Sinh viên tự cứu mình trong mùa bão giá
Đối với sinh viên, mỗi lần tăng giá là mỗi lần khổ. Do vậy, để đối phó với tăng giá, các bạn đã tự tìm ra nhiều cách để cứu lấy mình.
Về quê “tay xách nách mang”
Vừa đặt chân xuống phòng trọ, Thúy – sinh viên Đại học Ngoại ngữ thở hổn hển vì phải xách quá nhiều đồ, một ba lô to đùng cộng với tải gạo 20 kg. Thúy vừa đặt đồ xuống vừa nói: “Bây giờ cái gì cũng tăng giá, nhất là thực phẩm, em đi chợ mà thấy xót quá, cho nên đợt này về quê em mang đồ ở nhà đi’”. Thúy mở ba lô lôi ra rau, trứmg, lạc, hành, tỏi… Chỗ thực phẩm mà Thúy mang lên cũng giúp em tiết kiệm 300 nghìn đồng tiền ăn trong 1 tháng.
Cũng như Thúy, Phương sinh viên Trường ĐH Luật, nhà ở Vĩnh Phúc, thỉnh thoảng vẫn được bố chở gạo và thực phẩm lên “viện trợ”, Phương tâm sự: “Bây giờ giá cả thi nhau tăng giá, phòng trọ bọn em ngày trước 1,2 triệu đồng/tháng giờ lên 1,4 triệu đồng/tháng, điện tăng lên 4.000 đồng/số, nước lên 70.0000 đồng/người/tháng, phí Internet 100.000 đồng/tháng. Đi chợ mua thực phẩm giá cả cũng tăng từng giờ, mới lúc sang em mua 5.000 đồng/củ su hào mà đến chiều đã tăng lên 6.000 đồng. Sinh viên bọn em bố mẹ cho tiền cũng chỉ giới hạn thôi. Nên bây giờ tiết kiệm được khoản nào hay khoản ấy.”
Không có cơ hội về quê nhiều như các bạn nhưng Phong – chàng sinh viên ĐH Bách khoa, quê ở Nghệ An, lại cho biết về cách đối phó với tăng giá đầy vất vả của mình.
“Vì nhà ở xa, nên mỗi khi gần hết gạo em lại gọi điện về bảo bố mẹ gửi theo xe khách ra. Lần nào đi lấy gạo em cũng ngại lắm, đạp xe mất 5 cây số cộng với chở bao gạo 30 kg. Đúng là đời sinh viên đi học thích thật đấy, nhưng cứ mỗi lần tăng giá “vù vù” thế này thì bọn em “méo hết cả mặt” – Phong than thở.
“Khổ” cũng phải “cố”
Video đang HOT
Vào chơi phòng trọ của Khoa – sinh viên ĐH Công nghiệp, tôi thắc mắc khi nhìn thấy dòng chữ được viết nay ngay ngắn trên tường “Khổ cũng phải cố”. Khoa giải thích ngay: “Bây giờ cái gì cũng đua nhau tăng giá, nên câu viết đó như là phương châm sống của những sinh viên nghèo, nó như lời động viên bọn em cùng nhau cố gắng học tập vượt qua “.
Thủy và Trang – sinh viên ĐH Công đoàn cũng có cách “cố” riêng của mình. Thủy chia sẻ: “Bọn em phải học cả ngày nên buổi trưa ở lại trường luôn, bây giờ cơm sinh viên bình dân cũng đắt lắm 15 – 20 nghìn đồng/suất mà ăn chẳng được no, hai đứa em bảo nhau dậy sớm nấu cơm mang đến trường vừa tiết kiệm mà lại có sức để học”.
Còn Lan – sinh viên ĐH KHXH&NV hàng ngày đi bộ từ nhà đến trạm xe bus gần 1km, ở nhà có xe máy nhưng từ khi xăng tăng giá cao quá, Lan thay đổi phương tiện di chuyển, chịu khổ một chút nhưng mỗi tháng em cũng tiết kiệm được mấy trăm nghìn tiền xăng.
