Sinh viên làm gì trong giờ học?
Hoạt động của sinh viên trong giờ lên lớp rất “phong phú”, “đa dạng”, vì mỗi người sẽ chọn cho mình một cách tiếp thu khác nhau.
Khi lười học, khi môn học ấy “cực kì chán”, khi không hứng thú, khi vì một vài lí do không chính đáng, sinh viên có thể cúp học bất cứ lúc nào. Nhưng nếu có điểm danh, bắt buộc đi, thì họ sẽ miễn cưỡng đến trường. Và họ làm gì trong giờ học?
Chăm chú nghe giảng (chiếm rất ít)
Biểu hiện: Thường ngồi bàn đầu, chăm chú nghe giảng, tích cực phát biểu, đặt vấn đề hỏi lại thầy cô, siêng làm bài tập, chép đầy đủ nội dung trong bài giảng, ghi chú thêm một số điều không có trong sách vở, lúc có thuyết trình thì hăng say nghe, hăng say đăng kí, hăng say đặt vấn đề. Dù môn học có chán cách mấy, dù buồn ngủ đến thế nào, họ vẫn lắng nghe với phương châm “thà học nhiều còn hơn bỏ sót”. Chỉ trong trường hợp bất khả kháng, họ mới nghỉ học. Tóm lại, họ là “ngọc trong đá”, lâu lâu mới thấy được một người.
Nói chuyện
Biểu hiện: Thường ngồi bàn giữa hoặc bàn cuối, đôi khi ngồi bàn đầu. Họ tụm lại với nhau theo từng cặp, hay một nhóm ba người, bốn người. Họ nói rất khẽ, và họ hăng say vào câu chuyện, quên cả không gian, thời gian. Khi có một số nội dung cần ghi chú, họ sẽ “nghỉ ngơi” để chép miệt mài, sau đó tiếp tục tán chuyện. Chủ đề họ nói là vô cùng bao la, rộng lớn, họ tập trung, lao lực hết mực chỉ để được nói, được trò chuyện và xua tan đi nỗi uể oải chán chường. Thời điểm nói chủ yếu vào lúc khoảng 30 phút tính từ khi tiết học bắt đầu, và có thể kéo dài cho đến khi nghỉ giữa giờ, thậm chí đến cuối tiết học.
Video đang HOT
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Suy nghĩ bâng quơ
Biểu hiện: Nhìn giảng viên, nhìn bảng, nhìn quanh lớp, nhìn ra cửa sổ, sau đó tập trung nhìn về một điểm nào đó nhưng tâm trí vẫn hướng về những điều xa xôi, chẳng hạn như mai này mình sẽ ra sao, làm gì, “nửa kia” của mình là ai, ngày mai nên đi uống cà phê hay xem đá bóng, tối nay không ngủ thì nên làm gì, giờ này ba mẹ đang thế nào… Có khi giảng viên kể một câu chuyện, họ bị đắm chìm trong câu chuyện ví dụ đó, và tưởng tượng thêm một vài tình tiết khác cho đến cuối giờ…
Giết thời gian
Biểu hiện: Họ nguệch ngoạc vài dòng lên giấy, vẽ những gì mình tưởng tượng, hớp một ngụm nước, ăn một viên kẹo, lấy máy tính ra bấm, chọc ghẹo người ngồi kế bên, mân mê quyển sách, liếc sang chiếc đồng hồ của tên ngồi trước, nhìn sang một bạn nữ đáng yêu, xem cách trình bày slide trên máy chiếu… Nói tóm lại, họ làm những việc không tên vô nghĩa để mong thời gian trôi qua thật mau. Nhưng thường thì càng trông đợi, càng thấy mọi thứ diễn ra vô cùng chậm…
“Ôm” điện thoại
Thời hi-tek, chiếc điện thoại là “vật bất li thân”, thế nên cứ 5 phút, sinh viên lại lôi điện thoại ra xem giờ cũng không còn là chuyện lạ. Đôi khi họ sẽ nhắn tin qua lại, chat, vào web, nghe nhạc, hoặc chơi game trên điện thoại. Hết pin, đôi khi họ sạc trực tiếp trong giảng đường! Thời gian trôi, họ mải mê với chiếc điện thoại…
Ngủ
Ban đầu, họ cố chống cằm và nghe giảng chăm chú để xua tan đi cơn mệt mỏi. Rồi họ gục xuống bàn (tai vẫn chăm chú nghe giảng, chỉ là họ hơi buồn ngủ tí thôi), sau đó họ ngủ quên từ khi nào chẳng rõ. Cho đến khi có một tràng pháo tay, một câu nói nhấn mạnh, một tiếng ồn lạ nào đó, họ mới sực tỉnh, và với cái đầu nhức như búa bổ (do ngủ chưa đủ giấc và do ngủ gật), họ tiếp tục nghe giảng mà đầu trống rỗng, chẳng có khái niệm rõ rệt…
Có vẻ như là siêng năng, nhưng…
Biểu hiện: Họ ngồi thẳng, im lặng và ghi chép, nhưng họ nghe “tiếng được tiếng không”, vì họ lắng nghe như phản xạ, nhưng đầu óc mải mê nghĩ đến những chuyện khác, hay lo ra, muốn được về… Đôi khi họ sẽ che miệng ngáp, gục đầu xuống rồi lại thẳng người ngay, tiếp tục nghe giảng… Thi thoảng họ lại xem đồng hồ, lôi điện thoại ra nhắn tin, nói chuyện với bạn bên cạnh… Tóm lại, họ hoạt động rất nhiều, mà tiếp thu được bao nhiêu thì chỉ có họ mới hiểu…
o0o
Dù họ làm gì trong giờ học đi chăng nữa, thì khi hết giờ, họ đều có chung một điểm: gương mặt tỉnh táo, thoải mái vô cùng và hứng khởi khi… ra về.
