”.
ASEANDSE là một chương trình khu vực do Quỹ ASEAN và SAP phối hợp thực hiện nhằm mục đích xúc tiến các hoạt động xã hội của sinh viên đại học trong ASEAN. Kể từ khi thành lập vào năm 2017, ASEANDSE đã hỗ trợ đào tạo các kỹ năng phân tích dữ liệu cho hơn 9,000 sinh viên từ 230 trường đại học và cao đẳng trong khu vực. Cuộc thi ASEANDSE đã thu hút sự tham dự của các bạn sinh viên đến từ nhiều chuyên ngành như chính trị, kỹ thuật và kiến trúc. Các thí sinh tham dự cuộc thi đã phân tích dữ liệu để đưa ra những giải pháp thực tế trong những lĩnh vực này.
Bà Elaine Tan, Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN cho biết: “Quỹ ASEAN rất tự hào và vinh dự được hợp tác với SAP trong suốt 3 năm vừa qua. SAP đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sáng kiến chung này, để cùng thực hiện định hướng phát triển thanh niên ASEAN hậu-2020 – đó là tập trung hỗ trợ giới trẻ ASEAN chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai thông qua việc phát triển kỹ năng số. Sáng kiến đã góp phần nâng cao năng lực cho giới trẻ ASEAN, giúp họ nắm bắt những cơ hội rộng lớn phía trước, đồng thời trang bị cho giới trẻ ASEAN các kỹ năng số cần thiết để giải quyết các thách thức của CMCN 4.0″.
Ông Eugene Ho, Giám đốc quan hệ công chúng SAP Đông Nam Á cho hay: “Chúng tôi nhận thấy rằng khoảng cách kỹ năng số đang trở thành một thách thức trong rất nhiều ngành và lĩnh vực trong ASEAN. Sự hợp tác với Quỹ ASEAN đã giúp chúng tôi tập trung phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo tất cả các công dân trẻ ASEAN sẽ có được các kỹ năng cần thiết để thành công trong nền kinh tế số. Thông qua chương trình Khám phá Khoa học Số ASEAN, chúng tôi hy vọng sẽ lấp đầy khoảng trống kỹ năng số trong khu vực”.
Theo infonet
Bỏ quy định "vốn đầu tư nước ngoài", nhiều người Việt sẽ mở trường quốc tế
Tôi kiến nghị: Phải có định nghĩa rõ ràng, minh bạch về các loại hình trường mà không chỉ phụ thuộc vào vốn đầu tư, giống như định nghĩa về trường quốc tế.
Tại cuộc tọa đàm "Quản lý và phát triển hệ thống trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP" do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 10/9/2019, bà Phạm Thị Minh An - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Olympia, chia sẻ về vấn đề trường quốc tế:
"Vấn đề của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa ra thì tôi thấy rất là hay, với vai trò là cơ quan truyền thông nhưng Báo Giáo dục không đánh bóng, không 'câu like', không theo làn sóng để mà dìm hoặc nâng ai đó, mà việc Báo đang làm rất là có tâm.
Có rất nhiều người gán cho Trường Olympia cái danh quốc tế, trong khi trường không bao giờ đặt cho mình là quốc tế, chúng tôi luôn luôn có chủ trương khẳng định thương hiệu Việt, là trường Việt Nam.
Từ năm 2003 chúng tôi đã thành lập trường mầm non và luôn đặt mục tiêu làm thế nào để cho trẻ em Việt Nam có được sự tự tin, tính tự lập và rút ngắn khoảng cách thay vì như các mẹ là phải học đại học xong rồi mới đi làm ở các công ty nước ngoài, đến lúc đó mới được tiếp cận với những thứ văn minh.
Bỏ quy định "vốn đầu tư nước ngoài", nhiều người Việt sẽ mở trường quốc tế. Video: Tùng Dương.
Chúng tôi đã nghiên cứu chương trình Việt Nam và cho đến thời điểm này tôi thấy chương trình Việt Nam rất tốt, nếu không tốt thì làm sao chúng ta có bao nhiêu thế hệ những giáo sư, những tiến sĩ, những con người đoạt bao nhiêu giải thưởng quốc tế.
Vậy vấn đề nằm ở chỗ nào? Chúng tôi có nghiên cứu và thấy được rằng vấn đề nằm chính ở phương pháp dạy học, chứ không nằm ở chương trình.
