‘Sinh viên mới ra trường chưa đủ năng lực nhận lương 2.500 USD’
Chuyên gia tuyển dụng cho biết một số công ty sẵn sàng trả lương khởi điểm 2.500 USD/tháng cho sinh viên ngành Công nghệ thông tin mới ra trường nhưng khó tìm ứng viên phù hợp.
Tại buổi tọa đàm “Nền tảng hôm nay – Vững bước tương lai” do FPT tổ chức ngày 13/4, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Trưởng bộ phận tuyển dụng ngành ICT của Navigos Search Hà Nội – nhận định thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin (IT) đang trong tình trạng thừa mà thiếu.
Bà thông tin báo cáo mới nhất của Navigos thực hiện vào quý I/2017 cho thấy IT đang nằm trong tốp 5 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất hiện nay.
Trên thực tế, trong 3 năm trở lại đây, số lượng công việc tăng gần gấp đôi, từ hơn 9.000 vị trí năm 2014 đến gần 15.000 vị trí năm 2016. Con số này sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới.
Thiếu mà thừa
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh – Xã hội, mỗi năm, ngành IT cần khoảng 80.000-100.000 nhân lực. Trong khi đó, số sinh viên tốt nghiệp chỉ ở mức 30.000 người. Trong tình trạng thị trường “khát” nhân lực IT, kỹ sư ngành này thường nhận đãi ngộ khá tốt so với mặt bằng chung.
Báo cáo của Vietnamwork cho thấy mức lương phổ biến trong nước cho nhân lực chưa có kinh nghiệm của ngành này khoảng 250-500 USD (51%). Chỉ có 5% sinh viên mới ra trường nhận lương khởi điểm trên 1.000 USD.
Tổng quan lương của kỹ sư IT ở Việt Nam. Nguồn: Navigos.
Mức lương phổ biến ngành IT là 700-1.000 USD và thường dành cho nhân lực có 4-5 năm kinh nghiệm.
Bà Hương cũng chia sẻ về xu hướng nghề nghiệp, định hướng phát triển cho các bạn trẻ ngành này. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng cao rơi vào nhóm ngôn ngữ lập trình Java, SQL, CSS và JavaScript. Trong đó, JavaScript đang tăng đáng kể nhờ sự phát triển rầm rộ của các công ty, dịch vụ trực tuyến.
Về lộ trình phát triển, sinh viên IT thường đi theo một trong 3 con đường là trở thành quản lý, chuyên gia hoặc khởi nghiệp. Khoảng 80% trong số họ bày tỏ muốn trở thành quản lý, một phần do vị trí này có đãi ngộ cao hơn.
Tuy nhiên, nước ta đang thiếu trầm trọng chuyên gia Công nghệ thông tin và mức lương của chuyên gia ngành này không hề thấp, ngang với quản lý dự án hay trưởng bộ phận.
Video đang HOT
“Việc lựa chọn hướng đi phụ thuộc khả năng, định hướng nghề nghiệp, mong muốn của cá nhân người lao động. Nhưng dù theo con đường nào, sinh viên cũng cần những kỹ năng nhất định. Đây cũng là câu trả lời cho tình trạng thiếu mà thừa ở nước ta hiện nay”, bà Thanh Hương nhận định.
Có lương 2.500 USD nhưng sinh viên… nhận không nổi
Từ góc độ chuyên gia trong tuyển dụng, bà Hương đưa ra một số yêu cầu, tố chất cần thiết đối với nhân lực ngành IT bên cạnh kiến thức chuyên môn. Theo bà, năng lực ngoại ngữ là kỹ năng được các nhà sử dụng lao động đề cao, thậm chí nhiều công ty thay đổi quy trình tuyển dụng vì yếu tố này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng Việt Nam chưa có sinh viên mới ra trường đủ năng lực nhận lương khởi điểm 2.500 USD. Ảnh: BTC.
