Sinh viên trong vụ gian lận “chạy trường triệu đô” ở Mỹ sẽ bị xử lý ra sao?
Các trường đại học top đầu Mỹ vướng vào bê bối gian lận tuyển sinh đại học do William Singer cầm đầu mới đây bị phanh phui tại Mỹ đã thể hiện động thái trước cáo buộc. Trong đó, người phát ngôn trường Đại học University of Southern California cho hay, tất cả học sinh đang nộp đơn vào trường có liên quan tới đường dây chạy tiền sẽ bị từ chối tiếp nhận.
Đối với những sinh viên đã vào học và có thể liên quan tới bê bối trên cũng sẽ bị xem xét lại tùy từng trường hợp.
“University of Southern California sẽ có quyết định hợp lý. Chúng tôi cân nhắc đến tất cả các thông tin và yêu cầu tất yếu một khi điều tra hoàn tất”, ông Gary Polakovic – phát ngôn viên Đại học University of Southern California nói.
Tuyên bố chính thức của trường được đưa ra ít ngày sau khi thông tin vụ bê bối chạy điểm vào đại học gây xôn xao dư luận Mỹ.
ĐH Stanford mới đây cho biết họ đã sa thải huấn luyện viên đội đua thuyền John Vandemoer sau khi tên ông xuất hiện trên cáo trạng.
Vandemoer bị buộc tội nhận tiền để đưa học sinh vào chương trình đào tạo đua thuyền tại Stanford. Nhà trường cho biết sẽ tiến hành điều tra kỹ càng hơn và chưa có hình thức xử lý cụ thể với sinh viên khi chưa có kết quả điều tra.
Một trong những trường công lâu đời và nổi tiếng nhất Hoa Kỳ cũng có mặt trong danh sách này, với người liên quan là huấn luyện viên trưởng đội bóng đá của UCLA – Jorge Salcedo.
Trong thông báo mới nhất, UCLA cho biết họ đã đình chỉ Salcedo và xác nhận “ông không còn liên quan đến các vấn đề của đội bóng khi sự việc đang được điều tra”. Ngoài ra, nhà trường cho biết họ “chưa ghi nhận sinh viên nào đáng nghi”.
Diễn viên Felicity Huffman là nhân vật nổi tiếng liên quan tới đường dây chạy cho con vào trường ĐH nổi tiếng. Trong ảnh, Huffman cùng chồng và hai con gái (Ảnh: Daily Mail)
Đây được coi là vụ lừa đảo tuyển sinh đại học lớn nhất từng bị phanh phui tại Mỹ. Theo các nhà chức trách công bố, phụ huynh đã phải chi trả khoảng $250.000 – $400.000 (khoảng 5,6 tỉ – hơn 9,2 tỉ đồng) cho mỗi học sinh.
Các thí sinh có thể được nhận vào trường dễ dàng nếu có đủ tiền, bất kể việc học lực hay thành tích thể thao của họ như thế nào.
Đáng chú ý, những cái tên được nêu ra có cả những trường hết sức nổi tiếng như Yale và Stanford trong khối Ivy League.
Theo luật sư Andrew Lelling tại phòng công tố bang Massachusetts, số phận của những sinh viên tại các trường đại học danh giá có liên quan tới vụ việc vẫn chưa được quyết định. Điều đáng nói, những sinh viên còn không biết về hành vi phạm pháp của cha mẹ mình.
“Đối tượng phạm pháp chính trong vụ lừa đảo lần này là bậc phụ huynh và các bị cáo khác”, công tố viên Lelling cho biết. Tuy nhiên, có thể một vài sinh viên sẽ đối mặt với những cáo buộc.
Video đang HOT
Trong khi đó, lãnh đạo trường đại học danh tiếng khác bao gồm Yale, Stanford và Georgetown hiện phải kiểm tra lại các cáo buộc phạm tội đối với một số thành phần then chốt trong ban quản lý trường, một vài người trong số họ đã rời khỏi trường.