Với Châm – sinh viên ĐH Ngoại ngữ, phương tiện di chuyển hữu dụng của em là xe đạp, Châm kể: “Ngoài giờ học ở trường, buổi tối em còn đi dạy gia sư tiếng Anh, xe đạp tiện dụng lắm, không mất chi phí mà mình có thể “len lỏi” chống chọi với tắc đường. Chỉ hơi mệt chút thôi!”.
Trò chuyện với bác Lan – một phụ huynh quê ở Bắc Giang nhân dịp bác xuống Hà Nội thăm con, bác giãi bày: “Thấy tụi nhỏ đi học mà thương quá, ở đây cái gì cũng đắt đỏ, từ phòng trọ đến điện nước, thực phẩm. Nhìn bữa cơm ăn của bọn chúng mà tôi chảy nước mắt. Nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Ở quê kiếm tiền khó lắm, cả nhà chỉ trông mong vào mấy sào ruộng, nên cũng không cho chúng được nhiều”.
Chị Hương – một công chức Hà Nội có con học ĐH cũng xót xa khi nghe con gái kể về cuộc sống của các bạn mình. Chị lo lắng nói: “Giá cả leo thang, sinh viên đi học thấy bọn nó khổ quá, có bữa cơm 4 đứa ăn chung mà hết có 30 nghìn đồng. Ăn uống như vậy làm sao có sức để học”.
Theo Dân Trí
Sinh viên "chóng mặt" với giá thuê trọ
Giá thuê nhà tăng, tiền điện, nước tăng, giá đồ ăn tăng.... Những sự tăng giá này đang tác động đời sống người dân và sinh viên có lẽ là đối tượng khó khăn nhất phải chống chọi với "bão" giá vì nguồn thu nhập chính là từ sự hỗ trợ của gia đình.
"Chóng mặt" với chủ nhà
Nguyễn Ngọc Hoa, sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Luật Hà Nội đang thuê nhà ở khu vực Cầu Giấy thở dài tâm sự: "Tháng này, em đang phải gọi điện về xin bố mẹ trợ cấp thêm ít tiền. Hôm qua chủ nhà xuống thông báo làm em chóng cả mặt".
Hoa liệt kê: Giá nhà trọ tăng từ 800.000đ/tháng lên 1.000.000đ/tháng giá điện tăng từ 3.500đ - 5.000đ/số. Tiền nước 30.000đ - 50.000đ/tháng. Trước đây, một ngày Hoa và bạn cùng phòng nấu ăn mỗi ngày tính ra hết 50.000đ (tính cả tiền ga, mắm muối...) nay lên 70.000đ.
Chưa đủ, Hoa liệt kê thêm tiền chi phí trong tháng đủ thứ mà không thể bỏ được như tiền thuốc đánh răng, xà phòng, sữa tắm, tiền sách vở, vé xe buýt, tiền sinh nhật hàng tháng của các bạn trong lớp... Trong khi đó, cả tháng bố mẹ Hoa chu cấp 2 triệu đồng/tháng.
Hoa thật thà tâm sự: "Hai tháng nay, em chẳng dám mua thứ gì cho bản thân mình. Mua cái gì em cũng ghi vào sổ liệt kê xem chi tiêu thế nào. Hôm trước phải gọi điện về xin thêm bố mẹ 500.000đ/tháng, mới đủ".
Còn Tuấn Anh, sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội vất vả hơn rất nhiều. Quê Tuấn Anh ở huyện Trực Ninh, Nam Định. Bố mẹ đều làm nông nên cố gắng lắm mỗi tháng chỉ chu cấp cho con được 1,5 - 2 triệu đồng.
Tuấn Anh với người bạn cùng quê thuê nhà ở quận Thanh Xuân, căn phòng chật chội 11m2 có giá thuê 1 triệu đồng/tháng. Tháng vừa qua chủ nhà tăng giá nhà lên 1,2 triệu đồng. Trong phòng có 2 máy tính, nối mạng Internet, mỗi tháng Tuấn Anh và bạn trả cả tiền điện là 300.000đ/tháng nay chủ nhà tăng lên 400.000đ chưa kể tiền nước và đồ ăn.