Trước đây, các công ty cho ứng viên làm các bài kiểm tra, phỏng vấn về kỹ thuật rồi mới hỏi đến kỹ năng mềm về ngoại ngữ. Ngày nay, họ đặt yêu cầu tiếng Anh đầu tiên. Ứng viên kém ngoại ngữ coi như mất luôn cơ hội trúng tuyển. Đây là điều dễ hiểu khi ngành Công nghệ thông tin thường nhận sự đầu tư về mặt tài chính, công nghệ và chuyên gia từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, quan niệm kỹ sư IT chỉ cần giỏi chuyên môn đã lỗi thời. Họ cần phải biết làm việc nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp tốt vì lập trình chỉ là khâu nhỏ trong quy trình phát triển phần mềm hay dự án. Ngoài ra, ngành này đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng thích ứng và cập nhật tốt cùng với ý thức tự học cao.
“Làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin là quá trình đầy thách thức và gian nan. Kỹ sư cần cập nhật công nghệ mới, thích ứng sự thay đổi. Nếu không nhạy bén, họ sẽ tự đào thải”, nữ chuyên gia nói.
Nhìn chung, số sinh viên IT có thể đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng không cao.
Theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, 70% sinh viên ra trường cần được đào tạo thêm. Khoảng 72% sinh viên thiếu kỹ năng thực hành và hơn 60% yếu kỹ năng làm việc nhóm.
Do đó, khi người lao động không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, dù thị trường thiếu nguồn nhân lực lớn, sinh viên IT vẫn có thể rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc chỉ nhận mức lương thấp.
Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cũng nhắc lại câu hỏi về lương khởi điểm 2.000 USD được một sinh viên đưa ra trước đây. Bà khẳng định nếu theo báo cáo của Navigos và Vietnamwork, chưa có trường hợp nào đạt mức lương này sau khi ra trường.
Nữ chuyên gia thông tin thêm từng có công ty ngỏ lời trả lương khởi điểm 2.500 USD cho kỹ sư IT. Tuy nhiên, họ không thể tìm ra người đủ năng lực cho vị trí đó.
“Tôi có thể giới thiệu cho các bạn công việc với lương khởi điểm 2.500 USD nếu các bạn thực sự xuất sắc, giỏi cả chuyên môn và kỹ năng mềm. Nhưng nước ta hầu như không có ứng viên phù hợp”, nữ chuyên gia nói.
Bà hy vọng trong thời gian tới, sinh viên ngành Công nghệ thông tin sẽ hiểu rõ hơn về yêu cầu công việc, chuẩn bị hành trang tốt nhất để thành công.
Theo Zing
Quá nhiều môn, lấy sức đâu để học!
Nhiều ý kiến lo ngại dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra bởi nội dung môn học lẫn cách đánh giá năng lực chưa hợp lý.
Dự thảo chương trình tổng thể của bộ chương trình giáo dục phổ thông vừa được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến tối 12/4 đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia.
Tăng áp lực học hành
Tại hội nghị đóng góp ý kiến được Viện Khoa học Giáo dục tổ chức ngày 13/4 ở Hà Nội, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết ông không nhất trí với cách xác định các môn học bắt buộc của dự thảo.
Chuyên gia này cho hay ông không biết dự thảo dựa trên cơ sở nào để đưa ra các môn học bắt buộc đối với lớp 11, 12 gồm giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm sáng tạo bên cạnh Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Theo TS Tiến, giáo dục quốc phòng và an ninh tuy rất quan trọng nhưng nên tập trung trong phạm vi nghĩa vụ quân sự, như vậy hiệu quả, chất lượng hơn. Giáo dục thể chất cũng như giáo dục nghệ thuật nên dành cho các hoạt động câu lạc bộ phù hợp sở thích và năng khiếu của từng cá nhân. Hoạt động sáng tạo thì phải được coi là hoạt động nhất thiết phải có trong từng môn học.
"Tôi thấy cách lựa chọn trước đây về các môn học bắt buộc là Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1 là hợp lý hơn và phù hợp thông lệ quốc tế", TS Tiến nói.