“Đối với tất cả sinh viên được nhận vào trường học thông qua đường dây lừa đảo này, ắt hẳn có những học sinh tài năng trung thực khác bị từ chối.
Tôi xin nhấn mạnh không có bất kỳ hệ thống tuyển sinh đại học cũng như pháp lý nào dành riêng cho những người giàu có”, công tố viên Andrew Lelling tuyên bố trong buổi họp báo tại Boston, bang Massachusetts.
Trong một diễn biến khác, Olivia Jade Gannullim (19 tuổi), con gái của Lori Loughlin – nữ diễn viên chính trong loạt phim truyền hình Full House và nhà thiết kế Mossimo Giannulli đang bị chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội sau khi thông tin mẹ cô nằm trong danh sách “mua chuộc” ban tuyển sinh đại học với con số lên đến hàng chục triệu USD.
Theo đó, mẹ Olivia đã chi 500.000 USD để đưa cô vào trường đại học California (USC). Chị gái 20 tuổi của Olivia cũng theo học tại USC nhờ cách này.
Là một cô gái trẻ năng động xinh đẹp, Olivia Jade Gannullim trở thành gương mặt trẻ “đình đám” Instagram với hơn 1,6 triệu người theo dõi. Cô cũng được biết đến là một YouTuber gây ảnh hưởng. Nhờ đó, Olivia được nhiều nhãn hàng săn đón làm gương mặt đại diện hoặc quảng cáo.
Thông tin liên quan đến vụ cáo buộc khiến cô nàng bất ngờ hứng chịu luồng phẫn nộ từ dư luận, vì cho rằng, Olivia đã tranh giành mất suất học đáng lẽ ra phải dành cho người xứng đáng hơn.
“Có người tài năng không được vị trí ở một ngôi trường xứng đáng chỉ vì gia đình cô”, “Đừng nghĩ giàu có là có thể làm mọi chuyện”, dân mạng khá gay gắt bình luận trên trang mạng của cô gái trẻ. Olivia Jade Gannullim đã phải khóa bình luận trên trang cá nhân. Từng muốn tự mình phát triển con đường nghệ thuật, Olivia đi học chỉ vì đó là mong muốn của cha mẹ cô.
Trong khi đó, các nhãn hàng thuê Olivia làm gương mặt đại diện cũng ngưng hợp tác quảng cáo. Các nhà chức trách cho biết, họ sẽ xem xét tất cả những trường hợp có liên quan đến vụ việc. Rất có thể nhiều người sẽ bị từ chối cho nhập học hoặc tiếp tục theo học.
Gần 50 người ở 6 tiểu bang của Mỹ là các nữ diễn viên Hollywood, lãnh đạo doanh nghiệp và huấn luyện viên đại học danh giá mới đây đã bị Bộ Tư pháp nước này buộc tội vì tham gia vào đường dây bê bối gian lận tuyển sinh.
Phụ huynh giới nhà giàu tại Mỹ đã “bắt tay” cùng William Rick Singer để thực hiện gian lận một cách có hệ thống nhằm đảm bảo con của họ được nhận vào một số trường đại học hàng đầu gồm Yale, Stanford, Texas, UCLA, USC, Wake Forest…
Ca sĩ William Rick Singer (58 tuổi), người sáng lập công ty tư vấn đại học có tên Edge College & Career Network cầm đầu vụ lừa đảo tuyển sinh đại học được cho là lớn nhất từng xảy ra ở Mỹ trong thời gian dài với lợi nhuận khổng lồ này.
Sự vụ dẫn đến việc truy tố 33 phụ huynh, bao gồm nữ diễn viên nổi tiếng phim “Những bà nội trợ kiểu Mỹ” Felicity Huffman và 13 huấn luyện viên đại học cùng các cộng sự kinh doanh khác.
Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, con cái của những phụ huynh này không hề hay biết mình là nạn nhân của bê bối chạy trường.
