Sinh viên sư phạm phải trả phí đào tạo, ai trả phí cho những ước mơ dang dở?
Nhà nước đòi phí đào tạo thì ai trả phí cho những sinh viên này bỏ 4 năm tuổi trẻ đi học, ai trả phí cho những ước mơ, hoài bão sẽ được làm thầy bị dang dở?
Khi tốt nghiệp ra trường, không có mấy sinh viên sư phạm muốn từ bỏ nghề nghiệp mà bản thân mình đã từng bỏ ra 4 năm học tập, phấn đấu. Nhưng, cơ hội để được tuyển dụng và cống hiến cho ngành giáo dục ở thời điểm hiện tại có nhiều không?
Nếu nhìn vào thực tế những năm gần đây, chúng ta hiểu rằng với cách tuyển sinh và tuyển như những năm qua thì không có bao nhiêu sinh viên sư phạm xin được việc làm?
Vì thế, chúng tôi cho rằng Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, yêu cầu sinh viên sư phạm ra trường 2 năm không làm đúng ngành nghề phải trả lại phí đào tạo là rất đúng, rất nhân văn nhưng…không thực tế.
Nếu phân công công tác mà các giáo sinh không nhận nhiệm sở thì việc đòi phí đào tạo mới hợp lý (Ảnh minh hoạ: giaoducthoidai.vn)
Tại khoản 4, điều 85 Luật Giáo dục năm 2019 vừa thông qua đã hướng dẫn như sau: “ Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.
Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.
Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo“.
Chúng tôi cho rằng nếu như quy định này mà ra đời cách đây 20 năm thì hoàn toàn phù hợp và nhà nước không phải mất đi những khoản tiền đào tạo cho sinh viên sư phạm. Nhưng, bây giờ hướng dẫn như vậy e rằng nó vừa thiếu thực tế mà vừa làm khó cho người học.
Hiện nay, sinh viên sư phạm ra trường còn dồn ứ lại hàng chục ngàn con người qua nhiều năm, gần như địa phương nào cũng có nhiều sinh viên sư phạm thất nghiệp.
Nhiều học trò của chúng tôi sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm khoảng 5 năm trở lại đây thì đa số đi làm nhân viên bán hàng ở các siêu thị, cửa hàng điện máy, đi tiếp thị hàng cho các công ty.
Thế nhưng, theo kế hoạch của Bộ Giáo dục thì năm 2019 này, các trường sư phạm sẽ tuyển mới 46.285 chỉ tiêu, số lượng này cao hơn năm 2018 là hơn 30,05%!Những em có sức khỏe tốt đi làm ở các khu công nghiệp, vừa làm vừa tăng ca. Một số em sức khỏe không tốt thì vẫn miệt mài làm ở các quán cà phê mỗi giờ được trả công từ 10.000- 12.000 đồng như thời còn là sinh viên…
Video đang HOT
Luật hay nhưng…chưa bám sát thực tế!
Luật quy định là sinh viên sư phạm sau khi ra trường 2 năm mà không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn kinh phí.
Nhưng, thử hỏi cả 63 tỉnh, thành hiện nay có bao nhiêu địa phương tiếp nhận hết sinh viên sư phạm khi ra trường?
Có lẽ, chúng ta chỉ thấy được 1 địa phương duy nhất vẫn đang duy trì việc tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học hàng năm với số lượng tương đối nhiều là thành phố Hồ Chí Minh.
Bởi đây là địa phương mà dân số liên tục được tăng mạnh qua từng năm. Điều đặc biệt là địa phương này có nhiều trường tư thục và nhiều công việc làm khác có thu nhập tốt hơn ở các trường phổ thông công lập nên nhiều giáo viên họ bỏ nghề (nhất là giáo viên mầm non).
Nhưng, có một điều rất rõ là người dân thành phố Hồ Chí Minh chính gốc không nhiều người theo nghề sư phạm. Vì thế, giáo viên của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có một bộ phận rất lớn là giáo viên ngoại tỉnh.