Ông Đặng Đình Đại, hiệu trưởng trường THPT WellSpring, Hà Nội, cũng lo lắng khi dự thảo đưa Ngoại ngữ 2 là môn tự chọn cho học sinh ngay từ lớp 10. Theo ông Đại, hiện nay, các trường THPT chưa đáp ứng được việc giảng dạy nhiều ngoại ngữ vì thiếu đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất trường học. Thực tế là ở một số trường THPT có dạy thêm ngoại ngữ 2, học sinh lựa chọn rất ít.
Một giáo viên của Trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội (một trong những trường được phép dạy 2 ngoại ngữ) cho hay hầu hết học sinh chỉ học được một ngoại ngữ, chất lượng học tập ngoại ngữ 2 của các em đa phần là không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều em đăng ký chỉ với hình thức đối phó như kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" nên thực sự là sự lãng phí tiền bạc, công sức và thời gian.
"Việc dạy 2 ngoại ngữ cùng lúc bắt đầu từ cấp THCS có thể khiến áp lực học hành đối với học sinh nặng nề hơn", giáo viên này lo ngại.
Học sinh THPT tại TP.HCM đang làm thí nghiệm hóa học. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Hoài nghi tính hiệu quả của các môn học
Ông Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, cho rằng về bản chất chương trình không có thay đổi bởi những vấn đề cốt tử của giáo dục hiện nay chưa được chạm đến. Ông Đạt cũng cho rằng các khái niệm về môn học như tự chọn, bắt buộc, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa... rắc rối và khó hiểu.
"Vấn đề đáng ra rất đơn giản mà thành phức tạp. Ví dụ các môn "bắt buộc có phân hóa", nghĩa là không bắt học cả môn mà chỉ bắt buộc một số phần của môn, vậy nên gọi là "bắt buộc một phần", ông Đạt cho hay.
Theo hiệu trưởng này, nếu lướt qua thì dự thảo giảm tải chương trình nhưng xét kỹ thì không. Số tiết học của chương trình cũ và mới đều khoảng 30 tiết một tuần, vậy là như nhau. Học sinh lớp 11, 12 bị bắt buộc học tới 6 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Quốc phòng và An ninh, hoạt động trải nghiệm sáng tạo và 3 môn tự chọn bắt buộc nữa là 9 môn.
"Số môn nhiều như vậy lại như cũ. Học sinh không lấy đâu sức lực và thời gian cho các môn định hướng nghề nghiệp cả. Theo tôi, 2 năm lớp 11, 12 chỉ học từ 2-3 môn, còn lại là hoạt động giáo dục thực tế khác. Tôi không hình dung được chân dung học sinh mới vì chưa thấy có thay đổi gì đột phá, chắc vẫn như cũ thôi. Tôi thấy thất vọng!" - ông Đạt bày tỏ.
GS Nguyễn Lân Dũng, Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng ông đủ cơ sở để hoài nghi hiệu quả thực sự của 2 môn học giáo dục lối sống và giáo dục công dân ở bậc THCS cũng như sự tích hợp vào các môn khoa học khác.
Ông cũng cho biết thiếu tin tưởng vào kết quả của việc giảng dạy môn công nghệ và hướng nghiệp ở bậc THCS và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
"Đó là những nội dung khó và ta chưa có kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo. Bao giờ có sách giáo khoa đáng tin cậy cho các môn này? Ai lo đào tạo giáo viên phụ trách công việc khó khăn này? Từ năm 2018 đã có triển khai được hay chưa và nếu chưa thì triển khai từ năm nào?", GS Dũng băn khoăn.
Thạc sĩ Đặng Danh Hướng, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội, cũng cho rằng việc thực hiện chương trình tổng thể mới trong năm học 2018-2019 là quá sớm, trong khi công tác đào tạo giáo viên chưa thể đáp ứng nhu cầu đổi mới.
Theo Zing
Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội tuyển sinh thế nào? Thí sinh đăng ký ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cần vượt qua vòng sơ tuyển, làm hai bài thi năng khiếu và sử dụng kết quả bài thi môn Văn hoặc Toán làm điểm xét tuyển. - Bạn Trần Minh Thúy hỏi: Em muốn đăng ký vào ĐH Kinh tế TP.HCM và thấy nhiều người cũng đăng ký vào đây. Sức...