Sinh viên lao vào làm thêm, “quên” cả ra trường
Lao vào làm thêm, kiếm tiền, nhiều sinh viên quên mất nhiệm vụ chính của mình là hoàn thành nhiệm vụ học ở giảng đường, thậm chí có người mất luôn cơ hội tốt nghiệp.
“ Hội sinh viên yêu trường”
Học ngành Báo chí, nghe theo đàn anh, nghề báo chỉ cần kinh nghiệm, cần dấn thân, bài vở… nên từ năm 2, L.X.D. (26 tuổi, hiện vẫn đang là SV Trường ĐH KHXH&NV, TPHCM), đã lao vào đi làm thêm, viết bài.
Sau thời gian lăn xả, bạn bè bắt đầu ra trường còn nhiều bỡ ngỡ thì D. trở thành cộng tác viên cho một vài tờ báo, đã có mối quan hệ trong nghề khá rộng, có kinh nghiệm, kỹ năng làm nghề, có thu nhập…
Sinh viên rất quan tâm đến việc đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, kiếm tiền (ảnh minh họa)
Vài năm sau, bạn bè cùng khóa dần dần tìm được công việc, chỗ đứng. Mọi người không khỏi thắc mắc là D. vẫn mãi là chân cộng tác viên lon ton, chưa chịu tập trung phát triển một nơi cố định nào.
Sau đó, mọi người mới té ngửa, D. là thành viên trong “hội SV yêu trường”, nhiều năm rồi không thể tốt nghiệp vì nợ môn trả đi trả lại chưa nổi. Cho dù cậu lăn xả tới đâu, kinh nghiệm thế nào thì để hành nghề một cách chính thức và nghiêm túc, cậu vẫn phải có bằng tốt nghiệp.
D. kể, không chỉ cậu, mà nhiều SV ở nhiều ngành khác cũng thuộc “hội SV yêu trường”. Chủ yếu các bạn lao vào đi làm thêm kiếm tiền, lấy kinh nghiệm nên bê trễ việc học nên được trường “giữ lại”. Các bạn rơi vào cảnh “đi nhanh về chậm”.
Hầu hết, ở các trường, các ngành đều có tình trạng SV mải mê làm thêm, không qua nổi môn thi nên mãi không ra được trường. Cũng không hiếm trường hợp, mải đi làm, khi nhớ quay lại thì đã hết thời gian tối đa để hoàn thành khóa học.
Theo học một ngành kỹ thuật ở TPHCM, L.Đ. bắt đầu đi làm thêm từ cuối năm thứ nhất. Có thu nhập, có kinh nghiệm…, Đ. mải miết quên mất rằng mình còn phải tốt nghiệp khóa học. Khi bạn bè đã ra trường, đi làm, Đ. mới nhớ mình vẫn còn là SV.
Video đang HOT
Đ. quay lại nhưng thi mãi không qua nổi môn tiếng Anh và để lỡ mất thời gian tối đa để hoàn thành khóa học và “rớt” xuống hệ Vừa học vừa làm. Việc không thể tốt nghiệp đại học chính quy là một rào cản đối với Đ.
Làm thêm không ra được trường: Điểm trừ!
Tập trung vào việc học hay dốc sức đi làm thêm lấy kinh nghiệm là quan tâm được nhiều SV đặt ra tại tọa đàm ra mắt cuốn sách “Bạn đang nghịch gì với đời mình?” được tổ chức tại TPHCM mới đây.
ThS Nguyễn Thanh Thủy, quản lý tuyển dụng ManpowerGroup Việt Nam cho hay, bà gặp nhiều SV đi thực tập trong thời gian nghỉ hè, làm việc rất hiệu quả. Nhưng vào năm học, các bạn làm việc rất tụt dốc, không hiệu quả và vì đi làm nên việc học cũng sơ sài, lơ mơ.
Bà đã phải khuyên các bạn, hãy tập trung cho việc học, đừng để dang dở cả hai. Dù muốn hay không thì khi đang là SV, trước nhất cần là tốt nhiệm vụ của mình là việc học.
Sinh viên năm cuối ở TPHCM trao đổi với nhà tuyển dụng (Ảnh minh họa)
Đối với việc tích lũy kinh nghiệm, theo bà Thủy, kinh nghiệm không nhất thiết cứ phải đi làm thêm mới có. Các bạn có thể học hỏi kinh nghiệm ngay khi đang học, khi nghiên cứu, hoạt động xã hội qua làm việc nhóm, tương tác với người khác, thể hiện trách nhiệm của mình trong từng công việc…
TS Dương Ngọc Dũng, ĐH KHXH&NV TPHCM cho hay câu hỏi đi làm thêm hay tập trung học, nghiên cứu thì mỗi người cần hiểu chính bản thân mình nhưng cũng phải xác định làm việc gì đi nữa, cũng buộc phải thật sự chuyên tâm, phải đạt hiệu quả.
Ông Dũng cho hay, đi làm thêm dẫn đến hậu quả không thể ra trường là điểm trừ trong mắt nhà tuyển dụng. Dù hiện nhiều nơi không xem trọng bằng cấp nhưng một SV học hành nghiêm túc, đầy đủ, có một tấm bằng đẹp sẽ là điểm cộng vì nó thể hiện sự nghiêm túc của bạn với nhiệm vụ của mình.