Trong số 62 tỉnh thành còn lại, ngay cả thủ đô Hà Nội những năm gần đây cũng tuyển dụng rất ít, thậm chí đến bây giờ địa phương này vẫn chưa giải quyết xong bài toán hàng nghìn giáo viên đang phải kêu cứu khi lãnh đạo địa phương có chủ trương cắt hợp đồng.
Những địa phương còn lại, sinh viên sư phạm đi đâu? Đã nhiều năm nay có bao nhiêu học sinh giỏi lớp 12 thiết tha với nghề sư phạm không?
Nếu vẫn tuyển dụng như bây giờ thì chuyện sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp nhiều và tiêu cực tiếp tục sẽ xảy ra.Vì thế, nếu không thay đổi chính sách tuyển sinh, hàng năm các trường sư phạm vẫn tuyển sinh hàng chục ngàn thí sinh để đào tạo.
Sinh viên ra trường muốn được đi dạy nhưng xin việc ở đâu? Lấy gì để xin? Không xin được việc thì nuôi thân còn khó chứ lấy đâu ra tiền bạc để trả lại kinh phí đào tạo cho nhà nước?
Như vậy, lỗi không phải là sinh viên sư phạm không chịu công tác trong ngành giáo dục mà lỗi do ngành giáo dục đã đào tạo nhưng không được các địa phương tuyển dụng, sắp xếp công việc cho sinh viên sư phạm.
Những ước mơ dở dang…
Nếu các địa phương phân công công việc cho sinh viên đã tốt nghiệp ngành sư phạm mà họ không chịu nhận công tác thì mới có thể đòi lại kinh phí đào tạo. Nhưng, sinh viên sư phạm bây giờ ra trường đều long đong đi tìm việc làm.
Nhiều sinh viên mất tiền mà cũng không xin đi dạy được thì cái này thuộc về chính sách vĩ mô, về dự báo nhân lực của ngành giáo dục và các địa phương.
Một khi sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều mà mỗi năm vẫn đưa ra kế hoạch tuyển sinh hàng mấy chục ngàn chỉ tiêu như hiện nay thì chuyện thất nghiệp là điều không tránh khỏi.
Nhà nước đòi phí đào tạo thì ai trả phí cho những sinh viên này bỏ 4 năm tuổi trẻ đi học, ai trả phí cho những ước mơ, hoài bão sẽ được làm thầy bị dang dở?
Tới đây, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đội ngũ giáo viên hiện tại sẽ còn thay đổi rất nhiều.
Không chỉ sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp mà nhiều môn học mới cũng đã có nguy cơ “sẽ thanh lý” nhiều thầy cô giáo đã được biên chế hoặc đã ký hợp đồng dài hạn.
NHẬT DUY
Theo giaoduc.net
Nên nâng mức vay bằng mức học phí đối với sinh viên sư phạm
Góp ý về chính sách tín dụng đối với sinh viên sư phạm trong Luật Giáo dục sửa đổi, nhóm nghiên cứu của Học viện Tài chính vừa đưa ra 3 phương án.
Ảnh minh họa
Chiều 18/1, Học viện Tài chính, Văn phòng Chương trình khoa học giáo dục tổ chức tọa đàm khoa học về tài chính cho giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi.
Một trong những vấn đề đại biểu quan tâm là học phí sư phạm. Theo đó, các ý kiến đều đồng ý không nên tiếp tục cấp bù học phí cho sinh viên sư phạm; đồng thời đề cập đến chính sách tín dụng, chính sách học bổng cho sinh viên sư phạm; các chính sách việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường, thu nhập của giáo viên...
Đối với chính sách tín dụng sư phạm - một điểm mới trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi - nhóm nghiên cứu của Học viện Tài chính đã có báo có tác động về vấn đề này.
