Sinh viên và hoạt động nghiên cứu khoa học
(Cadn.com.vn) – Nghiên cứu khoa học (NCKH) luôn được coi là một trong những hoạt động quan trọng nhất của SV tại các trường ĐH, CĐ, giúp SV vận dụng phương pháp luận và NCKH trong học tập vào thực tiễn nghiên cứu, hệ thống hóa kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo…
Hiện nay, hoạt động này thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên trên địa bàn TP Đà Nẵng, đặc biệt là những bạn trẻ năng động, yêu thích sáng tạo. Qua đó, tạo cơ hội để các bạn SV được thể hiện bản thân, nâng cao tri thức khoa học và giúp tìm ra những đề tài mới, lạ có tính ứng dụng cao phục vụ cho sự phát triển xã hội.
PGS-TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng tham quan các công trình tại ngày Hội nghị SV NCKH tại ĐH Bách Khoa Đà Nẵng.
Đưa SV tiếp cận với thực tiễn
Video đang HOT
Việc NCKH trong SV có những ích lợi như nâng cao và củng cố kiến thức, phát triển kỹ năng mềm, tạo dựng mối quan hệ xã hội… Giành giải nhất Hội nghị SV NCKH ĐH Đà Nẵng, giải ba tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2014 do Bộ GD-ĐT tổ chức, bạn Ngô Thanh San (SV Khoa Marketing- ĐH Kinh tế Đà Nẵng) chia sẻ: “Tham gia NCKH, SV sẽ tập làm quen với đề tài nghiên cứu quy mô nhỏ.
Trong quá trình thực hiện đề tài, SV sẽ nảy ra nhiều ý tưởng, hướng giải quyết khác nhau, giúp chúng ta rèn luyện tư duy độc lập, biết bảo vệ lập trường khoa học của bản thân. Một số đề tài khoa học thường do một nhóm từ hai SV trở lên cùng thực hiện, giúp SV phát triển các kỹ năng làm việc nhóm, tra cứu tư liệu, phương pháp phân tích, tổng hợp”.
Bạn Kiều Đỗ Ngọc Trúc (Khoa Thống kê- Tin học- ĐH Kinh tế Đà Nẵng)- Giải nhất Hội nghị SV NCKH ĐH Kinh tế Đà Nẵng năm 2015 cho rằng: “Mỗi SV tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm tạo tiền đề cần thiết để làm luận văn tốt nghiệp sau này. Quá trình tiếp cận, làm việc với các thầy cô hướng dẫn sẽ giúp SV học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức thực tế, thúc đẩy sự gắn bó mối quan hệ giữa SV với giảng viên.
Còn Phạm Thị Thanh Dung (SV năm 2 Khoa Địa lý- Trường ĐH Sư Phạm Đà Nẵng) bày tỏ: “Việc thực hiện và bảo vệ một đề tài NCKH sẽ rèn giũa cho SV kỹ năng diễn đạt, trình bày vấn đề, kỹ năng thuyết trình, phong thái đĩnh đạc, tự tin khi bảo vệ trước hội đồng khoa học. Đây cũng là một trải nghiệm quý báu và thú vị không phải ai cũng có thể trải qua trong quãng đời SV của mình”.
NCKH kích thích năng lực tư duy sáng tạo của SV, tìm ra những đề tài có tính ứng dụng cao. Nghiên cứu từ tháng 7-2014, đề tài “Xử lý Sulfat hữu cơ, khử sắt trong nước thải tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc bằng chế phẩm vi sinh BIO-D.Oxamicus” của bạn Trịnh Thị Mỹ Hạnh (SV Khoa Hóa, Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng) đã lọt vào vòng bán kết cuộc thi Holcim Prize 2015 do Cty Holcim VN tổ chức”. Hạnh chia sẻ: “Chế phẩm vi sinh BIO-D.Oxamicus không chỉ ứng dụng cho trạm xử lý nước thải Phú Lộc mà còn cho nhiều trạm xử lý nước thải khác trong thành phố Đà Nẵng và cả nước, giúp làm giảm mùi hôi, cải thiện môi trường, góp phần bảo đảm sức khỏe cho người dân xung quanh khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm”. Hạnh nói thêm: “Làm NCKH đòi hỏi SV phải đầu tư công sức, có lòng say mê nghiên cứu mới có thể thành công. Khi nhà trường, khoa thông báo danh sách các SV có đủ tiêu chuẩn làm NCKH, SV phải bắt tay vào tìm đề tài, liên hệ GV hướng dẫn, tìm tài liệu tham khảo…
Quá trình làm đề tài diễn ra từ một đến 2 tháng, có khi cả năm trời, nếu không có lòng say mê tìm tòi, nghiên cứu thì không thể thành công. Việc tham gia NCKH giúp mình tiến gần hơn với thực tiễn, không còn là những kiến thức, con số mà được thực hành trong phòng thí nghiệm. Điều này giúp mình củng cố kiến thức đã học”.