TS Nguyễn Ngọc Dũng đưa ra lời khuyên, SV cần nhất là hãy làm tốt nhiệm vụ học tập của mình, học tập, nghiên cứu một cách hiệu quả. Học không phải để nhồi nhét kiến thức mà học để nhận diện khả năng của bản thân. Học nghiêm túc xong, bạn sẽ có những trải nghiệm làm việc nghiêm túc, hơn là ôm đồm cả hai rồi dang dở thì chẳng hay ho gì.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Nâng chuẩn trình độ của giáo viên: Coi chừng cuộc chạy đua bằng cấp
Việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên ở các cấp học có thể diễn ra cuộc "chạy đua" bằng cấp với quy mô lớn, rất khó kiểm soát.
Chính phủ vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về Kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Một trong những điều đáng chú ý mà dự thảo đưa ra là về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên. Theo đó, Chính phủ nhất trí với nhóm ý kiến thứ nhất là sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 72 của dự thảo Luật về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên Tiểu học, THCS, THPT.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) yêu cầu có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên Tiểu học, THCS, THPT (ảnh minh họa)
Đối với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn luận án tiến sĩ. Quy định này nhằm thể chế hoá Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88/QH, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.
Cần có sự kiểm soát cơ sở cấp chứng chỉ sư phạm
Trước quy chuẩn mới về trình độ của giáo viên ở các cấp học, bà Trần Thị Hồng Hạnh, giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội đồng thuận với việc nâng chuẩn trình độ giáo viên ở các cấp học.
Tuy nhiên, nếu Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) thì Bộ GD-ĐT cần có Thông tư hướng dẫn, quy định rõ độ tuổi, thời gian, lộ trình để giáo viên nâng chuẩn trình độ. Ví dụ như nếu quy chuẩn trình độ giáo viên áp dụng từ năm 2019 thì Bộ cần quy định 3 năm sau, giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng, 4 năm sau mới phải có bằng đại học.
Bởi nếu như năm 2019, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) mà không quy định độ tuổi, thời gian để giáo viên nâng chuẩn trình độ thì nhiều giáo viên Tiểu học, THCS, THPT chưa có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm sẽ phải "chạy đua" đi học hoặc bằng mọi cách có được bằng tốt nghiệp. Như vậy, cuộc "chạy đua" bằng cấp sẽ diễn ra quy mô lớn, rất khó kiểm soát.
Còn những giáo viên đang giảng dạy đã đạt chuẩn ở thời điểm họ thi tuyển vào ngành Giáo dục nhưng hiện chưa đáp ứng được yêu cầu mới thì các địa phương, trường học có thể để họ nâng cao trình độ bằng hình thức khác như tham gia vào lớp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Theo bà Hồng Hạnh, quy định như thế này cũng chấp nhận được nhưng chứng chỉ đó phải đảm bảo chất lượng. Theo đó, Bộ GD-ĐT chỉ cho phép những cơ sở đào tạo nào đủ năng lực, uy tín, có trách nhiệm mới được cấp bằng chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm. Điều này nhằm tránh trường hợp mua bán chứng chỉ sư phạm diễn ra ở nhiều nơi, người học thì không học thực sự, chỉ cần có tiền là có thể mua được chứng chỉ.
Giáo viên có thâm niên công tác sẽ "ngại" đi học
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Giang, chuyên ngành Vật lý từ năm 2000, cho đến nay, thầy giáo Trần Bá Minh, tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, trường THCS Lê Quý Đôn, TP Bắc Giang đã có bằng đại học. Nhiều giáo viên cấp THCS cùng lứa với thầy đa phần cũng đã đạt chuẩn theo như dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đưa ra.
Tuy nhiên, có một bất cập giữa giáo viên trẻ tuổi với giáo viên có thâm niên giảng dạy khi phải nâng cao trình độ. Đó là với giáo viên trẻ có hệ số lương còn thấp, việc học tập để nâng cao bằng cấp từ cao đẳng lên đại học sẽ có lợi cho việc nâng lương. Còn đối với những giáo viên thâm niên công tác lâu năm có trình độ cao đẳng muốn học lên đại học thì không được tăng thêm lương mà lại còn tốn kém kinh phí để đi học nên sẽ có nhiều người ngại đi học. Vì vậy, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) chỉ nên áp dụng cho những giáo viên ở từng độ tuổi, chứ không nên áp dụng với tất cả giáo viên ở mọi lứa tuổi.
Nếu việc đi học nâng chuẩn trình độ áp dụng ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thì giáo viên cũng gặp những trở ngại vì đường sá ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi đi lại rất vất vả.
Theo thầy giáo Trần Bá Minh, nếu thực hiện nâng chuẩn trình độ giáo viên cho giáo viên ở vùng khó khăn thì địa phương nên tạo điều kiện để họ học tập trung vào cuối tuần.
Bích Lan
Theo VOV
Giáo viên mầm non làm thêm kiếm sống Nhiều giáo viên mầm non ở trường công lập phải làm thêm kiếm sống vì thu nhập không đủ sống. Theo VTV