Lệ Thu
(Tổng hợp)
Theo Dân trí
'Chạy trường' đại học ở Mỹ: Thủ đoạn đơn giản đến bất ngờ
Thủ đoạn 'chạy trường' đại học của ông trùm William Rick Singer đơn giản đến bất ngờ nhưng đường dây này chỉ được phát hiện một cách tình cờ.
Ông William Rick Singer, 58 tuổi, người điều hành đường dây 'chạy trường' đại học cho con cái của những nhà giàu có khai đã làm việc với hơn 761 gia đình từ năm 2011 đến 2018 - Ảnh: REUTERS
Dư luận Mỹ hết sức xôn xao trong mấy ngày qua khi hơn 50 bị cáo, trong đó có diễn viên nổi tiếng, nhà thiết kế, giám đốc tập đoàn giàu có... phải ra tòa vì bỏ tiền chạy hồ sơ vào các trường đại học nổi tiếng cho con cái.
Theo các công tố viên liên bang, đường dây chạy tuyển sinh ĐH bị đưa ra xét xử ngày 13-3 là vụ việc lớn nhất từng bị truy tố tại Mỹ. Tổng cộng, 25 triệu USD đã được chuyển đến một quỹ từ thiện trá hình để thanh toán cho các giao dịch chạy trường.
Quy mô lớn
Những người bị bắt gồm hai quản trị viên của kỳ thi SAT và ACT (kỳ thi tiêu chuẩn đánh giá năng lực học tập của học sinh trung học trước khi đăng ký vào ĐH, CĐ tại Mỹ), một giám thị coi thi, chín huấn luyện viên ở các trường ĐH danh tiếng, một chuyên viên phụ trách tuyển sinh ở trường ĐH và 33 phụ huynh.
Đài NBC News tường thuật: khai với các điều tra viên của FBI, William Rick Singer, 58 tuổi, "chiến lược gia" của toàn bộ đường dây, cho biết đã làm việc với hơn 761 gia đình từ năm 2011-2018.
Cam kết của Singer là đảm bảo cho con cái của những người giàu có này được vào học tại một số trường ĐH thuộc top đầu ở Mỹ. Trong số các trường được nhắm tới có ĐH Yale, ĐH Stanford, ĐH Georgetown, ĐH Nam California, ĐH California ở Los Angeles.
Theo CNN, thủ đoạn được Singer sử dụng đơn giản đến bất ngờ. Nó bao gồm gian lận trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn, hối lộ những người có thể can thiệp trong quá trình tuyển sinh.
Một trong các mánh mà Singer tư vấn các phụ huynh là nói dối các giám thị, viện dẫn lý do con họ bị một số vấn đề khiếm khuyết liên quan đến học tập để các em có thêm thời gian làm bài thi. Singer chi phối hai trung tâm thi SAT/ACT ở Houston, Texas và West Hollywood, California.
Dùng nhiều mánh khóe
Các giám thị tại các trung tâm này bị cáo buộc đã nhận hàng chục ngàn USD để giúp khách hàng của Singer gian lận bằng cách cho sửa những câu trả lời sai hoặc làm ngơ cho người thi hộ do Singer gửi tới.
Theo CNN, đứng ra thi hộ chứng chỉ SAT và ACT cho các học sinh là Mark Riddell, 36 tuổi, sống ở Florida. Mỗi lần thi hộ, Riddell nhận được 10.000 USD. Điều đáng ngạc nhiên là anh này không hề ăn cắp câu trả lời hay gian lận khi làm bài thi. Riddell đơn giản là rất giỏi làm những bài thi này.
Khi có hợp đồng, Riddell bay từ Florida đến trung tâm ở Houston hoặc Los Angeles, nơi có những giám thị trong đường dây của Singer làm việc. Qua truyền thông, Riddell cho biết rất hối hận về những việc mình làm và chịu trách nhiệm vì những gì đã gây ra làm tổn hại đến niềm tin đối với quy trình tuyển dụng ĐH.
Singer cũng giúp cha mẹ học sinh dàn dựng để chụp hình con cái họ chơi thể thao hoặc ghép vào hình ảnh của các vận động viên trên Internet để thổi phồng thành tích về thể thao trong hồ sơ.
