Sinh viên ra trường thất nghiệp: Không hẳn là điểm yếu của hệ thống GD đại học
Là người tham gia sâu vào dự án hợp tác Việt Nam – EU thúc đẩy việc làm cho sinh viên tốt nghiệp (EVENT) do Quỹ ERAMUS tài trợ, PGS.TS Lê Quang Cảnh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – đã đưa ra một số nhận định về thực trạng sinh viên tốt nghiệp đại học (ĐH) có việc làm, cũng như chia sẻ giải pháp nhằm tăng tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Ảnh minh họa/internet.
Đánh giá khách quan về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm
- Ông thấy gì qua những con số mà EVENT đã công bố, đặc biệt về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp?
Kết quả khảo sát tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp trong vòng một năm của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vào tháng 12/2017 cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm (theo quy định cách tính trong Công văn số 2919/BGDĐT-GDĐH ngày 10/7/2017 của Bộ GD&ĐT) đạt 95,42% (đã có việc làm là 89,44% và đang học nâng cao là 5,98%). Trong đó, một số ngành tỉ lệ sinh viên có việc làm đạt 100% như Hệ thống thông tin quản lý, Khoa học máy tính, Kinh tế tài nguyên…
Kết quả khảo sát năm 2018 đối với sinh viên tốt nghiệp trong vòng 1 năm đến tháng 11/2018 cho thấy tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 95,81%; trong đó đã có việc làm là 90,06% và tiếp tục học nâng cao là 5,21%. Một số ngành có tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 100% như: Hệ thống thông tin quản lý, Bất động sản, Toán ứng dụng trong kinh tế, Khoa học máy tính…
- Lâu nay truyền thông phản ánh nhiều về tình trạng sinh viên Việt Nam ra trường không tìm được việc làm; có ý kiến cho đó là một điểm yếu của giáo dục ĐH. Là người trong cuộc ông thấy sao?
Sinh viên ra trường không kiếm được việc làm thì có nhiều lý do, trong đó có lý do từ các trường ĐH. Nhưng nếu coi đó là điểm yếu của giáo dục ĐH thì không công bằng cho hệ thống giáo dục ĐH bởi vì mấy lý do:
Thứ nhất: Việc làm trên thị trường lao động thay đổi rất nhanh vì đó là thị trường, còn chương trình giáo dục trong trường ĐH thì không thể thay đổi nhanh như vậy.
PGS. TS. Lê Quang Cảnh
Thứ 2, giáo dục chỉ có thể cung cấp những kiến thức chung, còn kiến thức cụ thể cho từng lĩnh vực hay yêu cầu của từng phân khúc thị trường lao động/doanh nghiệp phải do chính người lao động và doanh nghiệp trang bị.
Nói như vậy để thấy rằng, sinh viên không kiếm được việc làm chưa hẳn là điểm yếu của hệ thống giáo dục ĐH mà điểm yếu nằm ở công tác dự báo xu hướng thay đổi của thị trường lao động, định hướng và hướng nghiệp cho người học và đào tạo để định hướng thị trường lao động.
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động, số lượng lao động thất nghiệp có trình độ ĐH giảm liên tục trong năm vừa qua và còn chiếm 11,7% trong tổng số người thất nghiệp và chỉ chiếm khoảng 0,19% trong tổng số thất nghiệp là 2,17% ở Quý I-2019.
Video đang HOT
Theo kết quả khảo sát việc làm sinh viên thì ở Mỹ 10,71% sinh viên chưa có việc làm (khảo sát của Trường ĐH Cape Town năm 2019).
Ở Tây Ban Nha, kết quả khảo sát của Trường ĐH Valencia thì tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên khoảng 9,2%. Kết quả này không khác biệt đáng kể với kết quả khảo sát mà dự án EVENT thực hiện.
Cần nỗ lực nhiều bên để tăng tỷ lệ lao động ĐH có việc làm
- Việc thống kê, khảo sát với các trường còn gặp nhiều khó khăn, thiếu chính xác. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân về nội dung này?
Từ năm 2017 đến nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện đúng quy định về khảo sát tình hình việc làm sinh viên và công khai kết quả khảo sát theo quy định của Bộ GD&ĐT (nộp báo cáo về Bộ, nhập dữ liệu khảo sát lên hệ thống của Bộ và công khai kết quả trong mục Ba công khai trên trang web của trường).