Theo Mực tím
Phải có phương pháp khoa học trong học tập
Nếu không có phương pháp khoa học trong học tập thì năng suất học tập của bạn sẽ rất thấp, kiến thức tiếp thu không vững chắc và khó ứng dụng kiến thức trong thực tế.
Muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả trong học tập, phải học có phương pháp trong tất cả các khâu: từ nghe giảng, ghi chép, làm bài và chú tâm tự học.
Nghe giảng: Nếu chú tâm nghe giảng, hiệu suất tiếp thu đạt tới 50 phần trăm
Trong đời sống hàng ngày, quá trình thông tin chiếm tới hai phần ba thời gian hoạt động của con người, trong đó viết chỉ chiếm 9 %, đọc 16 %, nói 30 % và nghe 45 %. Hiện nay, nhiều bạn nghe giảng một cách không khoa học còn phổ biến. Người nghe, hoặc cặm cụi ghi chép mà không hiểu người giảng nói gì, hoặc suy nghĩ mung lung về bài giảng, hoặc nghĩ đến việc khác. Kết quả là sau đó, đầu óc người nghe không có ý niệm rõ ràng hoặc có một mớ hỗn độn các ý niệm, hoặc không có ý niệm gì trong đầu. Đây quả là sự lãng phí lớn về thời gian và sức lực của cả người giảng lẫn người nghe.
Ghi chép: Không ai có thể tự tin vào trí nhớ của mình mà không cần ghi chép
Khi một ý niệm được tay ta trực tiếp ghi trên giấy là hình ảnh của ý niệm này được đậm nét thêm ở trong óc. Có ghi chép bài, học bài càng chóng thuộc. Cũng có bạn thích ghi chép nhưng ghi chép không đúng cách. Họ ghi lia lịa đặc cả trang giấy, thậm chí tới mức sau này chính bản thân cũng không đọc nổi những điều đã ghi. Cách ghi như vậy chỉ làm nhọc cơ thể và trí não một cách vô ích.
Làm bài, thực tâp: Học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải gắn liền với thực tập
Không bao giờ học một cách hời hợt. Học không chỉ là lưu trữ kiến thức rồi để đó, mà chỉ có thực hành, làm bài nhiều thì mới có thể nhớ kỹ, nhớ lâu. Ở bậc học cao hơn, thực tập là hình thức học tập không thể thiếu ở các trường, nhất là ở trường đại học. Thực tập có thể tiến hành ở phòng thí nghiệm, trên thực địa, hay ở các cơ sở nghiên cứu, sản xuất... với mục đích rèn luyện các thao tác kỹ thuật nhằm củng cố, kiểm tra kiến thức lý thuyết đã học và để tập dượt ứng dụng kiến thức khoa học trong thực tế.
Tự học: "Khả năng quý giá giúp con người thành công trong mọi việc"
Ta không thể chỉ bằng lòng với cách học thuộc các công thức, quy luật, nguyên lý nêu trong tài liệu, mà phải tự tìm hiểu sâu thêm về những điều đã học. Phải tập luyện kết hợp ba khả năng: nghe, xem và ghi. Trí nhớ âm thanh sẽ được kết hợp với trí nhớ hình ảnh, ấn tượng của kiến thức dễ ăn sâu vào trong vỏ não. Thoạt đầu, thì hai loại trí nhớ này hoạt động tách rời, chú ý nghe thì quên ghi hay trái lại. Nhưng chỉ sau một thời gian chú tâm tập luyện, ai cũng có thể kết hợp các khả năng này.
Tính cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác và khả năng tập trung chú ý phải được rèn luyện mới có chứ không do bẩm sinh tự nhiên mà được. Ngoài ra, rèn luyện sự chú tâm học cả những môn không thích, ta sẽ đồng thời rèn luyện được nghi lực, chủ động tập trung khi cần thiết. Đây là khả năng quý giá giúp con người thành công không chỉ trong học tập mà còn trong tất cả mọi việc.
Chúc các bạn đạt nhiều kết quả tốt trong học tập.
Theo Học Mãi
Trường học trên đỉnh núi Đó là ngôi trường tiểu học Xichan "tọa lạc" trên một ngọn núi đá của ngôi làng nhỏ bị ngăn cách bởi dãy núi Taihang, Changzhi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Từ thị xã, phải mất 2 giờ đồng hồ lái xe trên đường núi gập ghềnh mới tới được. Trường học này có 8 học sinh được chia thành 3 khối lớp...