Nhóm SV ĐH Bách Khoa Đà Nẵng với nghiên cứu xe lăn điện có tính ứng dụng cao.
Hỗ trợ khuyến khích SV nghiên cứu khoa học
PGS.TS Đào Hữu Hòa – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho biết: “Là một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức về kinh tế hàng đầu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng xác định mục tiêu trở thành trường ĐH theo định hướng nghiên cứu, nên việc gắn đào tạo với hoạt động NCKH của giảng viên, SV được xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Phong trào luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Ban giám hiệu nhà trường, sự tận tụy, nhiệt tình hướng dẫn của các thầy cô giáo và đặc biệt là sự đam mê, thông minh, sáng tạo của SV nhà trường. Phong trào NCKH của trường trong thời gian qua phát triển mạnh mẽ và đã gặt hái được nhiều thành công. Gần đây nhất là tại cuộc thi Tài năng khoa học trẻ toàn quốc 2014 do Bộ GD-ĐT tổ chức, SV Trường ĐH kinh tế đã đạt một giải nhì và hai giải ba. Những thành tích đó là động lực để SV nhà trường tiếp tục nghiên cứu, phát hiện và sáng tạo những đề tài khoa học mang tính ứng dụng cao vào thực tiễn”.
PGS.TS Võ Chí Chính, Phó Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế – Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho biết: “Hằng năm, số lượng SV tham gia NCKH ngày càng đông, có gần 200 đề tài SV NCKH với nhiều thể loại, lĩnh vực khác nhau từ thiết kế, xây dựng phần mềm đến triển khai ứng dụng hoặc chế tạo sản phẩm công nghệ phục vụ đời sống, sản xuất. Nhiều SV của trường tham gia và đoạt các giải thưởng NCKH trong và ngoài nước như: Giải thưởng tài năng khoa học trẻ, Honda YES, Holcim Prize…
Có những đề tài đã có tính ứng dụng trong thực tế như: Xe lăn điện, gương thông minh, tàu lặn, robot leo tường, lau kính tự động cho nhà cao tầng hay ô-tô điện chạy bằng năng lượng mặt trời… Các bạn SV rất hăng say, nhận thức được vai trò quan trọng của NCKH trong việc tiếp cận thực tế, các vấn đề chuyên môn mà mình đang theo học. Qua đó, học hỏi được nhiều kiến thức thực tế, nâng cao vốn hiểu biết. Thời gian đến, trường sẽ triển khai chính sách khuyến khích SV tham gia NCKH, kết hợp với các doanh nghiệp đặt hàng đề tài nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm… để SV tham gia nghiên cứu đạt hiệu quả các đề tài khoa học”.
Hiện nay, do chương trình học tập khá nặng nên thời gian SV dành cho NCKH bị hạn chế, dẫn đến việc giảm chất lượng công trình nghiên cứu. Để tham gia nghiên cứu, SV cần trang bị kiến thức chuyên môn đầy đủ mới có thể đạt kết quả cao. Về phía nhà trường cần có những chính sách quan tâm, hỗ trợ phù hợp, tuyên truyền cho SV biết được những lợi ích khi tham gia NCKH đặc biệt với SV năm 1 và năm 2.
Giảng viên hướng dẫn cần tìm những đề tài mới, có tính ứng dụng cho SV, gây dựng trong các em niềm đam mê nghiên cứu, phân tích cho SV thấy được những lợi ích từ NCKH, gắn liền quá trình học tập và nghiên cứu. Tuy vậy, mỗi SV cần có niềm đam mê, hăng say trong NCKH, trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản cần thiết và mạnh dạn đề đạt ý tưởng với giảng viên khi phát hiện vấn đề mới, biến những ý tưởng đó thành đề tài khoa học có ích cho bản thân và xã hội.
Theo cand.com.vn