Theo báo cáo, trên thực tế, Việt Nam đang thực hiện một chính sách tín dụng HSSV bằng nguồn NSNN để cho vay ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn nhằm đảm bảo cơ hội học tập.
Dù đã thực sự đem lại cơ hội học tập cho HSSV và đảm bảo công bằng xã hội, tuy nhiên, chính sách hiện nay đã bộc lộ những bất cập trong bối cảnh cơ chế tài chính cho giáo dục đang có những thay đổi nhanh chóng. Vì thế, đã đến lúc phải nghiên cứu một cơ chế tín dụng giáo dục theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho việc học tập của người học.
Đề xuất phương án xây dựng chính sách, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 phương án. Cụ thể:
Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành về tín dụng HSSV với mục tiêu hỗ trợ cho HSSV thuộc các hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại các cơ sở giáo dục.
Phương án 2: Quy định về tín dụng HSSV trên cơ sở áp dụng chính sách ưu đãi (ưu đãi về lãi suất và thời gian trả nợ) đối với HSSV là các đối tượng chính sách hoặc trong các lĩnh vực ưu tiên trong Luật Giáo dục; nâng mức cho vay bằng với mức học phí của các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư.
Phương án 3: Quy định về tín dụng HSSV trên cơ sở áp dụng chính sách ưu đãi đối với HSSV thuộc đối tượng ưu tiên đào tạo trong Luật Giáo dục; hình thành cơ chế vay trả linh hoạt, để vừa đảm bảo việc hiện chính sách an sinh xã hội, vừa giúp tăng trách nhiệm của người vay trong việc sử dụng các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, phương án 2 là có nhiều tác động tích cực nhất mặc dù phương án này gây nên áp lực về tiền vốn cho Chính phủ để thực hiện phương án. Nhưng so sánh về lợi ích của HSSV và Nhà nước thì phương án này vẫn là lựa chọn tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta trong giai đoạn 5 năm tới.
Bên cạnh đó, phương án 2 không có các tác động về thủ tục hành chính, cũng như không xung đột với các quy định pháp luật hiện hành.
Để khắc phục hạn chế của phương án 2, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu dịch chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên cắt giảm từ các cơ sở giáo dục đại học bổ sung cho Ngân hàng Chính sách Việt Nam.
Điều này không làm thay đổi cơ cấu chi NSNN cũng như cơ cấu chi cho lĩnh vực giáo dục. Do vậy thẩm quyền quyết định thuộc về Chính phủ.
Góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi về vấn đề tín dụng đối với sinh viên sư phạm, GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, cho rằng, việc thực hiện cho vay tín dụng bảo đảm sự bình đẳng như các ngành khác. Đây là điểm mới.
Tuy nhiên trong thực tế, nếu tính về đầu tư, một học sinh giỏi sẽ chọn lựa ngành khác để khi ra trường thu nhập cao hơn.
Chẳng hạn, một học sinh dự kiến thi vào ngành Công nghệ thông tin, sư phạm và cử nhân, khi tính toán về kinh tế lâu dài, chắc chắn thi cử nhân Công nghệ thông tin mà không thi Sư phạm, nếu học sinh đó không quá đam mê với nghề. Đây là một cảnh báo cần lưu ý.
Vì vậy, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng, trên cơ sở dự báo nhân lực, việc làm; chính sách học bổng và yêu cầu đối với sinh viên sư phạm cần ban hành sớm; còn nếu chỉ đặt ra vấn đề cho vay tín dụng rất khó để cải thiện tình hình.
Nguyễn Nhung
Theo Dân trí
Chia sẻ của giáo viên: Nghề dạy học và những áp lực Dư âm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 còn đọng lại trong kí ức những người làm nghề dạy học bao niềm vui, bao kỷ niệm ân tình nhưng hẳn cũng không ít những khó khăn, áp lực... Ở bài viết này, tôi xin giãi bày những áp lực đang đè nặng xuống người dạy học trong thời buổi hiện nay. Ảnh minh...