Sinh viên lo chỗ ở và gánh nặng chi phí
Chuẩn bị bước vào năm học mới, bên cạnh việc bảo đảm cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có được chỗ ở, không phải bỏ học, nhiều trường ĐH còn phải kiểm soát để những chính sách ưu đãi đến được đúng đối tượng.
Ký túc xá – chỉ đủ cho diện ưu tiên
Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, số học sinh-sinh viên (HSSV) đang theo học tại các trường trên địa bàn Hà Nội là hơn 800.000, trong khi hệ thống ký túc xá mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu về chỗ ở của HSSV. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 30.000 SV, khoảng 2/3 số đó có nhu cầu ở ký túc xá nhưng khả năng của trường mới chỉ đủ đáp ứng khoảng 4.000 chỗ ở. T
Trường ĐH Nông nghiệp có 12.000/14.000 SV có nhu cầu ở ký túc xá nhưng cũng chỉ đáp ứng được hơn 3.000 chỗ. Tỷ lệ này ở Trường ĐH Y Hà Nội cao hơn, khoảng gần 30%, khá “lý tưởng” nếu so với một số trường có tỷ lệ rất thấp như ĐH Quốc gia Hà Nội (12,5% nhu cầu), Học viện Ngân hàng, ĐH Dược (10%), ĐH Ngoại thương (5%)…
Mễ Trì là một trong những khu ký túc xá đông sinh viên nhất của Hà Nội.
Mặc dù việc tiếp tục xây dựng ký túc xá là vấn đề bức xúc, song lãnh đạo một số trường cho biết việc này khó có thể được xúc tiến bởi kế hoạch di dời các trường đang được đặt ra trước mắt. Cũng có trường đưa ra kế hoạch dài hơi, như dự án xây dựng tòa nhà ký túc xá có sức chứa 7.000-8.000 SV của Trường ĐH Bách khoa để đáp ứng nhu cầu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sau khi trường đã di dời.
ĐH Quốc gia Hà Nội hiện đang cùng Sở Xây dựng Hà Nội hoàn thiện 2 tòa nhà trong dự án ký túc xá Mỹ Đình để có thêm 3.000 chỗ ở cho SV. Ngoài ra, khu nhà ở SV tại Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp cũng đang được thành phố xúc tiến xây dựng với tổng diện tích sàn 210.000m2, đáp ứng được chỗ ở cho gần 22.000 SV. Các dự án này, sau khi hoàn thiện sẽ cung cấp thêm hàng nghìn chỗ ở chất lượng tốt cho SV, giảm được việc SV phải thuê nhà trọ trong các khu dân cư.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nhìn chung, những dự án nói trên mới chỉ phần nào giảm được tình trạng quá tải của các ký túc xá trong bối cảnh nhu cầu về chỗ ở quá lớn như hiện nay. Cứ vào đầu năm học là các trường phải vất vả đáp ứng yêu cầu ở ký túc xá của SV, mà phần nhiều là các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Để được ở trong ký túc xá, SV phải được xem xét theo các tiêu chí ưu tiên: con gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, SV dân tộc ít người, SV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, SV đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, SV đỗ ĐH đạt điểm cao…
Các tiêu chí đều được các trường xây dựng rõ ràng và đăng tải trên trang web của trường, nhưng theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Hành chính Trung tâm Hỗ trợ SV (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng do nhu cầu chỗ ở quá bức xúc nên nhiều thí sinh muốn chứng minh thuộc diện khó khăn đã nộp cả những giấy xác nhận hộ nghèo do xã, huyện cấp thay vì phải có sổ hộ nghèo đúng như quy định. Những xác nhận tràn lan của địa phương đã gây không ít bối rối cho các nhà quản lý.
Thu học phí chậm 3 tháng với SV khó khăn
Trước khi bước vào năm học mới, Bộ GD-ĐT đã phải yêu cầu các trường ĐH, CĐ nghiêm túc thực hiện việc xác nhận đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho học sinh, SV khó khăn. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong quá trình kiểm tra, bộ phát hiện nhiều cơ sở đào tạo xác nhận tràn lan, cá biệt có cơ sở còn ký khống giấy xác nhận để học sinh, SV tự điền thông tin… Điều này đã gây khó cho các cơ quan chức năng trong việc chi trả tiền miễn, giảm học phí.
