Sinh viên “sập bẫy” làm thêm dịp Tết
Mặc dù còn gần tháng nữa mới đến Tết nhưng nhiều bạn sinh viên đang ráo riết tìm việc làm thêm để kiếm tiền tiêu Tết.
Bận rộn làm thêm
Những ngày gần Tết, nhiều doanh nghiệp đang tuyển nhân viên quảng cáo, phát tờ rơi, phát quà khuyến mãi, bán hàng… Đây là những công việc sinh viên có thể làm thêm trong dịp Tết. Chỉ với 2-3 tiếng/1 ca, thu nhập khoảng 200k -300k, nhiều bạn sinh viên có thu nhập khá ổn.
Ở các khu trung tâm thương mại lớn như Big C, Metrol, Vincom… không khí mua sắm ngày càng nhộn nhịp. Rất nhiều sinh viên trong bộ đồng phục tươi tắn đứng tiếp thị cho các mặt hàng như điện thoại, mỹ phẩm, đồ nội thất…Công việc không vất vả lắm, có thể làm theo ca từ 6h sáng đến 2h chiều, lương từ 2 triệu rưỡi đến 3 triệu, tùy theo từng hãng.
Bạn L.T.Thúy nhân viên tiếp thị mỹ phẩm hãng Pond’s cho biết: ” Công việc không yêu cầu kinh nghiệm nhưng đòi hỏi phải có ngoại hình khá, nhân viên cần phải có khả năng giao tiếp tốt, xử lý nhanh nhạy mọi tình huống, năng động và nhiệt tình với công việc”.
Ngoài lương cứng ra, nhân viên bán hàng ở Big C còn được thưởng Tết với số tiền khá lớn , tương đương với lương một tháng làm việc là 3 triệu. Tuy nhiên, thời gian làm việc đến 29 và mùng 3 Tết bắt đầu khai xuân, nên nhiều bạn sinh viên không theo được.
Bạn Lê Trung Đức ( sinh viên năm 4, Viện ĐH Mở) chia sẻ : ” Mình làm nhân viên bán hàng ở đây được gần một năm, công việc ổn định, thu nhập cũng khá nhưng tốn thời gian, nhiều khi nghỉ học để đi làm vì nếu nghỉ nhiều sẽ bị trừ lương và nhiều hơn nữa sẽ bị thôi việc”.
Nhiều bạn chọn việc đi phát tờ rơi, tờ quảng cáo ở cổng trường, cổng chợ…Đây là công việc rất phù hợp với sinh viên. Mặc dù phải đi bộ nhiều, bụi bặm nhưng thu nhập cũng khá, 200k/ca/3 tiếng.
Sinh viên làm thêm.
Video đang HOT
Làm thêm rất hữu ích cho sinh viên, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa có được kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, rất nhiều bạn sinh viên bị “sập bẫy” khi tìm việc , rơi vào cảnh túng bấn.
Bạn Tuấn Tú (Sv năm 1, Đại học Quốc gia) kể : ” Em đến trung tâm giới thiệu việc làm thì được giới thiệu đi trực tổng đài điện thoại. Họ bắt phô tô chứng minh thư, nộp phí 200k, lúc đầu em thấy xót tiền nhưng họ bảo thu nhập khá, có thể kiếm 2 triệu một tháng. Nhưng khi mang giấy giới thiệu của trung tâm sang công ty thì họ cũng bắt đặt cọc 500k và mua hồ sơ 100k mới nhận làm. Em không có tiền, xin rút lại nhưng bên trung tâm không giữ lời hứa lại bảo họ chỉ có trách nhiệm đưa em sang đó. Thế là mất trắng 200k và cả buổi sáng nghỉ học.”