Để tiết kiệm chi tiêu, hàng tháng Tuấn Anh đều về quê mang gạo, thậm chí mang cả mắm và cá khô lên.
"Vất vả việc mang lên nhưng cũng giảm được phần chi tiêu hàng tháng cho em vì tiền giấy vẽ, bút vẽ nhiều lúc đã làm cho em nhẵn túi, ăn mì tôm 2 ngày là chuyện thường" - Tuấn Anh tâm sự.
Nhà trọ "cổ" này với diện tích 15m2 ở Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa tăng giá lên 1,2 triệu đồng/tháng.
Không thuê nhà ở khu vực gần trường, Phạm Trường Sinh, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, quê ở Hưng Yên, thuê nhà tận cuối quận Hà Đông gần khu Ba la với giá 1,5 triệu/phòng 25 m2, cho 2 anh em ở. Vậy mà tháng vừa qua, chủ nhà tăng giá lên 2 triệu đồng/tháng. Sinh giải thích, năn nỉ thế nào chủ nhà để 3 tháng nữa mới tăng nhưng không được sự đồng ý. Không chỉ thế, Sinh phải chi thêm 50.000đ/tháng đối với tiền điện từ 150.000 - 200.000đ/tháng. Tăng giá thế nên việc nhịn ăn sáng với Sinh trở nên thường xuyên hơn.
Hát bài ca "bão giá"
Để động viên tinh thần chống chọi với bão giá, vừa qua, nhóm sinh viên phòng 416 trong ký túc xá, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội đã sản xuất clip nói về "bão giá".
Mở đầu clip là cảnh một nam sinh, mặc đồng phục thể dục, từ giảng đường trở về nhà. Cậu sinh viên thong dong ngồi trên chiếc xe đạp cào cào trở về phòng trọ, bụng lép kẹp. Tiếp đó là cảnh sinh hoạt ở phòng trọ 416 ở ký túc xá. Hai nam sinh đang miệt mài với đèn sách. Còn một anh chàng khác lại đang say giấc nồng, miệng chóp chép thèm ăn. Hôm sau, một bạn nữ mang thùng mì tôm và bánh mì, bim bim đến cho phòng trọ của các chàng trai. Mừng úm, nhảy cẫng lên các chàng trai xúm vào đùa nghịch, giành nhau đồ ăn.
Chia sẻ, an ủi với nhau để chống chọi với bãi giá, trong clip có đoạn: "Anh vẫn sống dù rằng thiếu mất đi bữa sáng. Vì do giá đã quá đắt nên bữa sáng và trưa là một. Anh sẽ cố gắng ăn mì tôm qua ngày, chờ đợi một ngày giá sẽ go down... Vì do giá tăng nên sinh viên khổ đủ đường, ngày xưa suất cơm năm nghìn nay lên đến tám. Đi ngang quán cơm không dám quay lại nhìn, dù bụng reo ca nhưng vẫn mong một ngày, cuối tháng mẹ gửi tiền, hạnh phúc ngất ngây trào dưng...".
Càng khó khăn, sinh viên càng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn: "Thời gian khó khăn anh em ta phải đồng lòng. Cùng mua bếp ga, xoong nồi, mua thêm bát đũa. Và anh hãy tin khi có em hậu cần, đặt bàn tay em con tim anh cùng cuộc đời. Dù cho giá lên xuống từng ngày, ta mãi còn bên nhau".
Theo Dân Trí
Độc chiêu ăn tất niên của sinh viên nghèo Đến cuối năm, thanh toán hết tiền trọ, đặt cọc sẵn tiền phòng cho tháng Tết, tiền tàu xe..., sinh viên rơi vào tình trạng nhẵn túi. Tuy vậy, một buổi liên hoan tất niên vui vẻ cùng cả lớp hoặc các chiến hữu thì không thể bỏ qua. Trong cái "nghèo" ấy, sinh viên đã nghĩ ra nhiều chiêu độc để giảm...