Tuy nhiên, theo cán bộ quản lý SV của nhiều trường, hiện tượng nói trên là rất hãn hữu và thường chỉ có khả năng xảy ra với đối tượng có gia đình khó khăn do gặp thiên tai, không phải đối tượng hưởng chính sách ưu đãi thường xuyên. Bà Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Công tác HSSV Trường ĐH Thủy lợi cho biết: Quy trình cấp giấy chứng nhận để SV được địa phương cấp bù học phí rất nghiêm ngặt, được thực hiện nghiêm túc, khó có sai sót như là nhầm đối tượng. Nhà trường vẫn giữ quan điểm làm thật chặt chẽ để không ưu đãi nhầm người, dẫn tới thiệt thòi cho các SV thuộc diện chính sách khác.
Việc được vay tín dụng đào tạo cũng là điều được nhiều SV quan tâm trước khi bước vào năm học. Hiện nay, mức cho vay là 1 triệu đồng/SV/tháng. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đang xây dựng đề xuất bổ sung cho vay đối với các gia đình có từ 2 con trở lên học ĐH, CĐ, học nghề đặc biệt là đề xuất điều chỉnh mức cho vay theo hoàn cảnh khó khăn khác nhau, phù hợp với nhu cầu vay vốn và khả năng nguồn vốn. Việc gia hạn nợ cho SV ra trường chưa tìm được việc cũng đang được xem xét.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho HSSV có đủ thời gian nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí tại địa phương, bộ yêu cầu các trường thu học phí chậm 3 tháng kể từ khi bước vào học kỳ mới đối với HSSV thuộc đối tượng này.
Theo Hà nội mới
Thuốc đặc trị "bệnh" lạm thu?
Ngày 15/8, hơn 1,5 triệu học sinh trên địa bàn TP tựu trường năm học 2012-2013, năm học đầu tiên thực hiện thống nhất mức học phí. Cùng với việc thống nhất một mức học phí, Hà Nội đang xây dựng danh mục các khoản thu để áp dụng chung và công khai. Đây được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu nhằm đặc trị "bệnh" lạm thu ở các nhà trường thời gian qua.
Điều chỉnh học phí đi đôi với chính sách ưu đãi
Theo quy định, học sinh (HS) mầm non, THCS, THPT, bổ túc THCS, bổ túc THPT sẽ đóng học phí theo hai mức: 20 nghìn đồng/tháng/HS (đối với khu vực nông thôn) và 40 nghìn đồng/ tháng/HS (thành thị). Mức học phí này được điều chỉnh theo hướng giảm nhằm tiến tới việc miễn học phí, thể hiện tính ưu việt của Hà Nội trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là với giáo dục.
Dù vậy, trước thông báo mới, chị Kiều Thị Nga ở xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) tỏ rõ sự lo lắng khi đề cập đến những khoản phí chuẩn bị phải nộp cho con trước ngày tựu trường. Chị cho biết, hầu hết người dân ở xã đều là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những nơi phải đóng mức học phí cao hơn.
Minh bạch các khoản thu, giảm tình trạng thu sai, giải tỏa tâm lý băn khoăn, bức xúc của phụ huynh học sinh. Ảnh: Phương Thảo
Giải tỏa mối lo này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hồng Nga khẳng định: Mức học phí mới của Hà Nội được xây dựng bằng với mức thấp nhất trong khung học phí được quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Để hỗ trợ HS khó khăn, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Có 9 đối tượng HS được miễn hoàn toàn học phí. Một số diện HS chính sách hoặc theo học các ngành nghề đặc biệt sẽ được giảm từ 50% đến 70% mức học phí. HS tốt nghiệp THCS được giảm 50% học phí nếu theo học nghề. Ngoài ra còn có 3 diện HS được hỗ trợ chi phí học tập với mức 70.000 đồng/HS/tháng, gồm: HS ở 15 xã khó khăn, HS mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa và HS có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo. Tổng mức kinh phí hỗ trợ cho HS trong năm học này ước tính khoảng 65 tỷ đồng.