Trường hợp bạn Vũ Văn Thái ( Sv năm 1, ĐH Thương Mại) cũng thảm hại. Thái được một người bạn gái mới quen trên xe bus rủ đi chơi đêm Noel ở một Công Ty bán hàng đa cấp. Đến đó thấy không khí sôi động, các bạn trẻ cũng bằng tuổi mình có khả năng thuyết trình trước hàng nghìn người, lương tháng lại rất cao toàn tiền chục triệu… Được các bạn tận tình “chăm sóc”, chỉ cho con đường làm giàu nhanh nhất, Thái không ngần ngại vay mượn bạn bè, vay nặng lãi, tổng cộng là hơn 3 triệu, trong một buổi chiều Thái có được tấm thẻ nhân viên kinh doanh. Nhưng chỉ sau 2 tuần, Thái tự “rút lui” , lí do là: “Mình thấy mất quá nhiều thời gian vào đó, lúc nào cũng chỉ nghĩ đi làm, tìm khách hàng và chăm sóc mà quên cả ăn, học. Kì thi vừa rồi trượt mấy môn”.
Không chỉ ảnh hưởng đến việc học hành, mà số nợ của Thái cũng khiến cậu sinh viên này đau đầu, lo trả nợ. Số vay lãi ngày càng tăng cao, bạn bè suốt ngày gọi điện thúc giục đòi tiền. Thái tâm sự: ” Mình dành dụm tiền ăn, tiền mua vé tàu mẹ gửi ra để trả nợ, giờ lo kiếm tiền về quê chứ chẳng còn tâm trí nào mà học hành”.
Cảnh giác với nhiều mánh khóe
Có thể thấy, trên khắp các cổng trường, cổng chợ gần đây dán rất nhiều giấy tuyển nhân viên làm thêm dịp Tết. Tuy nhiên lại không thông tin rõ về công việc, địa chỉ mà chỉ tuyển nhân viên năm 1, năm 2. Điều đáng nói ở đây là, rất nhiều bạn sinh viên đã bị lừa.
Cũng vì tìm việc trên tờ rơi mà bạn Phùng Văn Tùng ( sinh viên năm 2, Đại học Giao thông) bị lừa mất xe Sirius. Tùng vừa khóc, vừa kể lể: ” Em thấy tờ rơi có tuyển nhân viên bán hàng dịp tết, lương cao, có thưởng nên gọi điện đến xin phỏng vấn. Được một anh giới thiệu là thư kí hẹn gặp ở quán nước, anh hỏi mấy câu về học hành, đã đi làm ở đâu chưa…Sau đó anh bảo bạn anh gọi có việc, em đợi anh ở đây. Anh mượn xe và để lại cho em cardvisit và chiếc laptop Lenovo. Nhưng đợi hơn một tiếng không thấy anh quay lại, em gọi theo số điện thoại thì thuê bao, xem laptop thì bị hỏng”.
Không chỉ riêng Tùng, còn rất nhiều trường hợp bị sập bẫy như vậy.
Là sinh viên năm 4, có kinh nghiệm tìm việc làm thêm, bạn Phan Thị Hồng ( Sv năm 4, Đại học Kinh Tế Kĩ thuật Công nghiệp) chia sẻ: ” Nếu muốn tìm việc làm thì tốt nhất nên nhờ người thân giới thiệu. Vì đó mới đảm bảo được công việc và tiền lương cho bạn. Qua trung tâm thì phải hỏi ý kiến bạn bè xem trung tâm đó có tin cậy hay không, vì không phải trung tâm nào cũng là lừa đảo. Và tránh tìm việc qua tờ rơi, mình thử nhiều lần rồi nhưng toàn thất bại và không đáng tin”.
Theo TPO
"Thầy giáo tương lai" học giỏi để đền đáp công ơn mẹ
Những ngày cuối năm khi học kỳ 1 kết thúc, nhiều bạn bè về quê nghỉ xả hơi sau một học kỳ vất vả thì cậu SV Đặng Văn Hùng (SN 1992, học năm 2, ngành SP Ngữ văn - ĐH Cần Thơ) cặm cụi đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho học kỳ tới.
Chúng tôi gặp Hùng khi em đang chạy bàn cho một quán cà phê ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), người nhễ nhãi mồ hôi bởi khách vào quán khá đông nên em phải làm việc luôn tay.
