Sinh viên mòn mỏi chờ cấp bằng
Nhiều sinh viên Trường Cao đẳng (CĐ) Kỹ nghệ 2 TPHCM đã tốt nghiệp từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bằng tốt nghiệp. Nhà trường hẹn đến tháng 3-2020 mới có bằng.
Sinh viên N.T.H. phản ánh, em theo học ngành Kỹ thuật dược khóa 2013-2016 và nhận bằng tốt nghiệp tháng 8-2016. Sau đó, nhà trường thông báo tuyển ngành Dược sĩ và tháng 12-2016 em đóng học phí 5 triệu đồng để học chuyển đổi CĐ nghề ngành Kỹ sư thực hành.
Tiếp theo, H. đóng học phí năm học 2017-2018 tới 10 triệu đồng lớp CĐ Dược sĩ (chuyển đổi). Năm 2018, H. tốt nghiệp nhưng đến nay vẫn không có bằng để đi xin việc.
Tương tự, sinh viên H.T.T.T. tốt nghiệp năm 2016 và tháng 6-2017 nhận được giấy báo trúng tuyển nhập học ngành Dược sĩ (chuyển đổi). Thời gian học là một năm (2017-2018), nhưng khi tốt nghiệp thì nhà trường hẹn hết lần này đến lần khác… mà vẫn chưa có bằng.
Theo phản ánh của nhiều sinh viên, lớp học chuyển đổi khóa 2017-2018 Trường CĐ Kỹ nghệ 2 TPHCM có 13 sinh viên, nhưng chưa có sinh viên nào được nhận bằng dù đã tốt nghiệp.
Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, năm 2016, cơ sở đào tạo này chưa được Tổng cục Dạy nghề (nay là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho phép đào tạo ngành Dược. Tuy nhiên, trường vẫn thông báo tuyển sinh ngành Dược để tuyển chính sinh viên đã tốt nghiệp ngành Kỹ thuật dược của trường đăng ký học.
Nhà trường đã lập lờ và không rõ ràng giữa học chuyển đổi và học văn bằng 2. Trong khi thông báo tuyển sinh, biên lai thu học phí ghi rõ là hệ CĐ Dược, nhưng nhà trường giải thích là “chuyển đổi”. Tuy nhiên, văn bản họp giải quyết với sinh viên lại ghi là “văn bằng 2″.
Video đang HOT
Theo biên bản cuộc họp với sinh viên C17VB2, bà Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết trường cam kết đến tháng 3-2020 sẽ phát bằng chính thức và thông báo cho sinh viên khi có bằng.
Trước đó, ngày 9-3-2019, sinh viên đã nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Ngày 26-8, trường tiếp tục gia hạn giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho đến khi nhận bằng.
Phóng viên đã liên hệ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để ghi nhận cách giải quyết vấn đề trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, nhưng không nhận được phản hồi.
Trong khi đó, theo quy định của Thông tư 09/2017 Bộ LĐTB-XH, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho người học đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày người học kết thúc thi môn thi tốt nghiệp cuối cùng (đối với tổ chức đào tạo theo niên chế), hoặc kết thúc môn học, mô-đun cuối cùng trong chương trình (đối với tổ chức đào tạo theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ).
THANH HÙNG
Theo SGGP
Trường nghề lên ngôi
Dù còn rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các trường đại học (ĐH) trong tuyển sinh, nhưng nhiều trường cao đẳng (CĐ) đã tạo được dấu ấn thông qua việc số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất lớn, điểm chuẩn cao.
Trong khi các trường ĐH vẫn còn xét tuyển đợt 2, xét tuyển điểm học bạ THPT, thi đánh giá năng lực để "vét" thí sinh, thì rất nhiều trường CĐ đã tuyển đủ chỉ tiêu. Đây thật sự là điều bất ngờ trong tuyển sinh năm 2019.
Điểm chuẩn cao hơn ĐH
Năm 2019, điểm chuẩn của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM) làm bất ngờ cả nước khi xác lập kỷ lục điểm chuẩn cao nhất trong hệ thống tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô cao nhất với 25,25 điểm, kế đến là ngành Công nghệ cơ khí 22,5 điểm, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 21,5 điểm. Ngành có điểm trúng tuyển thấp nhất là Kế toán cũng đến 16 điểm.
Sinh viên Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM trong giờ học thực hành tại công trình
Theo TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, sau khi thí sinh biết điểm thi THPT quốc gia, trường thông báo nhận hồ sơ xét tuyển theo kết quả kỳ thi và trong một tháng nhận được hơn 10.000 hồ sơ đăng ký, trong khi tổng chỉ tiêu của 9 ngành đào tạo là 2.700. Trước đó, trường cũng dành 300 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả điểm thi kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2019 với điểm chuẩn cũng rất cao.