Các chế độ này được hỗ trợ trực tiếp tới HS, vì vậy các em thuộc diện ưu tiên dù theo học ở trường công lập hay ngoài công lập đều được hưởng quyền lợi.
"Nóng" với các khoản thu thỏa thuận
Sau 4 năm mở rộng địa giới, bài toán không thống nhất về mức thu giữa các khu vực của TP đã có lời giải, song lại đặt ra nhiều nỗi lo. Ý kiến từ phía các nhà trường cho rằng, bên cạnh việc áp dụng thống nhất mức học phí, cần quy định danh mục và mức trần cho các khoản thu khác trong nhà trường. Việc ban hành danh mục này không chỉ làm minh bạch các khoản thu, giảm đi tình trạng cố tình thu nhiều, thu sai ở một số nơi như đã từng xảy ra, mà còn giải tỏa tâm lý băn khoăn, bức xúc của một bộ phận phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị Hà, phụ huynh Trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm) băn khoăn: Khi chưa điều chỉnh mức học phí, nhiều trường đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của phụ huynh để có thể đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ. Học phí giảm có làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học không?
Nhận thức rõ vấn đề này, liên Sở GD-ĐT và Tài chính đang xây dựng dự thảo danh mục của khoản thu hộ, thu thỏa thuận hộ và thu tự nguyện để trình UBND TP phê duyệt. Quá trình lấy ý kiến góp ý của các cá nhân, đơn vị có liên quan cho thấy, hầu hết các ý kiến đều tập trung đóng góp vào việc hoàn thiện danh mục của khoản thu thỏa thuận - khoản thu được cho là thường bị biến tướng, dễ gây bức xúc trong dư luận. Đây là những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ HS để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ HS trong công tác nuôi, dạy HS (tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú...). Sự cần thiết đã rõ, song để định ra một danh mục cụ thể, thống nhất mức thu là việc không đơn giản.
Đơn cử như việc quy định nội dung tiền nước uống của HS. Có không ít ý kiến cho rằng khoản này không nên thu của phụ huynh mà trích từ ngân sách, bởi từ năm 2011, TP đã tăng định mức ngân sách chi trên đầu HS lên gấp đôi (cấp mầm non là 3,7 triệu đồng/trẻ/năm, trước đây là 2 triệu đồng)... Hay có nên đưa vào danh mục khoản thu tiền điện khi lớp học có sử dụng điều hòa hay không, nếu có thì định mức trần thế nào cũng là vấn đề đang được bàn bạc. Ý kiến từ phía các trường cho biết: Với việc học cả ngày ở trường của đa phần HS hiện nay thì nhu cầu của phụ huynh cho con sử dụng điều hòa rất nhiều. Việc quy định mức trần ra sao cần tính toán cụ thể để có thể áp dụng trong một thời gian dài, vì thay đổi một quy định đã ban hành không phải dễ. Có thể không nhất thiết phải đưa ra con số cụ thể, mà chỉ quy định mức trần theo tỷ lệ nhất định để có thể linh động điều chỉnh trong điều kiện giá cả có nhiều biến động.
Thực tế cho thấy việc mập mờ trong quy định, lỏng lẻo trong giám sát, kiểm tra của các cấp có thẩm quyền là những nguyên nhân khiến tình trạng lạm thu ở các nhà trường tái phát. Vì thế, việc thống nhất, công khai danh mục các khoản thu trong trường học là cần thiết, tạo thuận lợi cho cơ sở và là căn cứ pháp lý để các cấp quản lý giám sát việc thực hiện. Danh mục này dự kiến sẽ được công bố trước ngày khai giảng năm học mới và được kỳ vọng là phương thuốc đặc trị "bệnh" lạm thu trong các trường học trên địa bàn TP.
Theo Hà Nội mới
Hai ngày không tắm vì bận tiếp sức sĩ tử "Áo đồng phục của em mấy ngày không giặt rồi", "Nhóm tụi em 2 ngày nay không tắm" - câu nói tâm tình của các bạn sinh viên tình nguyện cho thấy mức độ khẩn trương của công việc các bạn đang làm. Câu nói giống như đùa vì được thốt lên trong những phút cười giỡn cho đỡ mệt, ngỡ như thật...