Sinh viên thiếu kỹ năng, trường đại học vẫn chưa rõ phải dạy gì
Thiếu kỹ năng mềm là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên mới tốt nghiệp không được tuyển dụng. Nhưng hiện nhiều trường đại học vẫn chưa xác định được kỹ năng cần thiết để trang bị cho sinh viên.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tham gia các lớp đào tạo kỹ năng tại trường – Ảnh: VĂN VŨ
Trong khi đó, theo PGS.TS Hà Nam Khánh Giao – Trường ĐH Tài chính – marketing, người sử dụng lao động căn cứ vào yếu tố cá nhân và yếu tố tương tác như kỹ năng, sự nhạy bén khi xử lý công việc và giao tiếp của mỗi người lao động – các yếu tố này được gọi là kỹ năng mềm – để quyết định tuyển dụng là xu hướng ngày càng rõ ràng.
“Giảng viên phải khơi tính khát vọng, ý chí vươn lên cho sinh viên, đồng thời giáo dục họ có thái độ sống tích cực. Đây là kỹ năng vô cùng quan trọng”.
Ông Đỗ Thanh Năm (chủ tịch, giám đốc Công ty đầu tư công nghệ Win Win)
Mỗi trường một hướng
ThS Hoàng Thị Thoa – phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho hay theo kết quả khảo sát với sinh viên trường này, có 85% sinh viên thờ ơ, hiểu sai về việc học và rèn luyện kỹ năng mềm.
Sinh viên xem đây là môn học phụ, không cần thiết, có hay không cũng không quan trọng. Một bộ phận sinh viên khác lại xem kỹ năng mềm là thứ gì đó rất cao siêu, ngại tiếp cận.
“Ngay khi bước vào giảng đường, rất nhiều sinh viên bỡ ngỡ, không theo kịp chương trình học do thiếu kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. Những kỹ năng cơ bản của người học như đọc sách, tìm tài liệu, khai thác thông tin từ Internet… cũng không có. Nhiều sinh viên hụt hẫng, tụt dốc và bỏ dở việc học nửa chừng, mặc dù trước đây họ đều là học sinh khá giỏi” – bà Thoa cho hay.
Trong khi đó, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã quy định việc hoàn tất các khóa học kỹ năng mềm tối thiểu trước khi ra trường là điều kiện bắt buộc. Ông Nguyễn Mậu Bá Đăng, Trường ĐH Tài chính – marketing, cho biết các trường đại học đã bắt đầu nghiên cứu, đào tạo kỹ năng mềm.
Tuy nhiên, việc phát triển đào tạo kỹ năng nào và bằng phương pháp nào còn tùy thuộc vào chương trình giảng dạy của mỗi trường. Vì vậy, phần lớn các trường chỉ trang bị vài kỹ năng cũ, chậm cập nhật những kỹ năng mới để đưa vào chương trình cho sinh viên.
Video đang HOT
ThS Phạm Ngọc Dũng – Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cũng nhận định những năm gần đây, các trường ĐH đã quan tâm đến việc đào tạo các kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thích ứng của sinh viên khi ra trường.
Tuy vậy, việc xác định các kỹ năng nào là cần thiết để đào tạo cho sinh viên thì mỗi cơ sở đào tạo đi theo một hướng hoặc phụ thuộc vào các trung tâm đào tạo kỹ năng mềm bên ngoài. Bên cạnh đó, nhân lực đào tạo kỹ năng còn thiếu và yếu khi phần lớn được chuyển ngang từ các lĩnh vực chuyên môn sang đào tạo kỹ năng mềm.
“Việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên đã trở thành yêu cầu tất yếu, không chỉ là yêu cầu sống còn của sinh viên khi ra trường mà còn là tiêu chuẩn cạnh tranh của các trường ĐH” – ông Dũng nói.
Phải phù hợp với sinh viên từng ngành
ThS Nguyễn Đăng Đệ – Trường ĐH Văn Lang – cho rằng hiện nay việc đào tạo kỹ năng mềm cho tất cả sinh viên như nhau trong khi chí hướng mỗi người mỗi khác là không phù hợp. Vì vậy cần phân loại sinh viên của từng ngành học để đào tạo từng loại kỹ năng mềm phù hợp.