Tương tự, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho biết trường không xét điểm học bạ THPT mà chỉ xét điểm thi THPT quốc gia 2019. Tổng chỉ tiêu năm 2019 của trường là 3.000 cho 10 ngành đào tạo, nhưng hồ sơ đăng ký vào trường lên đến 7.000. Chính vì vậy, điểm chuẩn của trường từ 15 - 16 điểm.
Ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là Kinh doanh xuất nhập khẩu 16 điểm, những ngành còn lại đều có mức 15 điểm. Tính đến ngày 5-8 (khi các trường ĐH chưa công bố điểm chuẩn), thí sinh nhập học Trường CĐ Kinh tế đối ngoại đạt 106% chỉ tiêu. Nếu tính điểm thủ khoa chính thức nhập học thì nhiều em điểm thi THPT quốc gia từ 22,95 đến 23,7 điểm.
Trong khi đó, nhiều trường CĐ khác như CĐ Công thương, CĐ Kinh tế TPHCM, CĐ Công nghệ Thủ Đức... có kết quả tuyển sinh cũng khởi sắc. Nhiều ngành có điểm chuẩn cao hơn một số ngành ở các trường ĐH khác tại TPHCM.
Nhờ chất lượng đào tạo
Nói về sức hút của trường trong tuyển sinh, TS Lê Đình Kha chia sẻ: "Gắn kết đào tạo giữa nhà trường với DN là mối quan tâm đặc biệt của nhà trường. Trong suốt hơn một thế kỷ hình thành, chất lượng đào tạo là ưu tiên hàng đầu của trường. Để có chất lượng thì phải gắn kết với DN, phải không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, phải đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo để sinh viên tốt nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn... đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của DN.
Nhờ có đủ các điều kiện đó mà "sản phẩm" của trường luôn được các đơn vị tuyển dụng trong và ngoài nước tin tưởng đón nhận". TS Lê Đình Kha lấy ví dụ điển hình là chương trình liên kết đào tạo với Công ty Thang máy Schindler Việt Nam. Theo đó, công ty sẽ tài trợ hoàn toàn học phí cho sinh viên trong chương trình liên kết. Đến nay, đã có 3 khóa sinh viên tốt nghiệp tại trường theo hình thức đào tạo này và sau khi tốt nghiệp các em hoàn toàn có đủ năng lực để làm việc cho Jardine Schindler Việt Nam và các đối tác khác của công ty.
Các chuyên gia phân tích, hoạt động quan trọng nhất trong chuỗi công việc gắn kết với DN là việc thành lập các Ban cố vấn công nghiệp (IAB) cho tất cả các ngành/nghề đào tạo. IAB là những đại diện đến từ các DN có sử dụng nhân lực được đào tạo tại trường. Mỗi năm họp một lần, các thành viên IAB tham gia cố vấn, đóng góp ý kiến về mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất... cho nhà trường.
Trên cơ sở đó, nhà trường thực hiện điều chỉnh chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy... với mục tiêu sinh viên tốt nghiệp có năng lực, thái độ đáp ứng yêu cầu của DN. Theo TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, một trong những hạn chế của trường ĐH khi đào tạo CĐ là họ đào tạo theo hướng hàn lâm, còn các trường CĐ là theo hướng ứng dụng thực hành, nên phương thức đào tạo rất khác nhau.
Học CĐ ở các trường ĐH thì ít được thực hành, thực tập; trong khi học tại các trường CĐ thì thời lượng học thực hành lên đến 70% chương trình đào tạo. Nhờ vậy, sinh viên CĐ ra trường có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thực hành tốt hơn, được các đơn vị tuyển dụng tin tưởng. Về mặt thời gian, thí sinh học CĐ sẽ ra trường sớm hơn học ĐH từ 1 đến 1,5 năm nên cơ hội nghề nghiệp sẽ tốt hơn. Một lợi thế khác nữa là đa số các DN, đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam là DN vừa và nhỏ nên vị trí tuyển dụng thường chọn lao động có trình độ CĐ nhiều hơn là ĐH trở lên.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH), chương trình đào tạo của các trường CĐ hiện nay đã thay đổi theo hướng "vừa học vừa hành", tăng ứng dụng thực hành, gắn chặt với doanh nghiệp (DN) nên nội dung thực hành, thực tập các kỹ năng làm việc thực tế chiếm thời lượng cực lớn. Song song đó, nội dung học kỳ DN ở nhiều trường được hợp tác xây dựng theo hướng ứng dụng nghề nghiệp, thực tập, việc làm thông qua các hoạt động tuyển dụng, hội thảo chuyên đề, các kỹ năng phục vụ công việc... rất thiết thực.
THANH HÙNG
Theo SGGP
Dễ đậu ĐH vẫn mạnh dạn chọn trường nghề Dù đến thời điểm này, các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tuyển nhưng vẫn có một lượng học sinh kiên định chọn học nghề Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2019, Báo Người Lao Động vừa tổ chức bàn tròn với chủ đề "Cơ hội...