Dự án EVENT được Trường ĐH Uppsala (Thụy Điển) đề xuất và phối hợp với ĐH Valencia (Tây Ban Nha), ĐH Groningen (Hà Lan) và 5 trường ĐH Việt Nam (ĐH Huế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐHSP Kỹ thuật TPHCM và Trường ĐH Công nghệ TPHCM). Dự án khởi động từ tháng 12/2016 và dự kiến kết thúc vào tháng 3/2020.
Để làm được việc này và đạt kết quả tốt, nhà trường đã xây dựng và kết nối chặt chẽ với cựu sinh viên qua mạng lưới cựu sinh viên của trường.
Đặc biệt, thông tin trước cho tất cả sinh viên khi tốt nghiệp về việc nhà trường sẽ tiến hành liên hệ khảo sát tình hình việc làm của sinh viên để các cựu sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn giữ liên lạc với trường và sẵn sàng thông tin kịp thời.
Trường thực hiện khảo sát qua nhiều kênh: Email, mạng xã hội, gọi điện trực tiếp, liên hệ với các đầu mối lớp trưởng của các lớp… Kết quả khảo sát của nhà trường luôn bảo đảm tính khách quan và độ chính xác theo đúng quy định.
- Tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là mong muốn của mọi trường ĐH. Theo ông, đâu là những việc quan trọng phải làm để hiện thực hóa điều này?
Để đạt được mục tiêu đó thì cần có sự nỗ lực của nhiều bên; còn từ phía các trường ĐH, theo tôi thì có mấy việc cần triển khai:
Thứ nhất: Làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là các ngành mới nổi, làm cơ sở cho xây dựng các chương trình đào tạo.
Thứ hai: Nâng cao chất lượng việc xây dựng và thực hiện chương trình học. Điều này có nghĩa là chương trình tốt, giáo viên tốt, cơ sở vật chất tốt, quản trị chất lượng tốt.
Thứ 3: Xây dựng cầu nối sinh viên với doanh nghiệp/thị trường lao động thông qua nhiều hoạt động: Xây dựng trung tâm việc làm sinh viên, mang tiếng nói và yêu cầu của doanh nghiệp đến sinh viên, tăng cường thực tập tại doanh nghiệp/cơ quan thực tế.
Thứ 4: Xây dựng ngành, chương trình mang tính định hướng thị trường lao động. Đây thể hiện vai trò và trách nhiệm xã hội của trường ĐH định hướng nghiên cứu.
- Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Theo GDTĐ
Bí quyết "săn" học bổng của nữ du học sinh Nhật Bản
Hành trang sang Nhật du học của cô sinh viên Nguyễn Thị Mai Hương, khoá 4, khoa Kế hoạch Phát triển, Học viện Chính sách và Phát triển là ước mơ cháy bỏng được học tập và làm việc tại đất nước mặt trời mọc.
Nữ du học sinh Nguyễn Thị Mai Hương.
Tình yêu thương là bệ đỡ
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Nghệ An quanh năm hứng chịu bão lũ, Nguyễn Thị Mai Hương luôn ý thức phải cố gắng học thật giỏi. Những năm cấp 3, được bố mẹ vẫn động viên, Mai Hương cố gắng ôn tập thật tốt chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời.
Tốt nghiệp THPT, Mai Hương thi vào Trường ĐH kinh tế quốc dân nhưng do thiếu 0,5 điểm nên em đăng ký vào Học viện Chính sách và Phát triển.
Ý định học một năm, Mai Hương sẽ thi lại vào trường ĐH Kinh tế quốc dân. Thế nhưng ý định đó không còn trong em sau khi học hết năm thứ nhất. Em quyết tâm theo học Học viện Chính sách và Phát triển - bến đỗ cuối cùng cho hành trình đại học.
Mai Hương tâm sự: "Em không nỡ rời xa Học viện Chính sách, vì đây là môi trường học tập quá hoàn hảo. Từ trang thiết bị giảng dạy, cơ sở vật chất đến độ nhiệt huyết của các giảng viên. Các thầy cô giáo Học viện thương và chăm lo cho sinh viên khiến em cảm giác như đang đi học cấp 3 chứ không phải đại học.
Chính tình yêu thương đó là bệ đỡ, khơi gợi đam mê, dạy dỗ, rèn giũa để em trưởng thành như ngày hôm nay".