Theo ThS Phạm Ngọc Dũng, người dạy kỹ năng mềm phải liên tục cập nhật kiến thức mới về kỹ năng mà mình đào tạo. Tố chất của người dạy kỹ năng mềm chính là yêu cầu khác biệt, những giảng viên rất giỏi về chuyên môn nhưng chưa chắc có thể dạy kỹ năng mềm.
“Về lâu dài, các trường phải kết hợp với các trung tâm đào tạo kỹ năng mềm, các trường sư phạm để đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cho lĩnh vực này nhằm chủ động trong việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo phù hợp với sinh viên trường mình. Các trường ĐH cần phải đưa kỹ năng mềm vào giảng dạy chính thức trong chương trình” – ông Dũng kiến nghị.
ThS Ngô Thị Dung, Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng trong điều kiện môi trường biến động nhanh hiện nay, các cơ sở đào tạo ĐH cần đào tạo ra những sinh viên có khả năng thích ứng cao. Muốn vậy cần đổi mới mạnh mẽ về chương trình và phương pháp đào tạo, chú trọng nhiều hơn các môn học kỹ năng.
“Yêu cầu bổ sung kỹ năng mềm trong sinh viên để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp sau khi ra trường càng bức thiết hơn bao giờ hết. Các trường ĐH cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng mềm cần thiết và phù hợp với nội dung đào tạo chuyên môn, lồng ghép các kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo” – bà Dung nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường ĐH Tài chính – marketing, cũng cho biết tích hợp kỹ năng mềm vào các môn học chính ở trường học là xu thế của nhiều nước trên thế giới. Tích hợp giúp sinh viên có thể ứng dụng các kỹ năng mềm được biết vào thực tế, qua đó sinh viên có thêm thời gian và hoạt động để hình thành kỹ năng một cách tốt nhất.
“Tuy nhiên, phương pháp tích hợp sẽ khó áp dụng nếu giảng viên chưa thay đổi cách dạy từ truyền thống sang dạy học tích cực, dạy học lấy người học làm trung tâm” – bà Vân nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thủy – Trường ĐH Hà Nội – kiến nghị nhà trường cần nghiên cứu và xây dựng bộ tiêu chí để kiểm tra, đánh giá kỹ năng mềm của sinh viên.
Bộ tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở thực tiễn các kỹ năng mềm cần thiết với sinh viên sau khi tốt nghiệp và thường xuyên được cập nhật. Đồng thời, có thể xem đây là công cụ đánh giá chuẩn đầu ra của sinh viên về kỹ năng mềm.
3 nhóm kỹ năng quan trọng
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trong bối cảnh mới, nguồn nhân lực của VN phải đáp ứng được ba nhóm kỹ năng: các kỹ năng liên quan đến nhận thức (kỹ năng phân tích, xử lý thông tin phức tạp, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo tri thức); các kỹ năng mềm (đàm phán và giao tiếp nâng cao, năng lực học tập suốt đời, năng lực quản lý và thích ứng); các kỹ năng về công nghệ (kỹ năng CNTT nâng cao, phân tích dữ liệu, năng lực kỹ thuật và nghiên cứu, kỹ năng kỹ thuật số).
Theo tuoitre
Có kỹ năng mà thiếu giá trị sống: Nguy hại!
Sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mềm nên khó thích nghi với thực tiễn là thực trạng đã được các trường ĐH, CĐ đặc biệt quan tâm nhiều năm gần đây. Thế nhưng, việc chỉ tập trau dồi kỹ năng mà bỏ quên nền tảng cốt lỗi là giá trị sống thì càng nguy hiểm và bất ổn.
Nhiều vấn đề quanh việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên (SV) được đặt ra tại Hội thảo "Đào tạo kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" do Trường ĐH Tài chính - Marketing và ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM tổ chức sáng nay 26/10 thu hút nhiều quản lý, nhà giáo dục tham gia.
Thiếu kỹ năng, thiệt đủ đường
ThS Phạm Ngọc Dũng (ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM) dẫn báo cáo về năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 chỉ ra trình độ kỹ năng lao động của Việt Nam thấp, trong đó 65% lực lượng lao động Việt Nam không có kỹ năng và khoảng 78% dân số trong độ tuổi 20-24 không được đào tạo hoặc các kỹ năng cần thiết.