Trong mạng lưới của Singer có Rudolph Meredith - cựu huấn luyện viên nhiều thành tích của đội bóng đá nữ của ĐH Yale từ năm 1995 đến tháng 11-2018. Meredith hợp tác với Singer từ tháng 4-2015.
Theo hồ sơ, tháng 11-2017, một gia đình đồng ý trả 1,2 triệu USD để con gái mình vào Trường Yale. Singer cho nhân viên "vẽ" một bảng thành tích thể thao hoành tráng cho nữ sinh này như thuộc đội trẻ của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Trung Quốc. Lý giải cho việc không chơi bóng đá, hồ sơ cho biết nữ sinh đang bị chấn thương.
Singer gửi cho Meredith bảng thành tích dỏm và bài luận của học sinh này. Vị huấn luyện viên đã ra sức thuyết phục và hậu thuẫn cho nữ sinh với ban tuyển sinh dù biết rõ cô gái không hề chơi bóng đá.
Sau khi vụ việc thành công, Meredith được trả 400.000 USD từ tài khoản của quỹ từ thiện dỏm Key Worldwide Foundation do Singer điều hành.
Tuy nhiên, Meredith muốn qua mặt Singer để làm việc trực tiếp với các phụ huynh giàu có. Ngày 12-4-2018, Meredith tiếp xúc với cha của một học sinh có nguyện vọng vào Trường Yale và ra giá số tiền 450.000 USD. Tuy nhiên, đây là cái bẫy của FBI.
Chủ tịch Trường ĐH Yale Peter Salovey cho biết ông "bị chấn động" về những cáo buộc chống lại huấn luyện viên Meredith: "Chúng tôi không tin có thành viên nào khác của Yale biết về âm mưu này. Nhà trường đã hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra".
Có thể đình chỉ học tập sinh viên có liên quan
Ngày 13-3, hai trường ĐH Nam California - USC và California ở Los Angeles - UCLA đều bắt đầu kiểm tra lại toàn bộ đơn đăng ký nhập học của những sinh viên có phụ huynh bị khởi tố trong vụ việc.
USC thông báo: "Chúng tôi sẽ xem xét từng trường hợp đối với các sinh viên đang học hoặc đã tốt nghiệp liên quan đến cáo buộc của chính quyền và sẽ có quyết định phù hợp khi hoàn thành quá trình này. Đối với những hồ sơ tuyển sinh của năm nay, hồ sơ nào liên quan sẽ bị loại".
ĐH UCLA cũng thông báo: "Nếu phát hiện bất cứ sinh viên nào, dù đang ở vòng xét tuyển hay đã nhập học, UCLA có thể áp dụng biện pháp kỷ luật, bao gồm cho thôi học".
Nhiều trường dự bị ưu tú ở khu vực Los Angeles đã được triệu tập liên quan đến vụ lừa đảo tuyển sinh ĐH để cung cấp thêm thông tin về một số gia đình được cho là có liên quan đến đường dây chạy trường.
Phát hiện tình cờ
Theo ABC News, điều tra viên của FBI tình cờ khám phá ra đường dây chạy trường trong lúc đang điều tra vụ gian lận chứng khoán. Điều tra viên tại Boston nhận được tin báo về khoản tiền hối lộ 400.000 USD được trả cho huấn luyện viên bóng đá nữ ở ĐH Yale nhằm làm giả thành tích thể thao.
Theo tuoitre
ĐH Stanford, Yale sa thải nhân viên vụ nhà giàu chạy suất học cho con Gần 50 người bị truy tố. Các trường đại học hàng đầu ở Mỹ như Stanford, Yale sa thải nhân viên tiếp tay cho đường dây nhà giàu mua suất 25 triệu USD, rà soát quá trình tuyển sinh. Đường dây lừa đảo tuyển sinh 25 triệu USD ở Mỹ bị phanh phui. Theo ABC News, khoảng 50 người bị bắt giữ vì...