Tích cực trong hoạt động Đoàn
Để có được kết quả học tập tốt trong suốt thời gian học đại học, Mai Hương cho hay cách học của em không có gì quá đặc biệt. Mỗi giờ lên lớp, cô sinh viên đến từ mảnh đất xứ Nghệ luôn tập trung lắng nghe các bài giảng, nếu có gì không hiểu thì cô sẽ hỏi thầy cô, bạn bè, kết hợp thêm tìm tòi, nghiên cứu tài liệu ở thư viện, tài liệu trên mạng.
Nguyễn Thị Mai Hương.
Trong thời gian học đại học, Mai Hương tham gia rất nhiều hoạt động Đoàn.Không chỉ tham gia hoạt động của Đoàn trường, em còn tham gia hoạt động Đoàn của Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng như hoạt động của Đoàn khối các cơ quan Trung ương tổ chức.
Là Bí thư liên chi khoa, Ủy viên Ban thường vụ Đoàn trường, Ủy viên chi bộ Khối Chính trị và Công tác sinh viên nên Mai Hương có nhiều cơ hội tiếp xúc gặp gỡ và giao lưu với nhiều bậc anh, chị đi trước. Nhờ vào đó, Hương có cơ hội mở mang tầm hiểu biết, tiếp thu kinh nghiệm sống nhiều hơn.
Với sự cố gắng và năng nổ trong các hoạt động Đoàn, năm 2016 Mai Hương là 1 trong 35 Bí thư tiêu biểu được đoàn khối các cơ quan Trung ương khen thưởng. Năm 2017, em nhận Bằng khen sinh viên 5 tốt của Khối các cơ quan Trung ương.
Bí quyết săn học bổng du học Nhật Bản
Tốt nghiệp ĐH tháng 7/2017 với tấm bằng giỏi, đến tháng 10/2017, Mai Hương nhận học bổng bán phần du học Nhật Bản. Bắt đầu với môi trường học tập mới, làm quen với nếp sống ở Nhật cũng là sự bắt đầu hành trình mới của cô gái xứ Nghệ.
Chia sẻ về quá trình săn học bổng du học thạc sĩ Nhật Bản, Mai Hương tâm sự: Từ năm thứ nhất, em bắt đầu học tiếng Nhật. Đầu tiên là tự học tại nhà, nhưng tự mình học một ngôn ngữ thật là khó nên em đã tìm đến trung tâm ngoại ngữ.
Khi tốt nghiệp đại học, vốn tiếng Nhật của em cũng kha khá. Em quyết định săn học bổng đi du học ở Nhật. Đây cũng may mắn nhưng cũng là sự cố gắng để theo đuổi ước mơ.
Nguyễn Thị Mai Hương.
Khi hỏi về bí quyết học tập, Mai Hương cho biết, đối với môn Ngoại ngữ, ngoài việc học ở trên trường lớp thì về nhà cũng cần phải năng động, học hỏi thêm bạn bè và các anh chị khóa trước.
Đặc biệt, học ngoại ngữ nếu không chịu khó tìm hiểu môi trường bên ngoài như học trên mạng, đọc nhiều, viết nhiều, không thường xuyên giao tiếp với bạn bè, những người có trình độ ngoại ngữ tốt và nhất là giao tiếp với người nước ngoài.
Theo em, để học tốt bất kỳ một môn nào, điều quan trọng nhất là phải chăm chỉ, kiên trì và chịu khó.
Chia sẻ về dự định tương lai, Mai Hương cho biết, em sẽ họ tập tốt để xong chương trình thạc sĩ ngành Quan hệ quốc tế, Trường Waseda University. Em dự định sẽ làm việc một vài năm ở Nhật sau đó về Việt Nam.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Trường ĐH Kinh tế quốc dân công bố điểm chuẩn năm 2019 Trường ĐH Kinh tế quốc dân vừa công bố điểm trúng tuyển vào trường năm 2019. Năm nay, trường tuyển sinh 5.650 chỉ tiêu, tăng 2,7% so với năm 2018. Điểm chuẩn cụ thể từng ngành như sau: Ngoài các quy định trong Quy chế tuyển sinh 2019 của Bộ GD-ĐT, năm nay trường không áp dụng thêm điều kiện phụ trong xét...