Cái cần giải quyết lớn nhất ở đây chính là đội ngũ giáo viên với phương pháp dạy học, là phương pháp tổ chức một nhà trường để làm sao tạo ra một môi trường sư phạm an toàn, thân thiện và trẻ em được tôn trọng, được nói lên tiếng nói của mình, được là chính mình. Đó cũng chính là quan điểm giáo dục của chúng tôi.
Mỗi đứa trẻ đều thông minh theo cách riêng của chúng và với triết lý này đã tạo ra một môi trường nhân văn, thầy cô trong trường luôn suy nghĩ không có học sinh dốt, mà chỉ có người thầy chưa biết khai thác tiềm năng của trẻ.
Với định hướng như vậy, cho đến nay chúng tôi luôn tự hào khẳng định là trường Việt Nam và dạy chương trình Việt Nam.
Để trả lời câu hỏi: Có nhất thiết phải học chương trình quốc tế thì mới có học bổng, mới được đi du học không? Thì câu trả lời là không.
Vì bằng tốt nghiệp ở Việt Nam được công nhận trên toàn thế giới, và học sinh tốt nghiệp lớp 12 ở Việt Nam có thể tự tin vào năm thứ nhất ở bất cứ trường đại học nào trên thế giới mà không cần phải học chương trình quốc tế, không cần học chương trình song bằng, kể cả học sinh trường làng nếu đủ điều kiện tốt nghiệp.
Học sinh của chúng tôi đi du học thì các em đó vẫn được 100% học bổng tại các trường ở Mỹ, Canada... và nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, trong khi các em đó không hề học trường quốc tế, vì chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Việt Nam là cực kì ưu việt, nó đã tiếp cận với thế giới rất nhiều.
Quay trở lại với vấn đề định nghĩa thế nào là trường quốc tế: Nếu luật giáo dục vẫn quy định rằng có 3 loại hình trường là trường công lập, trường tư thục, trường dân lập thì cái trường công tự chủ tài chính hiện nay nó nằm ở đâu trong luật? Tôi thấy nó không nằm ở đâu cả!
Trường công lập là vốn ngân sách nhà nước, trường tư thục là vốn cá nhân và trường quốc tế là do có yếu tố nước ngoài, nếu chúng ta phân biệt các loại hình trường này chỉ dựa trên vốn đầu tư thì chúng ta đang thấy là nó bất cập và không đúng.
Vấn đề bây giờ là chúng ta phải có định nghĩa, minh bạch rõ ràng thế nào là trường quốc tế, gỡ bỏ được việc phải có vốn đầu tư nước ngoài thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam mở trường quốc tế.
Nếu nói không cần học chương trình quốc tế mà học sinh vẫn có thể đi du học, vẫn có học bổng, vậy thì trường quốc tế để làm gì và tại sao lại phải có trường quốc tế?
Ngoài ra còn có rất nhiều lợi ích khác như mọi người đã phân tích rằng nó mang lại cho giáo viên rất nhiều và cho cả cán bộ quản lý trong nhà trường là rất lớn.
Chúng ta học được của đối tác rất nhiều, từ những việc đơn giản nhất là sắp xếp thời khóa biểu. Ví dụ trường Olympia thì mô hình tổ chức khá là giống một trường trung học phổ thông ở Mỹ.
Ở đây học sinh được phân chia theo năng lực, các em di chuyển giữa các lớp học và cứ 5 phút là các em lại di chuyển đến một phòng học mới. Một cái thay đổi rất nhỏ đó thôi thì nó đã mang lại những giá trị rất lớn đối với học sinh về việc học chủ động và học tích cực.
Nếu ở trường Việt Nam thì lớp học đóng gọn trong bốn bức tường, học sinh ngồi trong lớp và cô giáo phải đến, vậy ở đây cô giáo là "khách", học sinh hết giờ cứ ngồi ì một chỗ, không chịu vận động.
Nhưng với mô hình của chúng tôi thì tất cả các lớp học đều trở thành phòng học bộ môn, các phòng này được giáo viên đầu tư rất nhiều từ trang trí lớp học, dụng cụ học tập... làm sao phù hợp với môn học của học sinh.
Khi các em bước vào lớp thì các em như đã hòa mình vào không gian của môn học, môi trường sư phạm đã thay đổi và học sinh có ngay tâm thế để vào môn học đó một cách hứng thú.