ThS Dũng cho rằng, trước đây vấn đề kỹ năng mềm cho SV chưa được các trường ĐH ở Việt Nam quan tâm, SV cũng ít để ý trau dồi, điều này dẫn đến việc chậm thích ứng với công việc, khó có khả năng tìm việc ở môi trường đòi hỏi sự hợp tác, cạnh tranh cao. Nhiều năm gần đây, vấn đề này được quan tâm hơn, được xác định là kỹ năng cần thiết của SV nhưng trong việc đạo tạo lại chưa hiệu quả hay còn phải phụ thuộc vào các trung tâm đào tạo bên ngoài.
Đại biểu trao đổi tại hội thảo
TS Nguyễn Thị Vân Thanh, ĐH Tài chính - Marketing chỉ ra thực trạng số lượng SV tốt nghiệp hàng năm nhiều, nguồn lực phong phú nhưng người sử dụng lao động lại không dễ tuyển dụng được nhân lực phù hợp. Các nhà tuyển dụng phàn nàn, SV ra trường thiếu các kỹ năng cần thiết như giao tiếp, tác phong làm việc, trình độ tiếng Anh, khả năng làm việc nhóm...
Ngoài một số chuyên đề độc lập, việc trau dồi kỹ năng mềm cho SV hiện nay bắt buộc phải tích hợp vào giảng dạy.
Bà Thanh cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc tích hợp kỹ năng mềm vào giảng dạy ở các trường ĐH - CĐ như thái độ của SV chưa nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm; số lượng SV đông; hạn chế về thời gian khi nhiều giảng viên vẫn cho rằng việc tích hợp kỹ năng mềm làm mất thời gian các chủ đề quan trọng khác.
Giá trị sống mới là nền tảng gốc rễ
Trao đổi tại hội thảo, một giảng viên đến từ ĐH Văn Lang đặt ra vấn đề, có chăng chúng ta đang quay chạy theo vòng cuốn kỹ năng sống mà mà bỏ quên giá trị sống, đó mới là cốt lõi mọi vấn đề.
Ông cho hay, chúng ta có tình trạng vi phạm đạo đức ở ngay trong môi trường học đường. Đó là vấn đề chạy việc, chạy chỗ, tình trạng tiến sĩ, giảng viên đạo văn, thuê người làm luận văn, báo cáo... Hay thực tế SV ra trường khó xin việc còn do thái độ, thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc, với cuộc sống.
Kỹ năng sống phải được hình thành trên nền tảng của giá trị sống. (Trong ảnh: Sinh viên tại TPHCM tham gia tình nguyện tiếp sức mùa thi)
Cùng chung quan điểm này, trong bài báo cáo của mình, ThS Nguyễn Minh Hiền (ĐH Tài chính - Marketing) nhấn mạnh đến vai trò của giá trị sống trong mối quan hệ với kỹ năng sống.
Theo ông Hiền, giáo dục giá trị sống chính là nền tảng của giáo dục kỹ năng sống. Nếu cá nhân chỉ chú trọng kiến thức, tập trung kỹ năng vào góc độ kỹ thuật hành vi mà không gắn với giá trị sống thì lại trở nên nguy hại, giống như hổ mọc thêm cánh theo nghĩa tiêu cực. Cá nhân giỏi, kỹ năng, kỹ thuật tốt nhưng thiếu nền tảng giá trị lại có thể bất chấp đạo đức.
Ông Hiền cảnh báo, người học nếu không có nền tảng giá trị sống đúng đắn thì dù được nhiều kỹ năng thuộc chuyên môn, nghề nghiệp thì cũng khó trả lời được chính xác ý nghĩa và giá trị bản thân, giá trị nhân bản. Khi đó, nghề nghiệp, công việc chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc, lợi ích cho xã hội và cho chính bản thân người đó.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Trường đại học chi tiền tỷ để thu hút tiến sĩ Muốn có nhân lực từ tiến sĩ trở lên làm việc các trường đại học không ngại thay đổi cơ chế. Mỗi năm chi 3- 5 tỷ để thu hút, nâng cao trình độ Khi thực hiện tự chủ năm 2016, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM có nhiều chính sách về nhân lực,nhằm thu hút các nhà khoa học, nhà quản...