Tranh thủ được một khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, trò chuyện với Hùng, chúng tôi được biết em quê ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, một trong những huyện ngoại thành nghèo của TP Cần Thơ. Sau những e dè ban đầu, Hùng cởi mở hơn, nhẹ nhàng sẻ chia về hoàn cảnh của mình. Điều đầu tiên mà Hùng thổ lộ với chúng tôi chỉ gọn lỏn một câu: "Cho đến lúc này em chỉ mới gặp mặt cha của em 1-2 lần gì đó thôi anh à !". Chúng tôi không hiểu sao Hùng lại nói điều này trước tiên và khi nhìn vào ánh mắt của em, chúng tôi thấy có chuyện gì đó xót xa lắm về người cha của em. Một câu thổ lộ của cậu sinh viên 19 tuổi thật sự khiến chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng.
"Thầy giáo tương lai" Đặng Văn Hùng: "Em cố gắng học giỏi để đền đáp công ơn mẹ"
Hùng chia sẻ, nghe mẹ kể lại là lúc mẹ sống bên nhà chồng nhưng do cuộc sống khó khăn nên mẹ của Hùng (năm nay đã 60 tuổi) dắt díu 3 đứa con (1 gái, 2 trai) về lại bên ngoại sống. Về đây, ngoại cho một mảnh đất nhỏ đủ cất tạm mái nhà để che mưa, tránh nắng. Để nuôi các con, mẹ của Hùng lãnh quần áo về may kiếm thu nhập rau cháo qua ngày. Vì hoàn cảnh khó khăn nên chị của Hùng lấy chồng sớm; còn người anh học hết lớp 5 rồi cũng nghỉ để phụ mẹ mưu sinh. Hùng là con út nên được ưu tiên cho đi học đến nơi đến chốn.
Nhắc đến những ngày tháng đi học, Hùng bộc bạch: "Những năm học cấp 2, cấp 3, có đôi lúc thiếu thốn, mẹ chạy hết chỗ này đến chỗ kia mượn tiền cho em đi học nhưng không ai cho vì sợ mẹ không có tiền trả lại. Lúc đó, em thấy thương mẹ lắm nhưng em không biết phải làm gì hơn, chỉ có thể nghe lời mẹ là phải cố gắng học thật giỏi mà thôi. Từ đó em quyết tâm dù có thế nào đi chăng nữa, em cũng học cho giỏi để không phụ lòng mẹ".
Chính những lúc khốn khó như thế nên Hùng càng biết quý trọng đồng tiền cũng như càng yêu thương mẹ hơn. Hùng chú tâm vào học tập để mẹ vui lòng. Rồi những năm học phổ thông, Hùng luôn đạt danh hiệu là học sinh khá, giỏi. Năm học lớp 12, Hùng còn được chọn đi thi học sinh giỏi Văn cấp thành phố. Hùng cho biết, dù không đạt giải cao nhưng em rất vui vì học hỏi được thêm kinh nghiệm cho bản thân.
Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2010, Hùng chọn thi ngành Sư phạm Ngữ văn (Trường ĐH Cần Thơ) và trúng tuyển vào trường với số điểm khá cao, 22,5 điểm. Số điểm cũng đưa Hùng trở thành thủ khoa của ngành này vào năm đó. Hùng cho biết, em rất thích làm giáo viên nên em chọn thi ngành Sư phạm với mong muốn sau này sẽ đi dạy chữ, truyền đạt kiến thức cho trẻ nhỏ.
Đậu ĐH là niềm vui lớn nhưng khi bước vào giảng đường ĐH, gánh nặng chi phí lại càng lớn hơn với gia đình Hùng. Với mẹ em, từ ngày Hùng khăn gói lên TP học là từ ngày đó từng đường kim mũi chỉ của cái quần, cái áo cũng bắt đầu nhanh hơn để kịp gửi thêm cho Hùng những chi phí trang trải cuộc sống và học tập của đời sinh viên. Biết được nỗi vất vả của mẹ, Hùng tằn tiện trong chi tiêu và tập trung vào việc học như những năm phổ thông để mong có kết quả tốt nhất dù có lúc thiếu cái này, không có cái kia.