Chưa kể đến việc học sinh phải vác ba lô đến các phòng học để tìm tòi kiến thức chứ không phải cứ ngồi một chỗ để giáo viến đến "bón" kiến thức.
Chỉ những việt rất nhỏ đó thôi thì rõ ràng là mình học từ trường đối tác, chứ không phải là từ trong nhà trường truyền thống ở Việt Nam. Chỉ một việc nhỏ nhưng chúng ta nhìn thấy rõ lợi ích từ việc hợp tác.
Với phương pháp học thì trước đây trường Olympia chưa liên kết nhưng học sinh vẫn có học bổng 100% đi tất cả các nước, bây giờ liên kết thì tỷ lệ đó có thay đổi không? Có thể là không, thế nhưng những cái kỹ năng, giá trị mà học sinh tham gia chương trình song bằng có được thì lại giúp cho các em học tốt hơn ở trong trường đại học.
Các em học được nếp học chủ động hơn vì giáo viên nước ngoài giảng dạy rất nghiêm khắc với cách kiểm tra, đánh tiến độ...học sinh chậm bao nhiêu ngày sẽ bị trừ bao nhiêu phần trăm điểm.
Mà nếu học sinh không qua được tín chỉ đó thì phải nộp thêm tiền để học lại. Việc này khác hẳn với trường của chúng ta là cứ học và cứ lên lớp.
Vậy những giá trị nó mang lại không chỉ là phần kiến thức, mà là những kỹ năng học tập học sinh có được qua chương trình song bằng quốc tế.
Tôi kiến nghị: Phải có định nghĩa rõ ràng, minh bạch về các loại hình trường mà không chỉ phụ thuộc vào vốn đầu tư, giống như định nghĩa về trường quốc tế ở Mỹ là phải có môi trường quốc tế, phải giảng dạy chương trình quốc tế như là IB, Cambridge hoặc là một chương trình của quốc gia đó đặt tại nước sở tại, thì đó là trường quốc tế.
Thế còn các trường Việt Nam khác thì hãy cứ là tư thục, cứ là công lập đi và với chương trình giáo dục phổ thông mới này cho phép các nhà trường chủ động xây dựng chương trình nhà trường, thì các nhà trường công lập hay tư thục hoàn toàn có thể xây dựng chương trình của mình đáp ứng chuẩn đầu ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo về năng lực và phẩm chất.
Có làm gì thì làm nhưng vẫn đảm bảo được đầu ra về năng lực và phẩm chất của một học sinh Việt Nam.
Còn lại thì có thể xây dựng tích hợp chương trình Việt Nam với Mỹ, hoặc với Úc, Singapore...nhưng tên trường vẫn là trường Việt Nam, sao lại cứ phải là trường quốc tế để làm gì?"
Ngày 10/9, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm: "Quản lý và phát triển hệ thống trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP". Hội thảo để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà đầu tư về vấn đề này, tổng hợp ý kiến góp ý, kiến nghị với các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách giáo dục, kiến nghị với các cơ quan chức năng. Tham dự Tọa đàm có Giáo sư Nguyễn Xuân Thu (Đại học RMIT Melbourne), người đặt nền móng cho việc thành lập Trường đại học RMIT Việt Nam. Bà Phạm Thị Minh An - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Olympia. Bà Phạm Lệ Thủy phụ trách chương trình song bằng quốc tế của Trường trung học phổ thông Olympia. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam, Phần Lan (Trường Đại học Tôn Đức Thắng). Bà Đặng Thị Thu Huyền - Trưởng phòng tổ chức hành chính (Trường Đại học Tôn Đức Thắng).
Tùng Dương
Theo giaoduc.net
Tiến sĩ Chris Berg: 'Công nghệ Blockchain ứng dụng đa lĩnh vực' Theo đại diện RMIT Australia, với tính năng bảo mật cao và không thể tẩy xóa, Blockchain sẽ phát triển trong tương lai. Tiến sĩ Chris Berg nhận định tại hội thảo "Blockchain: Tương lai khả thi cho quản lý tài chính" do đại học RMIT Việt Nam, Trung tâm Sáng tạo Công nghệ Blockchain RMIT (RMIT Blockchain Innovation Hub) và CPA Australia...