Sinh viên tranh biện về “Tiến hóa và thoái hóa”
Chiều 19/4, sáu thí sinh đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội tranh biện về “Tiến hóa và thoái hóa” trong Chung kết Cuộc thi Tranh luận và Hùng biện BNW 2015.
Phạm Đức Anh (trái) là quán quân BNW 2015 .
Nối tiếp thành công của hai mùa thi trước, Tổ chức YVS Vietnam tiếp tục tổ chức Cuộc thi Tranh luận và Hùng biện BNW 2015 với chủ đề “Tiến hóa và thoái hóa”. Đây là sân chơi bổ ích dành cho những bạn trẻ đam mê, cũng như có tiềm năng tư duy, tranh luận và hùng biện tốt.
Trải qua gần hai tháng với bốn vòng thi, ban tổ chức (BTC) chọn ra được sáu gương mặt xuất sắc tranh tài trong chung kết tổ chức tại Nhà văn hóa Học sinh – Sinh viên, cụ thể:
Phạm Đức Anh (ĐH Ngoại thương Hà Nội), Nguyễn Trọng Hiếu (ĐH Luật Hà Nội), Hoàng Tuyết Mai (ĐH Lao động và Xã hội), Đỗ Thiên Hoàng Anh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Nguyễn Quỳnh Anh (ĐH Ngoại thương Hà Nội) và Trần Thị Hoài Thu (Khoa Luật – ĐHQGHN).
Nguyễn Quỳnh Anh
Hoàng Tuyết Mai
Đỗ Thiên Hoàng Anh
Video đang HOT
Nguyễn Trọng Hiếu
Tại chung kết, sáu thí sinh trải qua hai phần thi: Tranh biện 3-3 và Hùng biện đơn. Sau đó, Ban giám khảo (BGK) chọn ra hai thí sinh xuất sắc nhất bước vào phần ba Hùng biện định cao.
Ở phần Tranh biện 3-3, các thí sinh được chia thành hai đội theo kết quả bốc thăm từ trước. Theo đó, đội một – Ủng hộ, gồm Hoài Thu, Trọng Hiếu và Tuyết Mai dùng khả năng tranh luận và hùng biện bảo vệ luận điểm “Cần thiết trả lương cho người nội trợ”. Ngược lại, đội hai – Phản đối, gồm Đức Anh, Hoàng Anh và Quỳnh Anh đứng ở vai trò phản biện lại ý kiến của đội một.
Phần thi diễn ra căng thẳng, kịch tính khi mà mỗi đội đều có luận điểm riêng phản bác lập luận của đội bạn và bảo vệ quan điểm của đội nhà. Kết thúc phần thi, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cao tinh thần bảo vệ đến cùng ý kiến của hai đội. Nhà sử học nói thêm, qua cách đặt câu hỏi, phản biện, BGK nhận thấy một số cá nhân vượt trội hơn, tuy nhiên, nhìn chung các thí sinh giống “thầy cãi” hơn người tranh biện.
Sang phần thi tứ hai – Hùng biện đơn, sau mỗi đoạn video giới thiệu, thí sinh xuất hiện theo thứ tự bốc thăm để trình bày bài hùng biện về đề tài bốc thăm trong vòng ba phút. Cụ thể, các thí sinh bốc thăm ngẫu nhiên một trong hai đề tài: “Phải chăng cán cân bình đẳng giới đang nghiêng về phụ nữ” và “Phải chăng công nghệ cao đang chi phối con người” để hùng biện trước BGK.
Sau mỗi phần thi của thí sinh, một vị giám khảo chỉ định nhận xét và đặt câu hỏi. Qua phần thể hiện của sáu thí sinh, cùng với kết quả của phần đầu, bốn BGK chọn ra đội chiến thắng ở phần Tranh biện 3-3, đồng thời chọn ra hai cái tên cho phần ba.
Kết quả, đội hai – Phản đối thắng đội một với cách biệt bốn điểm. Hai thí sinh bước vào phần Hùng biện đỉnh cao là Đức Anh và Hoài Thu.
Phần thi cuối, đề thi chung của top hai tiếp tục xoay quanh chủ đề Văn hóa: “Bạn có nhận định thế nào về sức đề kháng của văn hóa Việt Nam trong thời kì hội nhập?”. BGK nhận định đề tài khó với tầm nhận thức của sinh viên, như giáo sư Nguyễn Lân Dũng có nói, đề tài này dành cho nhà sử học Dương Trung Quốc bàn trong cuộc họp Quốc Hội.
Xét về yếu tố kĩ năng, BGK cho rằng, hai thí sinh trình bày luận điểm mạch lạc, rõ ràng. Tuy nhiên, thí sinh chưa bộc lộ hết bản thân, còn trả lời cho giám khảo chấm điểm. Chung cuộc, thí sinh Phạm Đức Anh (sinh viên năm ba, ĐH Ngoại Thương) giành giải quán quân.
Giao lưu với quán quân BNW 2014 kiêm MC buổi chung kết Thành Đạt (phải)
Hai đội trong phần thi Tranh biện 3-3
Đội một đặt câu hỏi cho thành viên đội hai
Sáu thí sinh giao lưu với MC trong lúc chờ kết quả
Top ba BNW 2015
Đức Anh và Hoài Thu trong phần Hùng biện đỉnh cao
Tiết mục ca nhạc giải lao của câu lạc bộ guitar ĐH Ngoại Thương
Ba thí sinh trong top sáu nhận hoa và quà lưu niệm
Tuyết Mai giành được giải Ba
Quán quân và á quân vui vẻ trò chuyện
Theo tamguong.vn