Năm học thứ nhất, dù đã cố gắng nhưng học kỳ 1, Hùng chỉ đạt kết quả học lực khá. Hùng cho biết, do lên ĐH, phương pháp học khác xa so với phổ thông nên thời gian đầu em không "bắt kịp" nên kết quả không như ý muốn. Vì lẽ đó và không bằng lòng với kết quả này, sang học kỳ 2, Hùng cố gắng hơn và kết quả rất khả quan là cuối năm học, em đạt danh hiệu sinh viên giỏi của trường. Một kết quả làm mẹ Hùng rất vui.
Bảng điểm tổng kết học kỳ 1 (2011-2012) với kết quả xuất sắc của Hùng.
Sang năm thứ 2 ĐH cũng là thời điểm hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn, mẹ không còn mạnh khỏe để làm nên kinh tế gia đình bắt đầu eo hẹp. Hùng cho biết, mắt của mẹ không còn sáng rõ nữa nên công việc nhận may đồ chậm đi, điều đó cũng có nghĩa thu nhập giảm đáng kể và tiền gửi cho con cũng ít dần. Thế nhưng, mẹ của Hùng không chịu nỗi cảnh con trai đi học ĐH kham khổ nên bà quyết định gửi nhà lại nhờ hàng xóm trông giúp rồi lên TPHCM ở với anh của Hùng đang làm công nhân tại đây. Tại TPHCM, mẹ Hùng xin vào giúp việc cho một số quán ăn để kiếm tiền gửi về cho con ăn học.
Chia sẻ với nỗi vất vả của mẹ, ngoài việc học giỏi để có tiền học bổng của trường thì Hùng cũng xin đi làm thêm bên ngoài. Hùng cho biết, em xin được một chân chạy bàn ở một quán cà phê trong nội ô quận Ninh Kiều, làm từ 6 giờ tối đến 10 giờ đêm mỗi ngày, hàng tháng cũng kiếm trên 600.000 đồng để dành dùm chi phí cho bản thân mình. Kiếm được số tiền làm thêm này và số tiền học bổng phần nào đó, Hùng cũng góp phần làm giảm áp lực mưu sinh cho mẹ ở Sài thành.
Vừa học, vừa làm với bao nhiêu khó khăn vất vả, song kết quả học tập của Hùng lại ngày càng cao hơn. Hùng khoe với chúng tôi, học kỳ 1 năm học này em đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc. Hùng đưa bảng điểm cho chúng tôi xem, một bảng điểm khiến nhiều sinh viên khác phải ước mong.
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh (cố vấn học tập lớp của Hùng) không giấu được niềm vui của mình trước kết quả học tập của cậu học trò vượt khó này. Cô Hạnh bày tỏ: "Qua những gì tôi nhìn thấy, quả thật em Hùng là một sinh viên cần cù trong học tập, chịu khó trong cuộc sống, siêng năng trong công việc của mình. Em vừa học, vừa làm Bí thư Chi Đoàn lớp, vừa làm thêm bên ngoài nhưng em biết sắp xếp thời gian để hoàn thành tốt là điều đáng khâm phục".
Chia sẻ ước mong với chúng tôi, Hùng cho biết, dự định tương lai là em sẽ học xong ĐH với kết quả cao. Sau đó em xin đi dạy rồi có điều kiện sẽ tiếp tục học cao hơn để trao dồi kiến thức cho mình. Chàng giáo viên tương lai cũng chia sẻ mong muốn là sức khỏe của mẹ được tốt. "Mẹ là động lực lớn nhất để em học giỏi và vì tất cả điều này, em mong mẹ sống thật lâu để em được đền đáp công ơn của mẹ" - Hùng tâm sự.
Huỳnh Hải
Theo dân trí
Ngăn học sinh bỏ học dịp Tết Ở nước ta mấy năm qua, số học sinh trung học không tăng mà lại giảm, chủ yếu là do bỏ học. Căn cứ vào số liệu đã công bố của văn phòng Bộ GD-ĐT thì năm học 2008 - 2009, cấp THCS có 5.515.123 học sinh, THPT có 2.951.889 học sinh nhưng năm học 2011 - 2012 chỉ còn 4.960.000 học sinh...